Sưu tập minh họa - một thú chơi tao nhã

Thứ Năm, 23/11/2017, 11:01
Minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một hình minh họa tốt sẽ "giữ chân" độc giả và dẫn dụ họ đến với bài báo. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc...


Tôi có một người bạn được giao phụ trách một bảo tàng mới thành lập. Vì mới thành lập nên Bảo tàng đang trong quá trình xây dựng và sưu tầm hiện vật. Một trong những hiện vật không thể thiếu - đó là các tờ báo cũ. Trong quá trình tìm kiếm hiện vật, người bạn này đã rất ngạc nhiên khi gặp những người "đồng chí hướng", họ cũng đang đi lùng mua những tờ báo cũ, rất cũ, xuất bản từ 30 đến 50 năm trước và họ còn trả giá cao hơn cả giá mà Bảo tàng định mua. Cái mà những "người lạ lùng" này nhắm đến chính là hình vẽ minh họa trong các tờ báo cũ đó.

Được tìm kiếm nhiều nhất thường là của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Văn Cao... và các tờ báo xuất hiện tranh minh họa của các họa sĩ này chính là các tờ Văn nghệ, Độc lập, Phụ nữ, Lao động... Từ câu chuyện "rất ngạc nhiên" của người bạn, tôi nảy ra ý định viết bài này. Với tinh thần biết gì nói nấy, chắc chắn nó chỉ mới là một góc nhỏ của vấn đề được đề cập: Có một thú chơi sưu tập minh họa.

Ở ta, hầu hết các báo đều có sử dụng hình vẽ minh họa, hiếm có tờ báo giấy nào không sử dụng loại hình này. Như chúng ta đều biết, hình minh họa là một đơn vị thông tin độc lập và hoàn chỉnh, chứ không phải đóng vai trò phụ họa cho bài báo, càng không thể chỉ để lấp chỗ trống.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú bên bộ sưu tập minh họa của mình.

Minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một hình minh họa tốt sẽ "giữ chân" độc giả và dẫn dụ họ đến với bài báo. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc.

Đã từ lâu, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và sau này có cả tờ Văn nghệ Công an là những địa chỉ quen thuộc không chỉ phát hiện, đăng tải các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nền văn học nước nhà mà còn là nơi hội tụ các họa sĩ tài danh của giới mỹ thuật. Thế hệ trước có: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc, Văn Đa, Huy Toàn, Vũ Duy Nghĩa… thế hệ tiếp theo có Vũ Huyên, Lê Trí Dũng, Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Đỗ Phấn, Hà Chí Hiếu, Hoàng Phượng Vỹ, Phạm Quang Vinh, Ngô Xuân Khôi, Đào Quốc Huy…

Mỗi người một cá tính, một phong cách khác nhau, nhưng có điểm chung là tranh của họ đều đẹp và phù hợp với các tờ báo mà họ được mời cộng tác. Chỉ vài ba nét vẽ đơn sơ đen trắng, đầy xúc cảm mà rất có hồn, bố cục chặt chẽ, mảng nét khúc chiết nửa như gợi mở, nửa như khái quát chưng cất mà thành…

Ở Hà Nội những năm 60 đến 90 của thế kỷ trước có rất nhiều nhà sưu tập tranh nổi tiếng như các ông Đức Minh, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Bổng, Bá Đạm, Trần Thịnh, Tô Ninh… Những nhà sưu tập này lúc đầu là những người chơi đồ cổ, tiền cổ, họ đến với tranh, với hội họa như một cơ duyên, như một sự sắp đặt của quy luật xã hội.

Với tình yêu văn học nghệ thuật, sự cảm thông và cả lòng yêu mến, sự ngưỡng mộ văn nghệ sĩ, có thể nói rằng các nhà sưu tập tranh ngày ấy đã góp phần làm giàu cho nền hội họa xứ ta bằng cách nâng đỡ, tạo điều kiện cho các họa sĩ sáng tạo, nhất là trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống của các nghệ sĩ còn thiếu thốn, họa phẩm rất hạn chế. Trong bối cảnh thông tin rất hạn hẹp, chính các nhà sưu tập đã có công rất lớn, góp phần tạo hứng khởi, khơi nguồn sáng tạo, phần nào giúp đỡ vật chất cho các họa sĩ. Không chỉ sưu tập tranh sơn dầu, tranh bột màu, những người chơi tranh ngày ấy trân trọng tất cả các thủ bút của các họa sĩ, có thể là một phác thảo, một ký họa, hoặc vài nét bút ngẫu hứng trên vỏ bao thuốc lá… Trong các sưu tập đa dạng ấy có một mảng tranh minh họa.

Người viết bài này đã có dịp gặp nhà sưu tập Tô Ninh vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước và được ông cho xem bộ sưu tập tranh minh họa cắt ra từ các báo. Rất thật thà, tôi hỏi ông: "Những hình vẽ này được in ra hàng loạt, ai cũng có thể có, vậy bác sưu tập làm gì?". Ông Tô Ninh cười, bảo: "Tôi làm cái việc tôi thích. Những người chơi tem, chơi tiền cổ cũng là các sản phẩm in ra hàng loạt đấy chứ. Bây giờ chưa thấy quí, nhưng vài chục năm nữa sẽ thấy giá trị, nhất là khi nó được lưu giữ một cách có hệ thống và trân trọng như này". Thì ra là vậy.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú kể: "Hồi bọn mình làm triển lãm minh họa lần đầu, có đến nhà ông Bổng Hàng Buồm để liên hệ mượn một số bản minh họa gốc mà ông ấy lưu giữ để trưng bày. Thật sự là rất kính nể cách ông ấy sưu tập. Rất trang trọng, rất cẩn trọng, rất trân trọng. Mỗi minh họa đều có hai bản: Bản đã in báo và bản vẽ tay của họa sỹ. Cả hai đều được bồi lên bìa cứng, có chú thích tranh của họa sỹ nào, truyện gì, tác giả, báo nào, ngày tháng xuất bản.

Để có bản minh họa đã in báo thì quá dễ, nhưng có bản vẽ gốc và một số cái còn có cả bản khắc gỗ nữa thì chắc chắn nhà sưu tập phải có mối quan hệ đặc biệt với tòa báo, với nhà in. Và điều đặc biệt phải có niềm đam mê nghệ thuật, con mắt tinh đời, biết trân quý những sản phẩm rất nhỏ của nghệ sĩ".

Thời kỳ huy hoàng của báo giấy, khi mà các họa sĩ chưa gửi minh họa qua hộp thư điện tử, mỗi tuần ở Báo Văn nghệ có khoảng năm, bảy minh họa gốc của các họa sĩ được bổ sung vào bộ sưu tập của cán bộ nhân viên tòa soạn. Mỗi năm có 52 tuần, vài chục năm như như vậy, con số các minh họa lên đến con số vạn bản vẽ lớn nhỏ khác nhau.

Các minh họa được lồng khung treo trang trọng trong nhà của nhà thơ Trần Vũ Long.

Ông Hữu Nhuận, một người có thâm niên công tác tại Báo Văn nghệ đã bao năm lặng lẽ trân trọng lưu giữ khá nhiều những minh họa gốc của các họa sỹ từ những ngày đầu. Do vị trí công tác, khi làm Thư ký tòa soạn, khi làm Phó Tổng Biên tập, có khi kiêm cả trình bày nên việc gặp gỡ họa sĩ và tiếp xúc với các minh họa khá nhiều nên có thể nói, Hữu Nhuận có cả "kho" minh họa bản gốc.

Trong một lần trò chuyện, ông Hữu Nhuận kể: "Những ngày đầu chẳng mấy ai để ý đến các minh họa này, mình cứ âm thầm, tích góp, lưu giữ. Sau này nó thành phong trào sưu tập minh họa ở trong báo, thế là đua tranh, chia phần, thương lượng, đôi khi mình còn phải làm trọng tài. Các cán bộ nhân viên của báo, ai thích đều có phần, từ biên tập viên, phóng viên đến thủ quỹ, đánh máy đều có suất. Có thể nói bây giờ đến thăm nhà nào của những người đã từng công tác tại Báo Văn nghệ đều có thể bắt gặp những bức minh họa của nhiều thời kỳ, của nhiều họa sỹ được đóng khung nghiêm chỉnh treo ở những không gian trang trọng trong các gia đình".

Các họa sỹ cũng sưu tập các minh họa của mình và các đồng nghiệp. Họa sỹ Vũ Duy Nghĩa có hàng trăm bức minh họa bản chính được làm bo cẩn thận, có bức to như quyển vở, có bức chỉ bằng cỡ bao diêm. Ông xem những bức minh họa này như một phần sự nghiệp sáng tác của mình. Có khi những bức vẽ xinh xinh này lại khơi nguồn cho những tác phẩm lớn, dài hơi và đầu tư nhiều công sức tâm huyết hơn.

Khi đến thăm không gian vẽ khá chật hẹp của họa sỹ Nguyễn Đăng Phú, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy mấy chục quyển sổ to cỡ giấy A3, được đóng xén rất cẩn thận, bìa cứng bồi vải, chữ mạ vàng. Họa sỹ Nguyễn Đăng Phú chia sẻ: "Đây là cách mình lưu giữ các báo có minh họa của mình, đóng thành quyển, theo năm, theo từng báo vì khuôn khổ mỗi báo cũng có khác nhau".

Có nhà văn sau khi truyện đã được đăng báo cũng liên hệ với báo hoặc trực tiếp với họa sỹ để được lưu giữ minh họa truyện của mình làm kỷ niệm.

Gần đây có một số cuộc triển lãm chuyên về minh họa báo chí, có cuộc do ngành đồ họa Hội Mỹ thuật tổ chức, có cuộc do các đơn vị báo chí tổ chức, việc làm này rất đáng trân trọng, tôn vinh những đóng góp của giới mỹ thuật với sự nghiệp báo chí, những dấu ấn đẹp giữa nghệ thuật và thông tin truyền thông. Tuy nhiên, cá nhân tôi thích các minh họa được triển lãm như bản đã được in ra, như nó đã tồn tại song hành với văn học và đến tay bạn đọc hơn là những bản in lại xanh đỏ phóng to trên giấy A0 trắng lốp.

Đôi khi lãng mạn, tôi hình dung có một quán cafe ở một góc phố tĩnh lặng nào đó, với nội thất trang nhã, trên tường là những bức minh họa nhuốm màu thời gian được cắt ra từ báo, lồng khung kính trang nhã. Thảng hoặc có tiếng nhạc thánh thót, du dương, trong cái không gian ấy được thưởng thức vị thơm ấm, say nồng của càfe thì quá "chất".

Công nghệ thông tin, truyền thông mạng đang ngày càng đẩy báo giấy vào khó khăn, giảm số lượng ấn bản, thu hẹp phạm vi phát hành, sức lan tỏa trong cộng đồng người đọc cũng đang ngày càng yếu đi. Điều đó đồng nghĩa với việc các minh họa trên báo giấy ngày càng ít đi, ngày càng thưa vắng hơn.

Và ở đâu đó vẫn còn có những người lặng lẽ sưu tầm gom góp những minh họa bé xíu, cũ mèm để lưu giữ, để nâng niu trân trọng bằng niềm đam mê, bằng sự đồng cảm kín đáo. Thế là những bức minh họa sau khi được sinh ra từ nguyên cớ văn học và làm tròn sứ mệnh của mình khi song hành với văn chương, với báo chí lại có một đời sống khác. Đời sống độc lập, mà trong đó ẩn chứa nhiều cung bậc, nhiều sắc thái cảm xúc.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi
.
.