"THANH CA" - Bản hòa tấu giữa âm nhạc và hội họa

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:04
Có một sự kiện nghệ thuật khá gây chú ý nhằm đón mùa Giáng sinh an lành và chào mừng năm mới 2019 - đó là chương trình nghệ thuật "THANH CA" được tổ chức vào những ngày cuối cùng của tháng 12 này. Đây không phải là lần đầu tiên, nhóm nghệ thuật G39 tổ chức một sự kiện nghệ thuật phối hợp giữa âm nhạc và hội họa.

Ý tưởng mới mẻ này đã được bắt đầu từ  năm 2016 trong triển lãm những tác phẩm hội họa "phổ nhạc" Trịnh Công Sơn cùng với đêm nhạc "Khói trời mênh mông". Năm 2017, nhóm họa sỹ G39 đã vẽ trên nền nhạc rock tại bar Polygon. Và lần này, chương trình "Thanh Ca" 3 lại được vang lên trong những ngày cuối năm này. Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương nhân sự kiện "Thanh Ca"3...

- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, cái tên "Thanh Ca" nghe có vẻ lạ? Vậy nhân vật chính, linh hồn chính trong "Thanh Ca" là ai? Hội họa là chủ đạo hay âm nhạc mới là thứ dẫn dắt? Họa hay Nhạc dẫn lối cho nhau vào "Thanh Ca"? 

+ Trong các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc và hội họa là "hàng xóm" thân thiết. Phần lớn những thuật ngữ dùng trong âm nhạc thì đều dùng trong hội họa. Ví dụ: bố cục / kết cấu, hòa âm / hòa sắc, cường độ, trường đôi / nóng lạnh, đậm nhạt…

Trong đời sống âm nhạc Việt Nam, tôi để ý thấy có một hiện tượng rất thú vị, có nhiều nhạc sỹ vẽ tranh: Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Trịnh Công Sơn… Còn trên thế giới, không thể không nhắc đến một tác phẩm âm nhạc bất hủ "Những bức tranh trong phòng triển lãm" của nhạc sỹ Nga Mussorgsky do M. Ravel chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng.

Đến đây thì bạn sẽ hiểu, không nên đặt vấn đề âm nhạc hay hội họa là chủ đạo trong đêm "Thanh Ca". Tôi nghĩ âm nhạc và hội họa cộng hưởng với nhau để tạo nên "Thanh Ca". "Thanh Ca" là một bản "hòa tấu" được duo (song ca) bởi âm nhạc và hội họa.

Một tác phẩm của Lâm Đức Mạnh trong chương trình nghệ thuật “Thanh Ca”.

- Anh có thể kể một chút về những gì thật đặc biệt của "Thanh Ca" lần thứ 3 này?

+  Khả năng cảm thụ âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển là tiêu chí đầu tiên để tôi chọn mời họa sỹ tham gia "Thanh Ca". Vì nếu không hiểu được vẻ đẹp của âm nhạc thì làm sao có thể "phiên dịch" được những giai điệu ấy thành màu sắc? Đó là điểm đặc biệt thứ nhất. Cho nên chỉ có khoảng 10 tác giả với gần 20 tác phẩm tham gia, nhưng nếu bạn là người biết "đọc" tranh, biết thưởng thức hội họa, bạn sẽ thấy những giai điệu bất hủ của J.Bach, Schubert, Gounod trở thành hình, thành màu…

Điều đặc biệt nữa, "Thanh Ca" đã mời được nghệ sỹ guitar Phạm Văn Phúc, ông ở trong nhóm Thất Cầm, năm nay ông đã gần 80 nhưng khi nhận được lời mời, ông vẫn rất nhiệt tình tham gia. Điều đặc biệt thứ ba: Họa sỹ Đông Duy là họa sỹ duy nhất của nhóm họa sỹ G39 sẽ thổi hai bản, một bản bằng kèn sax và một bản bằng kèn cla song tấu cùng guitare (bản Send in the clowns).

- Thường các triển lãm tranh, chỉ có hội họa lên tiếng, duy nhất hội họa là nhân vật chủ đạo. Khán giả đến thưởng lãm tranh họ cũng rất cần một không gian thật yên tĩnh, thanh bình để tâm hồn họ thẩm thấu trọn vẹn được những vẻ đẹp của tranh, màu sắc và những minh triết mà người nghệ sĩ cầm cọ muốn chuyển tới. Vừa nghe nhạc, vừa xem hát, vừa thưởng tranh... nghe có vẻ thiếu tập trung?

+ Bố cục của "Thanh Ca" chia làm 2 phần, phần 1 là khai mạc triển lãm tranh và sau đó sang phần 2 là hòa nhạc guitare cổ điển. Tôi tin rằng khi xem tranh, người xem vẫn có thể hát thầm giai điệu của bản nhạc và bức tranh ấy lấy làm cảm hứng và ngược lại, khi thưởng thức âm nhạc, họ vẫn có thể liên tưởng đến những bức tranh mà họ đã xem. Đó cũng là một sự thay đổi, khác biệt, nó sẽ làm nên những điều thú vị!

- Vừa là một họa sĩ nổi tiếng, vai trò của anh không còn dừng lại đó mà anh là một giám tuyển tên tuổi cho các cuộc triển lãm nghệ thuật. Anh  nghĩ sao nếu tôi cho rằng, việc cách tân trong tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật, làm mới mẻ ở hình thức biểu đạt có thể làm cho sự kiện đó nổi bật và thu hút hơn, bề nổi hơn, trong khi với hội họa, quyền lực tối thượng nhất là tạo ra được một vẻ đẹp khiến người xem hoàn toàn khuất phục?

+ Tôi luôn muốn cách tân phương thức tổ chức triển lãm chỉ vì tôi muốn hội họa ngày càng cần nhiều công chúng hơn, nhiều người trẻ đến với hội họa hơn và hội họa ngày càng tiếp cận gần nhất, trực tiếp nhất với người xem. Cho nên vài năm gần đây, tôi không mặn mà với việc trưng bày tranh  ở các không gian chuyên dành cho triển lãm nữa.

Tôi đã từng tổ chức các triển lãm ở siêu thị Time City, ở Café Trung Nguyên, ở đường sách, ở Tràng Tiền Plaza, ở Trung tâm thương mại Hàng Da, thậm chí bày một phòng tranh trong lòng một phòng ăn như cuộc triển lãm Hà Nội / Hà Nội ở quán ăn Ngon Garden đang diễn ra hoặc ở Café Laca như lần này.

Đã có nhiều chương trình âm nhạc được biểu diễn ngoài đường phố thì tại sao triển lãm tranh lại ở trong phòng kín? Vẻ đẹp của âm nhạc, của hội họa sẽ đủ sức thuyết phục bạn đến với nó dù bản nhạc ấy, bức tranh ấy "vang" lên ở bất cứ đâu.

- Tôi phải thừa nhận rằng, anh là người có vô vàn những ý tưởng. Có cảm giác như trong đầu anh, những ý tưởng mới luôn chực chờ chen lấn nhau để nhảy bổ ra thành hiện thực. Sáng tạo nghệ thuật là luôn phải tạo ra thứ gì đó thật mới mẻ. Người giỏi biến những ý tưởng hội họa kết hợp thành hiện thực nhất hiện nay có lẽ chỉ có.... Lê Thiết Cương?

+ Vâng, tôi có nhiều ý tưởng và luôn muốn làm mới, nhưng cũng thật may mắn khi có nhiều họa sỹ, nghệ sỹ đồng hành cùng tôi, ủng hộ các ý tưởng mới mẻ ấy. Bên cạnh đó là những doanh nghiệp, họ hiểu công việc tôi đang làm, những ý tưởng mới tôi đưa ra thì chỉ nhằm đích đến là nghệ thuật, là công chúng, là giới thiệu những tác phẩm mới của các nghệ sỹ trẻ, vì đến ngày hôm nay, sau 13 năm thì Phòng tranh 39 của tôi vẫn chủ trương hoạt động phi lợi nhuận.

- Một câu hỏi cuối, hội họa đương đại của Việt Nam đang nằm đâu thưa anh, cả trong khu vực và trên bản đồ thế giới?

+  Mấy năm gần đây, trong những phiên đấu giá về hội họa châu Á của hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby và Christie đều có tranh Việt Nam. Với những tác phẩm của các họa sỹ bậc thầy như Lê Phổ, Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí… đều bán được với giá cao. Cái mốc giá 1 triệu USD sẽ không còn xa nữa. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của những người yêu thích hội họa Việt Nam ngày càng tăng. Nếu vẽ một tấm bản đồ hội họa thế giới thì Việt Nam sẽ làm một điểm son ở khu vực châu Á.

- Rất lạc quan, và rất khả quan với những tín hiệu đáng mừng trên. Xin chân thành cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương về cuộc trò chuyện này.

Lời chúc giáng sinh an lành

"Thanh Ca" lần này là những tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ những bản nhạc quen thuộc với nhiều thế hệ thính giả mỗi dịp Giáng Sinh. "Thanh Ca" cũng là đêm nhạc gồm hai phần. Phần 1 là những ca khúc qua sự trình bày của các sĩ Quỳnh Hoa, Hồng Hải, Hiền Nguyễn như: "Ave Maria" (Schubert), "Phúc âm buồn", "Em hiền như Ma Soeur"…

Phần 2 nối tiếp sẽ là màn guitare song tấu của các nghệ sĩ Vũ Đức Hiển, Thanh Thảo, Trần Thắng với các bản nhạc: "Mazurka" (F. Tarrega), "Menuet in A"  (J.Bach), các bản nhạc nổi tiếng của Nhật, Nga, Việt và đặc biệt là bản nhạc trong phim "Rạp chiếu bóng thiên đường" (Cinema Paradiso - Oscar dành cho phim xuất sắc nhất năm 1990). Kết thúc là bài "Người ở đừng về" do cây guitare lừng danh Phạm Văn Phúc (79 tuổi) chuyển soạn và biểu diễn.

Nhạc sĩ Vũ Đức Hiển (1983) được mệnh danh là "Người giữ lửa phong trào guitar cổ điển" tại Thủ đô. Với việc đào tạo rất nhiều học viên tiếp cận với bộ môn guitar cổ điển, anh còn tổ chức nhiều buổi biểu diễn tại những sân khấu trang trọng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước. Nhiều ca khúc chuyển soạn cho đàn guitar và cả những sáng tác của anh đang dần đi vào lòng công chúng yêu Thủ đô.

Thêm một tiết mục nhảy Tap dance sẽ do họa sỹ, nghệ sĩ Nguyễn Tất Long biểu diễn. Anh nổi danh trong giới Tap dance ở Hà Nội từ những năm 2000 với những màn trình diễn đầy đam mê và điệu nghệ.

"Thanh Ca" là lời chúc của nhóm nghệ sĩ G39 đến tất cả các bạn, chúc một giáng sinh an lành cho tất cả.
Thụy Khanh (thực hiện)
.
.