Tản văn

Thầy bói xem voi

Thứ Hai, 01/04/2013, 08:05

"Tôi tuy không sinh ra ở Hà Nội/ Nhưng Hà Nội mỗi ngày mỗi lớn trong tôi" là hai câu thơ nói về tình yêu Hà Nội của nhà thơ nữ Nguyễn Phan Quế Mai - một người Đức gốc Việt - nguyên quán Ninh Bình. Vậy mà có người bắt bẻ lấy được: Cô gái này thật xấc xược, dám mang Hà Nội như mang thai trong người (không biết nếu Nguyễn Phan Quế Mai là nam thì sẽ bị gán là mang gì trong người nữa đây)...

Hồi bốn mươi ba "Gia Cát Lượng khua lưỡi bẻ bọn nho/ Lỗ Tử Kính dùng sức bác lời chúng" trong "Tam quốc diễn nghĩa" (tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc cổ) có đoạn:

 "Lại một người hỏi rằng:

- Khổng Minh (tức Gia Cát Lượng) chỉ được cái già mồm lấn lẽ, không phải là chính luận. Không cần dài dòng làm gì nữa, hãy xin hỏi Khổng Minh đã học những sách gì?

Khổng Minh nhìn ra thì là Nghiêm Tuấn, liền đáp:

- Tìm từng chương, dò từng câu, chỉ là bọn hủ nho mà thôi, sao có xây dựng được non nước, cơ nghiệp? Vả như ngày xưa, Y Doãn cày ở đất Sằn, Tử Nha câu trên sông Vị, Trương Lương, Trần Bình, Đặng Vũ, Cảnh Cam… đều có tài giúp nước cả, mà cũng không cần xét xem ngày thường học những sách vở gì! Có đâu lại bắt chước bọn thư sinh, bo bo sách vở, cái đen bàn trắng, múa văn khua bút đó ư?

Nghiêm Tuấn cúi đầu tiu nghỉu im lặng".

Hồi bé, tôi đã mê mẩn đọc chương này. Khi trưởng thành, khi đã có tuổi, ấn tượng của tôi về chương này, vẫn không thay đổi bao nhiêu.

Như vậy, Khổng Minh xếp đám người "tìm từng chương, dò từng câu" chỉ là đám hủ nho và ông cũng coi thường đám thư sinh, bo bo sách vở… Nhưng trong đám hủ nho này, có lẽ kẻ đáng bị coi thường hơn cả là việc cố tình "cái đen bàn trắng".

Hiện trong làng văn, cũng vẫn có thiểu số người có máu "đổi trắng thay đen" như đám mưu sĩ Đông Ngô và ông Nghiêm Tuấn kể trên.

"Tôi tuy không sinh ra ở Hà Nội/ Nhưng Hà Nội mỗi ngày mỗi lớn trong tôi" là hai câu thơ nói về tình yêu Hà Nội của nhà thơ nữ Nguyễn Phan Quế Mai - một người Đức gốc Việt - nguyên quán Ninh Bình. Vậy mà có người bắt bẻ lấy được: Cô gái này thật xấc xược, dám mang Hà Nội như mang thai trong người (không biết nếu Nguyễn Phan Quế Mai là nam thì sẽ bị gán là mang gì trong người nữa đây).

"Lịch sử nghiến răng/ Khía vào lòng hòa bình" là hai câu thơ có cách diễn đạt lạ, đầy dụng công của nhà thơ Trần Quang Quý. Vậy mà có người bắt bẻ lấy được: Thế chả nhẽ lịch sử có răng à?

Và chắc chắn trường ca rất hay của nhà thơ Liên Xô Maiacốpxki mang tên "Đám mây mặc quần" (đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt) được nhiều người Việt ưa thích một thời, sẽ bị cái người đã "hành" nhà thơ  Trần Quang Quý, bắt bẻ lấy được tiếp: Thế chả nhẽ mây cũng có chân ư? Nếu không có chân thì làm sao mặc quần được?

Cách bắt bẻ trên thật kỳ cục và không giống ai. Bắt bẻ như thế có khác gì hãm hại và giết chết thơ. Phải chăng họ hoặc không hiểu hoặc cố tình không hiểu thơ?

"Trường ca chân đất" của nhà thơ Thanh Thảo (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2012) là một tác phẩm có giá trị. Khi đánh giá về trường ca này, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn viết: "Chấn động những ngày này đã dội vào cái tôi Thanh Thảo. Nó đòi anh phải cất lên bằng ngôn ngữ trường ca. Trước mỗi chấn động như thế, lại phải tìm cho niềm tin một điểm tựa…". Rồi "điểm tựa ấy chính là nhân dân".

Trong trường ca này, tôi rất thích những đoạn viết rất hanh thông, viết rất thấu tình về bác Năm Trì dân Quảng Ngãi, đặc biệt ở trong chương "Chân tre":

- Không thể sống mà đau
không thể chết mất gốc
gió nồm nam thay quạt
ngồi bụi tre đối phút mát lòng
quăng quật cả nghìn năm…

Hoặc có những đoạn viết rất tưng tửng, hợp với kiểu người nông dân xứ Quảng bằng ngôn ngữ dân dã, gần với đời sống, nhuần nhuyễn kiểu Thanh Thảo:

Bác Năm Trì tàng tàng tàng
Bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
Đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
Trăng hạ tuần
nhớ lung mung
hình như tổ tiên mình có cái chén mẻ
gửi đâu đó bên dưới đế tháp Chàm
những ngọn tháp chỉ còn ký ức
hình như tổ tiên mình trồng một bụi tre
trồng một lũy tre
bên dưới thành Châu Sa
bên dưới Trường Lũy
đâu đó
bên dưới những niềm hy vọng cũ…

Vậy mà vẫn có người xoay ra quy chụp cho thơ Thanh Thảo là "thơ gãi háng", thế mới khó hiểu!

Theo tôi, cái lối bắt bẻ và "đổi trắng thay đen" trên là hết sức vô lối. Phải chăng họ cố tình trong vai "thày bói xem voi" thời hiện đại?

Đặng Huy Giang
.
.