Trao giải thưởng cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3 và phát động cuộc thi lần thứ 4:

Sức sống của mảng đề tài nhiều gai góc

Thứ Năm, 05/04/2018, 09:25
Ngày 3-4,  tại Hà Nội, Chi hội Nhà văn Công an đã phối hợp với NXB CAND đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3; đồng thời phát động cuộc thi lần thứ 4. Sau 2 năm phát động, từ trên 200 tác phẩm gửi đến dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 23 tác phẩm để trao giải cho 3 thể loại: tiểu thuyết, ký và truyện ngắn.


Tiếp nối thành công này, NXB CAND phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tiếp tục phát động cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 4 (2018-2020) để tiếp tục đồng hành, cổ vũ các nhà văn tiếp tục có những sáng tác đặc sắc hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2020).

Ở cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3, không có Giải Nhất ở cả 3 thể loại tiểu thuyết, ký và truyện ngắn. Ở thể loại tiểu thuyết, Giải Nhì được trao cho tác phẩm "Đặc biệt nguy hiểm" của nhà văn Nguyễn Như Phong và 4 giải Ba thuộc về các tác phẩm: "Mật mã cuối cùng" của tác giả Mùa Đông; "Mật danh D9" của tác giả Lại Văn Long; "Nỗi niềm  nghiệt ngã" của tác giả Phan Quế; "Những mùa ngâu" của tác giả Ngô Thúy Nga.

Ở thể loại Ký, 2 giải Nhì được trao cho các tác phẩm: "Ký ức thời con gái" của tác giả Nguyễn Thị Cùng; tác phẩm "8 năm 4 tháng 24 ngày" của tác giả Lê Duy Nghĩa và 2 giải Ba cho các tác phẩm: "Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo" của tác giả Châu Văn Mẫn - Trần Hoàng Thiên Kim; tác phẩm "Đòn phản gián" của tác giả Lương Sỹ Cầm...

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi “cây bút vàng” lần thứ 3.

Để có được những thành công này, trong vòng 2 năm kể từ ngày phát động cuộc thi, Chi hội Nhà văn Công an và NXB CAND là 2 đơn vị đồng tổ chức cuộc thi đã có những nỗ lực đáng kể để huy động được hơn 200 tác phẩm tham gia cuộc thi, trong đó có 38 tiểu thuyết, 163 truyện ngắn và ký. 3 trại viết đã được tổ chức ở cả 2 miền Bắc - Nam, thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an.

Với tiêu chí chấm giải là tôn vinh hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ công an qua các thời kỳ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có thể nói ở cuộc thi "Cây bút vàng" lần này đã xuất hiện thêm nhiều cây bút trong lực lượng công an với những trang viết nhân văn, thấu hiểu và chia sẻ như tác giả Mùa Đông với tiểu thuyết "Mật mã cuối cùng", Lại Văn Long với tiểu thuyết "Mật danh Đ9"...

Ngoài ra còn có một số tác giả nổi tiếng, gắn bó với mảng đề tài hình tượng người chiến sĩ công an như Nguyễn Như Phong, Phan Quế, Lương Sỹ Cầm, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Xuân Hải, Mai Vũ, Lê Va, Phan Đình Minh... đã thể hiện sức hấp dẫn của mảng đề tài vẫn được nhận định là "gai góc" và nhiều ẩn số này.

Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an - Trưởng ban tổ chức cuộc thi "Cây bút vàng" nhận định: "Cuộc thi đã chứng tỏ đề tài về an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ CAND là một mảnh đất màu mỡ, giàu chất liệu và có nhiều sức hút tiềm tàng để các nhà văn, các cây viết khám phá và tôn vinh con người.

Với các tác phẩm tham gia cuộc thi, chúng tôi đã cảm nhận được sự phong phú, đa dạng trong các thể loại văn học. Nhiều tiểu thuyết dự thi với dung lượng đồ sộ về số lượng nhân vật cũng như số trang của tác phẩm. Có tác giả đi theo mảng ký để phác họa chân dung những con người bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng đất nước, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân...".

Từ những thành công đã đạt được của cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3 này, Ban tổ chức đã quyết định phát động cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 4. Ở cuộc thi này, các tác giả sẽ tham gia viết ở các thể loại: kịch bản sân khấu, truyện ngắn và ký. Theo thông tin từ Ban tổ chức, sở dĩ có sự thay đổi về thể loại này là để có thêm những kịch bản hay trước thêm "Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào giữa năm 2020 do Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt tham phối hợp tổ chức.

Trước nhiều dấu mốc quan trọng sắp đến, những tác phẩm trong cuộc thi "Cây bút Vàng" lần thứ 4 hứa hẹn sẽ góp phần thiết thực hướng đến ngày "lễ trọng" kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Lực lượng Công an (19-8-1945 - 19-8-2020).

Trung úy Kim Thị Mùa Đông (Công an huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc):

"Đối với cá nhân tôi, không gì vinh dự và tự hào hơn khi được đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND. Trong suốt chặng đường dài hơn 70 năm trưởng thành, lực lượng CAND đã có biết bao thế hệ nhà văn, nhà báo đóng góp sức mình vào sự nghiệp văn học cách mạng nước nhà.

Là một cán bộ trẻ, tôi luôn mong muốn được tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy của cha anh. Được Giải Ba của cuộc thi "Cây bút Vàng" với tiểu thuyết "Mật mã cuối cùng", với tôi là một vinh dự bất ngờ. Giải thưởng "Cây bút Vàng" chính là cơ hội để tôi được viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc, được viết về những người chiến sỹ vẫn ngày đêm miệt mài "Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi", được viết về những dấu chân thầm lặng đứng sau mỗi cánh cửa yên bình của nhân dân, viết về hình ảnh người chiến sĩ CAND trong thời đại mới, tận tâm, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tất cả vì sự bình yên của nhân dân".

Tác giả Nguyễn Thị Cùng:

“Ban đầu tôi không có ý định tham gia cuộc thi "Cây bút Vàng" đâu, bởi vì đây là cuốn hồi ký về một thời tuổi trẻ tôi viết ra với mục đích để con cháu trong nhà và bạn bè thân thiết đọc để hiểu thêm về ba má mình thôi.

Tôi bắt đầu viết từ năm 2014, khi bắt đầu có thời gian rảnh rỗi. Tôi rất hạnh phúc vì các con tôi đọc đều khen "Má viết hay và tình cảm lắm!". Về sau có một người bạn của tôi đọc được, động viên tôi và chủ động gửi nó đến Ban tổ chức cuộc thi "Cây bút Vàng".

Tôi cũng không ngờ là tác phẩm lại đoạt giải và cảm thấy rất vui khi những dòng vốn là hồi ký của riêng mình lại được nhiều người đồng cảm, quan tâm, chia sẻ. Ở trong đó, tôi cũng dành nhiều trang viết có hình bóng người bạn đời của tôi - một chiến sĩ an ninh trưởng thành từ mảnh đất Quảng Nam anh hùng”.

Kết quả Giải thưởng cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3:

Thể loại Tiểu thuyết

1. Giải Nhất: Không có

2. Giải Nhì ( trị giá 30.000.000 đồng)

Tác phẩm “Đặc biệt nguy hiểm” của tác giả Nguyễn Như Phong

3. Giải Ba (mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng)

Tác phẩm “Mật mã cuối cùng” của tác giả Mùa Đông

Tác phẩm “Mật danh Đ9” của tác giả Lại Văn Long

Tác phẩm “Nỗi niềm nghiệt ngã” của tác giả Phan Quế

Tác phẩm “Những mùa ngâu” của tác giả Ngô Thúy Nga

4. Giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng)

Tác phẩm “Lầm lạc” của tác giả Phù Ninh

Tác phẩm “Tốt đen” của tác giả Nguyễn Hiếu

Tác phẩm “Keo đỏ” của tác giả Vũ Quốc Khánh

Tác phẩm “Câu chuyện buồm nhỏ” của tác giả Anh Chi

II. Thể loại Ký

1. Giải Nhất: Không có

2. Giải Nhì (mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng)

Tác phẩm “Ký ức thời con gái” của tác giả Nguyễn Thị Cùng.

Tác phẩm “8 năm 4 tháng 24 ngày” của tác giả Lê Duy Nghĩa.

3. Giải Ba, (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng)

Tác phẩm “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo”:  Trung tướng Châu Văn Mẫn kể, Trần Hoàng Thiên Kim ghi.

Tác phẩm “Đòn phản gián” của tác giả Lương Sỹ Cầm.

4. Tặng 01 giải Khuyến khích (trị giá 5.000.000 đồng)

1. Tác phẩm “Chuyện quản giáo xin đất cho tử tù” của tác giả Lê Va.

III. Thể loại Truyện ngắn

1. Giải Nhất: Không có

2. Giải Nhì: Không có

3. Giải Ba (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng)

Tác phẩm “Đường biên giới màu đỏ” của tác giả Tống Ngọc Hân.

Tác phẩm “Nhành mai Yên Tử” của tác giả Mai Vũ

Tác phẩm “Nước mắt sau cuộc chiến” của tác giả Lê Thị Bích Hồng.

Tác phẩm “Những trang nhật ký viết bằng nước mắt” của tác giả Nguyễn Xuân Hải.

Tác phẩm “Tấm thẻ” của tác giả Phùng Văn Khai.

Tác phẩm “Tấm huân chương” của tác giả Phan Đình Minh.

Tác phẩm “Đi qua những giấc mơ” của tác giả Mai Thị Hồng Quế.

Tác phẩm “Thợ rập” của tác giả Phạm Thanh Khương

4. Giải Khuyến khích (trị giá 5.000.000 đồng)

Tác phẩm “Kiên quyết không bắt” của tác giả Trọng Nghĩa.

Nguyệt Hà
.
.