Tay "ngông" nể vợ

Thứ Năm, 22/11/2012, 08:00
Giờ thì Xuân Thu đã là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn Nghệ Phú Thọ, trong tay có tới 13 cuốn sách các thể loại, nhưng vẫn ham vui, vẫn mơ màng, tình tang trong mộng tưởng. Vẫn "lắm chuyện"...

Mới rồi tham gia trại viết của Hội Nhà văn tổ chức trên Gia Lai, "hắn" đã tưởng tượng ra một loài hoa có cái tên Nhã My trong truyện ngắn "Huyền thoại hoa Nhã My". Ai đọc cũng đều tin rằng ở núi Phú Cương thăm thẳm ấy có một loài hoa Nhã My, một biểu tượng cho sự nồng nàn, say đắm, thủy chung. Nhiều người dò hỏi. Hóa không phải. Có người bảo "hắn" chơi ngông, dám bịa đặt, vì loài hoa ấy làm gì có. Thì thế! "Hắn" nổi tiếng ngông từ khi còn trẻ...

Trước khi về làm "quan" ở Hội Văn nghệ tỉnh, Xuân Thu đã có hai mươi năm làm "quan" xã và huyện. Cái đận làm công tác xã, ở Chí Đám, Đoan Hùng, từ năm 1986 đến 1998, Xuân Thu đã từng làm Chủ tịch xã tới mấy khóa liền và đã nổi tiếng là chơi ngông. Anh là người chủ tịch xã đầu tiên trong toàn huyện chơi vi tính khá thành thạo. Xuân Thu mang nhiều hoài bão xây dựng quê mình sau khi rời quân ngũ và đi học một lớp trung cấp nông nghiệp về. Khi ấy, ông "quan" xã trẻ nhất huyện, nếu không nói là trẻ nhất tỉnh Phú Thọ, ở tuổi 30 biết chơi đàn ghi ta và xúng xính chiếc laptop bên mình. Người già bảo hắn chơi ngông, điệu đà, chắc đã làm được gì, nhưng hóa ra "hắn" giỏi nghề nông thật sự và sống chết với làng xã, cho dù khi đó không hề có chế độ gì đáng kể và nhất là đến chủ tịch xã cũng không có lương trong biên chế Nhà nước.  

Sau khi mở khóa học vi tính cho cán bộ xã và cánh thanh niên trong làng, Xuân Thu còn tổ chức lớp học tiếng Anh cho trẻ con. Mà cũng lạ, không biết Xuân Thu đi học tiếng Anh hồi nào mà có đủ trình độ để dạy cái đám choai choai hát vang bài ca "A,B,C" bằng tiếng Anh rất vui tai. Từ đó, tiếng lành đồn xa, báo Phú Thọ cho phóng viên đến Chí Đám viết bài về Xuân Thu, với hình ảnh một chủ tịch xã dạy tiếng Anh. Lại còn cái anh Truyền hình tỉnh nữa, cũng về quay chân dung một chủ tịch xã trẻ nhất huyện Đoan Hùng có nhiều thành tích trong sản xuất và có công đưa Đảng bộ xã Chí Đám từ yếu kém lên hàng vững mạnh liên tục 8 năm liền.

Cũng từ đó, không hiểu cơ duyên nào, Xuân Thu bắt tay vào viết lách. Sự đời lạ lắm, mặc dù hắn nhiều tài lẻ nhưng đến khi viết báo làm thơ thì nhiều người cho là ông chủ tịch xã lại chơi ngông. Biết làm ruộng thì làm ruộng cho giỏi. Biết đánh đàn hay gọi là nhí nhố cho vui làng xã thì được. Chơi vi tính, dạy tiếng Anh thế cũng là ghê. Nhưng nói đến làm thơ, thì ai tin chứ riêng vợ Xuân Thu cho là chuyện tầm phào, ngông ngạo. Ấy vậy mà "hắn" lại làm được. Quái lạ, bài viết đầu tiên được in ngay, biên tập báo tỉnh lại khen mới chết. Thế là Xuân Thu viết như lên đồng, bởi bao vốn sống thực tế từ khi đi lính cho đến công tác xã, đã thôi thúc tâm hồn thi sĩ ẩn chứa từ lâu trong trái tim của chàng trai sôi nổi này. Chỉ sau một năm, Xuân Thu cho in tập thơ đầu tiên, với cái tên "Hương bưởi" (1998).

Ngỡ gây được tiếng vang qua tập thơ, nhưng thực tình vợ "hắn" kêu giời vì phải bỏ cả một đống tiền ra in sách. Đúng là vô tích sự. Ai dè, vào thời gian đó, "hắn" lại được Tòa soạn Báo Phú Thọ đánh công văn về huyện xin cho lên làm phóng viên. Quả là việc bất ngờ, nhưng lãnh đạo huyện Đoan Hùng giữ lại và điều Xuân Thu lên huyện làm việc cho Ban Tuyên giáo. Tuy không được về báo tỉnh nhưng ở cương vị mới, Xuân Thu cũng như được chắp cánh bay. Vừa lên UBND huyện một năm, Xuân Thu được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin. Bất ngờ "hắn" lên tiếng "đe" mình sẽ viết truyện ngắn. Có người bảo tham. Có người khen giỏi. Có người nghi ngờ và chê "hắn" hơi bị "ngông" đó.

Nhà văn Xuân Thu.

"Hắn" lại đùa đùa giải thích, chuyển sang viết văn để dần không làm thơ nữa, bởi lẽ đã hứa với vợ rồi. Tại sao phải hứa? "Hắn" nói thêm, trước hết in thơ phải bỏ tiền, mà vợ thì dứt khoát không cho. Vợ có một cửa hàng buôn bán làm ăn để nuôi con, nuôi chồng, chứ lương cỡ "quan" văn của "hắn" thì bõ bèn gì. Hơn nữa, in thơ toàn những em em, anh anh, mình mình, ở đâu ý. Cái thứ tằng tịu ngầm, tình tang, quằn quại với gái, thì có mà đem chốn sống. Vợ dọa "xẻo". "Hắn" sợ. Thế là cấm có ngó ngàng đến chuyện in thơ nữa. Bởi có gắng chung tình với thơ, dễ tan cửa nát nhà lắm. Thôi tròm trèm in đến ba tập cũng đã là kinh. Vợ chiều đến thế cũng gọi là phải biết điều. "Hắn" nhịn in thơ và chỉ chuyên viết văn kiếm tiền tiêu vặt.

Thời gian này, "hắn" đột nhiên ôm lấy cây đàn ghi ta và sáng tác nhạc. Ai cũng nghĩ hắn hết trò rồi hay sao? Toàn những chuyện khác đời. Nhưng quả là với vốn liếng học đàn từ thời tham gia quân ngũ và học trung cấp ba năm, sống và học tập ở Hà Nội, "hắn" còn được gọi biệt danh là Thu "Ghi ta". Vậy là một bài hát tập thể ra đời: "Kỷ niệm Đoan Hùng". Dàn đồng ca mang bài hát này đi dự thi, giật được giải về cho huyện. Thế là ai cũng chịu. Đến giờ bài hát ấy vẫn còn được các tốp ca trong các xã, huyện đi biểu diễn, và coi như một bài "Huyện ca" khó thay thế cho đến nay. Chỉ ít năm sau, tập truyện ngắn "Mạch sủi" (NXB Thanh niên- 2000) ra đời; và cũng thời điểm này Xuân Thu trở thành Huyện ủy viên.

Nhưng rồi, trong tâm trí Xuân Thu vẫn chỉ một lòng hướng về văn chương, nhất là sau khi Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về quay chương trình "Thơ Xuân Thu". Đã mấy lần "hắn" xin huyện cho chuyển lên Hội Văn nghệ để làm việc. Hội Văn nghệ Phú Thọ ngỏ ý với huyện điều chuyển Xuân Thu lên làm công việc biên tập cho Tạp chí Đất Tổ. Nhưng ban lãnh đạo huyện không đồng ý và có ý định đào tạo để đưa Xuân Thu vào diện cán bộ chủ chốt. Xuân Thu buồn lắm, nhưng biết làm sao khi cấp trên đã quyết. Tuy vậy, Xuân Thu vẫn không nản chí và thể hiện thái độ sẵn sàng rời bỏ tay không, cho dù có bị kỷ luật. Có người cho là "hắn" có ý thách đố, ngông ngạo khi rũ bỏ quan trường về làm anh nhân viên quèn. Nhưng thấy tình thế khó giữ chân, các đồng chí lãnh đạo huyện đành phải đồng ý cho Xuân Thu ra đi. Cho dù lúc này ai cũng biết anh sẽ gặp nhiều thiệt thòi về chế độ chính sách, bởi lẽ tất cả làm lại từ đầu, ở tuổi 45. Xuân Thu biết rõ và chấp nhận. Vậy là từ 2002, Xuân Thu chia tay Đoan Hùng về Việt Trì làm việc với một chiếc giường cá nhân và cơm niêu nước lọ, với đúng nghĩa của một hàn sĩ mà anh đã từng viết: "Lang thang một gã quê mùa/ Gánh thơ ra chợ, vào chùa cầu may…"

Được lên thành phố làm việc, Xuân Thu như "hổ được thả về rừng", liên tục cho ra đời những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn. Chỉ vài năm sau, tập truyện ngắn "Ngọn nến đêm Noel" của Xuân Thu đoạt giải A - Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (2000-2005) của tỉnh Phú Thọ. Ấy là chưa kể tới nhiều giải thưởng khác cùng được nhận trong thời gian này. Chính vì hơi văn "phát lên" như diều, Xuân thu được đề bạt làm phó, rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Tuy lại làm quan, nhưng "hắn" cấm có ý tưởng in thơ, cho dù vẫn ngấm ngầm giấu vợ làm thơ tình mỗi khi cảm xúc chợt đến. Nhưng chỉ chuyền tay bạn bè đọc cho vui.

Có người khích, làm gì đến nỗi nể vợ đến thế, bây giờ lên tỉnh rồi, chắc không đến nỗi phải ngửa tay xin tiền vợ in thơ. Nhưng cũng phải đến mấy năm sau, "hắn" mới dám vượt qua lời nguyền với vợ, hì hụi đêm hôm, chọn thơ in thành tập "Khúc đồng dao". Sách bán tứ tung, báo này giới thiệu, báo kia bình luận, vậy mà vợ "hắn" không hề biết gì. Xuân Thu khoái lắm, nhưng ai dè khi hình phát, đài ngâm oang oang, thế là đến tai vợ. "Hắn" nghĩ nếu về Đoan Hùng bây giờ, không khéo bị vợ "xử" thật, nên nằm im trên Việt Trì và báo cáo về nhà là đi sáng tác, ít tháng mới về. Vợ nhắn tin năm lần bảy lượt gọi, nhưng "hắn" vẫn trốn biệt.

Nhưng trời đã "cứu" Xuân Thu, tập thơ "Khúc đồng dao" đoạt liền hai giải thưởng: Giải B (không có giải A) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (năm 2009) và Giải Hùng Vương (lần thứ V) của tỉnh Phú Thọ (năm 2010). Tổng cộng là 25 triệu đồng tiền thưởng. Thế là Xuân Thu mang toàn bộ tiền về cùng hai tấm bằng khen đặt trước mặt vợ bày tỏ một cách mạnh mẽ rằng, thơ đấy, cũng ra tiền đấy, chứ không phải vô tích sự. Nhìn thấy cô vợ xinh đẹp của mình im như thóc, không nói một lời, đôi mắt cứ liếc một đống tiền trên bàn, thế là Xuân Thu cho rằng từ nay chẳng phải giữ cái lời thề năm xưa nữa. Ngay lúc đó, "hắn" nảy ra mấy câu thơ, bèn rút điện thoại ra viết. Đây cũng là một kiểu tranh thủ sáng tác thơ trên điện thoại mà hắn mới nghĩ ra, khi trong tay chẳng có giấy bút gì, mỗi khi đi ôtô trên nhưng chặng đường dài.

Rồi đêm ấy, Xuân Thu ôm cây ghi ta hát cho vợ nghe một bài hát với những lời tự sự mà hắn vừa sáng tác: "Cõi đời này tất cả sẽ tan đi/ Cả thân xác ta cũng thành cát bụi/ Chỉ danh dự, tình thương yêu là muôn đời tồn tại/ Gom chữ mà ghi ơi cuộc sống diệu kỳ". Cô vợ nghe. Im lặng. Rồi đánh buột một câu: "Thật vất vả!".

Vương Tâm
.
.