Tản mạn văn chương

Thứ Sáu, 23/05/2008, 13:15

Duyên văn

Những tác phẩm văn chương nổi tiếng thường được ra đời trong những hoàn cảnh kỳ lạ, tưởng chừng như trái quy luật. Nhiều bộ tiểu thuyết cổ điển rất dày của Trung Quốc: "Tây du ký", "Tam Quốc", "Thủy Hử"... lại là chỉnh biên những sáng tác lưu truyền trong dân gian từ lâu đời.

Bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" của L.Tônxtôi (Nga) ra đời cuối thế kỷ XIX nhưng lại viết rất hay về cuộc chiến tranh từ đầu thế kỷ mà tác giả không hề được chứng kiến.

Hai tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất của nước ta "Truyện Kiều" và "Chinh phụ ngâm", một là sáng tác trên cốt truyện đã có sẵn của nước ngoài và một là bản dịch tác phẩm chữ nước ngoài. Tác phẩm văn chương lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là "Nhật ký trong tù" ra đời trong hoàn cảnh tác giả không có ý định làm văn chương....

Trong cuộc đời sáng tác của mỗi nhà văn nhà thơ cũng vậy thôi. Tác phẩm hay nhất của họ chưa hẳn đã là tác phẩm họ ấp ủ và bỏ nhiều công sức nhất. Tố Hữu có nhiều bài thơ hay về các bà mẹ, nhưng về người mẹ đẻ của mình thì anh cũng chỉ viết được đến "Quê mẹ".

Trần Đăng Khoa thủa nhỏ làm thơ chủ yếu về làng quê của em, nhưng bài thơ được nhiều người thán phục lại là "Đêm Côn Sơn", nơi lần đầu tiên em đến. Nguyễn Đình Thi chăm chú dồn công sức vào viết nhiều tập tiểu thuyết, nhưng thành công của anh lại ở thơ. Nhiều nhà văn, nhà thơ khi viết những tác phẩm tự phát đầu tiên thì rất hay, sau đó viết một cách tự giác với nhiều điều kiện tưởng chừng như hơn hẳn, nhưng lại không có được tác phẩm nào hay nữa...

Viết văn phụ thuộc nhiều nhất vào cái duyên của người sáng tác. Cái duyên đó là sự gặp gỡ kết hợp kỳ lạ giữa tâm hồn nghệ sĩ và cuộc sống tạo ra một sản phẩm đặc biệt khác thường. Giống như trong cuộc đời, gặp hàng nghìn cô gái đẹp nhưng chỉ nảy sinh tình yêu với một người. Còn nếu kẻ gặp cô gái nào cũng yêu, thì chắc chắn chẳng ra gì cả.

Trong nghề phê bình cũng vậy. Không phải cứ đọc xong một cuốn tiểu thuyết hoặc một tập thơ là có thể phê bình được. Nếu thế chỉ là những bài điểm sách. Những tác phẩm phê bình thực sự cũng phải có duyên bí ẩn kia. Hình như cái duyên của phê bình còn hiếm hơn cái duyên của sáng tác, nên trong lịch sử mới ít để lại tác phẩm phê bình và ít các nhà phê bình.

Chân thực

Năm 1990 trước khi biên tập tập thơ "Ngày vui nhớ Bác", tôi đã nghe dư luận có ý kiến về hai câu thơ của Duy Phi trong bài thơ "Bác về Côn Sơn":

Bác bẻ nắm cơm ngô
Ăn cùng năm thế kỷ

Khi sách phát hành, ban biên tập lại nhận được thư của một tác giả thơ, không đồng tình hai câu thơ này với lý do: "Một vị Chủ tịch đi thăm dân chúng, thế mà Văn phòng không chuẩn bị chu đáo, đến nỗi phải để Người bẻ nắm cơm ngô ăn giữa rừng Côn Sơn phóng khoáng ư?".

Thơ khác lịch sử, khác hồi ký. Nhiều năm trước đây, tư duy sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đơn thuần đã thấm quá sâu vào cả người viết và người đọc. Ở đây, Duy Phi không theo phương pháp hiện thực thông thường, mà đã pha chất huyền thoại lịch sử: Rừng thông xanh bát ngát - Vọng lại "Cáo bình Ngô" - Vọng lại tiếng ngàn xưa...

Tố Hữu cũng có những câu thơ như thế, khi viết về quê nội Bác ở Làng Sen: Ba gian nhà trống nồm đưa võng - Một chiếc giường tre chiếu mỏng manh ("Theo chân Bác" - 1970). Sự thật là năm gian nhà gỗ, không có võng và giường tre. Sau này, từ câu thơ, sự vật có được sắp xếp lại.

Câu thơ tài của Trần Đăng Khoa làm xôn xao một thời trong bài "Đêm Côn Sơn": Ngoài thềm rơi cái lá đa - Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Nhưng sân chùa Côn Sơn làm gì có cây đa.

Theo tôi, những câu thơ của Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Duy Phi nói trên đều là những câu thơ chân thực.

Tiếc thay, trong văn học nghệ thuật không mấy khi có được sự kết hợp hài hòa sự chân thực cuộc sống và sự chân thực của cảm xúc để tạo nên sự chân thực của nghệ thuật. Có nhiều tác phẩm quá thực thà đến giả tạo. Ít tác phẩm hư cấu chín đến mức như thực để không bị thời gian phá hủy

Đinh Quang Tốn
.
.