Thăm nhà tù nổi tiếng nhất nước mỹ

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:25
Nhà tù Alcatraz (nhà tù Đá) của Mỹ được xây dựng trên một hòn đảo nhỏ ở vịnh San Francisco. Trong lịch sử ba thập niên tồn tại đã có 14 lần với 32  tù nhân trốn trại nhưng chưa có trường hợp nào thành công. Tuy đã đóng cửa hơn nửa thế kỷ nay, nhưng Alcatraz vẫn đặc biệt hấp dẫn du khách bởi những câu chuyện đầy bí ẩn của nó.

Bước lên con tàu du lịch xinh xắn trên vịnh San Francisco, tôi háo hức bởi một chuyến đi đặc biệt. Đi thăm nhà tù, được vinh danh là nơi giam giữ tù nhân an toàn nhất nước Mỹ. Nhưng mỗi lúc tôi càng cảm thấy ngỡ ngàng. Nhà tù Liên bang Alcatraz không khác gì một tòa lâu đài cổ tráng lệ. Tuyệt nhiên không hề có tường bao, hàng rào thép gai kiên cố. Màu trắng của những khối nhà rực sáng dưới ánh mặt trời buổi sáng. Những thảm hoa rực rỡ càng tôn thêm vẻ đẹp lung linh của hòn đảo trên mặt vịnh San Francisco ngời ngợi xanh.

Alcatraz có nghĩa là "đại bàng biển", một loại chim có túi dưới mỏ như chim bồ nông. Nguyên do đảo Alcatraz xưa kia chỉ có giống chim này cư ngụ. Năm 1934, chính quyền Liên bang Mỹ xây tại đây một nhà tù để giam những kẻ phạm tội được liệt vào hàng nguy hiểm nhất nước Mỹ. Alcatraz nằm cách thành phố San Francisco hơn 2 cây số và cách cầu Cổng Vàng lừng danh thế giới chưa đến một tầm nhìn.

Toàn cảnh Nhà tù Alcatraz trên vịnh San Francisco.

Tù nhân được đưa tới giam tại nhà tù Liên bang Alcatraz là những trùm băng đảng Mafia, những tội đồ cướp nhà băng, những tên sát nhân máu lạnh khét tiếng mà hạn tù có khi đến hết cuộc đời. Không hề có hệ thống tường rào bảo vệ nhưng Alcatraz lại giữ danh hiệu "Bất khả trốn thoát", "Đá băng"… Nó như cái vòng kim cô, người tù chỉ có đường vào mà không có đường ra.

Bức tường vô hình mà tù nhân không thể vượt qua chính là dòng nước biển bao quanh đảo. Nước ở đây chảy mạnh, xoáy và kèm theo những cơn sóng ngầm cực kỳ nguy hiểm. Tuy chỉ cách bờ hơn 2 cây số những chưa từng có ai vượt nổi cái eo biển chết người đó. Để làm cho tù nhân không thể vượt ngục, giám thị nhà tù này còn áp dụng một biện pháp ngăn chặn vô cùng độc đáo. Hàng ngày họ cho người tù sử dụng nước nóng để tắm giặt. Riết mãi thành quen.

Dư luận xã hội đã từng ca ngợi rằng phạm nhân ở nhà tù Alcatraz được đối xử quá nhân đạo. Nhưng thực tế cai ngục đã tạo một thói quen để người tù không thể chịu được lạnh của nước biển bao quanh đảo. Nhiều tù nhân vượt ngục đã phải nhanh chóng bơi trở lại vì cái buốt không chịu nổi của nước vịnh. Ẩn giấu sau những bức tường vô hình ấy là cả một hệ thống phòng thủ dày đặc. Các họng súng được ngụy trang sau các vỉa đá quanh đảo sẵn sàng nhả đạn.

Bên trong nhà tù Alcatraz được chia làm 4 khu: A, B C, D phù hợp với bảng nhận xét về đạo đức của tù nhân. Khi đã bị đưa đến Alcatraz có nghĩa phạm nhân đó là kẻ bất trị ở các nhà tù khác. Loại "hiền" nhất sẽ được giam ở khu A. Tương tự như thế, những người bị xếp vào khu D là hết thuốc chữa. Trong thời gian cải tạo tại Alcatraz nếu thực sự hối cải, tiến bộ, phạm nhân từ khu D sẽ được đôn lên các khu dễ thở hơn. Thậm chí có thể được đưa về các trại giam trong đất liền và có cơ hội được ân xá.

Trong 29 năm tồn tại, ở nhà tù Alcatraz đã xảy ra 14 lần với 32 tù nhân trốn trại. Do dòng nước quanh đảo chảy xiết và quá lạnh, 23 tù nhân đã bị bắt trở lại. 6 người bị cai ngục bắn chết trong khi cố tìm cách bơi vào bờ. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 3 tù nhân bị coi là mất tích. Chính sự mất tích của 3 tù nhân này mà người ta cho rằng đã có một vụ trốn khỏi Alcatraz thành công. Đến nay cảnh sát Mỹ vẫn tiếp tục truy lùng dấu vết 3 kẻ mất tích nhưng chưa có kết quả. Điều này đặt ra bao nhiêu giả thiết. Vậy câu chuyện biến mất của ba kẻ bất trị kia diễn ra như thế nào?

Ba kẻ trốn tù ấy là hai anh em nhà John Anglin, Clarence Anglin, và Frank Morris. Ý tưởng bỏ trốn của nhóm này bắt đầu từ việc một tù nhân tên là Allen West trong khi sơn tường nhà giam đã phát hiện ra một kẽ hở có thể qua đó để lên mái nhà. Allen West đã bàn với anh em nhà John và Frank Morris một kế hoạch bỏ trốn. Anh em nhà John có kỹ năng làm bè mảng và thông thạo con nước. Chỉ huy nhóm là Frank Morris, một người chiếm được cảm tình của giám thị trại giam.

Frank là người rất cẩn trọng. Mọi suy tính của anh ta thường rất chính xác. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là tấm lưới sắt bảo vệ kẽ hở ấy. Lợi dụng việc hàng ngày tù nhân có một giờ chơi nhạc, nhóm tù trốn trại đã thay nhau cắt tấm lưới sắt suốt 8 tháng trời trong tiếng nhạc ầm ĩ mà cai ngục không hề biết. Để đánh lừa cai ngục, họ còn chế tạo ra những hình nộm đầu người trông như thật. Đêm khuya, ánh điện nhập nhoạng, những cái đầu giả ấy được phủ chăn kín cằm. Nhìn từ ngoài vào không khác gì phạm nhân đang nằm ngủ. Những cái đầu ấy được nặn từ xà phòng và bột mì gom lại suốt mấy tháng trời. Họ kiên trì tích cóp từng sợi tóc rụng của mình để dán vào đầu hình nhân như tóc thật. Cuối cùng là tìm cách lấy cắp sơn giống màu da người và quét lên. Phải mất gần một năm trời, mọi công việc mới hoàn tất.

Đêm vượt ngục, nhóm 4 người đã hẹn giờ cùng thoát lên mái. Nhưng chính anh chàng phát hiện ra kẽ hở để trốn là Allen West bị rớt lại. Frank Morris cùng anh em nhà John đã lên được mái nhà. Họ chạy đến chỗ thấp nhất, nhảy xuống và ra mép biển. Một cái bè bằng cao su do anh em nhà John chế tạo, được ba tù nhân dùng cây đàn gió (giống đàn Ác - cooc -đê -ông) bơm căng như kiểu kéo bễ.

Ngoài Allen West bị kẹt lại ở nhà tù, không một ai phát hiện ra sự chuẩn bị đầy công phu và cuộc bỏ trốn ngoạn mục của ba phạm nhân. Sáng hôm sau khi đánh thức tù dậy như thường lệ, cai ngục mới phát hiện ra ba cái đầu giả. Báo động toàn trại, một cuộc truy lùng gắt gao quanh đảo, nhưng ba kẻ vượt ngục thì đã cao chạy xa bay hay bị sóng vùi chết dưới biển khơi không ai biết.

Đầu lâu giả được tù trốn trại làm để đánh lừa cai ngục.

Cho đến nay vụ vượt ngục hi hữu ấy ở nhà tù Alcatraz vẫn là một câu hỏi lớn. Những ngày sau đó một cuộc tìm kiếm trên diện rộng được nhiều lực lượng tiến hành. Cảnh sát chỉ vớt được một mái chèo và một bọc cao su dán kín trong đó có sổ ghi địa chỉ, mấy chục bức ảnh gia đình của một người tù trong nhóm bỏ trốn. Điều này khiến nhà chức trách đi tới kết luận là ba người đã chết trên đường trốn trại. Nhận định đó càng được củng cố bởi vài ngày sau một tàu vận tải của Na Uy phát hiện thi thể của một người chết đuối cách cây cầu Cổng Vàng vài chục cây số. Khi cảnh sát Mỹ tìm đến thì cái xác đã trôi mất. Theo các thủy thủ Na Uy mô tả, nhân dạng bên ngoài của người chết rất giống với kẻ cầm đầu nhóm vượt ngục là Frank Morris.

Cho đến nay đã gần 60 năm xảy ra vụ vượt ngục, trên nguyên tắc, lệnh truy lùng ba kẻ bỏ trốn khỏi nhà tù Alcatraz vẫn còn hiệu lực. Song khả năng tìm kiếm là hết sức mong manh, vô vọng. Nếu ba tù nhân ấy thoát được thì nay đều đã ở độ tuổi gần 90. Cảnh sát San Francisco khẳng định rằng ba người bỏ trốn đã chết. Nhà tù Alcatraz vẫn giữ được danh hiệu là nhà tù duy nhất chưa có một phạm nhân nào trốn thoát. Tuy nhiên dư luận Mỹ thì tin rằng ít nhất trong số ba người, một người đã lên được bờ.

Lý do sau sự kiện đó ít ngày, một cú điện thoại từ số máy không xác định đã liên lạc với hãng luật thành phố San Francisco nói rằng mình là John Anglin. Anh ta muốn liên hệ với văn phòng luật Liên bang. Vì người gọi không cung cấp đủ thông tin nên nhân viên trực văn phòng luật ở San Francisco không giúp anh ta. Bực mình vì bị từ chối, anh ta nói cô hãy đọc báo thì biết tôi là ai và cúp máy.

Nhà tù Liên bang Alcatraz đã đóng cửa từ ngày 11- 6 -1962 vì chi phí quá tốn kém. Từ đó nó trở thành điểm tham quan đầy hấp dẫn cho du khách trên khắp thế giới. Nơi đây cũng đã nhiều lần được lấy làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng của Hollyood trong đó có bộ phim dựng lại cuộc vượt ngục hi hữu của hai anh em nhà John Anglin và Frank Morris. Nhà tù vẫn được giữ nguyên trạng như khi còn giam giữ tù nhân. Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đây là nhà tù an toàn nhất nước Mỹ, một khi manh mối về ba tù nhân trốn trại chưa được làm sáng tỏ.

Nguyễn Trọng Tân
.
.