Tết xa

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:00
Sài Gòn cuối năm bao giờ cũng se se lạnh, cái se lạnh của một khoảng thời gian lặng mình lại chờ mùa nắng mới thì phải? Rồi sau Tết, mùa khô chính thức lên ngôi, để có nhiều người không phải cư dân Sài Gòn, chưa hiểu đủ đầy về Sài Gòn phải thốt lên: "Sài Gòn chỉ có hai mùa, một mùa nóng và một mùa nóng hơn".

Trong cái se lạnh của một buổi sớm cuối năm, giữa kỳ nghỉ lễ vắng yên, tôi chợt nghĩ về một cái Tết nữa sẽ không về Hà Nội, một cái Tết ở nhà mà cũng là xa nhà. Tết trước, con gái còn nhỏ quá nên tôi ở lại Sài Gòn thay vì trở về nhà xưa phố cũ. Tết này, có những điều không mong đợi đã xảy ra, nên vì hoàn cảnh, tôi cũng không thể trở về căn nhà của ba mẹ. Ăn Tết xa nhà coi như là không có Tết. Nhưng ăn Tết bên gia đình nhỏ của mình thì vẫn là Tết đúng nghĩa mà. Khái niệm vốn mơ hồ, khái niệm vốn là do con người tự tạo ra. Vả lại, Tết đúng nghĩa nhất là khi lòng người đang Tết.

Tự nhiên, tôi nhớ một người chị yêu quý ở xa, một mình, ở cái nơi mà tôi biết khái niệm Tết hay không cũng mơ hồ y như những băn khoăn của tôi lúc này đây. Chị Sương, người chị ruột của một anh bạn thân, người tôi vẫn gọi là “chế” Sương như cách gọi trong gia đình chế, người đã sống một mình ở Paris gần chục năm nay rồi, kể từ khi người bạn đời của chị tìm về nơi nước Chúa.

Nói về Paris, người ta nhắc đến nhiều địa danh nổi tiếng nhưng trong lòng tôi, hình ảnh của cái quảng trường nhỏ bé ở Place d'Italie luôn để lại dấu ấn đậm nét nhất. Đó là nơi chế Sương đang sống, nơi tôi tá túc mỗi lần tìm tới Paris, nơi từ ô cửa sổ rộng của phòng ăn tôi có thể nhìn thấy tháp Eiffel mỗi sáng sớm, bên ly espresso mà chế pha cho tôi. Một người đặt chân qua nhiều nơi, gắn bó với nhiều nơi, ắt hẳn sẽ có một nơi nào đó đủ thân thương để họ coi là nhà và với tôi, Place d'Italie chính là "nhà" của tôi ở Paris vậy. Nhớ tới chế, tôi tự hỏi mình: "Năm nay, chế lại ăn Tết xa nhà, không biết chế có buồn không?".

Trước ban thờ tổ tiên (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tôi chưa bao giờ ăn Tết ở nước ngoài nhưng tôi dám chắc chế tôi buồn lắm. Về Việt Nam ăn Tết không phải là một việc đơn giản đối với một công chức bình thường như chế. Cứ phải hai, ba cái Tết thì chế mới về Việt Nam một lần. Tết trước chế đã không về. Tết này, có lẽ cũng vậy, nhất là khi má của chế đã về với cõi Phật được hơn một năm rồi.

Những người đã đi, về nơi bình an, luôn để lại khoảng trống đến lặng người trong lòng những người thân ở lại, mỗi độ Tết đến xuân sang. Tôi chẳng bao giờ quên những ngày cuối mùa thu 2012, sau khi tôi từ nghĩa trang Pere Lachaise trở về, hân hoan kể cho chế nghe tôi đã thấy mộ của Balzac, của Chopin, của Bizet, của Victor Noir, của Jim Morrison… như thế nào, chế đã nhìn tôi tươi cười mà khen "giỏi ghê, cứ một mình mày mò mà tìm được cả những nơi như thế ở Paris". Rồi chỉ một lúc sau thôi, bên ly Chardonnay và món choucroute ngon tuyệt, chế khe khẽ nói: "Lâu lắm rồi chế không ra nghĩa trang, kể từ khi Phillipe mất. Tại chế sợ cái cảm giác của ngày đưa Phillipe đi".

Tôi đã thấy nỗi buồn sâu trong đôi mắt người xa xứ, nỗi buồn mà tôi hình dung lại được ở ngày giỗ đầu của má chế, tôi đã gọi phone cho chế để trò chuyện với cả nhà. Tết xa nhà, một mình giữa Paris mà đa số người Âu không biết gì về Tết, chắc nỗi buồn của chế sẽ rất sâu, sâu như đôi mắt chế đã nhìn vào đáy ly hôm ấy.

Giao thừa này chế sẽ làm gì, với ai và ở đâu? Có thể, sẽ như nhiều người Việt xa quê, chế sẽ vào khu quận 13, nơi tập trung cộng đồng người Việt, để đón một cái xuân chung với vài người bạn? Khu người Việt ở quận 13 cũng không quá xa Place d'Italie là mấy. Nhưng cũng có thể lắm, chế sẽ ở nhà một mình, đi ngủ sớm bởi chế sợ cảm giác của những Tết xưa, khi anh Phillipe còn, khi má vẫn còn. Chế bé nhỏ, mong manh nên chế sẽ tìm cách chạy trốn khỏi những đám đông ăm ắp không khí gia đình. Tôi thân với chế, ở gần với chế cũng đủ để hiểu chế sẽ tìm phương án nào mà.

Nhưng tôi vẫn mong, chế cứ bước ra ngoài và chung vui một cái Tết xa với cộng đồng người Việt thân quen giữa lòng Paris. Tôi muốn chế như chính cái bông hồng mà chế từng chụp hình về khoe tôi hồi mùa đông 2012, lúc chuẩn bị bước sang năm 2013. Đó là cây bông hồng tôi mua tặng chế trước khi về lại Sài Gòn. Nó nở hoa, rạng rỡ, và sắc hoa vẫn tươi nguyên sau một đêm tuyết phủ trắng tất cả. Giữa màu trắng tinh tươm của tuyết kia, màu đỏ của bông hồng kia vẫn rực lên, như thể hình ảnh của Tết giữa ngày giá buốt.

Ừ thì Tết xa nhà nhớ người ăn Tết ở xa. Để tự nhắc mình, và cũng sẽ gửi thư dặn dò chế, điều ba tôi đã nói với tôi năm ngoái: "Gia đình mình ở đâu thì ăn Tết ở đó và nếu luôn để gia đình ở trong lòng mình thì lòng mình lúc nào cũng đang Tết".

Hà Quang Minh - Xuân 2015
.
.