Tản mạn về món “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập

Thứ Năm, 18/06/2009, 15:30
Nguyễn Quang Lập không phải là cái tên xa lạ ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Nhưng cái tên ấy, hơn một tháng nay lại được nhiều người nhắc đến, bởi một cuốn "tạp văn chọn lọc" dày gần 300 trang, có tựa đề "Ký ức vụn" (NXB Hội Nhà văn, quý 2-2009)

1. Không một "lời nói đầu" hay "nói cuối", cũng không trích dẫn lời nhận xét của bất cứ ai như một chiêu thức PR mà nhiều cuốn sách bây giờ vẫn thực hiện, Nguyễn Quang Lập chọn ra 59 bài trong tổng số hơn 115 bài anh đã viết và xếp vào 5 phần: "Những người bạn khó quên", "Buồn vui một thủa", "Người từng gặp", "Thương nhớ mười ba", "Bạn văn".

Những bài viết ấy từng xuất hiện trên blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập và nhận được sự phản hồi của nhiều độc giả, trong đó có không ít bạn bè văn nghệ. Cũng có một số bài viết khi xuất hiện trên blog đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm thì những bài ấy đã không có mặt trong "Ký ức vụn".

Cuốn sách là cuộc trở lại với văn chương của nhà văn Nguyễn Quang Lập, sau đúng 20 năm, kể từ tiểu thuyết "Những mảnh đời đen trắng" in năm 1989. Trong thời gian qua, Nguyễn Quang Lập vẫn viết, nhưng chủ yếu là viết kịch bản phim, như một cách để kiếm tiền.

Với văn chương, dường như anh bỏ hẳn. Nhưng khi cuộc sống đã tạm ổn, khi con cái đã dần trưởng thành, Nguyễn Quang Lập chợt nhận ra mình không thể bỏ văn chương. Và anh viết, viết trong âm thầm. Nhưng sự âm thầm ấy kéo dài chưa lâu, khi anh không thể "chơi" được nhiều thứ, thì con gái anh xúi anh nên mở blog mà "chơi" cho đỡ buồn.

Với một người đã "hưu" như Nguyễn Quang Lập, blog có vẻ là cái gì đó xa vời. Nhưng vì "nể" sự nhiệt tình của con, anh đã viết entry đầu tiên "Một ngày rảnh rỗi", rồi sau đó là vài cái tản văn "Nghĩ ngợi linh tinh" dài chưa đầy nửa gang tay. Thế giới mạng là một điều gì đó vô cùng rộng lớn và bí hiểm, khó hơn nhiều lần anh viết kịch bản phim "Đời cát". Vì thế, Nguyễn Quang Lập không thể chiều được mong muốn của con gái. Anh buông. Và blog của anh bỗng trở thành hoang lạnh.

Thế rồi một ngày, khi thấy bọn trẻ xôn xao về những "hot blogger", Nguyễn Quang Lập mới sực nhớ tới "ngôi nhà" bỏ hoang của mình. Anh trở về "thăm ngôi nhà cũ", và viết những dòng chữ cho ngày trở lại: "Thực sự hiện nay mình không có thời gian để đu đưa với đời, nhưng hồi này sao hay nhớ về quá vãng quá. Đã bỏ blog gần một năm bỗng nhiên quay lại, quyết tâm một ngày có một bài, một mảnh ký ức... Viết bất kỳ chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy, chợt ngẫm ra…".

Và Nguyễn Quang Lập bắt đầu viết. Suốt 3 tháng liền, anh viết đều đặn, mỗi ngày đưa lên blog một bài. Nhờ con gái thạo Internet, thi thoảng Nguyễn Quang Lập được chu du sang "nhà" của nhiều người. Anh tự hỏi vì sao blog của bọn trẻ sống động như thế, thu hút được nhiều ý kiến của độc giả đến vậy.

Điều ấy, với người viết văn vô cùng cần thiết. Điều ấy, ngay cả trong giấc mơ, anh cũng không dám nghĩ tới. Nhưng làm sao để một người "mù" công nghệ vừa trở lại với blog có thể thu hút được khách phương xa? Tỉnh táo một chút, thông minh một chút, láu cá một chút,… thì vẫn chưa đủ.

Thời gian làm báo cho Nguyễn Quang Lập kinh nghiệm: Muốn thu hút được nhiều người đến, blog phải luôn có cái mới, luôn có tương tác, và đặc biệt là luôn có các món mà số đông đang muốn. Có sẵn món "khẩu văn" từ lâu chỉ "xuất bản miệng" mà không sử dụng được vào công việc viết lách, anh quyết định trình làng…

2. Nguyễn Quang Lập vốn không thích thú chuyện được mời phỏng vấn. Bởi thế, nhiều nhà báo gọi điện xin gặp, gửi câu hỏi qua email anh cũng đều… khất. Bản thân tôi, khi biết anh vừa nhận được cuốn sách riêng sau 20 năm, đúng vào sinh nhật tuổi 57, với rưng rưng cảm xúc, đã xin anh một cuộc trò chuyện, thì Nguyễn Quang Lập "xổ toẹt" rằng, thôi, phỏng vấn phỏng veo làm gì. Cứ đọc sách đi. Tâm sự gì cũng đều có trong sách cả.

Khi cuốn "Ký ức vụn" ra mắt, Nguyễn Quang Lập bị đặt vào "màn" đi giao lưu ký tặng sách giống như các ngôi sao ca nhạc, tôi biết, anh vừa vui vừa buồn. Anh vui, vì dẫu gì, cuốn sách cũng được nhiều người quan tâm, bỏ tiền ra mua, và đến xin anh chữ ký để gửi tặng bạn bè.

Có người thấy anh xôn xao giữa đám đông, đã rỉ rả bảo anh đang "làm màu". Nguyễn Quang Lập biết vậy. Nhưng anh vẫn làm vậy. Cuộc sống, đôi khi cũng phải chiều nhau một chút. Anh đang chiều một vài người bạn, chiều nơi kinh doanh sách của anh.

Và có thể, anh đang chiều chính bản thân mình. Chính anh, cũng đã tự giễu mình ngay sau hôm đi "ký mỏi tay" trở về: "Có 40% đón nhận hồ hởi cuốn sách này, 40% nhếch mép cười nhạt, nói cũng thường thôi, có gì mà ầm ĩ thế, 20 % còn lại tức giận ném cuốn sách vào sọt rác. Thế vẫn còn là may. Tôi sợ còn tệ hơn".

3. Bên quán bia một chiều Hà Nội nắng nực, tôi đã hỏi nhà văn Nguyễn Quang Lập, rằng nếu không có blog, liệu anh đã "trình làng" món "khẩu văn" của mình? Anh cười, bảo rằng chưa dám. Tôi lại hỏi rằng, 3 năm trước, liệu cái món "khẩu văn" ấy được tung ra thì sao? Anh khẳng định: Không thích hợp.

Bởi phải đến thời điểm này, khi nhiều người đọc đã chán phèo với nhiều sản phẩm văn chương, thì cái thứ văn nói dân dã, suồng sã mới có "đất" để sống. Nguyễn Quang Lập bảo: "Nếu không có blog, thì năm 2009 tôi chưa thể có thêm một đầu sách mới, dù 20 năm đã trôi qua.

Tôi thấy, các nhà văn không khai thác blog thì quả thật là dại. Với người viết văn, không phải lúc nào viết cũng hay. Phải viết ra cái đã, rồi sau đó hay dở mới biết. Tôi phải cảm ơn blog, vì suốt 40 năm qua, tôi chỉ viết được (và đã công bố) 24 cái truyện ngắn. Nhưng chỉ hơn 1 năm gắn bó với blog, tôi "làm được" hơn chục truyện.

Còn nếu tính số trang in thì hơn 1 năm qua tôi đã viết được hơn 1.000 trang. 1.000 trang đó, nếu với tốc độ viết như trước, tôi cần tới 30 năm. Ở đây không bàn tới chất lượng của trang viết, tôi chỉ muốn nói đến hiệu quả, và cái cảm hứng mà blog đem lại, thôi thúc mình ngồi vào bàn viết".

4. Nguyễn Quang Lập đã có được thêm một đầu sách sau 20 năm, và ở quãng giữa của 20 năm đó, một cú tai nạn giao thông đã khiến anh thừa sống thiếu chết. Vì thế, cảm giác của tôi khi cầm và đọc xong cuốn "Ký ức vụn" là mừng cho Nguyễn Quang Lập. Cuốn sách là các mảnh ký ức sinh động về nhiều vùng đất đã in dấu chân anh, về bạn bè văn nghệ hay những người rất đỗi chân quê anh đã từng gặp, như cô Thy, thằng Thanh, thằng Tụy, anh cu Luật xứ Ba Đồn.

Nguyễn Quang Lập đã chọn cho mình một lối viết riêng. Lối viết ấy có thể khiến nhiều người thích, và đương nhiên cũng sẽ có những người “dị ứng”. Nhưng văn chương, xét tới cùng là cuộc chơi của mỗi cá tính. Thắng hay bại, thời gian sẽ trả lời. Đọc "Ký ức vụn", bắt gặp chân dung người viết, bắt gặp chân dung những gương mặt văn nghệ một thời.

Nguyễn Quang Lập đã viết bằng một cái nhìn, mà theo anh, là ấm áp về những tháng năm anh đã sống, những người anh đã gặp. Với "cái viết" của mình, ở cuốn sách này, Nguyễn Quang Lập bảo, thực tâm anh không có ý định nói xấu ai, mà đơn giản là dựng lại chân dung họ một cách sinh động qua con mắt của anh. Như nhiều người về cuối đời thường viết hồi ký, Nguyễn Quang Lập cũng vậy.

Nhưng khác với mọi người, anh chọn cho mình cách viết hồi ký bằng văn chương, với những mảnh vụn của ký ức đã thành tài sản của riêng mình. ở đó, những chi tiết có thực được tôn trọng, nhưng lại được bàn tay của người viết văn xếp đặt. Và tất nhiên, lăng kính của nhà văn sẽ soi rọi vào những chi tiết đó, để nó có thể lóe sáng lúc này, hay vụt tắt ở chỗ khác…

Có nhiều điều tôi đã biết được khi đọc cuốn sách này. Có nhiều tiếng cười đã được vang lên. Có nhiều chi tiết khiến tôi bùi ngùi. Cũng có chi tiết tôi băn khoăn. Có lẽ nó “tự nhiên” quá, hóa dung tục chăng? Và tôi đã vô cùng "khó chịu" khi cuốn sách có gần trăm lỗi mo-rát khiến người đọc sách như đang phải ăn một bữa cơm có nhiều sạn.

Nguyễn Quang Lập bảo với tôi, "Ký ức vụn" giống như một cuộc chơi vậy thôi. Và trước khi cụng ly bia cuối cùng khi đêm Hà Nội đã sẫm, tôi đã hỏi thẳng anh, đó là cuộc chơi vui hay buồn? Anh bảo: "Đó là cuộc chơi vui. Nhưng tôi tiếc, tiếc thật sự, là bởi sự trở lại lần này không được chu đáo cho lắm. Tôi đọc lại cuốn sách và thấy xấu hổ. Cuốn sách có quá nhiều lỗi không đáng có...".

Khi cầm cuốn sách trên tay, việc đầu tiên là Nguyễn Quang Lập đọc lại những dòng chữ của mình, và thấy chao ôi sao mà nhiều lỗi thế. Có những lỗi khiến câu văn trở nên ngô nghê, làm bạn đọc hiểu sai ý tác giả. Lúc ấy, anh đã định thống kê hết những lỗi đó, rồi đưa lên blog như một lời đính chính, nhưng rồi anh lại thôi, và âm thầm chờ một ngày nào đó sách được tái bản…

Nguyễn Thanh Bình
.
.