Sùng Ân Tự - ngôi chùa trăm gian trên núi Thanh Tước

Thứ Bảy, 01/06/2019, 07:57
Qua những dòng chữ trên "Văn bia Thanh Tước" còn lưu lại năm 1702, ta thấy rằng chùa Sùng Ân không còn là chùa làng nữa, mà đây đã là Quốc tự - chùa có tầm cỡ Quốc gia, do các bậc quý tộc, những người hầu cận vua Lê và chúa Trịnh xây dựng lên. Tiếc thay, ngôi chùa nay đã không còn, chỉ còn dấu tích của bia hậu Phật bốn mặt vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt

Một khối bia đá bốn mặt nằm im lìm bên góc phải Nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Ít ai biết rằng đó là nhân chứng lịch sử của ngôi chùa trăm gian cũ còn sót lại của vùng này. Một bạn đồng nghiệp với chúng tôi quê ở chân núi Thanh Tước kể rằng, chỉ còn những người già gần 90 tuổi nhớ được chút ít về ngôi chùa Sùng Ân - mà gọi dân dã là chùa trăm gian - vì quy mô đồ sộ của nó. Còn lại, thế hệ hậu sinh hầu như không biết chút gì về ngôi chùa này.

Từ bé, bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã được nghe bà ngoại kể về ngôi chùa trăm gian với tục đánh cờ người và truyền thuyết đánh cờ giữa bà Nữ Oa, ông Tứ Tượng. Thế rồi, ngôi chùa đã bị thực dân Pháp phá hủy một phần để xây đồn bốt. Giai đoạn cải cách ruộng đất khiến ngôi chùa trở thành hoang phế. Đến khi UBND thành phố Hà Nội xây dựng Nghĩa trang Thanh Tước làm nơi yên nghỉ cuối cùng của các nhà khoa học và văn nghệ sĩ chính trên đất nền chùa Sùng Ân.

Có dịp đến với Thanh Tước, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sử, cán bộ nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) thư thả rập lại bốn mặt bia này. Tiếc rằng, do bị tác động mạnh bởi ngoại lực (đạn pháo bắn trước đây, và có thể do xà beng thúc khi đẩy khối bia gọn vào một góc) mà mặt bia nhiều chỗ sứt cả mảng, có mặt thì lỗ chỗ, bị mất chữ, không còn đọc được cụ thể, liền mạch. Ban đầu, tác giả sách "Lịch sử Thư pháp Việt Nam" xác minh được rằng, đây là tấm bia hậu Phật, được tạo khắc ngày 8 tháng 7 năm Chính Hòa thứ 23 (năm 1702) đời vua Lê Hy Tông.

Chùa Sùng Ân Tự nay không còn.

 "Chính Hòa nhị thập tam niên, thất nguyệt, sơ bát nhật, lập văn ước trùm trưởng Nguyễn Hữu Giáo,… đồng xã thượng hạ đại tiểu đẳng cộng ký". Đọc phiên âm nguyên văn chữ Hán xong, anh lại dịch cho mọi người cùng nghe: Lập văn ước ngày 8 tháng 7 năm Chính Hòa thứ 23, trùm trưởng Nguyễn Hữu Giáo,… cùng toàn xã lớn bé, trên dưới cùng kí tên.

Biết được thông tin trên, dù đã ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Tuân, vợ liệt sĩ, mộ đạo hướng Phật, phát tâm đi tìm. Được sự trợ giúp của một số con em địa phương có điều kiện công tác ngoài Thủ đô, bà đã tìm thấy trong Lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp để lại ở Việt Nam còn nguyên thác bản "Văn bia Thanh Tước" rõ ràng cả bốn mặt. Bà Tuân đã nhờ cậy nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn dịch và Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiệu đính những tài liệu quý giá này.

Nội dung trên "Văn bia Thanh Tước" ghi rõ: Bà Trần Thị Ngọc Thám là Vương phủ thị nội cung tần, thấy chùa Thanh Tước dột nát, có lòng từ bi, phát khởi ý lành, bèn bỏ tiền ra trùng tu, công việc hoàn thành tốt đẹp, lại lập một tòa cột đá ở đấy. Nhân dân trong xã lớn bé cùng cảm được tấm lòng từ bi, nhân đức cùng nhau tự nguyện làm hộ nhi, tôn bà làm hậu Phật, đặt ở bên trái chùa để mãi mãi hương hỏa.

Một người chị của bà Trần Thị Ngọc Thám là Sa Di ni họ Ngô, tên hiệu là Diệu Bảo, trụ trì chùa Sùng Ân, đã bỏ ra 300 quan tiền để góp vào trùng tu chùa. Đồng thời, bà Thị nội cung tần họ Trần, tên hiệu là Diệu Minh, từ nhỏ đã được vào hầu trong cung, nghe danh tiếng của chùa Sùng Ân ở Thanh Tước đã phát cho tiền vàng, chọn mua được 11 mẫu ruộng tốt giao cho nhân dân Thanh Tước đời đời thay nhau canh tác để lấy lúa gạo, hoa màu làm nhu phí cúng giỗ.

Do đó, nhân dân cùng nhau làm cam đoan tôn bà làm hậu Phật, thiết đặt bài vị ở bên phải của Phật đường. Cũng nghe tiếng thơm của chùa Sùng Ân, Vương phủ Thị nội cung tần là bà Lê Thị Ngọc Kiên, hiệu là Diệu Thông, vốn dòng dõi quý tộc, sai người đến xã Thanh Tước mua 5 mẫu ruộng tốt cho dân đời đời canh tác để mãi mãi cúng giỗ rồi đặt hậu Phật để thờ phụng.

Chung đúc khí thiêng

Trước những tư liệu về chùa Sùng Ân, có người đã phải thốt lên: "Không ngờ bên Thanh Tước cũng có một chốn tổ lớn, một ngôi tùng lâm quý như vậy. Quanh vùng này có hai ngôi chùa lớn trên đỉnh đồi từ thượng cổ.

Cùng với chùa Sùng Ân là chùa Hoa Sơn (tên gọi khác chùa Lục Tổ) ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh ngày nay. Sùng Ân và Hoa Sơn đều quy mô hàng trăm gian, đều gắn với tên tuổi các thiền sư nổi tiếng, đều chung một địa thế: có núi Tam Đảo dẫn mạch, có sông Cà Lồ uốn lượn, cùng tọa lạc trên đỉnh đồi... và cùng có chung một số phận: bị phá bỏ toàn bộ vào những năm kháng chiến".

Nhiều người cùng đặt câu hỏi, tại sao núi Thanh Tước lại được chọn làm nơi dựng chùa Sùng Ân? Nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn căn cứ vào lời tiền nhân ghi trên bia đá đã nói lại về phong thủy nơi đây: "Nghe rằng, ở chùa Sùng Ân, xã Thanh Tước, huyện Kim Hoa, lộ Bắc Giang thượng có gò Cương, suối đá đẹp tươi, lại khiến cho người ta thấy được đất này chung đúc khí thiêng, núi Tam Đảo dẫn nguồn mạch, sông Cà Lồ quanh co uốn lượn bách thần chầu về. Thật là trời đất sắp đặt nên mới được đẹp tươi như vậy".

Bà Nguyễn Thị Tuân hồ hởi dẫn thêm tài liệu. Lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp để lại, còn thác bản tấm bia hai mặt khác, được lập vào ngày tốt, tháng 10, năm Tân Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (1601) đời vua Lê Kính Tông. Trên bia có bài ký cho biết, vào đời chúa Trịnh Tùng (1550 - 1623), có bà Chánh nội phủ Thái vương tần là Trần Thị Ngọc Lĩnh, người xã Thanh Tước, có cấp cho quê ngoại là xã Thanh Tước quan điền tô, ruộng thế nghiệp, cùng với ao và đất tha ma, mộ địa ở chân núi, cộng các xứ sở là 3 mẫu.

Cùng cư trú trên địa bàn Thanh Tước, ông Đào Trọng Thiệp vẫn nhớ như in ngày phát lộ ngôi mộ bà Trần Thị Ngọc Lĩnh trên núi này năm 1959. Một quách gỗ thơm ghi dòng chữ "Đệ nhất cung tần Trần quý thị mộ…". Khi những cán bộ Bộ Văn hóa chuyển quách gỗ về nhà Bác Cổ ở Hà Nội, ông Thiệp và đông đảo người dân vẫn nhận thấy mùi thơm từ khu mộ táng bảng lảng suốt nhiều ngày sau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho biết rằng bà Trần Thị Ngọc Lĩnh là vợ của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1503 -1570), người mở ra hơn 200 năm cơ nghiệp họ Trịnh. Cùng năm 1594, bà đã bỏ tiền để giúp việc đại trùng tu chùa Báo Ân Phúc Lâm ở Đại An, Nghĩa Hưng, Nam Định. Chùa này được xây từ đời Trần và đã trải nhiều đợt trùng tu.

Quan trọng hơn nữa, nội dung thác bản bia năm 1601 cho biết rõ hơn nguồn gốc chùa Sùng Ân được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, thời nhà Lý (1010 - 1225) do Thiền sư Trí Bảo làm trụ trì.

Sách "Thơ văn Lý Trần" và sách "Thiền uyển tập anh" cho biết như sau: Trí Bảo thiền sư họ Nguyễn tên thật và năm sinh đều chưa rõ. Theo Phật từ lúc còn trẻ, tu ở chùa Thanh Tước. Mới đầu chuyên tâm tu hành khổ hạnh nhưng không nắm được giáo lý Thiền học. Về sau nhờ có người dìu dắt, mới giác ngộ, trở thành một nhà lý luận xuất sắc của đạo Thiền, "nói ngang nói dọc như lửa toé trong đá". Ông đứng vào thế hệ thứ mười, dòng thiền Quan Bích. Thiền sư Trí Bảo mất năm Canh Tuất, niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ năm (1190).

Bạn đồng nghiệp của chúng tôi cứ mong ước: Giá như huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội phục dựng lại Sùng Ân tự - chùa Trăm gian trên nền đất cũ trên núi đồi Thanh Tước để ánh sáng nhà Phật tỏa rạng nơi đây cùng với ánh sáng soi đường chỉ lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đồi 79 mùa xuân hợp thành những bó đuốc sáng của Phật pháp, trí tuệ và văn minh, thì hay biết mấy.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sử (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đang rập bia hậu Phật năm Chính Hòa 23 (1702) ở Thanh Tước.

Qua chứng tích lịch sử là bia đá và các thác bản bia còn lưu giữ được, cùng với các tài liệu lịch sử đối chứng khác đã cho thấy, Sùng Ân tự - ngôi chùa Trăm gian trên núi Thanh Tước có từ thời nhà Lý, được một vị trụ trì đạo cao đức trọng là Thiền sư Trí Bảo chọn làm nơi tu hành. Đến thời Hậu Lê (1428 - 1788) chùa nổi tiếng cả nước khiến cung tần mỹ nữ trong cung vua phủ chúa - những bậc "Mẫu nghi thiên hạ" đều phát tâm công đức xây dựng.
Kiều Mai Sơn
.
.