Tài đâu, tình đâu, tiền đâu?

Thứ Ba, 23/01/2007, 15:00

Cùng một lúc, hai cuộc liên hoan (sao gọi là liên hoan nhỉ?) sân khấu và điện ảnh được tổ chức. Bên sân khấu, liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế. Bên điện ảnh, liên hoan phim truyện nhựa của các đạo diễn Việt kiều. Nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt nhưng sâu xa bên trong, những người làm nghề hiểu ngầm rằng cả hai sinh hoạt nghề nghiệp ấy đều là kết quả của sự sốt ruột.

Giới nghệ sĩ nội sốt ruột cho sự nhạt nhẽo, luẩn quẩn của nghệ thuật nội bấy nay. Bàn mãi trong nhà cũng không vỡ ra thêm cái gì, vậy thì trăm nghe không bằng một thấy, thử hé nhìn ra bên ngoài xem họ thế nào để rồi liệu cách làm ăn. Cách làm không cao siêu nhưng thiết thực như thế, xem ra lại có hiệu quả. Nhìn vào các cuộc “bàn” bên cạnh phần “xem”, thay vì những bài diễn văn kêu như chuông, đã thấy nhiều vầng trán cau lại bởi suy nghĩ, bởi tư lự cho con đường nghệ thuật của  mình.

Về sân khấu, xem thiên hạ diễn mới thấy cách hiểu về sân khấu, cách làm sân khấu của thế giới bây giờ khác chúng ta rất xa, không biết có phải vì cái “chủ nghĩa hậu hiện đại” ra đời cách đây non nửa thế kỷ? Không rõ những nhà “sân khấu học” có hiểu gì không chứ riêng tôi, tôi thành thật nói rằng mình hiểu rất lơ mơ và nhiều chỗ chẳng hiểu người ta đang làm gì trên sàn diễn. Nhưng không phải vì không hiểu mà sợ.

Cảm tưởng trội nhất chỉ là chúng ta đang được giới thiệu, đang được làm quen với một vài cách làm sân khấu thịnh hành hiện nay. Cũng như mọi trào lưu nghệ thuật trước đây (và cả sau này), trào lưu sân khấu này cũng sẽ lùi vào quá khứ. Tuy thế, dù thậm chí đang bị lãng quên, nó vẫn có một cái gì đó đóng góp vào kho tàng sân khấu của nhân loại.

Không có một trường phái, một xu hướng nghệ thuật nào lại hoàn toàn bỏ đi. Bởi vậy, trân trọng nó, cố hiểu nó, cố gạn lọc những cái hay của nó thêm chút nào hay chút ấy. Nhưng thật khó ủng hộ việc bê nguyên nó về Việt Nam. Văn hóa Việt Nam khác, tâm lý nghệ thuật Việt Nam khác, ngay cả đời sống Việt Nam cũng khác, bởi thế khó có đất cho trào lưu nghệ thuật này sinh sôi nảy nở.

Nhưng về phim của Việt kiều thì phức tạp hơn. Có cảm tưởng phim của các đạo diễn Việt kiều, ngay cả phim chưa thành công lắm, xem vẫn thích. Có thể bởi đây là phim của người Việt Nam ở nước ngoài làm về Việt Nam. Cũng có thể vì những phim này đã được giải này giải nọ trên thế giới.

Nhưng tự ái mà làm gì, vượt qua những hạn chế, cái chính làm nên sức hấp dẫn của những phim này là ở chỗ nó đã cho ta một cái nhìn mới lạ về lịch sử, về văn hóa, về con người Việt Nam, cái mà bấy lâu “phim nội” luôn mong muốn. Điều đó phần nào thể hiện sự vượt trội về nghề nghiệp.

Cảm giác mới lạ về chính những gì ta đã quá quen thuộc còn bởi những phim nửa nội nửa ngoại này không bị ràng buộc vào  cách nhìn, cách nghĩ đã trở nên nhàm cũ của chúng ta lâu nay. Nhưng quan trọng hơn có lẽ bởi dù thành công hay chưa thành công nhưng phim nào của họ cũng thể hiện tình yêu nghệ thuật, yêu nghề đến mê đắm.

Không khó khăn gì, một khán giả bình thường cũng thấy các tác giả phim kỹ như thế nào, chăm chút như thế nào với từng cảnh quay, từng cú bấm máy, từng lời thoại. Không có chuyện làm phim chỉ vì để có tiền, có danh hão. Tiền bạc và cả sự nghiệp nữa đều được đặt cược vào một phim mới nên họ hết mình, khiến ta có cảm giác mỗi trường đoạn đều được cắt ra từ chính số phận tác giả và diễn viên.

Nhưng như thế không có nghĩa rằng chúng ta cần làm phim theo cách làm của Việt kiều. Sau một đợt “tổng duyệt”, cách nhìn tỉnh táo hơn, tự tin hơn đối với phim “lai ngoại” có xu hướng chiếm ưu thế. Không chỉ bởi phim của Việt kiều cũng còn khá nhiều ngô nghê, vô lý, thậm chí phản cảm từ hiểu biết hoặc từ nhận thức của những người làm phim mà còn vì phim Việt Nam không thể nhìn Việt Nam bằng con mắt người nước ngoài, giải thích cuộc sống và con người Việt Nam bằng quan niệm của người nước ngoài và … làm phim về đề tài Việt Nam chủ yếu để cho người nước ngoài xem. Và thế là lại quay về vạch xuất phát, thành công của người khác chỉ là để tham khảo, đối chứng. Để kịch ta, phim ta hay vẫn là tài ta đâu, tình ta đâu, tiền ta đâu?

.
.