Thêm một bất ngờ từ bộ phim tình báo “17 khoảnh khắc mùa xuân”

Thứ Ba, 04/03/2008, 10:00
Ở Liên Xô (cũ) người ta thường kể lại một câu chuyên vui thế này: Sau khi xem xong bộ phim "17 khoảnh khắc mùa xuân", Tổng bí thư Leonid Brezhnev mê nhân vật Shterlits đến mức ông đề nghị ngay lập tức phong tặng cho anh danh hiệu Anh hùng Liên Xô...

Người ta giải thích cho Leonid Brezhnev rằng Shtirlits là nhân vật hư cấu, nhưng ông "không tin" và đã phong Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa cho diễn viên Vyacheslav Tikhonov (người vào vai Shterlits).

Đây chỉ là câu chuyện vui nhằm nói lên tài năng diễn xuất tuyệt vời của Vyacheslav Tikhonov. Tuy nhiên, lần này nguyên mẫu của Shtirlits đã thực sự lên phim. Ngày 12 tháng 1 vừa qua, tại thành phố Sevastopol, miền Nam nước Nga, bộ phim truyền hình 16 tập về những năm tháng tuổi trẻ của nhà tình báo Xôviết Maksim Isaev (do nghệ sĩ trẻ Daniil Strakhov thể hiện) với tên gọi Isaev đã được khởi quay. Chính Maksim Isaev là nguyên mẫu của nhân vật nhà tình báo Shtirlits trong phim "17 khoảnh khắc mùa xuân".

Theo đạo diễn phim Sergey Ursulyak, bộ phim dựa trên ba tác phẩm của nhà văn Yulian Semyonov: Truyện ngắn "Sự dịu dàng", hai tiểu thuyết "Kim cương dành cho chuyên chính vô sản" và "Không cần mật khẩu". Trong tiểu thuyết thứ nhất được viết năm 1964, Isaev khám phá thành công các vụ trộm ở Cục bảo vệ quốc gia trong những năm 1920 đầy khó khăn.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai được viết vào năm 1971. Cốt truyện dựa trên những sự kiện có thật mà Yulian Semyonov đã tìm thấy trong những bức thư của Lenin gửi chỉ huy trưởng Mặt trận phía đông Bokie về việc nhà tình báo trẻ Maksim Isaev trà trộn vào hàng ngũ bạch vệ ở vùng viễn đông.

Cũng theo Sergey Ursulyak, đây sẽ là câu chuyện của một con người đi tìm chỗ đứng của  mình trong cuộc sống, câu chuyện về cuộc nội chiến vô cùng gian khổ.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo Sự thật thanh niên với đạo diễn Sergey Ursulyak.

- Xin ông cho biết điều gì khiến ông quan tâm tới một câu chuyện đã cũ?

+ Đây không phải là phim về chính quyền Xôviết cũng như những người chống chính quyền Xôviết. Chúng tôi kể câu chuyện về một người trẻ tuổi bị đẩy vào giữa hai chiến tuyến. Anh ta quyết định đứng về phía nào, đồng thời hoài nghi về sự lựa chọn của mình.

Nói đúng ra, tôi làm phim không phải về Isaev, mà về sự khó khăn của việc phải làm một "người quen giữa những kẻ xa lạ và làm một kẻ xa lạ giữa những người quen". Và tôi có cảm giác rằng nhân vật của chúng tôi không bao giờ quên được bi kịch của mình thời trẻ.

- Vậy thì vấn đề hệ tư tưởng của các cuốn tiểu thuyết của Yulian Semyonov được phản ánh như thế nào?

+ Tôi muốn kể câu chuyện theo các cuốn tiểu thuyết mà tôi đã từng yêu thích thời trẻ. Nhưng chúng tôi đi rất xa bản gốc văn học, vì vậy trong bộ phim sẽ không có những câu chuyện "đèm đẹp" như đã có trong tiểu thuyết của Yulian Semyonov. Trong phim sẽ có nhiều pha bạo lực. Những kẻ bạch vệ hoặc là không được chết bằng cái chết của mình, hoặc phải chịu đau khổ, dằn vặt trong kiếp sống lưu vong, nghèo khổ và lãng quên. Cuộc nội chiến chỉ mang lại cái ác cho mọi người.

- Phải chăng ông dám "viết lại" tác phẩm cổ điển?

+ Tất cả mọi người đều hiểu rằng thời đại đã đổi khác, và hiện nay không thể đặt ra những vấn đề như chúng được đặt ra đối với Yulia Semyonov. Hơn nữa, con gái của nhà văn, Olga Yulianovna, đã đọc kịch bản và đồng ý.

Vì vậy, trong phim của chúng tôi, điều chủ yếu là cốt truyện phiêu lưu, trinh thám, còn Isaev là một nhân vật đau khổ, bởi anh ta ít tác động tới hoàn cảnh. Tôi không muốn để Isaev trở thành người chiến thắng. Trong bộ phim của chúng tôi, không có câu trả lời đơn nghĩa thế nào là sự thật. Tôi sẽ cố gắng thể hiện làm sao để những con người của cả hai phía đều trung thực, và mô tả thời đại vốn luôn luôn tồi tệ hơn con người.

- Liệu ông có muốn nhấn mạnh trong phim của mình rằng Maksim Isaev chính là Shtirlits?

+ Bộ phim của chúng tôi là một tác phẩm hoàn toàn độc lập. Mặc dù vẫn có những điểm tiếp cận nào đó có thể xuất hiện. Chúng tôi cảm nhận chúng và cố gắng để điều đó không trở nên ám ảnh và lặp lại. Vì vậy, nếu như có điều gì đó xảy ra thì chỉ dưới dạng những trích đoạn kín đáo. Có thể tác phẩm sẽ sử dụng những cảnh phim thời sự. Tôi không muốn thế, nhưng có những điều mình không thể phục hồi và tự quay được.

- Bao giờ thì khán giả được xem bộ phim?

+ Hy vọng vào mùa xuân 2009

Trần Hậu
.
.