Thầy lang tiểu thuyết gia và... thi sĩ

Thứ Năm, 04/04/2013, 08:02
Ông có bằng bác sĩ y học cổ truyền hẳn hoi, lấy ở Đại học Y Dược Tp HCM. Nhưng không mở phòng mạch (hoặc không có khả năng mở phòng mạch) đành ẩn ở ngôi nhà nhỏ của một người bạn cho mượn sâu trong ngõ nhỏ phố Khâm Thiên - Hà Nội. Căn nhà ấy đặc biệt vì cái cầu thang dốc đứng, chật hẹp tới mức người nào cỡ 70 - 80 kg hoặc bệnh nhân yếu tim, yếu sức là không thể lên gác. Trên căn gác bé nhỏ ấy là nơi tĩnh tọa của thầy. Thầy lang Trần Thiện Lục...

Trong căn nhà đặc biệt cuối ngõ 1 Khâm Thiên - Hà Nội, Trần Thiện Lục ngồi đó bắt mạch bốc thuốc. Bệnh nhân ung thư khắp xứ, cả người quyền cao chức trọng hết thuốc cứu chữa căn bệnh nan y cũng cần đến ông. Có thông tin gần đây bảo ông là người phát hiện ra công dụng chữa ung thư của cây Xáo tam phân từ mấy chục năm trước. Ông chỉ cười mà không xác nhận hoặc phủ nhận. Đó là chức phận một thầy lang.

Nhưng tôi cảm được chất tiểu thuyết của ông trong những cuốn sách viết về chiến tranh ở vùng đất Nam Trung bộ. Đọc "Gió Tuy Hòa" thấy ông còn là một tiểu thuyết gia.

 Và còn nữa, bốn mươi sáu năm trước, tập thơ "Đồng chí" của ông được tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Oách thế, và gần đây đọc "Về đi", tập thơ mới của ông, thấy da diết quá những câu thơ xé lòng xé ruột của chàng trai quê Thành Nam ấy qua phiêu bạt gọi cho người phiêu bạt. Đích thị gã còn là thi sĩ...

Và ông xứng đáng với danh hiệu Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ ngày 30/1/2013 này.

1.Chàng sinh viên sư phạm Hà Nội ấy bỏ dở đèn sách lên đường chiến đấu từ năm 1964, khi mới tròn 18. Và rồi có lẽ ở quá lâu đất Tuy Hòa Phú Yên mà rồi cắm rễ ở đấy, làm văn, làm một viên chức bình thường cho đến ngày "Về đi...".

Về đi như đừng bon chen kiếm tìm vô vọng. Về đi đừng tiếc nuối chi nữa khi đã hoàn thành sứ mệnh. Về đi, về già hay về quê không có nghĩa là kết thúc mà có thể là bắt đầu một cuộc trải nghiệm mới. Lục có duyên may được gặp thi sĩ Xuân Diệu khi ông về Tuy Hòa thăm người thân và đi nói chuyện thơ. Anh bảo: "Bài "Củ đậu Tuy Hòa" là Xuân Diệu viết tặng riêng tôi". Kỷ niệm về ông hoàng thơ tình, Trần Thiện Lục kể: "Hai anh em thân thiết như hiểu ý, hiểu lòng nhau. Xuân Diệu muốn tôi tự tay chăm sóc một người đàn bà cao tuổi đang sống ở Phú Yên, người mà nhà thơ gọi bằng mợ". Bài thơ "Củ đậu Tuy Hòa" Xuân Diệu tặng Lục khi đêm vắng không quán xá, đói quá đào lấy mà ăn… Nhà văn Nguyễn Gia Nùng viết lại chuyện này trên Báo Văn nghệ: "Hôm ra thị xã Tuy Hòa nói chuyện thơ buổi tối, anh không về nhà khách của tỉnh mà nghỉ ở nhà anh bạn thơ trẻ Trần Thiện Lục để mấy anh em có dịp tâm sự khuya. Biết tính anh, trong bữa tiệc chiều, Trần Thiện Lục đã chuẩn bị khá thịnh soạn, gồm đủ "tam sinh" (gà - lợn - bò) trong đó, riêng thịt bò đã làm tới 2 ký thịt ngon nhất. Xuân Diệu ăn rất khỏe, khen ngon. Mãi tới mười một giờ đêm, mấy anh em chúng tôi còn thấy no bụng, nhưng sợ khuya liền mời nhà thơ đi nghỉ kẻo mệt. Bất ngờ, Xuân Diệu hỏi Trần Thiện Lục: "Bây giờ còn cái gì có thể ăn được không?". Thật là bí. Vào giờ ấy phố xá đã vắng, các hàng ăn đều đã đóng cửa. Nghĩ một lát, Lục nói: "Giờ này thì chẳng có thể tìm mua được gì. Trong vườn nhà em chỉ có củ sắn nước (củ đậu), anh ăn được không?". "Sắn nước à, ăn được chứ?". Thế là hai anh em mang đèn pin ra vườn. Xuân Diệu ăn hết hai củ đậu lớn, khen ngọt, vẻ thỏa mãn, sau đó mới chịu đi ngủ. Sau này, chuyện ấy vào trong bài thơ những củ sắn nước: Ra về nhớ sắn nước/ Tới mùa, mệt sức ăn/ Vỏ bóc, da trắng nõn/ Thịt giòn, cắn ngập răng...".

Buổi ra mắt tiểu thuyết "Gió Tuy Hòa" của tác giả Trần Thiện Lục.

2. "Gió Tuy Hòa" là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Trần Thiện Lục về mảnh đất Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bối cảnh của tiểu thuyết là một vùng đất căn cứ, từ xã Phụng lên nơi đóng Thị ủy Tuy Hòa. Không gian ấy có đủ sự khốc liệt của chiến tranh, từ những trận càn quét của địch, những trận phục kích đẫm máu có yểm trợ của xe tăng đại bác của lính Đại Hàn và quân đội Sài Gòn. Truyện không chỉ miêu tả những chiến công của quân dân ta mà còn có cả những thương vong mất mát, đau buồn... Cuộc chiến đấu với kẻ thù giữ đất đã khó khăn ác liệt, nhưng cuộc chiến với những xấu xa, phản trắc từ trong đội ngũ mới là cam go. Sự hèn nhát dẫn đến phản bội như thị ủy viên Bảy Vân; những ham hố vật chất tầm thường và dục vọng hám sắc như ông thủ trưởng lớn tuổi có biệt danh "ông vợ khuất núi"; nhỏ nhen đố kỵ với đồng chí như "ông Ba thị ủy"; rồi cuộc tình không bình thường của Việt và Hoàn... Tất cả là đời thường trong chiến tranh được Trần Thiện Lục không ngần ngại đưa vào truyện. Tiểu thuyết chiến tranh nhưng chất bi hùng không làm mất đi sự lãng mạn, những khoảnh khắc đời thường trong cuộc chiến. Nói như một nhân vật của ''Gió Tuy Hòa'': "Nếu chờ hết chiến tranh mới sống thì không thể có cuộc chiến tranh nhân dân…". Tiểu thuyết của Trần Thiện Lục lạ hóa ở chỗ mô tả những trận chiến với cả thương vong của hai phía. Những chuyện thuộc dạng "nhạy cảm", khó kể ngày xưa, bây giờ ông kể hết: Quan hệ nam nữ, sự hèn nhát, sợ chết... Trong buổi họp mặt ra sách "Gió Tuy Hòa", còn nhớ nhà văn Đỗ Kim Cuông một người bạn cũ của Trần Thiện Lục đã rất trân trọng khi nói về văn Lục: "Thật đáng quý bởi những trang văn về chiến tranh viết thời hậu chiến, khi tác giả đã có một độ lùi thời gian để chiêm nghiệm và bước qua lối mòn...".

3. Ông có bằng bác sĩ y học cổ truyền hẳn hoi, lấy ở Đại học Y Dược Tp HCM. Nhưng không mở phòng mạch (hoặc không có khả năng mở phòng mạch) đành ẩn ở ngôi nhà nhỏ của một người bạn cho mượn sâu trong ngõ nhỏ phố Khâm Thiên - Hà Nội. Căn nhà ấy đặc biệt vì cái cầu thang dốc đứng, chật hẹp tới mức người nào cỡ 70 - 80 kg hoặc bệnh nhân yếu tim, yếu sức là không thể lên gác. Trên căn gác bé nhỏ ấy là nơi tĩnh tọa của thầy. Thầy lang Trần Thiện Lục ngồi trên cái đi văng ấy, gọi là đi văng cho oách chứ thực ra là cái ghế nan gỗ trải chiếu để có thể thành nơi nằm ngủ cho ông chủ. Gương mặt bình thản hồn hậu như chưa hề có cuộc chiến  mấy chục năm đi qua đời ông. Người thơ thường thế chăng? Phía dưới gác là phòng bốc thuốc, cũng chật chội vậy, nhưng khách đến từ khắp xứ. "Trợ lý" của thầy là cô học trò người trên Tuyên đang giúp thầy bắt mạch kê đơn bốc thuốc cho khách. Bận bịu, bận rộn. Lúc thì thấy nói thầy đi chữa bệnh cho ai đó ở xa. Lúc lại thấy bảo thầy đi lấy thuốc… Gần bảy chục mùa xuân, có bốn mươi năm ở lại Phú Yên làm văn chương, làm tuyên huấn và bây giờ về già trở lại Thủ đô bốc thuốc cứu người... Trần Thiện Lục kể: "Bệnh hiểm nghèo nhiều quá. Thuốc tây nhiều khi bất lực, nhưng tôi đã không bó tay. Tôi tham gia chữa cho nhiều ca ung thư khỏi bệnh. Vừa rồi dư luận rộ lên chuyện cây Xáo tam phân ở Hòn Hèo - Nha Trang chữa ung thư. Chuyện cũ rồi. Bài thuốc ấy tôi học từ thời nằm vùng hoạt động ở Phú Yên, các nhà sư đã dạy tôi cách chữa báng (bây giờ là ung thư gan - xơ gan cổ trướng - TG) bằng cây ấy. Xáo tam phân có thành phần chiết xuất rất quý nhưng cần phải kết hợp các loại khác mới có tác dụng... Đừng ngộ nhận mà tiền mất tật mang".

Chàng trở về từ chiến trường Phú Yên sau khi khói lửa lặng rồi mang theo sự ám ảnh chiến tranh và chút lộc chùa là những bài thuốc nam học được từ các nhà sư trong thời gian hoạt động tại thị xã Tuy Hòa cùng những trải nghiệm của một nhà văn từ thực tế cuộc chiến vệ quốc nhiều bi hùng, lắm đau thương và oanh liệt… Và hình như trong chàng cựu binh Trần Thiện Lục có một căn cốt của văn chương, cùng một thiên chức thầy lang trị bệnh cứu người… Và hai thiên chức ấy song hành trong anh, làm nên một thầy lang có lúc được xem là thần y trong một nhà văn của tiểu thuyết chiến tranh... Điều thần diệu nhất là chính thầy lang bị ung thư gan, vào Bệnh viện 108 mổ nội soi phá u xong trả về vì... không hy vọng. Nhưng rồi ông tự uống thuốc của mình, tự chữa.

Tạm biệt thầy lang trong chiều Hà Nội, tôi chỉ biết mong sao cho ông khỏe để giúp bao người khác chữa những chứng nan y như mong ước của ông. Và còn để viết xong cuốn tiểu thuyết chiến tranh thứ ba có tên tạm đặt là "Thăm thẳm Vũng Rô"... Ông bảo đó là cuốn tiểu thuyết chiến tranh viết về những đoàn tàu không số Anh hùng và mảnh đất ven biển của Phú Yên trong cuộc trường kỳ đánh giặc vừa qua... Nhưng tiếc là dao sắc không gọt được chuôi. Ông đã giã từ tất cả để viễn du về với ''Gió Tuy Hòa'' hoặc về lại thành Nam quê hương vào ngày 6/3/2013, sau khi làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hai tháng

Tân Linh
.
.