Thăm nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi mang hoa quả về thắp hương bên bàn thờ bác Tám Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Bác Phạm Văn Đồng thuở nhỏ được bạn bè gọi thân mật là "Tám Đồng Đen", vì cậu Tám thường chơi đùa với các bạn chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, mình trần đen trùng trục!
Kia rồi! Căn nhà nhỏ ba gian, ngói nâu khuất dạng sau mấy hàng cau và bờ rào ngâu xanh lộ ra ven lối mòn đường làng đất đỏ. Căn nhà thanh bạch của cụ cử Phạm Văn Nga - thị giảng học sĩ, thân phụ Phạm Văn Đồng - được huyện xây dựng sau giải phóng. Đó là một nếp nhà đơn sơ với mấy luống hành, vài vạt rau ngót và một cành mai trước cổng nhà. Giờ đây bên cánh đồng làng, một nhà bảo tàng to lớn rộng hàng hécta ngói đỏ ba tòa giăng ngang đồ sộ. Nhưng tôi vẫn thích đến căn nhà cũ được dựng trên cái nền chưa đầy ba sào đất, là nơi gắn với nhiều kỷ niệm của một danh nhân, một tên tuổi lớn: Phạm Văn Đồng.
Tôi cùng ông anh kết nghĩa Trương Công Huân, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy Trung Bộ và bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về dâng hương bên bàn thờ bác Tám. Hôm nay vừa mười năm ngày bác Tám ra đi. Anh Phạm Ngọc Đồng, Hiệu phó Trường THCS Mộ Đức - cháu gọi bác Đồng bằng chú, người đang trông coi nhà lưu niệm và đồng thời nhà thờ họ Phạm nói với chúng tôi:
- Sinh thời, ông Tám không cho cúng giỗ linh đình, chỉ cúng chay bánh trái và hoa quả. Ông Tám gửi quà về, thường là vài cân chè, ba hộp bánh ngọt cúng gia tiên. Giờ đây gia đình cùng dân làng theo lệ cũ chỉ hương hoa thanh đạm nhân Ngày Quốc khánh.
Đồng chí Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã cho chuẩn bị bưởi, thanh long và hoa tươi để chúng tôi về ăn giỗ chay bác Tám. Đồng chí Tân Vũ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Tỉnh đã đặt tên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Các thanh niên niên, sinh viên Việt kiều thăm Nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. |
Tôi lang thang đi quanh vườn nhỏ chỉ vài trăm mét vuông và căn nhà chưa đến nửa diện tích của khu vườn, với bờ ngâu, giếng nước và hàng đu đủ sau nhà. Anh Phạm Ngọc Đồng giới thiệu với tôi các bức ảnh ở phòng lưu niệm khi ông Tám về thăm quê. Một căn phòng nhỏ bên trái nơi ông Tám về ngả lưng lúc mệt mỏi. Một bộ ghế cổ chạm cẩn xà cừ để khách ngồi uống trà đàm đạo cùng ông Tám. Con đường bờ ruộng ông Tám vẫn quen đi thuở nào. Những năm cuối đời, tuy mắt kém, ông Tám vẫn lần ra với chiếc gậy cầm tay để thăm mộ song thân. Ông Tám thăm già, biếu quà lũ trẻ rồi đi thăm làng xóm. Đâu đâu ông Tám cũng nhắc nhở đoàn kết thương yêu nhau, ra sức sản xuất và tiết kiệm.
Tôi và ông anh Trương Công Huấn ghi vào sổ lưu niệm của dòng họ Phạm. Đây là mảnh đất có truyền thống anh hùng và hiếu học, là quê hương của Trần Quang Diệu, Nguyễn Bá Loan. Lần trong "Phạm tộc thế phổ" kể từ ông tổ Tiến sĩ Phạm Nhữ Tăng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XV, thời kỳ huy hoàng của Đại Việt, được biết Phạm Nhữ Tăng đã theo vua Lê Thánh Tông Nam chinh, cho đến đời Phạm Văn Nga - cụ thân sinh của Phạm Văn Đồng - là 14 đời, trong đó có 6 người đỗ đại khoa tiến sĩ, phó bảng, 22 vị đậu cử nhân, hàng chục võ tướng theo vua Quang Trung chống giặc ngoại xâm. Căn nhà vừa là nhà thờ họ, vừa là nơi lưu niệm này trong thời kỳ đánh Mỹ giặc đốt phá hết, chỉ còn vài cây cột lim. Nay chính quyền cách mạng dựng lại (1983) chưa đầy trăm mét vuông theo sở nguyện của bác Tám. Vì sinh thời bác Tám rất giản dị, không muốn làm to và bác luôn dặn dò con cháu không được dựa vào thân thế "mượn oai hùm" mà làm ảnh hưởng đến uy tín của tộc họ.
Một mình tôi lững thững trên cánh đồng quê trù phú. Vụ lúa năm nay khá tốt. Cảnh vật làng quê xanh tươi êm ả. Sau giải phóng, mỗi năm năng suất mỗi cao, hoa màu xanh một màu xanh lạ thường, báo hiệu đời sống của nông dân được cải thiện. Và trên đường thôn, các cháu hớn hở cắp sách đến trường theo như ước vọng của bác Tám.
Còn nhớ những ngày tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, thi thoảng tôi thường theo người anh họ Trương Quang Giao, nguyên Bí thư Liên khu ủy Liên khu 5 đến thăm nhà bác Tám. Có lúc hai đại huynh người đồng hương ngồi đàm đạo suốt buổi về tình hình thế sự, nhân tình; vì anh Trương Quang Giao lúc bấy giờ đương kiêm Phó ban Tổ chức Trung ương và Phó ban Thống nhất của Chính phủ. Biết tôi là nhà văn, nhà báo, bác Tám - lúc bấy giờ gọi là bác Tô - hay hỏi tôi về tình hình văn chương, về sinh hoạt của anh chị em giới văn nghệ. Bác Tô quan tâm đến các nhà văn, các nhà sáng tác. Nhiều khi bác gửi cả rượu cho nhà văn Nguyễn Tuân, gửi thuốc cho nhà thơ Tế Hanh, biếu xe đạp cho nhà văn Nguyên Hồng và nhiều nhà văn có đóng góp mà bác quan tâm. Những năm tôi hoàn thành bộ ba "Núi sông hùng vĩ", tôi kính tặng bác. Không phải riêng tôi, hễ nhận sách, nhận tác phẩm của ai, bác Tô cũng đều có thư riêng. Sau này bác mắt kém, đồng chí Nguyễn Tiến Năng - thư ký của bác, đều có thư cảm ơn và trả lời theo ý Bác. Có một lần, tôi và anh Lê Tiến ở Đài Tiếng nói Việt Nam được bác Tô gọi vào.
Hôm ấy là ngày 1/9/1968, vừa kết thúc cuộc mít tinh mừng Quốc khánh ở Ba Đình. Buổi chiều có mưa giông nhỏ, chúng tôi đến chờ ở nhà khách Phủ Chủ tịch. Hình như Văn phòng Thủ tướng thông báo là Thủ tướng định chữa một vài đoạn trong bài diễn văn quan trọng để phát trên Đài phát thanh chiều 2/9. Bác Tô triệu tập chúng tôi lúc 14h, đã trễ đến 9 phút mà chưa thấy bác, chúng tôi ra ra vào vào ngóng đợi. Bỗng tiếng giày khua động nhẹ, bác Tô ào vào phòng như một cơn gió lùa, mồ hôi nhễ nhại. Hai ba lần bác xin lỗi chúng tôi:
- Chết, chết, để các đồng chí phải đợi. Xin lỗi, xin lỗi, tôi chậm hơn 8 phút. Vì Hồ Chủ tịch vừa gọi lên bảo tôi chữa lại một vài đoạn trong bài diễn văn quan trọng. Bây giờ các đồng chí cho phép tôi ghi âm lại đoạn này.
Công việc chỉ làm trong vài mươi phút. Xong việc, cả thủ tướng và chúng tôi cùng thở phào nhẹ nhõm. Thủ tướng mời ăn hoa quả và uống nước. Sau đó, đột ngột thủ tướng bảo riêng tôi ở lại. Các bạn ra về, tôi rất lo lắng chẳng hiểu việc gì? Thì bác Tô nói:
- Tôi có nhận thư em - Bác Tô lúc bấy giờ gọi tôi bằng em, và tôi cũng "lếu láo" gọi bác là "anh", "anh Tô kính mến!". Bức thư là tâm sự của tôi kính gửi Thủ tướng về việc tôi đấu tranh nội bộ, chống tiêu cực bị Thủ trưởng trù dập suốt mấy năm liền. Bác Tô thân mật vỗ vai tôi với lời dạy bảo của người anh cả:
- Phải thật khách quan và bình tĩnh em ạ! Đấu tranh phê bình là tốt, nhưng phải có phương pháp và phải kiên trì, không được vượt nguyên tắc. Dẫu bị "cả vú lấp miệng em" thì mình vẫn phải hết sức mềm mỏng, thuyết phục. Em là người viết lách, ví ta như tờ giấy thấm, mực xanh, mực đen nhỏ vào ta đều hút lấy cả. Rồi sau khi kiểm tra lại, ta sẽ trình bày sao cho có lý có tình. Với lại, viết thì phải lách kia mà! Lách làm sao cho đừng đao to, búa lớn, tổn thương đến tình anh em, tình đồng chí. Mình như cái bao bông, hễ đánh thì mình bật lùi, chứ trân ngực ra cho người đánh thì đâu có được. Đó là mâu thuẫn nội bộ chớ đâu phải đối kháng. Bình tĩnh, bình tĩnh nhé! Việc của em tôi đã nói với đồng chí Nguyễn Văn Nhất, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Truyền thanh (bấy giờ Cục Truyền thanh trực thuộc Phủ Thủ tướng). Em cứ yên tâm, bức thư của em như một bài tùy bút, viết xúc động lắm!
Rồi Thủ tướng dịu dàng hỏi lại: "Em có cần tôi giúp đỡ gì nữa không?".
Hôm nay đang giữa nhà lưu niệm, ngày thắp hương dâng bác Tám, bà con lặng im trong khói hương nghi ngút. Tôi vẫn hình dung ra một người cha, người anh nhân từ, bao dung và rộng lượng; một vị lãnh tụ kiên cường và thấu hiểu đến từng người dân thấp cổ bé họng...
Lại nhớ một lần vào năm 1982, tôi ra Hà Nội chuẩn bị đi làm phim ở Đông Âu. Tôi và đạo diễn đang quay cảnh các đoàn quốc tế về thăm nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, chợt thấy một mái đầu tóc bạc, một dáng người cao cao khuất trong vòm lá xanh bên hông nhà sàn Bác Hồ. Thì ra là bác Tô. Chúng tôi máu mê nghề nghiệp, chạy vô ghi hình bác. Xong một trường đoạn - chúng tôi vội thưa với Thủ tướng:
- Xin thủ tướng cho phép được quay một bộ phim tài liệu về một ngày làm việc của Thủ tướng.
- Để làm gì? - Thủ tướng thân mật hỏi.
- Thưa, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh xin thực hiện bộ phim "Một ngày làm việc của Thủ tướng" và xin một cái hẹn.
Bác Tô cười "ha ha" rất sảng khoái:
- Các đồng chí nên quay các anh hùng chiến sĩ chiến đấu và sản xuất giỏi. Còn ý định kia thư thả, xin tạm gác lại nhé!
Rồi thấy tôi bị lạnh, ho vì gió mùa đột ngột về, cổ áo phong phanh, bác Tô đưa tay cài kín cổ áo cho tôi, và ân cần dặn dò: "Nhớ giữ ấm cổ nhé! Cảm lạnh đấy, đừng chủ quan". Ôi tấm lòng bao la của vị đứng đầu Chính phủ sao lại chi tiết cụ thể từng việc nhỏ như thế! Cũng như khi nói chuyện với cán bộ địa phương quê nhà, bác Tô nhắc nhở:
- Huyện mình là một huyện nông nghiệp, tăng gia sản xuất cấy trồng làm sao cho các cháu nhỏ mỗi sáng đến trường ít nhất có được một cốc sữa đậu nành để đủ dinh dưỡng phát triển trí tuệ...
Chúng ta cảm thấy tự hào đã có một Thủ tướng kiệt xuất, một nhà chính trị, một nhà ngoại giao xuất sắc. Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh thời từng nói với tôi: "Anh Tô chính là Bồ tát của giới văn nghệ sĩ ta đó".
Bến Nghé, 7/2011