Tác giả "Vết sẹo và cái đầu hói": Đời thường mạnh hơn tưởng tượng

Thứ Hai, 26/06/2006, 08:00

“Thật ra, như mình đã nói, mình mới chỉ viết một phần nhỏ những gì đã diễn ra. Có những việc ghi nhật ký cũng thấy "rợn" rồi, nói gì viết. Như việc "khổ nhục kế": Nghe người ta rục rịch đâm đơn kiện, chưa chi đã vội cuống cuồng tung tin bố sắp chết. Kỳ thực có đâu”, nhà văn Võ Văn Trực kể về quá trình viết "Vết sẹo và cái đầu hói".

Mặc dù mới "trình làng", cuốn tiểu thuyết "Vết sẹo và cái đầu hói" do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành hiện đang là một trong những cuốn sách được đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc trong giới sáng tác lùng sục, tìm mua. Cuốn sách kể về một người cầm bút, mặc dù vốn kiến văn còn bập bõm, nhưng bằng những thủ đoạn hết sức lạ lùng, đã bất ngờ thâu tóm và chế ngự được lâu dài một tổ chức học thuật có uy tín.

Đó là một con người đa nghi đến bệnh hoạn; tham lam đến trơ tráo; nhẫn nhịn đến hèn hạ; khéo léo đến giảo quyệt; ích kỷ đến độc ác... và là nhân vật tổng hợp từ rất nhiều mẫu người, có khả năng "phân thân" rất cao, đến độ các nhà làm sách đã phải nhận định: "Đây là một nhân vật điển hình chưa từng thấy trong văn xuôi Việt Nam". Điều đáng chú ý: Tác giả cuốn tiểu thuyết là nhà thơ Võ Văn Trực, nguyên Phó Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ. Nhà thơ Võ Văn Trực cho biết: Đây là cuốn sách được ông đúc kết từ nhiều điều mắt thấy tai nghe...

- Nếu làm phép loại trừ, sẽ chẳng khó khăn gì mà không "tìm" ra nguyên mẫu nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Ông có hình dung sẽ rầy rà, lôi thôi khi ai đó kiện ông bêu xấu họ không?

Nhà thơ Võ Văn Trực (VVT): Kiện cũng chẳng để làm gì, vì đây là tác phẩm văn học, nhà văn có quyền hư cấu. Nhưng quả là mình cũng chưa lường tới tình huống ấy. Mình để ý đến phản ứng của độc giả hơn. Vả chăng, mình nghĩ, nếu ai đó tự "vơ" vào mình rồi phản ứng lại thì chỉ có dở. Nên học cách im lặng như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài từng làm trước đây.

- Khi nhà văn Hữu Ước chuyển sang làm thơ, ông tâm sự rằng: "Có những điều chỉ thơ mới nói được". Còn Võ Văn Trực vốn dĩ là một nhà thơ, nay lại chuyển sang viết tiểu thuyết. Phải chăng vì ông có nhiều điều quá bức xúc?

Cuốn sách đang được độc giả tìm đọc.

VVT: Vì bức xúc cũng có, nhưng cái chính là vì có đề tài hay. Mình cho rằng mình "ăn may" chứ thật ra có tài quái gì. Đang khi nền học thuật nước nhà bí bét vậy, hiện tượng mua bằng cấp, tạo giá trị ảo... đầy phè như thế, bỗng dưng lại có một nguyên mẫu mà "buông" thì thật phí. Đây là nhân vật rất lạ, rất điển hình. Có "nó", chủ đề tác phẩm sẽ "sinh động" chứ không chỉ còn là hình nộm. Không riêng gì mình đâu, mà nhiều nhà văn khác cũng "thèm" viết về mẫu người này đấy. Ông Hồng Phi có ý đồ viết trước mình. Trong đám tang Huy Cận, ông bảo nhỏ: "Tao viết xong rồi". Thấy bảo Tô Đức Chiêu, Trần Huy Quang cũng đang "rậm rịch". Hay là viết rồi mà chưa in không biết...

- Với những người thích đoán định ai là nguyên mẫu của nhân vật chính, họ cho rằng ở ngoài đời, nhân vật này không đến nỗi xấu xa và dị hợm như trong tiểu thuyết của ông...

VVT: Có ý kiến thế à? Mình chỉ thấy có người nói rằng mình còn "ưu ái" với nhân vật ấy. Hoàng Trần Cương hôm uống bia vừa rồi đã giật tung cúc áo ngực, nói: "Tôi đọc một mạch hết cuốn sách, cứ chờ xem cái lão Hòn có đấm vào mặt thằng Lực (tên nhân vật chính đang nói) không, nhưng không thấy. Ông Trực viết còn lành quá".

Thật ra, mình viết cũng có những chỗ hư cấu. Nhưng những tình tiết liên quan đến cái "nguyên mẫu" đơn vị và cá nhân mạnh quá, mình sợ những gì mình tưởng tượng sẽ thấp hơn cuộc sống rất nhiều, nên đa phần mình giữ nguyên trong tiểu thuyết các chi tiết đời thực. Một số người mình quen có bóng dáng trong ấy cả đấy. Chỉ có hai nhân vật là Phan Chấn, Nguyễn Thị Đào là hư cấu nhiều. Nhân vật Việt Sồ mình gộp từ ba người. Nhiều câu nhận xét mình đưa vào sách là của anh em nói cả. Còn câu "Ô hô ông Lực thương người/ Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng" là của cô nhân viên hành chính. Phải nói, "lão" này lạ lắm.

Đúng như mình đã phân tích trong sách: Thỉnh thoảng mới gặp thì dễ bị lừa lão là một người cực tốt. Nhưng ở lâu, thường xuyên gặp lão thì thấy lão có hai cái xấu: giả dối và độc ác. Thôi thì lão mê tín, thường xuyên đội bát hương cầu tài cầu lộc mình không trách, nhưng phải nhân ái. Có lần, mình nói với một nhà văn trẻ: "Phải nói với lão thế nào chứ. Anh em trong cơ quan khổ quá!". Cậu này đốp lại luôn: "Anh buồn cười thật, vợ con lão lão còn chẳng thương thì chờ thương ai". Mình mới nhớ tới câu chuyện mà một họa sĩ am tường tử vi kể cho mình. Anh này từng hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến việc lão xin sớ, lão chỉ xin cho mình lão chứ không xin cho vợ con, gia đình.

- Theo như những gì ông ghi ở cuối sách thì cuốn tiểu thuyết được viết xong lần đầu vào năm 1999, lần thứ hai vào năm 2005. Phải chăng, quãng cách thời gian ấy ông dành để cân nhắc, trông chờ sự thay đổi theo hướng tích cực của nguyên mẫu?--PageBreak--

VVT: Tính mình rất kiên nhẫn, nhưng vì quá hiểu nên mình không hy vọng có sự thay đổi? Mình đã viết trong sách: "Cái giây phút lương tâm được đánh thức ấy chỉ trong tích tắc, nó vụt qua rất nhanh, rồi cuộc sống bụi bặm hàng ngày lại nổi cơn lốc cuốn mày đi". Thú thực, mình bắt tay viết cuốn tiểu thuyết từ năm 1998, bấy giờ mình chưa nghỉ. Hàng ngày, từ 5 - 7h chiều, mình ngồi lì ở cơ quan để viết. Năm sau thì xong. Nhưng mình cứ để thế, đến năm 2004 mới đem ra đọc lại. Mình học theo lời khuyên của Chế Lan Viên, tức là nên lùi thời gian một chút để đọc lại. Quả nhiên, mình thấy bản viết đầu còn nhiều đoạn như ký sự, chất văn học ít, nên mình đã lược đi tới hơn trăm trang.

- Nếu so hai cuốn, cuốn nào "nặng chùy" hơn?

VVT: Kể cuốn trước “căng” hơn vì "bám sát" đời sống thực hơn. Thật ra, như mình đã nói, mình mới chỉ viết một phần nhỏ những gì đã diễn ra. Có những việc ghi nhật ký cũng thấy "rợn" rồi, nói gì viết. Như việc "khổ nhục kế": Nghe người ta rục rịch đâm đơn kiện, chưa chi đã vội cuống cuồng tung tin bố sắp chết. Kỳ thực có đâu. Mãi sau này chuyện ấy mới xảy ra.

- Sự đời nhiều khi "đụng" vào bố không đáng sợ bằng "đụng" vào con. Ông nói ông tránh không đưa chuyện liên quan đến bố người ta vào sách, nhưng ông lại kể chuyện con trai người ta bị teo ngọc hành. Có người cho rằng viết như thế là xát muối vào vết thương, là tàn nhẫn. Đứa trẻ không may bị tật, nói thế, phận làm cha người ta đau lắm chứ?

VVT: Mình cũng phân vân, cân nhắc khi đưa chi tiết này. Nhưng rồi mình nghĩ, người ta cũng chẳng "đau" đâu. Nếu biết đau người ta đã không đem chuyện con bị bệnh ra để chạy chức? Giờ Khải nói vậy, mình cũng nghĩ lại. Nhưng chữa lại đoạn ấy là khó lắm đấy.

- Tên cuốn tiểu thuyết của ông là "Vết sẹo và cái đầu hói", mà nói về hói đầu thì có rất nhiều loại. Ấy thế nhưng hình ảnh được thể hiện trên mặt bìa lại y như mô tả trong sách, khiến có người liên tưởng đến chuyện họa sĩ đã dùng ảnh thật của "nguyên mẫu" và cho xử lý kỹ thuật. Liệu ông có gợi ý hay hướng dẫn gì cho người làm bìa?

VVT: Không! Bìa in xong mình mới biết. Từ trước tới nay, sách nào cũng thế, mình chỉ biết mỗi việc là lo nội dung.

- Thế còn lời phi lộ in ở bìa bốn? Có vẻ như giọng văn đó không phải của nhà xuất bản?

VVT: Đoàn Tử Huyến là người lo việc vi tính bản thảo giúp mình. Theo Huyến cho biết thì những lời ấy do Nguyễn Trọng Tạo viết.

- Hiện bạn bè thân hữu và các đồng nghiệp chia sẻ với ông những gì về cuốn sách này? Có phản ứng nào thuộc loại "khó nghe" đến với ông chưa?

VVT: Nhiều người gọi điện đến hoan nghênh cuốn sách. Ông Kháng (nhà văn Ma Văn Kháng) đánh giá trên phương diện nghề nghiệp. Ông nhận xét mình "đã tạo ra được không khí ma quái xung quanh nhân vật chính". Nguyễn Khắc Trường và Nguyễn Quang Thiều thì thông báo: "Em mua rồi, bác không phải tặng đâu nhé". Còn Phan Thị Vàng Anh buổi trưa hôm vừa rồi đã gọi điện ra cho mình, nói: "Cảm ơn chú. Đọc quyển sách của chú đã giải đáp cho cháu nhiều điều". Một số anh em trước đây vẫn thúc mình viết sách, nay nghe tin sách đã in cũng kéo đến mình chơi. Mình tặng sách cả. Mình biết mình đã nói hộ được cho nhiều người. Giờ mình cảm thấy rất nhẹ nhõm, như đã trả xong một món nợ.

Lời kết: Không phải đến bây giờ, khi nhà thơ Võ Văn Trực cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Vết sẹo và cái đầu hói", mà ngay từ những năm đầu Đổi mới, làng văn nghệ Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện gây xôn xao dư luận của những cuốn sách mà "nguyên mẫu" được xì xèo là một số văn nghệ sĩ có tên tuổi. Cũng có người cho rằng đó là thứ "văn chương ám chỉ" và là hiện tượng không lành mạnh, cần phê phán. Cũng có người xem đó là hiện tượng bình thường, với dẫn chứng là trong những kiệt tác như "Những người khốn khổ", "Bà Bôvary"... việc ấy xuất hiện đầy.

Từ góc độ cá nhân, tôi tán thành ý kiến này nhưng với điều kiện là trong trường hợp người viết đại diện cho cái chung và vấn đề đưa ra mang tính cảnh báo về một khuynh hướng sống, chứ không phải xuất phát từ một sự ân oán cá nhân nào đó. Với trường hợp cuốn tiểu thuyết mới của nhà thơ Võ Văn Trực, còn hơi sớm để ta kết luận vấn đề. Thời gian và công luận sẽ tiếp tục đào xới và có câu trả lời cụ thể. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là: Dù thế nào thì việc xuất hiện cuốn sách cũng cho thấy có điều bất ổn đang rất cần được giải quyết trong đời sống văn học của chúng ta.

Phạm Khải (thực hiện)
.
.