Nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ:

Sức sống của những thông điệp giàu tính nhân văn

Thứ Hai, 27/08/2018, 07:30
Ngày 20-8 vừa qua, tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) với sự tham gia, quan tâm của đông đảo những người làm sân khấu. 


30 năm kể từ khi lìa xa trần thế, nhưng di sản kịch nghệ đồ sộ mà người thơ tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ để lại khiến công chúng ngưỡng mộ, kính nể và dường như những thông điệp nhân văn trong những vở kịch ấy cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sức sống của những vở diễn vào hàng kinh điển

Tại Hội thảo, hàng chục tham luận và các ý kiến phát biểu đã được các nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên, bạn bè... của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ  trình bày để công chúng có cơ hội hiểu hơn về cuộc đời - sự nghiệp - cá tính sáng tạo của Lưu Quang Vũ.

Nhưng tựu trung lại một điều, tất cả những ý kiến ấy dường như đều để khẳng định tài năng xuất chúng, cái nhìn tinh tế, nhân văn, đi trước thời đại của Lưu Quang Vũ. Đồng thời khẳng định “chất thơ” luôn chất chứa trong mỗi tác phẩm, để lại dấu ấn cá nhân tác giả mang một trái tim đầy mẫn cảm, nhiều dự cảm và thương yêu và cũng đầy tự do, phóng khoáng, hiện đại.

Hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu sân khấu.

Chính những điều này đã tạo nên sự hấp dẫn của những vở kịch của ông được dàn dựng liên tục trong suốt mấy chục năm qua. Nhiều vở kịch trong gia tài hơn 50 vở kịch của Lưu Quang Vũ được các nhà hát dựng đi dựng lại bởi nhiều đoàn nghệ thuật, nhưng mỗi khi ra mắt đều gây nên nỗi bâng khuâng, háo hức, mong chờ...

Cũng trong tháng 8 này, để tưởng nhớ nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức công diễn 4 vở từng làm nên tên tuổi của ông như "Lời nói dối cuối cùng", "Ai là thủ phạm", "Lời thề thứ 9", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" nằm trong khuôn khổ “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ”.

Theo chia sẻ của đại diện Nhà hát Tuổi trẻ, “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” là một hoạt động đầy ý nghĩa để tưởng niệm, tri ân tác giả Lưu Quang Vũ - người được ví như "một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam".

Tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ từ khi mới thành lập đã rất gắn bó với những tác phẩm đặc sắc nhất trong di cảo của Lưu Quang Vũ. Chính Nhà hát Tuổi trẻ là nơi dàn dựng những tác phẩm đầu tiên của Lưu Quang Vũ như "Sống mãi tuổi 17", "Tin ở hoa hồng", "Mùa hạ cuối cùng", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... Các vở được biểu diễn trong liên hoan lần này đều là những tác phẩm đặc sắc, từng làm nên sự "chấn động" trong xã hội thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong số các vở diễn được biểu diễn trong “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” vào tối thứ bảy hàng tuần lần này, "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" là vở kịch mới nhất của tác giả Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và đưa đi dự thi "Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018" tại TP. Hồ Chí Minh và đã giành được 4 Huy chương Vàng. "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của tác giả Lưu Quang Vũ. Nhiều nhà nghiên cứu sân khấu đã đồng quan điểm nhận định, câu chuyện trong vở kịch thể hiện nhãn quan vượt thời đại của Lưu Quang Vũ khi đi sâu khai thác những yếu tố hết sức mới mẻ ngay với cả với cuộc sống đương đại hôm nay.

Và dường như với "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", Lưu Quang Vũ đã giúp chúng ta thức tỉnh, biết nâng niu trân quý những niềm vui, hạnh phúc gần gũi, bình dị nhất. Bởi thế mới nói, những vở kịch do nhà thơ Lưu Quang Vũ sáng tác dù đã trải qua gần bốn thập kỷ như "Bệnh sĩ", "Lời thề thứ 9", "Lời nói dối cuối cùng", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" hay "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" vẫn không hề bị lỗi thời mà luôn chứa đựng tính thời sự với những vấn đề bức thiết trong xã hội và xứng đáng đứng vào hàng những tác phẩm kinh điển của sân khấu đương đại Việt Nam.

Liệu pháp "hâm nóng" sân khấu phía Bắc

Cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà biên kịch "tài hoa bạc mệnh" Lưu Quang Vũ, một liên hoan sân khấu với các tác phẩm được dàn dựng từ gia tài sáng tác của ông được tổ chức với quy mô khá lớn. Trong vòng 1 thời gian không dài, các nhà hát trong cả nước đã gấp rút dựng lại những vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ như: Nhà hát Tuổi Trẻ với vở "Lời thề thứ 9", Nhà hát Kịch Việt Nam với vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt", Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với vở "Trái tim trong trắng", Nhà hát Chèo Hà Nội với vở "Nàng Si Ta", Nhà hát Chèo Hải Phòng với vở "Vua hóa hổ"...

Thời điểm đó cũng là lúc sân khấu cả 2 miền Nam - Bắc gặp nhiều khó khăn mà nhiều người vẫn gọi là "thời kỳ khủng hoảng", Liên hoan sân khấu các tác phẩm Lưu Quang Vũ thực sự như một "cơn gió mát lành" đến với những người làm nghệ thuật.

"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" là vở diễn giả tưởng duy nhất của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ.

Với sức nóng bền bỉ của tên tuổi Lưu Quang Vũ và những vở kịch mang giá trị nhân sinh, giá trị nghệ thuật vượt thời gian, trong những ngày diễn ra Liên hoan, không khí ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội khá tấp nập, rộn ràng. Hình ảnh đông đảo khán giả tìm đến và ngồi lại với sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, trò chuyện, đàm đạo, xuýt xoa... đã trở thành nguồn động lực to lớn đối với nhiều nghệ sĩ đầy tâm huyết với sân khấu nhưng đã từng phải thở dài "lực bất tòng tâm".

Tiếp nối thành công bất ngờ này, ngay trong năm 2014, trong dịp kỷ niệm 26 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, một đợt biểu diễn kịch Lưu Quang Vũ lại tiếp tục được tổ chức. Chỉ có điều, trong số 5 vở diễn thì có tới 4 vở được "làm lại" từ Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ năm 2013, đó là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Lời thề thứ 9", "Nàng Si ta", "Mùa hạ cuối cùng".

Vở diễn mới duy nhất trong đợt biểu diễn này là "Bệnh sĩ" (Đạo diễn Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Việt Nam và cũng chính là vở diễn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. "Bệnh sĩ" là vở diễn nói về căn bệnh… sĩ diện ở một hợp tác xã có tên Hùng Tâm.

Căn bệnh thành tích và sự háo danh mù quáng đã đẩy những người dân quê chân chất vào một cuộc chạy đua đặc biệt, để rồi sa đà vào sự kệch cỡm dối trá, dở khóc dở cười khi người ta mải mê đi tìm sự hào nhoáng bên ngoài cho mình. Với thông điệp giản dị nhưng cũng đầy chua chát, sâu cay, vở diễn đã không hề cũ với cuộc sống hôm nay khi ngày càng thấy trong xã hội có thêm nhiều "con bệnh" vừa đáng thương vừa đáng trách như thế.

Hiện nay, trong sự khan hiếm đến mức "đốt đuốc tìm kịch bản hay", cũng dễ hiểu khi nhiều kịch bản cũ của Lưu Quang Vũ vẫn được các Nhà hát chọn dàn dựng có khi đến mấy lần. Cũng có những vở diễn của Lưu Quang Vũ được hàng chục đoàn chọn dựng và nhiều vở vốn là kịch nói được chuyển thể sang các hình thức ca kịch. Với "tinh anh phát tiết", nhất là những năm tháng cuối đời,  nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ được viết với sự nhạy bén trước cuộc sống và những biến động trong xã hội với một sắc sảo vượt thời gian, mang lại thông điệp sâu sắc cho người xem.

Theo NSƯT Chí Trung, "Lời thề thứ 9" tưởng là chuyện của mấy anh bộ đội, nhưng lại là thông điệp về sự khập khễnh giữa luật pháp và sự công bằng trong xã hội."Mùa hạ cuối cùng" nói về tiêu cực trong giáo dục, nhưng ẩn sâu trong nó lại là sự ngơ ngác của thế hệ trẻ khi nhìn vào cách lựa chọn của những người đi trước... thì cho đến hôm nay, nhất là trước một kỳ thi THPT đang bị chấn động bởi những tiêu cực do toàn những người lớn đem lại, thì chắc hẳn vở diễn "Mùa hạ cuối cùng" vẫn còn nguyên giá trị.

Có thể, “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” năm nay sẽ không có được sức nóng, tiếng vang như mấy năm trước, bởi chỉ có sự tham gia của một đơn vị - đó là Nhà hát Tuổi trẻ. Song, có thể thấy, với những nỗ lực bền bỉ  để góp phần tạo nên một đời sống sân khấu lành mạnh, ý nghĩa, nhân văn như việc tri ân "một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam" Lưu Quang Vũ - sẽ trở thành nguồn động lực cho các tác giả tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho sân khấu. Bởi lẽ,  như các nghệ sĩ thường an ủi nhau, đó là "Nghề chẳng bao giờ phụ người!"...

Nguyệt Hà
.
.