Tại 3 hãng phim truyện nhà nước: Nóng bỏng chuyện cổ phần hóa
Ngày 13/10, anh Bành Bắc Hải (chuyên viên âm thanh của Hãng Phim truyện Việt Nam) khi dẫn chúng tôi thăm một trong những cơ sở kỹ thuật của hãng (tức một trong những tài sản sẽ được định giá khi cổ phần), dù chung tâm trạng trên nhưng yên tâm cho biết: "Cổ phần hóa hay không thì những người làm chuyên môn chúng tôi vẫn thế, họ không thể cứ ngồi chờ mà vẫn phải làm việc bình thường. Nhưng một trong những điều chúng tôi băn khoăn là với cổ phần hóa, những người làm nghề có được đóng góp, cống hiến nhiều hơn hay không".
Khi chúng tôi có mặt tại phòng thu âm của hãng cũng vừa lúc các anh Vũ Xuân Hưng, Triệu Thôi (Phó giám đốc hãng) đang hướng dẫn cho đoàn giảng viên, nghệ sĩ Na Uy tham quan, tìm hiểu cơ sở kỹ thuật của một hãng phim nhà nước hàng đầu.
Các anh đều chung ý kiến rằng, một hãng phim với đặc thù là sản xuất phim thì không thể không dựa vào đội ngũ sáng tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật... Nhưng hiện trạng trang thiết bị kỹ thuật ở hãng đã vừa không đầy đủ, hoàn chỉnh lại vừa thiếu đồng bộ.
Chúng tôi thấy ý kiến của các vị "phó" này là có cơ sở khi máy móc của phòng thu âm cái thì của Anh, của Nhật, cái thì của Australia, của Đức... Hơn nữa, việc vận hành một phòng thu âm của một hãng phim hàng đầu lại chỉ có 2 chuyên viên kỹ thuật là anh Bành Bắc Hải và anh Quốc. Vì vậy, mọi người hy vọng là khi có cổ phần hóa, tức là trong nhiều sự khắc phục, bổ sung sẽ có sự đồng bộ về trang thiết bị và lúc đó tình hình thu âm sẽ được cải thiện, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của phim Việt Nam.
Là người cầm chịch về cổ phần hóa ở cơ sở, đạo diễn Lê Đức Tiến (Giám đốc hãng) không tỏ ra bi quan và bàng quan, khi cho rằng: "Với tổng số vốn nhà nước chiếm 51% của doanh nghiệp, chúng tôi lo một phần, Nhà nước lo là chính. Với cổ phần hóa, khi có đầy đủ mọi yếu tố, điều kiện làm phim sẽ tốt hơn và phim sẽ được nâng cao chất lượng hơn".
Ngày 16/10, khi tiếp chúng tôi tại hãng, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cũng cho rằng cái khó nhất hiện không phải là "tư tưởng" anh em mà là bài toán nan giải về định giá tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề giải quyết lao động dôi dư sắp tới cũng sẽ phải tiến hành đúng lộ trình và quy định.
Đồng tình với chủ trương cổ phần hóa, nhưng khi bàn về chuyện mất hay không một thương hiệu khi cổ phần hóa triệt để, áp dụng đúng Luật Doanh nghiệp cũng như đối với một doanh nghiệp đặc thù, nhà báo Đoàn Tuấn (Phó Tổng biên tập tạp chí "Thế giới điện ảnh") cho rằng cần xem lại thương hiệu "Hãng phim truyện Việt Nam" có còn không, hoặc còn nhưng có giá trị không. Và cần định giá đúng phần giá trị của bất động sản vì điều đó liên quan, tác động trực tiếp tới giá trị cổ phiếu. Vấn đề không phải ở chỗ mỗi năm công tác của cổ đông ứng với 100 cổ phiếu hay bao nhiêu, mà nó cần được "quy ra thóc" với giá trị tương ứng là bao nhiêu.
Ngoài cái khó về xác định giá trị doanh nghiệp, còn cái khó là thái độ ngại khó, chờ thời, muốn kéo dài cơ chế cũ…của không ít người công tác tại hãng. Nhà báo Đặng Minh Liên (công tác tại Viện Phim Việt Nam) cho rằng dù đội ngũ sáng tác hiện ở Hãng phim truyện Việt Nam không phải là thời điểm mạnh nhất, nhưng với cổ phần hóa, băn khoăn về việc giữ vững thương hiệu của đa số cổ đông ở hãng không nhiều bằng việc lo lắng đời sống có được cải thiện thật sự không, người làm điện ảnh có chuyển hết sang làm truyền hình không, có điều kiện để cống hiến hết sức mình cho công việc không? Và người ta sợ nhất rằng cổ phần hóa chỉ mang nặng tính hình thức, nói cách khác là thay sự cầm chừng này bằng sự cầm chừng khác, sự trì trệ này bằng sự trì trệ khác…
Lãnh đạo Hãng Phim truyện Việt Nam hướng dẫn đoàn khách Na Uy tham quan phòng thu âm của Hãng. |
Trong số 3 hãng phim nhà nước là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1 và Hãng phim Giải Phóng thì Hãng phim Giải Phóng hiện có cơ ngơi khang trang và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho sản xuất phim, nhất là sản xuất phim nhựa đồng bộ nhất, với nhiều thiết bị nhập mới. Nhiều nghệ sĩ ở đây cho rằng khi cổ phần hóa sẽ không khó cho việc định giá tài sản doanh nghiệp, cả "của nổi" và bất động sản.
Nằm ở mặt tiền đường Lý Chính Thắng, trung tâm quận 3 (TP Hồ Chí Minh), Hãng phim Giải Phóng có diện tích rộng vài chục ngàn m2. Hiện Hãng đã xây dựng xong tòa cao ốc 11 tầng, trong đó khép kín từ trường quay điện ảnh và truyền hình (rộng 1.000m2), đến hệ thống phòng dựng tiền kỳ và hậu kỳ, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, 3 rạp chiếu phim tiêu chuẩn quốc tế…Tổng kinh phí xây dựng công trình Hãng phim Giải Phóng là gần 200 tỷ đồng.
Năm ngoái, Hãng đã nhập về một dây chuyền công nghệ sản xuất phim truyện nhựa quay bằng HD, thực hiện kỹ xảo, chuyển từ video sang phim nhựa với độ phân giải cao. Việc chuyển giao công nghệ từ Đức đã và tiếp tục được thực hiện. Về điều kiện sản xuất, điều khiến những người làm nghề ở đây khá yên tâm là Hãng có thể thực hiện tốt nhất những công đoạn làm hậu kỳ, kỹ xảo cho phim nhựa mà không cần phải sang Thái Lan hay Hồng Công .
Tuy nhiên, để cổ phần hóa thành công, cái khó của Hãng phim Giải Phóng lại nằm ở chỗ khác. Những người cầm chịch cho cổ phần hóa và các nghệ sĩ, chuyên viên kỹ thuật ở đây đều ủng hộ chủ trương xã hội hóa. Nhưng cũng không ít người có tư tưởng "án binh bất động", "từ từ rồi tính" và có ý chờ xem "ông anh" của mình (Hãng phim truyện Việt Nam) triển khai cổ phần hóa như thế nào.
Và câu chuyện ở đây cho thấy sự nan giải không phải là xác định giá trị doanh nghiệp hay các vấn đề khác mà là vấn đề con người. Sau một thời gian bị chảy máu chất xám, đội ngũ làm phim ở hãng này bị hụt hẫng nghiêm trọng và hiện đang trong tình trạng "báo động"…Người về hưu, người nghỉ ra ngoài lập hãng phim riêng…Có người muốn mua cổ phiếu, cũng có người muốn nhường cổ phiếu.
Tuy nhiên, ông Thái Hòa (Giám đốc hãng) cho rằng hãng sẽ thực hiện tốt chủ trương cổ phần hóa. Trong điều kiện làm phim đã được cải thiện, "vấn đề của mọi vấn đề" được quan tâm là làm sao để các nghệ sĩ được làm phim nhiều hơn, được nâng cao đời sống, được đóng góp sức mình cho đổi mới cơ chế và sự hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp…
Vấn đề được nhiều người quan tâm là cần xác định rõ ràng cơ chế vận hành và những hoạt động chính yếu của hãng phim - một doanh nghiệp đặc thù - khi đã cổ phần hóa là gì. Trong vai trò mới mẻ "nghệ sĩ kiêm cổ đông", dù có ngoại lệ là sự đặc thù thì doanh nghiệp được vận hành bởi các nghệ sĩ cũng không thể dẫn đến tình trạng hoạt động kém, nợ ngân hàng nhiều không có khả năng chi trả, thậm chí đứng bên bờ phá sản…
Khi đề cập tới lộ trình cho công việc cổ phần hóa, cũng trên Văn nghệ Công an (mục "Vấn đề hôm nay", bài "Để không quá muộn cho một chủ trương đúng", số 74, ngày 18/2/2008), chúng tôi đã nhấn mạnh rằng vấn đề mấu chốt của cơ chế mới và sự phát triển toàn diện là các hãng phim nhà nước phải hoàn toàn tự chủ về mọi mặt. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý và định hướng.
Chỉ có như vậy mới tạo ra nguồn lực và động lực mạnh cho việc sản xuất, để cung đủ cầu và khắc phục sự thiếu hụt phim nội chất lượng nghệ thuật cao trên màn ảnh trong nước. Hơn nữa, ý nghĩa của cổ phần hóa còn là ở chỗ, chỉ khi nào nền điện ảnh Việt Nam có cấu trúc chủ yếu là các hãng phim cổ phần, tư nhân thì khi ấy nền điện ảnh mới vận hành đúng quy luật bình thường của thời hội nhập và phát triển.
Hy vọng, với sự chỉ đạo ráo riết của bộ chủ quản (trong năm 2008, các hãng phim phải xây dựng các phương án cổ phần, tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định giá trị doanh nghiệp…) và các cơ quan chức năng, sẽ không còn lặp lại sự nửa vời trong việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước…