"Truyện Kiều" được chuyển thể thành Múa đương đại:

Sức hấp dẫn kỳ lạ của một tác phẩm kinh điển

Thứ Sáu, 23/03/2018, 09:05
Trong 2 đêm 10 và 13-3 vừa qua, vở múa đương đại "Kiều" đã được công diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của khán giả ở thành phố có hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi động nhất cả nước.


Vậy là sau khi trở thành vở diễn cải lương, kịch hình thể, kịch nói hay thử nghiệm táo bạo với opera của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo..., "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du được tái hiện trên sân khấu với hình thức múa đương đại. Điều này một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt của "Truyện Kiều", dù trước đó, vở balê "Kiều" từng được kỳ vọng tỏa sáng trên sân khấu balê Việt nhưng đã "lỗi hẹn" với khán giả.

Tin vui lại đến với "nàng Kiều"

Cách đây 10 năm, ý tưởng về việc sẽ có một vở balê "thuần Việt" được chuyển thể từ tác phẩm "Truyện Kiều" đã thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như báo chí. Thế nhưng, việc balê "Kiều" "lỗi hẹn" với khán giả sau một thời gian khởi động đã để lại sự tiếc nuối cho nhiều người, trong đó có những nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết với balê "Kiều" như biên đạo Nguyễn Việt, NSND Lê Cảnh Nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo...

Theo chia sẻ đầy tâm huyết của NSND Lê Cảnh Nhạc, trước khi công bố với báo chí, ông đã có tới 7 năm nghiền ngẫm ý tưởng về một vở ba-lê mang đậm tinh thần Việt Nam. "Êkíp làm việc gồm tôi, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và biên đạo múa Nguyễn Việt đã nhiều lần làm việc với nhau, nhưng cuối cùng không thành bởi vẫn là câu hỏi muôn thuở: "Tiền ở đâu ra?" - NSND Lê Cảnh Nhạc tâm sự.

Theo ông, hồi đó phải cần đến ít nhất 3 tỉ đồng thì mới có thể nói tới dựng balê "Kiều", nhưng trong bối cảnh hồi đó cũng như hiện nay, đi vận động tài trợ khó quá, không có Mạnh Thường Quân nào chịu đầu tư một khoản tiền lớn như vậy cho bộ môn nghệ thuật kén khán giả như balê. Sau đó NSND Lê Cảnh Nhạc lại về hưu ở cương vị Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, dự án thành ra dang dở mà đến giờ, mỗi lần nhắc đến, ông vẫn còn luyến tiếc.

NSND Lê Cảnh Nhạc cho rằng: "Chắc là phải đợi đến một giai đoạn nào đó, khi mọi hình thức giải trí đã trở nên bão hòa, khán giả có nhu cầu tìm đến loại hình nghệ thuật khác, thì balê "Kiều" mới có cơ hội lên sân khấu balê. Tôi vẫn mong ngày đó sẽ đến, dù tôi chỉ là một khán giả, thì tôi vẫn mong giấc mơ đó trở thành sự thật".

Năm 2018 này, dù không phải là vở balê "Kiều" như mong ước của NSND Lê Cảnh Nhạc -  một trong những nghệ sĩ balê đầu tiên của Việt Nam và là người thầy của nhiều nghệ sĩ múa thành danh, nhưng vở múa đương đại "Kiều" chắc hẳn cũng ít nhiều khiến nhiều khán giả đam mê nghệ thuật múa cảm thấy hài lòng khi lần đầu được thấy hình tượng Kiều qua nghệ thuật múa.

Vở múa đương đại "Kiều" vừa ra mắt lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh.

Vở múa đương đại "Kiều" là sự hợp tác giữ biên đạo Chun Yoo Oh và biên kịch kiêm đạo diễn Jung Sun Goo (Hàn Quốc) với nhóm Y.O Saigon Dance Ensemble và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh. Vở múa "Kiều" có độ dài 1 tiếng 15 phút với 6 chương: Mơ, Báo Mệnh, Mối tình đầu, Trâm gãy, Hi sinh, Bước đường phong trần, Cứu rỗi và Đoàn tụ. Phần thể hiện lời hát trong vở múa có sự tham gia của NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Hàn Quốc Kwoon Soon Kang được xem như một thử nghiệm hết sức mới mẻ với khán giả Việt Nam.

Hi vọng một ngày không xa, vở múa đương đại "Kiều" sẽ có cơ hội "hội ngộ" với khán giả Hà Nội khi cho đến nay, giấc mơ về balê "Kiều" xem ra vẫn còn rất xa vời, nếu không muốn nói rằng chỉ là "giấc mơ đẹp".

 Cũng là một tin vui khác với "nàng Kiều", vở kịch nói "Kiều" của Nhà hát Kịch Việt Nam (Chuyển thể kịch bản: Nguyễn Hiếu; Đạo diễn: NSND Anh Tú) đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2017. Theo tiết lộ của Nhà hát kịch Việt Nam, trong suốt khoảng thời gian công diễn vở "Kiều" trong năm 2017, khán phòng khiêm tốn chỉ với 150 chỗ ngồi của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn kín khán giả.

Nhưng thực lòng mà nói, với bối cảnh chung của sân khấu Việt, khán phòng nhỏ nhưng kín chỗ như vậy đã là niềm vui, niềm động viên lớn lao đối với các nghệ sĩ rồi. NSND Anh Tú từng chia sẻ rằng, với "Kiều" anh thực sự mong muốn sẽ "hâm nóng" được tình yêu sân khấu với khán giả Thủ đô. Và có vẻ như, mong muốn của NSND Anh Tú cũng phần nào được đền đáp.

Với sự quảng bá tích cực cùng với niềm yêu mến sâu kín của người Việt với nhân vật Kiều, khán giả đã tìm lại được tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật kịch nói trong điều kiện "bão hòa" các phương tiện giải trí như ngày nay cũng là điều đáng trân quý.

Cùng với "cái bắt tay" với một số công ty du lịch - lữ hành, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đưa được "Kiều" đến với khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam trong các tour biểu diễn phục vụ khách du lịch. Điều này cũng góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với khách nước ngoài và khiến chuyến đi thăm quan của khách quốc tế đến với Hà Nội có thêm kỷ niệm đẹp.

Đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, trong năm 2018 này, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có những nỗ lực hơn nữa trong việc đưa các suất diễn đến với khách ngoại quốc, trong đó có các trích đoạn "Kiều" - vốn là một tác phẩm được đánh giá cao số 1 trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam và là niềm tự hào của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Một số khách quốc tế đến Việt Nam đã từng được nghe đến "Truyện Kiều", bởi "Truyện Kiều" đến nay vẫn là tác phẩm Việt được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhất: trên 40 thứ tiếng, trong đó được tái bản nhiều nhất với tiếng Nga, Anh, Đức.

Trước đó, vở kịch hình thể "Kiều" cũng từng được Đoàn kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện dưới bàn tay của NSND Lan Hương. NSND Lan Hương là một người "mê đắm" với "Truyện Kiều", chị đã có những nỗ lực đáng kể trong nhiều năm để đưa "Kiều" lên sân khấu của hình thức nghệ thuật kịch còn rất mới mẻ đối với Việt Nam - đó là kịch hình thể.

Và về sau này, ngay cả khi Đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ đã phải giải thể vì nhiều lý do, nhưng mỗi khi nhắc tới vở "Kiều", nhiều người vẫn lưu lại những ấn tượng thật đẹp đẽ, niềm đam mê, sự dấn thân không ngại khó, ngại khổ của các nghệ sĩ của đoàn, trong đó có người đóng vai trò "người chèo lái" là NSND Lan Hương.

Tác phẩm kinh điển luôn "làm nóng" sân khấu

 Không chỉ có "Truyện Kiều" mới được một số nhà hát đầu tư, khi tiểu thuyết "Hồng lâu mộng" của tác giả Tào Tuyết Cần - một trong 4 tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng nhất của Trung Quốc được Nhà hát Kịch Việt Nam chuyển thể thành kịch nói, với sự tham gia của TS - Đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong cũng đã thu hút sự quan tâm của khán giả Thủ đô. Thực lòng mà nói, ngay cái tên "Hồng lâu mộng" đã có sức hút với khán giả, bởi lẽ rất nhiều độc giả Việt Nam từng yêu thích tác phẩm văn học "Hồng lâu mộng". Nhất là khi bộ phim truyền hình "Hồng lâu mộng" đến với khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam 25 năm trước.

Trong "Hồng lâu mộng" của Nhà hát Kịch Việt Nam, nhân vật Giả Bảo Ngọc (do diễn viên Tô Tuấn Dũng đóng) hiện lên là chàng trai chung tình. Anh phải lòng người em con cô - Lâm Đại Ngọc (diễn viên Diễm Hương đóng) có dung mạo xinh đẹp, hay cô độc, u buồn. Mối tình của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc bị cả gia tộc phản đối, bà nội của Giả Bảo Ngọc - người phụ nữ có quyền lực nhất trong gia tộc muốn anh kết hôn với Tiết Bảo Thoa - người con gái sắc sảo, kiêu sa được cho là "môn đăng hộ đối" với nhà họ Giả. Người nhà đã dùng kế để Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa.

Cuối vở kịch, Lâm Đại Ngọc vì tương tư mà chết theo đúng nguyên tác của Tào Tuyết Cần. Vở kịch nói Hồng lâu mộng đã ra mắt khán giả Thủ đô từ cuối năm ngoái và nhận được nhiều hiệu ứng tích cực. Nhiều khán giả yêu thích kịch nghệ đã tìm đến sân khấu nhỏ của Nhà hát Kịch Việt Nam để mua vé vào xem Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Phượng Ớt... phiên bản Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ rằng, xu hướng tìm đến với những tác phẩm kinh điển vẫn là hướng đi đúng đắn của Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng và một số nhà hát khác.

Với sự thành công của các phiên bản nghệ thuật từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hay sự làm nóng sân khấu kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam với vở kịch nói "Hồng lâu mộng", có thể nói rằng, niềm đam mê, sức sáng tạo của các nghệ sĩ dành cho những tác phẩm nghệ thuật kinh điển là rất đáng nể.

Chỉ có điều, đôi khi nói như các nghệ sĩ hay buồn rầu chia sẻ rằng: "Lực bất tòng tâm" mà thôi. Sau những thành công của vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" được đầu tư bởi "ông lớn" "Tuần Châu Hà Nội", nhiều nghệ sĩ có kỳ vọng, một ngày nào đó, các Mạnh Thường Quân sẽ quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như đã quan tâm đến bóng đá nam, hay sẽ bỏ "tiền tỉ" để đầu tư vào những vở diễn thực sự có giá trị, chiều sâu văn hóa.

Nguyệt Hà
.
.