Tà áo thơm Trạch Xá đường quê

Chủ Nhật, 06/10/2019, 18:54
Mới đây, tôi đến làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội) đúng vào vụ gặt mùa thơm ngát xóm thôn. Đất nơi đây lọt vào giữa sông Châu Giang và sông Đáy nên quanh năm xanh thắm nương dâu. Riêng làng Trạch Xá lại có nghề may áo dài từ hàng trăm năm nay. Dọc bờ sông hoa cỏ may trổ như gấm như hoa thêu trên cỏ non. Tôi sực nhớ Nguyễn Bính đã viết: "Hồn anh như bông cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em". 

Chuyện xửa chuyện xưa

Tôi may mắn gặp được nghệ nhân Đỗ Minh Thường, người đang sưu tầm và dựng lại mẫu áo dài nam truyền thống cho cơ sở Đình làng Việt. Ông có thâm niên hơn 30 năm trong nghề may áo dài và đam mê công việc của gia đình, năm đời truyền thống.

Nghệ nhân khoe chiếc "Vạch"  tà áo của cụ nội để lại đã hơn trăm tuổi. Nó làm bằng sừng trâu nên vừa cứng để vạch đường dấu trên áo lại vừa mềm với bàn tay người thợ. Từ bé theo cha đi khắp thiên hạ may đo ông chỉ mang theo vài ba thứ gọn nhẹ. Chiếc kéo, cái thước và cái vạch (sau này thêm một thỏi phấn). Rồi sau đó mới đến kim chỉ. Thậm chí chủ nhân thuê cắt áo dài còn tự mua chỉ khâu theo ý mình nữa nên thợ chỉ việc đến "thi công" cắt đo sao cho đẹp.

Trạch Xá xưa đã có câu ca: "Quê tôi Trạch Xá yêu thương/ Người đi người ở bốn phương hành nghề". Nghĩa là cả làng làm nghề cắt may dạo khắp nơi. Tuy họ đã từng tạo nên phố nghề trên đất Thăng Long xưa nhưng đa phần vẫn đi may đo thuê mỗi khi có chủ đặt hàng tại nhà.

Lễ hội làng may áo dài Trạch Xá.

Nghệ nhân Đỗ Minh Thường hồ hởi kể chuyện cách đây hơn 70 năm, nghệ nhân Tạ Văn Khuất được vời vào tận Huế để cắt áo dài cho Hoàng hậu Nam Phương. Nghệ nhân Tạ Văn Khuất có biệt tài chỉ nhìn dáng người để cắt may chứ không phải dùng thước đo như mọi người. Khi vào dự tiệc, nghệ nhân ngồi cách xa Hoàng hậu Nam Phương đến hàng chục mét. Ông thanh thản ngồi thưởng rượu và ngắm nhìn dáng người đẹp để hình dung ra những chỉ số đo. Nào tà áo. Nào cánh tay. Hay độ vai suôn. Hoặc cổ áo...

Tất cả ông ước lượng rồi nhẩm thuộc lòng. Ai nấy mải vui dường như quên cả công việc may lễ phục cho Hoàng hậu. Thế rồi chỉ một tuần sau đến ngày đại lễ. Chiếc áo dài cho người đẹp được dâng lên. Hồi lâu sau Hoàng hậu Nam Phương trong bộ áo dài bước ra làm sửng sốt mọi quan khách trong nước và quốc tế. Ai nấy đều trầm trồ trước vẻ đẹp kiêu sa của Hoàng hậu trong bộ áo dài màu vàng lộng lẫy. Sau đó chính Hoàng hậu Nam Phương không thể hình dung ra ai đã cắt đo áo cho mình lúc nào nữa. Còn người thợ cả Trạch Xá đã thầm lặng trở về quê. Vua Bảo Đại phải cho người thảo giấy về tận làng khen thưởng. 

Thợ may làng Trạch Xá càng nức tiếng từ đó. Thậm chí sau này vợ chồng Bảo Đại còn ra Hà Nội may đo áo dài lần nữa ở phố Cầu Gỗ. Bảo Đại đã tìm đến những người thợ Trạch Xá để khâu áo dài bằng tay cho cho mình và vợ. Người thợ nhỏ Nguyễn Văn Nhiên ngày ấy lo kim chỉ để thợ cả khâu áo cho Hoàng hậu ngày đó hiện vẫn còn sống ở Làng. Năm nay nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên đã 87 tuổi. Cụ đã truyền nghề cho hàng trăm thợ trong làng và các nơi về học. Nay những học trò ấy đã đi mở cửa hiệu may đo ở khắp thiên hạ.

Tiếng thơm ngàn năm của Trạch Xá vẫn còn được bà con Việt kiều lưu giữ. Không ít cửa hàng thời trang ở nước ngoài đã về tận làng đặt may đo áo dài để bán. Cứ vào vụ đông xuân chuẩn bị cho mùa cưới và lễ Tết là Trạch Xá nườm nượp khách đến. Làng đông như trẩy hội. Trên con đường dọc kênh chi lưu sông Châu rực rỡ sắc màu, phấp phới những tà áo bay.

Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn

Nghệ nhân Đỗ Minh Thường dẫn tôi tới đền thờ bà tổ nghề bên đình làng. Ông đọc vanh vách cho tôi nghe những câu thơ khắc ghi trong đền: "Rạng rỡ vầng trăng soi. Sen vàng làng Trạch Xá. Nghĩa cả khắc muôn đời. Ơn sâu ghi vạn thu".

Rồi ông giải thích cho tôi tới chữ "Sen" đó chính là tên bà tổ nghề may áo dài Nguyễn Thị Sen, người làng Trạch Xá. Thuở con gái cô Sen vừa xinh đẹp lại vừa thạo khâu vá thêu thùa. Tình cờ cô Sen cùng với nhiều thợ ở vùng khác được vời vào cung triều nhà Đinh để may đo cắt áo cho quan lại. Ai ngờ người đẹp làng Trạch Xá lọt vào cặp mắt xanh của vua Đinh Tiên Hoàng. Cô Sen chính thức làm vợ vua, được đặt hàng Tứ phi chuyên cai quản việc lễ phục trong triều. Đến khi Tứ phi sinh được một công chúa thì vua nhà Đinh bị sát hại.

Đền thờ bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

Hai mẹ con Tứ phi Nguyễn Thị Sen phải lánh về quê tránh hậu họa. Ấy là chuyện đã xảy ra từ năm 979. Bà đã dạy nghề may đo áo dài và dựng nghiệp cho dân làng từ đó. Sau này nhớ ơn bà, người dân Trạch Xá đã lập đền thờ Tứ phi và tôn vinh bà là Thành Hoàng làng.

Vậy đã ngàn năm qua, nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá vẫn được bảo tồn, phát triển cho dù có lúc bị ngừng trệ vì biến động xã hội. Nghề canh cửi tơ lụa chẳng bao giờ lụi tàn. Nghề may của làng Trạch Xá cũng vậy. Nó tồn tại trong tiềm thức của đời sống dân tộc: "Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn. Thước, gay (công cụ dài 40 phân) đôi chiếc vững lòng son. Phấn hồng tô điểm trời non nước. Kim, chỉ vá may nợ nước non".

Hiện làng Trạch Xá nay có tới cả ngàn người làm nghề may áo dài với các mẫu mã khác nhau. Hợp tác xã đã hình thành. Khách ở nhiều nước về tận làng đặt hàng. Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Văn Đạt tự hào nói, hơn ba mươi năm qua, áo dài Trạch Xá đã xuất hiện tại các Festival "Lễ hội áo dài" hằng năm (từ 2011 đến nay). Tà áo dài quê hương đã vang danh khắp nơi. Đến đâu người thợ Trạch Xá cũng được tôn vinh với câu ca: "Đẹp biết bao. Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu Pari, Luân Đôn hay ở miền xa. Thoáng bay áo dài. Bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó. Em ơi…!". (Một thoáng quê hương. Thơ Từ Huy; nhạc: Thanh Tùng).

Có thời đường Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mệnh danh là phố thợ may. Chỉ dài chừng vài trăm mét mà phố có tới hơn 20 cửa hàng chuyên may áo dài của làng Trạch Xá. Những cửa hàng này đều ghi dấu ấn làng quê bằng cái tên có ghép chữ Trạch trên biển hiệu như: "Đức Trạch", "Vinh Trạch", "Mỹ Trạch"; hay "Phúc Trạch", "Tân Trạch"... Nay còn một số cửa hàng vẫn hành nghề như xưa chuyên cắt đo may áo dài truyền thống. Sau này hội nhập người thợ làng Trạch Xá cũng đi tiên phong trong việc cải tiến mẫu mã cùng các chất liệu như tơ lụa, sa tanh, gấm, đũi, nhung, thổ cẩm. Mải mê tâm sự lúc lâu sau nghệ nhân Đỗ Minh Thường đưa cho tôi xem một mẫu áo nam cổ truyền mà ông mới hoàn thành được phần nửa. Đây là mẫu cổ được thiết kế sẽ được vào bộ sưu tập của làng Trạch Xá. Mẫu áo này sẽ được trình diễn trong chương trình thời trang của các quý ông. Nghệ nhân cho biết có bộ áo dài với chất liệu lụa tơ dân tộc có giá lên tới hàng chục triệu đồng. 

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Tôi cùng nghệ nhân Đỗ Minh Thường đi dọc đường làng thơm mùi hương lúa dưới nắng vàng. Từ một cửa hàng may vang lên bài hát "Áo lụa Hà Đông" của Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa. Tôi lặng người khi nghe tới câu: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông".

Trước mắt tôi là những cô gái mặc áo dài đang hối hả chuẩn bị cho ngày hội làng đón xuân. Nghệ nhân Thường cho biết, để chuẩn bị lễ hội vào đầu năm và dự Festival áo dài vào năm chẵn 2020 phải chuẩn bị trước nhiều công việc. Làng may áo dài ở Huế do người Trạch Xá lập ra cùng với làng may Hội An (Quảng Nam) cũng sẽ tổ chức lễ vía bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen cùng ngày.

Bài hát về tà áo dài vang lên dịu dàng trên con đường làng quanh co như dải lụa. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn khi nghệ nhân Đỗ Minh Thường kể thi sĩ Nguyên Sa (sinh 1932 tại Hà Nội) đã từng ở Vân Đinh gần làng Trạch Xá hai năm trời. Nhà thơ còn có những câu thơ hay về áo dài mà chưa được phổ nhạc. Rồi ông chậm rãi đọc: "Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây. Hay là em gói mây trong áo. Rồi thở cho làn áo trắng bay" (Tương tư). Người nghệ nhân đã thấm thía vần thơ lãng mạn ấy mỗi lần vạch những đường cong trên tấm lụa. Hẳn vì thế những tà áo dài của làng Trạch Xá luôn mềm mại như có hương lúa ngào ngạt thơm bay.

Vương Tâm
.
.