Tây Thiên chín khúc suối về

Thứ Năm, 27/08/2020, 15:28
Khu thờ mẫu Tây Thiên trên núi Thạch Bàn nổi tiếng là vùng non sơn thủy tú mà nhà thơ Cao Bá Quát đã miêu tả: “Chín khúc suối về trăm núi lượn/ Chừng cao nửa ngọn ấy Tây Thiên”.


Mới đây tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (3-2020). Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên đã từng được đón nhận sắc phong từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê... Khu thờ mẫu Tây Thiên trên núi Thạch Bàn nổi tiếng là vùng non sơn thủy tú mà nhà thơ Cao Bá Quát đã miêu tả: “Chín khúc suối về trăm núi lượn/ Chừng cao nửa ngọn ấy Tây Thiên”.

Chuyện tình của cô gái làng Đông

Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Tây Thiên (cách Hà Nội chừng 70km) nằm trong thung lũng được ba ngọn núi cao nhất trên dẫy Tam Đảo bao bọc. Khu đền thờ Mẫu nằm ở lưng núi Thạch Bàn (cao 1420m). Bên trái là núi Phù Nghĩa (cao 1300m), còn bên phải là núi Thiên Thị (cao 1357m). 

Tương truyền Hùng Chiêu Vương (đời thứ bảy) hay tin ở vùng Tây Thiên thường có các nàng tiên hạ giới. Họ ca múa vui chơi bên thác suối trong biển mây bồng bềnh. Đến nơi Hùng Chiêu Vương bị thu hút bởi cảnh trí gấm hoa thơ mộng. Vua chợt thấy trên núi có một am nhỏ đề “Tây Thiên cổ tự” nên đã lập đàn dâng hương làm lễ trong bảy ngày bảy đêm.

Ai ngờ sau đó vua đã gặp một nàng tiên đúng như trong mộng ước. Nàng tiên ấy không phải ai xa lạ mà là một cô gái ở ngay dưới chân núi. Cô tên là Lăng Thị Tiêu (hiệu là Nhược Cẩm) xinh đẹp dịu dàng. Nàng là con của vợ chồng tù trưởng Lăng Phiêu và Đào Thị Liễu ở thôn Đông Lộ (xã Đại Đình). Thôn nữ miền sơn cước ở tuổi trăng rằm đẹp tựa hồng đào, thơm như hoa lan, hoa bưởi. Tình yêu trở nên đắm say. Lăng Thị Tiêu đã được Hùng Chiêu Vương tuyển về cung làm Hoàng Phi.

Từ nhỏ Lăng Thị Tiêu được học hành thông văn giỏi võ nên đã giúp Vua làm nhiều việc. Khi có loạn giặc Thục (257-208 TCN) bà về quê chiêu mộ binh sĩ. Những trai tráng quanh vùng nô nức đến đầu quân. Bà chỉ huy hàng vạn binh sĩ cùng góp sức với quân tướng vua Hùng xông pha trận mạc. 

Chiến thắng trở về bà tiếp tục giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Sau đó bà trở về quê dậy dân trồng lúa nuôi tằm, quay tơ dệt vải.  Hoàng phi Lăng Thị Tiêu không màng danh lợi đã trở về làng và mất tại đây. Vua Hùng phong cho bà là Tam Đảo Sơn trụ Quốc mẫu Đại vương (hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn).

Quốc mẫu là người có thật. Đó là sự kỳ diệu của sự tín ngưỡng thờ mẫu ở Tây Thiên. Bởi thường các đền phủ khác thờ mẫu đều có gốc tích con nhà trời. Do vậy hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu” ở đây có sự hòa quyện giữa tâm linh và hiện thực sinh động. Những di tích ở quanh vùng rất chi tiết từ ngàn năm xưa về nơi mẫu luyện quân, mẫu sinh, mẫu hóa. Người đến lễ luôn có sự ấm áp chở che bởi tình cảm thân thiện. Do vậy đền thờ Quốc Mẫu trên đỉnh núi Tây Thiên thu hút du khách quanh năm chứ không riêng ngày lễ hội đầu năm (15/2 âm lịch).
Rước kiệu trong lễ hội Tây Thiên của người Sán Dìu. 

Đặc biệt hội lễ Quốc Mẫu Tây Thiên cũng như các lễ Mẫu khác đều gắn liền với sinh hoạt hát văn lên đồng ở các phủ đền. Đây là một sinh hoạt âm nhạc đặc sắc mà chỉ có ở nước ta. Đáng chú ý ở ngay chân núi Tam Đảo có làng nghề hát văn ở Yên Trung. 

Hầu hết những chầu văn giá đồng diễn ra ở Tây Thiên đều có sự góp mặt của những nghệ sĩ làng. Họ hát với lòng thành để diễn tả tình cảm của Quốc Mẫu đối với dân lành. Núi non Tây Thiên luôn rộn ràng giữa lời ca tiếng hát cùng âm thanh của suối reo thác đổ. Đúng với hình ảnh: “Chim bay phấp phới mọi nơi/ Cá treo ngược nước/ Lượn bơi vẫy vùng trên ngàn trùng gió rung/ Xao xác đỉnh sườn non đá vách cheo leo…” (Cô đôi thượng ngàn).

Những cô đôi thượng ngàn Sán Dìu

Sống chung quanh chân dãy núi Tam Đảo chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu. Lễ thờ Mẫu luôn gắn bó với đời sống tâm linh của họ. Quốc Mẫu Tây Thiên chính là thành hoàng làng của Đông Lộ. Do vậy người Sán Dìu ở đây hàng năm đã cùng khách thập phương về dâng lễ. 

Lễ hội dân tộc hòa chung với những hoạt động tâm linh của những bản làng người Sán Dìu chạy dọc chân núi Tam Đảo. Những cô gái Sán Dìu hiện trong lễ hội luôn mang đậm nét riêng của vùng đất Tây Thiên cổ tự. Nét đẹp hồn nhiên như hoa thơm cỏ lạ trên núi cao của những cô gái Sán Dìu đã làm lễ Mẫu trở nên lung linh huyền ảo.

Người Sán Dìu thi gói bánh trong lễ hội Tây Thiên.

Chúng tôi theo chân ông lang Nguyễn Công Phượng ở thôn Hồ Sơn trong một buổi đội văn nghệ chuẩn bị cuộc thi hát giao duyên vào ngày Quốc Khánh 2-9. Ở đây chúng tôi chứng kiến những sắc phục Sán Dìu thật độc đáo. 

Đó là hình ảnh các cô gái với những chiếc váy xẻ tà (4 mảnh) buông tự nhiên trên bắp chân được cuốn xà cạp trắng gọn gàng. Phía trên cũng là nét hòa sắc giữa chiếc áo dài đen và áo trong (yếm) màu trắng tạo sự nổi bật tinh tế. Kèm theo đó những nét kẻ màu trắng hay đỏ chạy dọc theo tà áo tô thêm vóc dáng yêu kiều. 

Trong lễ hội các cô gái thường buộc thêm chiếc khăn màu xanh lá cây ngang bụng gọn gàng tạo điểm nhấn thú vị. Hai màu đen trắng của Sán Dìu khác hẳn những dân tộc khác về trang phục. Chính nét gọn gàng ấy mà những cô gái Sán Dìu trong những màn hát văn đã trở nên bay bổng. Đó là những cô đôi thượng ngàn xinh xắn thơ ngây tung tăng trên núi cao vực thẳm. 

Trong tộc người Sán Dìu ai cũng có thể kể câu chuyện về cô gái xinh đẹp Lý Tam Muội (hay Mói). Cô là người hát hay múa giỏi làm bao chàng trai say đắm mơ mộng. Một ngày nọ có ba chàng trai xuôi thuyền trên dòng sông gặp một cô gái váy đen áo trắng nên ngỡ ngàng xiết bao. Các chàng hỏi cô gái cho biết nhà cô Lý Tam Muội ở đâu. Họ đâu biết đó chính là người mình cần tìm. 

Cô gái tự nhận mình là em gái Lý Tam Muội rồi ra câu đối. Nếu các chàng giải đố được sẽ dẫn đi gặp chị. Câu đố được đưa ra nhưng ba chàng trai nghĩ mãi không được. Họ còn mở những cuốn sách giải đố mang theo mà cũng đành chịu. Cả ba lắc đầu ra về trong tâm trạng buồn rầu vì không gặp được người đẹp. 

Nhìn bóng người xa khuất sau những cánh rừng và chìm trong sương bay mờ mịt. Lòng nàng Lý bỗng rưng rưng xao xuyến. Tình cảm của những chàng trai đã ra đi không bao giờ gặp lại. Nàng buồn cất tiếng ca than thở về nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Đó chính là cội nguồn của sự tích hát giao duyên (Sọng Cô) của người Sán Dìu.

Trên đỉnh Tây Thiên.

Thầy lang Nguyễn Công Phượng lấy vợ người Sán Dìu cũng vì những giai điệu ngọt ngào buồn man mác ấy. Đúng lúc đó các chàng trai cô gái cất tiếng hát trong vườn cây. Họ phải đứng cách xa nhau vài mét chứ không được gần gũi trong khi giao duyên. 

Giọng cô gái nồng nàn trong lời ca: “Gà gáy chưa khắp trời sắp sáng/ Gà gáy sáng rồi sắp chia tay/ Bố mẹ, ông bà thì còn được/ Anh, em mình chia tay đứt hết ruột gan”. Rồi ở góc vườn khác lời ca lại ngân nga tha thiết dịu dàng: “Dưới nước trôi đến một cây rau/ Nước trên chảy xuống một cây hành/ Anh là lợn vàng em là tiên/ Lợn vàng nàng tiên kết thành đôi”. Cứ thế tình người quấn quýt. Không gian ngân vang những âm thanh tỏa lan trên rừng cây xanh lá. Các chàng trai cô gái say sưa hát muốn quên tháng quên ngày.

Kỳ thú Bàn cờ Tiên

Đường lên di tích Bàn cờ Tiên gập ghềnh đá chằng chịt với rễ cây leo. Đây là điểm cao nhất trong sơ đồ di tích trên núi Thạch Bàn. Tương truyền khu đền chùa Quốc Mẫu là nơi tiên thường về quần tụ dưới trần gian để hưởng thú vui chơi thanh cảnh trèo non hái hoa. Đúng như lời hát mà bấy lâu nay thường vang trong lễ hội: “Tây Thiên! Tây Thiên! Kìa lá vin cành/ Non cao đủng đỉnh một mình cô hái hoa/ Cô ban lộc cho khắp mọi nhà. A… á… a… à… a”.

Khu bàn cờ tiên rộng chừng hơn mẫu là nơi các tiên ông hạ giới chơi cờ và thưởng ngoạn phiêu du. Có ai đó đã khắc họa bài thơ để lại trên vách đá rằng: “Lên đỉnh núi đánh cờ/ Cùng tiên ông mây trắng/ Pháo-Ngựa-Xe… mấy chặng/ Chợt giật mình cuối thu”. Tiếng chuông thỉnh lên không gian u tịch mênh mông huyền bí. Dưới những rặng cây cổ thụ đoàn người chầm chậm bước đi như trôi trong những làn mây. Đàn bướm giật mình bay vụt ra từ khe đá tung tỏa như những cánh hoa muôn sắc trên cao.

Vương Tâm
.
.