Tác quyền âm nhạc: Chuyện chưa có hồi kết
Sự việc vẫn chưa ngã ngũ thì vừa qua, một bản kiến nghị yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc chi trả tác quyền có chữ ký của 371 nhạc sĩ và thân nhân các nhạc sĩ đã mất vừa được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thay mặt các nhạc sĩ Việt Nam gửi đến các cơ quan thẩm quyền và các đơn vị có liên quan.
Đối tượng mà bản kiến nghị này hướng đến là những "đại gia" trong hệ thống nghe nhìn của Việt Nam như Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), các Đài Truyền hình cáp trong cả nước và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Trong số 371 chữ ký này, có những nhạc sĩ lão thành như: Phạm Tuyên, Trọng Bằng, Nguyễn Đức Toàn, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Cường, Dương Thụ… và cả các nhạc sĩ trẻ như Đức Trí, Đỗ Bảo, Quốc Trung, Huy Tuấn, Ngọc Châu, Giáng Son… và các bà quả phụ hay thân quyến của các cố nhạc sĩ: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trần Hoàn, Nguyễn Đình Thi, Xuân Hồng…
Theo bản kiến nghị, những năm gần đây, việc trả tiền bản quyền âm nhạc của các hãng truyền thông này thực hiện chưa tốt. VOV đã thực hiện trả nhuận bút cho các nhạc sĩ theo chế độ của đài nhưng đó chỉ là nhuận bút ban đầu chứ không thể mua đứt các sản phẩm.
Bên cạnh đó, các chương trình phát sóng của VOV còn có một lượng lớn tác phẩm âm nhạc khai thác qua CD, VCD, DVD… của các nhạc sĩ, các hãng băng đĩa và các nhạc sĩ không hề nhận được khoản tiền nào từ khối lượng tác phẩm khá lớn mà VOV sử dụng qua nguồn này.
VTC cũng bị nhắc đến vì đây là nơi sử dụng rất nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt
Còn với VTV, theo bản kiến nghị thì dù VTV đã thực hiện nghĩa vụ chi trả tác quyền âm nhạc từ năm 2004 nhưng theo các nhạc sĩ, mức chi trả còn thấp, chưa thỏa đáng với thời lượng phát sóng và tần suất sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Đài.
Và, ngoài hệ thống những kênh phát trên, hiện nay cả nước có khoảng 80 website âm nhạc nhưng chỉ có 10 website ký hợp đồng với VCPMC và 6 website có thỏa thuận hợp đồng với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) mặc dù phải có chứng nhận của cả VCPMC và RIAV thì việc sử dụng nhạc phẩm mới được coi là hợp pháp.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, biểu giá mà VCPMC đưa ra cho một tác phẩm là 16.000 đồng/tháng nếu thuê bao hoặc 300 đồng cho mỗi lượt sử dụng nhưng việc thu tác quyền vẫn rất khó khăn, không chỉ với những cá nhân, đơn vị nhỏ mà ngay cả với những đơn vị lớn như VOV, việc thỏa thuận kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.
Tuy nhiên, sự việc vẫn nhùng nhằng vì theo ý kiến của nhiều đơn vị phải trả tác quyền thì mức giá chưa đồng đều và chưa thống nhất. Để sử dụng mỗi tác phẩm hợp pháp, các website cần có chứng nhận bản quyền của cả VCPMC và RIAV. Biểu giá VCPMC như trên còn RIAV lại tính tròn 1 triệu đồng mỗi bài mỗi năm.
Nếu theo mức giá đó, mỗi năm, một website có thể sẽ phải bỏ ra hàng tỉ đồng cho việc trả tác quyền. Đặc biệt, con số mà RIAV đưa ra được coi là quá cao so với mức giá VCPMC và sức "chịu đựng" của các website âm nhạc nên chuyện tác quyền vẫn cứ nhùng nhằng ở việc nơi muốn thu mà nơi chưa muốn… nộp.
Sự việc vừa qua cho thấy các nhạc sĩ đã mạnh dạn lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của mình thay vì quan niệm "miễn là tác phẩm được phổ biến rộng rãi" trước đây. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở với những đơn vị truyền thông lớn trên cả nước cần thực hiện nghiêm túc vấn đề tác quyền (trong khi có nhiều cá nhân, đơn vị nhỏ thực hiện việc này khá đầy đủ). Đừng để chúng ta đã có một hệ thống pháp lý quy định về quyền tác giả như Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne nhưng việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tác quyền vẫn là một… giấc mơ xa xôi