Thật giả chợ tranh

Thứ Ba, 12/08/2008, 10:00
Gọi là chợ dù đây chính là hàng trăm Gallery rải rác bầy bán các bức tranh giả, tranh chép đủ loại màu sắc, đủ kích cỡ. Gọi là chợ bởi lẽ ở nơi nào cũng lố nhố, nhộn nhạo những tay thợ chép tranh với tốc độ nhanh nhất để lấy tiền công và để cho ông chủ rao giảng lừa khách. Gọi là chợ cũng là do hàng ngàn khách du lịch vào ra các Gallery để chọn lựa, để chê bai, để mặc cả, rồi cuối cùng ôm về những bức tranh rởm cốt khoe với bàn dân thiên hạ về cái gọi là gu nghệ thuật cao siêu của mình.

Vậy đó, chẳng ai chịu quản cái chợ này cả, mặc cho hàng giả cứ phơi phới chặt chém thượng đế với mọi loại giá cả trên trời, chứ chẳng như loại hàng nọ hàng kia phải dán tem, dán nhãn bảo hành. Nên có người nói rằng, bây giờ sướng nhất là cái anh kinh doanh tranh giả, lừa khách du lịch dễ như bỡn. Thật thế chăng?

Muôn mặt tranh "giả cầy"

Chẳng cứ là khách du lịch mà ngay cả những người chơi tranh bình thường ở Việt Nam cũng thích sưu tầm những tác phẩm đẹp, dù biết đó chỉ là tranh giả, nhưng phải là đẹp và đúng là họa sĩ mình thích thì sẽ mua. Bắt được mạch của thị trường, những ông chủ Gallery chủ trương kinh doanh tranh giả đã đáp ứng ngay tắp lự nhu cầu sôi động này. Và họ đã thành công.

Theo thống kê, hiện ở Hà Nội có gần 120 cơ sở kinh doanh và TP Hồ Chí Minh có tới 160 cửa hàng bán tranh giả. Hầu hết các Gallery này bán tranh giả núp dưới danh nghĩa là tranh chép.

Nếu xét kỹ ta có thể thấy muôn nẻo tranh giả đều từ cái gọi là photocopy tay mà thôi. Loại thứ nhất là chép lại tranh của họa sĩ nổi tiếng (chép cả chữ ký của tác giả) rồi cứ thế bán. Loại thứ hai là chép cắt đoạn một tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng rồi ký tên khác. Loại thứ ba là chép tranh của người khác nhưng thêm bớt chi tiết hoặc màu sắc rồi ký mạo tên tác giả. Loại thứ tư là chép phong cách (vẽ nhái) theo một họa sĩ nổi tiếng rồi ký tên người chép. Loại thứ năm là chép tranh qua ảnh chụp (vẽ nguyên xi theo ảnh); loại thứ sáu là tranh chép (nhân bản) của chính họa sĩ với mục đích kinh doanh cùng với các Gallery hoặc có họa sĩ cho người khác vẽ theo phong cách của mình rồi ký tên để biến bức tranh đó trở thành tác phẩm gốc.

Khảo sát thị trường tranh mới hay, các danh họa hay bị sao chép nhiều nhất là: Van Gogh, Pablo Picasso, Leonardo da Vinci, Fernado Botero, Levitan, Dali, Ganguin. Các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng cũng trở thành những món hàng vớ bở của hàng trăm Gallery. Đó là tranh của Nguyễn  Sáng, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… Lớp họa sĩ đương đại nổi tiếng cũng bị chép nhiều như Đào Hải Phong, Thành Chương, Đỗ Quang Em, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Sơn…

Tất nhiên tùy thị trường nơi mà các nhà kinh doanh định hướng chép tranh loại nào. Tỷ như ở các phố Tây balô ở TP Hồ Chí Minh như Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám thì chép các họa sĩ quốc tế theo yêu cầu của khách hàng. Khách du lịch ở khu phố này rất thích mua các tác phẩm như "Nụ hôn" (klimt), "Cậu bé và cái tẩu" (Poblo Picasso) "Mona lisa" (Leonardo da Vinci) hoặc các tác giả Việt Nam thì chủ yếu là tranh Phố của Bùi Xuân Phái hoặc "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Tô Ngọc Vân)… Chủ nhân Gallery Nguyên Hoa Tươi (ở Phạm Ngũ Lão, Q1) kể:

- Mỗi tháng cửa hàng bán không dưới 10 bức tranh chép sẵn và khá nhiều người chơi tranh đưa máy đến thuê chép. Đa phần là người nước ngoài.

Vậy là với 160 cửa hàng tranh chép ở TP Hồ Chí Minh, với tốc độ bán trung bình như Gallery Nguyên Hoa Tươi thì thị trường hội họa "giả cầy" quả là khá xôm.

Ngoài các loại tranh được khách du lịch ưa chuộng ở TP Hồ Chí Minh, thị trường tranh chép ở Hà Nội cũng phong phú hơn. Các cửa hàng chép tranh tập trung chính ở khu vực phố cổ.

Nói chung, chẳng cứ ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mà thị trường tranh "luộc" lại ở nhiều thành phố lớn khác cũng nhộn nhịp không kém. Tất nhiên các ông chủ kinh doanh này chẳng quan tâm tới công ước Berne hay Quy chế bản quyền tác giả của Việt Nam.

Thị trường bị bỏ rơi?!

Thị trường tranh ở Việt Nam hiện nay đúng với nghĩa là tự do. Tự do vẽ. Tự do tiếp thị với nhiều loại hình. Tự do đặt giá. Tự do khai thác nguồn hàng và tự do làm băng hoại nền mỹ thuật Việt Nam.

Cơn lốc thị trường tranh giả gây nên sự ức chế sức sáng tạo của các họa sĩ đương đại và gây nên sự u mê về thẩm mỹ của những người chơi tranh.Không có lãi suất nào lớn hơn việc kinh doanh tranh giả. Các ông chủ trả công chép tranh cho các họa sĩ rẻ như bèo, nhưng lại bán tranh với giá cao gấp bội.

Tại một xưởng chép tranh.

Chính ông chủ một cửa hàng ở đường Nguyễn Thái Học - Hà Nội đã bộc bạch:

- Nếu kinh doanh của các họa sĩ, người bán tranh chỉ kiếm được 25 đến 30% giá trị bức tranh. Nhưng nếu mua độc bản, sau đó sao chép, nhân bản để bán thì số tiền lãi sẽ thu được gấp bội.

Rất nhiều bức tranh, người bán hàng có thể quay vòng được trong nhiều năm và doanh thu có thể lên tới hàng trăm triệu.

Giá bán thì khá tùy tiện. Từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng cho các bức tranh chép, thích ứng với chất liệu, thể loại và kích thước. Hiện phổ biến các bức tranh này đều ở cỡ 60x80cm. Cũng có khi có bức ở Hà Nội chỉ bán 400.000 đồng thôi, như bức "Gemmes Couran Sur La Plaga" của Picasso chẳng hạn, nhưng bán rất chạy vì nhiều người thích. Cũng với giá đó, bức "Tiệc rượu" của Valazques chẳng bao giờ hết khách hỏi và là bức tranh có mức doanh thu rất cao.

Bên cạnh đó tranh giả, tranh thật lẫn lộn nên nhiều cửa hàng đã bán tranh giả theo giá tranh thật để lừa những khách hàng kém hiểu biết, nên đã tạo ra những sự lộn xộn làm mất uy tín đối với thị trường tranh quốc tế.

Đã có những cuộc kiện tụng và đòi tiền của khách hàng, khi họ phát hiện ra mình đã mua phải tranh "đểu". Thậm chí có thị trường đấu giá tranh quốc tế đã phát hiện ra tranh giả của Việt Nam nên đã bị tẩy chay. Ngay từ năm 1999, nhà đấu giá danh tiếng trên thế giới là Christine (Anh) đến thu hồi bức tranh giả mang tên Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái.

Hơn nữa, chính vì thị trường bị buông lỏng như vậy nên các tranh chép từ Trung Quốc cũng đang từng bước lấn sâu thị trường tranh Việt Nam. Tranh của họ nhập với giá rẻ cùng với tác phẩm được chép như nhau. Tranh của họ lại bền màu với chất liệu khá hơn.

Vậy ra câu chuyện sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi các nhà sưu tầm nghệ thuật quốc tế không còn biết diện mạo mỹ thuật hiện đại Việt Nam đang ở cấp độ nào nữa. Mới đây, họa sĩ trẻ Trần Lương trong một cuộc phỏng vấn trên báo Thể thao và Văn hóa về nghệ thuật đương đại Việt Nam đã tâm sự:

- Sẽ mất thêm 10 năm nữa mới có cơ may cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Cách nào dẹp "di họa"

Thì cũng đã có quy chế sao chép tạo hình của Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) rồi đấy. Và cũng đã có những đợt thanh tra để nhằm ngăn chặn sự nhiễu loạn thị trường tranh giả của hàng trăm cơ sở tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng rồi mọi việc vẫn y nguyên.

Quy chế ràng buộc rằng, những tranh chép bắt buộc phải ghi là tranh chép (reproduction) và không được mạo chữ ký tác giả. Và nếu tác giả còn sống thì phải xin phép mới được sao chép, kể cả các họa sĩ Việt Nam hay nước ngoài.

Ngoại trừ những tác phẩm đã qua thời hạn bảo hộ (trên 50 năm). Đồng thời phải bày riêng rẽ các loại tranh chép để người mua dễ phân biệt đâu là tranh thật và đâu là tranh giả… và cuối cùng là giá cả, lẽ dĩ nhiên quy chế khó có thể đặt ra một bảng giá cưỡng bức để khống chế được nên mọi chuyện mua bán vẫn là sự thỏa thuận miệng.

Mặc dù những tác giả chép tranh bày triển lãm hoặc dự thi, khi bị phát hiện cũng đã bị phạt như Lương Văn Trung hay Vũ Đức Toàn, nhưng  đó chỉ là cái vảy muỗi so với thị trường tranh giả tự do nhiễu loạn hiện nay.

Hàng trăm kế sách của các ông chủ Gallery nhằm vượt ra khỏi bộ khung của quy chế. Họ tiếp thị tranh bằng nhiều phương tiện thông qua triển lãm, rao trên mạng, đấu giá ở nước ngoài, làm sao để lọt được những tranh giả mà khách hàng khó phát hiện. Đáng chú ý là dựa vào tâm lý khách hàng hay chọn mua tranh qua Catalogue nên họ thường in lẫn lộn tranh giả xen kẽ với tranh thật để đánh lừa thị giác người mua.

Quy chế còn yêu cầu các họa sĩ cần phải đăng ký quyền tác giả của mình trước cơ quan pháp lý. Nhưng trên thực tế, các tác phẩm của các họa sĩ còn sống vẫn ngang nhiên bị "làm thịt" mà chẳng làm sao ngăn chặn nổi.

Xem ra thị trường tranh lậu này cũng khó kiểm soát như thị trường băng đĩa và sách lậu vậy. Chỉ trong thời gian ngắn những cuốn sách hay hoặc những Album mới, tranh đẹp đã bị "luộc" và ngang nhiên bày bán ở thị trường. Phải chăng quy chế còn nhiều điều phải chi tiết hơn? Hay người thực thi luật pháp phải tích cực hơn? Câu trả lời vẫn còn ở thì tương lai

Vương Tâm
.
.