Tản mạn dọc đường

Thứ Sáu, 06/03/2020, 08:45
Paris trời chuyển sang thu. Nắng vàng tràn ngập phố phường. Đây đó, trên các ngọn cây phong dọc phố, lá  đang chuyển dần màu đỏ. Chợt nhớ câu thơ của Nguyên Sa “Paris có gì lạ không em?”.

Đầu giờ buổi sớm, đã rất đông du khách tập trung ở quảng trường Khải Hoàn Môn. Đây là một trong mười công trình kiến trúc tiêu biểu của Paris. Với chiều cao 50 mét, chiều rộng 45 mét, Khải Hoàn Môn sừng sững nằm giữa quảng trường  Étoile  trung tâm thành phố, là điểm giao nhau  của 12 đại lộ lớn.

Ý tưởng  sau chiến thắng Austerlitz, Hoàng đế Napoléon Bonaparta quyết định xây dựng công trình vinh danh quân đội ngay từ năm 1806. Do sự sụp đổ của đế chế, công trình Khải Hoàn Môn bị dừng lại. Năm 1825, được tiếp tục xây dựng, năm 1836 mới khánh thành. Năm 1840, thi hài Napoléon được đưa qua Khải Hoàn Môn trước khi về điện Invalides. Tiếp đó, linh cữu nhà văn Victor Hugo cũng được rước về để một đêm tại Khải Hoàn Môn, trước khi đưa về điện Panthéon. Một nghĩa cử đủ thấy Paris luôn coi trọng giá trị văn hóa.

Điều đáng chú ý, là ngay dưới Khải Hoàn Môn đặt ngôi mộ của một chiến sĩ vô danh chết trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Trên ngôi mộ được khắc dòng chữ “Nơi đây yên nghỉ một người lính Pháp chết cho Tổ quốc”.

Đồng hồ hoa (Thụy Sỹ).

Hàng triệu du khách khắp nơi, đến Paris, là đến thăm Khải Hoàn Môn. Ai cũng muốn chụp bức ảnh kỷ niệm bên công trình nghệ thuật  này.

Nhà thờ Đức Bà, công trình 850 năm tuổi, tuy bị cháy vào chiều ngày 15-4-2019, cho dù cơ quan chức năng đã rào chắn bốn phía, để chờ ngày khôi phục, nhưng ngày nào cũng rất đông du khách đến thăm. Ai cũng muốn tận mắt chứng kiến một công trình văn hóa lớn bị hỏa hoạn. Nói theo cách khác, cái đẹp đã bị cái ác tấn công. Sự kiện cháy nhà thờ Đức Bà gây chấn động với hàng triệu, hàng triệu con tim  trên hành tinh.

Nhà thờ Đức Bà không phải là một kiến trúc tôn giáo lớn nhất, đẹp nhất của Paris, vậy mà bao con người trên hành tinh biết tới, bởi hình tượng thằng gù trong nhà thờ qua trang văn bất hủ của Đại văn hào Victor Hugo đã làm sống động,  lay  thức tâm tưởng người đọc  toàn cầu.

Tháp Eiffel, một công trình kiến trúc kỳ vĩ, một trong 7 kỳ quan của thế giới, được xây dựng từ năm 1887, khánh thành năm 1889. Khi mới xây lắp xong, lời khen cũng lắm, lời chê bôi quá nhiều. Có ý kiến cho rằng khối sắt thép khổng lồ, cao 325 mét này nó như một con quái vật  phá vỡ cảnh quan thơ mộng và êm đềm của Paris. Có  kiến nghị cực đoan, xin chính quyền cho giật đổ cái tháp sắt ngạo nghễ kia, trả lại bầu trời bình yên của Paris. Thế mới biết, cái mới của nghệ thuật, bao giờ cũng chấp nhận những sự phản kháng trái chiều. Nhưng nếu là giá trị thật, thì nó vượt qua mọi lời khen chê, sẽ trường tồn với thời gian. Đến nay, tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng của  Paris.

 Bảo tàng Louvre, một bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Ai yêu nghệ thuật, đều ao ước một lần được đến  chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của nhân loại tại đây. Để thăm và chiêm ngưỡng các thành quả nghệ thuật vô cùng kỳ vĩ của nhân loại được trưng bày trong bảo tàng, có lẽ phải mất một tháng trời. Nói đến Bảo tàng Louvre, là nhắc đến tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nàng Mona Lisa” của danh họa Leonardo Vinci và pho tượng nữ thần sắc đẹp Venus…

Về khoa học kỹ thuật, con người có thể cố gắng vươn cao mãi. Nhưng về nghệ thuật thì con người cố gắng mấy, cũng không thể tạo ra sự vượt trội những tác phẩm nghệ thuật đã đóng đinh với thời gian này. Nghệ thuật, như có sắc màu tâm linh, như có ma lực của thượng đế, của Trời Đất đã tích tụ và phát tiết cho một số con người, ở một số giai đoạn. Đã tạo ra cái đẹp và cái đẹp đã cứu rỗi con người.

Cung điện Versailles, nằm phía Tây Paris, nơi ở của vua và các hoàng hậu Pháp từ triều đại  Louis XIII, đến Louis XVI. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy. Kiến trúc  kết hợp với điêu khắc và hội họa, tạo vẻ đẹp kiêu sa tuyệt mỹ. Cung điện rộng 67.000m2, trên 2.000 phòng. Khác với các cung vua phủ chúa nơi khác, cung điện Versailles đứng sừng sững, không cần tường lũy và hào rãnh bao quanh bảo vệ. Cung điện Versailles là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp. Ngay từ khi cho khởi công xây dựng, vua Louis XIII đã tự tin, rằng cái đẹp, tự nó có sức mạnh siêu phàm, không có thế lực nào dám tấn công.

Khu vườn Luxembourg như lá phổi xanh của thành phố. Nơi đây, rất nhiều tượng các danh nhân văn hóa. Tôi thấy chiếc lá vàng, vàng óng ả như vàng mười, rơi hờ hững trên vai tượng nhà thơ Paul Verlaine. Nhớ người bạn vong niên của tôi, anh là nhà thơ, nhà giáo, hơn hai thập kỷ trước đã sang đây, giảng văn học Việt Nam, theo lời mời của một trường đại học danh tiếng. Anh vốn là người sống lặng lẽ. Giữa thủ đô Paris náo nhiệt này, sau giờ lên lớp, anh có thú vui thơ thẩn trong vườn Luxembourg tìm sự bình yên. Khu vườn mướt xanh, bạt ngàn hoa, đủ để con người tĩnh tâm trở về bản thể chính mình.

Sông Seine, dải lụa mềm vắt ngang thành phố Paris. Có 37 cây cầu lớn nhỏ bắc ngang sông. Cầu Alexandre III là cây cầu đẹp nhất thành phố. Cây cầu này,  không chỉ đơn thuần với sứ mệnh chuyên chở khách qua lại, mà nó còn đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Hai hàng cây đèn cổ, các pho tượng điêu khắc sống động  hai bên thành cầu, đổ bóng lung linh xuống dòng sông êm đềm.

Đây là chiếc cầu của tình hữu nghị. Sa hoàng Alexandre III (Nga) đã xây dựng tặng nhân dân Pháp. Cầu xây dựng 4 năm trời mới xong (1896-1900). Đến thăm cây cầu nghệ thuật này, tôi lại  nhớ cây cầu Mirabeau, bắc qua sông Seine ở quận 15, 16. Đầu thế kỷ XX, với cảm xúc về thời gian, thi sĩ Apollinaire đã viết lên bài thơ “Bên cầu Mirabeau”, mà những người làm thơ trên thế giới, như ai cũng đã phải tìm đọc:

Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine
Và tình ta nữa
Chẳng biết anh còn nên nhớ
Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền…

(Bản dịch của Hoàng Hưng)

Dọc bờ sông Seine, có hàng trăm quán sách cũ. Thấp thoáng, các họa sĩ ngồi vẽ chân dung và phong cảnh cho du khách qua đường. Một nét văn hóa, như chỉ Paris mới có.

Tháp Eiffel (Pháp).

Hồ Geneve (Thụy Sỹ) bình yên. Ven bờ, nước trong, nhìn rõ cả những viên sỏi dưới đáy hồ. Những con thiên nga trắng thanh thản trôi trên sóng nước. Vườn hoa ven hồ, những cây cổ thụ cao vút, tỏa tán lá xanh rờn. Thảm cỏ mướt màng. Lối đi quanh quanh sạch sẽ chờ bước chân người. Thụy Sỹ tự hào là xứ sở của những chiếc đồng hồ tinh xảo, mỹ miều và sang trọng bậc nhất thế giới.

Trong các tiệm đồng hồ Rolex, có trưng bày những chiếc đồng hồ đeo tay giá tiền trên 200.000 euro. Sản phẩm dành cho các ông chủ và tay chơi. Ngoài vườn hoa, ngay bên hồ Geneve, chính quyền thành phố đã cho các nghệ nhân làm chiếc đồng hồ đặc biệt, được tạo nên từ 6.300 bông hoa tươi, sắc màu rực rỡ. Dòng người, dòng xe ngược xuôi trên đường phố, nhìn chiếc kim của đồng hồ hoa chuyển động, báo hiệu từng thời khắc đi qua. Chiếc đồng hồ hoa, như nhắc nhở, con người đừng để hao phí thời gian, hãy làm thêm việc hữu ích.

Quảng trường Các quốc gia, trước trụ sở Liên hợp quốc, tại trung tâm Geneve có dựng chiếc ghế gỗ ba chân, có tên “Broken Chair”. Đây  là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ của nghệ  sĩ người Thụy Sĩ Daniel Berset, do thợ mộc Louis thực hiện. Đây là chiếc ghế khổng lồ, nặng 5,5 tấn, cao 24 mét, với một chân bị gãy, được trưng bày từ năm 1997.

Xuất phát từ việc vận động hỗ trợ những người khuyết tật. Rồi được coi là biểu tượng ủng hộ toàn cầu với Công ước chống mìn sát thương. Tác phẩm chiếc ghế gỗ ba chân, mang đầy tính nhân văn. Rằng, con người tàn tật vẫn có quyền sống, quyền đóng góp cho xã hội. Xin con người hãy chung tay ngăn chặn, hạn chế mọi tai họa cho con người.

Thụy Sỹ là một quốc gia có chất lượng sống cao nhất thế giới. Đến Thụy Sỹ, ngoài việc thăm các khu phố cổ vô cùng thanh bình, tôi muốn đi tìm thăm ngôi nhà của ông tổ nghề chế biến nước chấm Maggi, nhưng không tìm được. Thật  tiếc. Trước kia, tôi vẫn nghĩ ông tổ nghề nước chấm Maggi là người Trung Quốc nhưng hóa ra không phải. Khi làm sách “Nghề cổ nước Việt”, biết ông tổ nghề này là người Thụy Sỹ, tôi mong có ngày tới đất nước ông để thăm xưởng sản xuất của  ông vậy mà  không thành, buồn làm sao.

Ông Julius Maggi sinh ngày 9/10/1846 tại thị trấn Frauenfeld, cách xa Geneve. Cơ duyên khiến Julius Maggi từ xay xát chuyển sang lĩnh vực chế biến gia vị khá tình cờ. Khi thấy đời sống của công nhân ở các nhà máy tại Thụy Sĩ quá cực khổ, bữa ăn chất lượng  kém,  không đủ chất, ông quyết tâm chế biến ra viên Maggi, chỉ cần cho nó vào nước sôi là có ngay một bát súp nóng hổi. Ông Maggi có công cứu đói cho những người lao động, sau thế chiến thứ nhất.

Cuối năm 1886, thương hiệu Maggi đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và phát triển ra toàn thế giới. Các sản phẩm nước chấm Maggi đã được người Pháp đưa vào Việt Nam từ năm 1935. Ngày nay, Maggi là một thực phẩm quen thuộc cho mọi gia đình Việt Nam.

Thì ra, ngay cả việc sản xuất kinh doanh, cũng phải coi trọng tính nhân văn. Bất kỳ lĩnh vực nào, có vì con người, mới tồn tại và phát triển…

2019

Vũ Từ Trang
.
.