Sức hấp dẫn của mảng đề tài nhiều gai góc

Thứ Bảy, 17/08/2019, 08:40
Sau 20 năm kể từ lần đầu tiên phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", đến nay, "dòng văn học về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an" đã ngày càng rõ nét trong dòng chảy của đời sống văn học nước nhà.


Ngày 14-8, tại Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật công viên Ước đã diễn ra buổi tọa đàm văn học "Dòng văn học về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an 20 năm" (1999 - 2019). Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều vị tướng lĩnh cùng hơn một trăm tác giả là những cây bút tiêu biểu trong và ngoài lực lượng Công an.

Sau 20 năm kể từ lần đầu tiên phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", đến nay, "dòng văn học về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an" đã ngày càng rõ nét trong dòng chảy của đời sống văn học nước nhà.

Theo thông tin từ NXB Công an nhân dân - đơn vị thường trực các cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức - cuộc thi lần thứ IV đang bước vào giai đoạn nước rút.

Từ thời điểm phát động đến nay, Ban thường trực cuộc thi đã nhận được 50 bản thảo của các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an gửi dự thi, trong đó có 43 tiểu thuyết, 4 truyện dài và 3 tác phẩm ký. Trong khuôn khổ cuộc thi, đã có 2 trại sáng tác văn học được tổ chức tại Hạ Long - Quảng Ninh (tháng 4-2018) và Đồng Hới - Quảng Bình (tháng 3-1019) để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn có cơ hội thâm nhập thực tế, khai thác tư liệu phục vụ cho việc hoàn thiện tác phẩm.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu tại tọa đàm sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (trại sáng tác Đồ Sơn, 2016. Ảnh: Đức Long).

Đại diện Ban thường trực cuộc thi cho biết, một lần nữa cuộc thi lại tiếp tục đánh dấu sự "lên ngôi" của tiểu thuyết với sự tham gia của nhiều cây bút có tên tuổi, có thương hiệu. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của thể loại tiểu thuyết đối với mảng đề tài an ninh trật tự vẫn không hề suy giảm đối với những người cầm bút sau nhiều lần phát động các cuộc thi

Có thể nói, 20 năm là một hành trình chưa dài, có nhiều điều cần phải đợi thêm thời gian mới có thể khái quát và khẳng định được giá trị, nhất là đối với văn học. Song nhìn vào danh mục những tác phẩm đã tham gia, đã đoạt giải ở các cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", cũng như cuộc thi "Cây bút vàng" do Chi hội Nhà văn Công an phối hợp với NXB Công an nhân dân thực hiện trong suốt những năm qua, sẽ thấy được diện mạo rõ nét và những đóng góp của dòng văn học về đề tài này.

Chắc hẳn vẫn nhiều người còn nhớ, cuộc vận động sáng tác lần thứ nhất (1999 - 2002) đã để lại những tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống văn học như "Đêm yên tĩnh" (Hữu Mai), “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” (Nguyễn Thị Ngọc Hải), "Một thế giới không có đàn bà" (Bùi Anh Tấn), "Yêu tinh" (Hồ Phương), "Mạnh hơn công lý" (Võ Khắc Nghiêm), "Phía sau một cái chết" (Võ Duy Linh), "Hồ sơ một tử tù" (Nguyễn Đình Tú)...

Một số tác phẩm sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình, nằm trong sê-ri phim "Cảnh sát hình sự" rất ăn khách trong những năm đó, như: "Một thế giới không có đàn bà", "Phía sau một cái chết" đã khẳng định sự hấp dẫn của mảng đề tài về an ninh trật tự vốn khiến người ta nghĩ rằng đầy gai góc và khiến nhiều người cảm thấy... ngần ngại.

Vừa qua, khi tiểu thuyết "Bão ngầm" của nhà văn Đào Trung Hiếu (đoạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký lần thứ III) được chuyển thể thành phim truyền hình tổ chức bấm máy, đã được dư luận hết sức quan tâm, cổ vũ. Trước đó, những tác phẩm đã lên màn ảnh của nhà văn Nguyễn Như Phong như "Cổ cồn trắng", "Chạy án" hay "Bí mật Tam giác vàng" đều trở thành những bộ phim thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Qua kết quả các cuộc vận động sáng tác tiếp theo của cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", cụ thể ở lần thứ 2 (2007 - 2010), lần thứ 3 (2012 - 2015) và cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ 3 (2015 - 2017), đã cho thấy, dòng văn học về đề tài an ninh trật tự không chỉ thu hút các nhà văn "cao lão" tham gia, mà còn thu hút được nhiều cây bút trẻ và tạo ra một đội ngũ kế cận khá hùng hậu. Những tác giả đoạt giải thưởng tại các cuộc thi sau này dần được "trẻ hóa".

Bên cạnh các tên tuổi đã thành danh như Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Hiếu, Phạm Quang Đẩu, Võ Bá Cường, Mai Vũ, Đặng Vương Hưng... thì hàng loạt cái tên đại diện cho thế hệ cầm bút trẻ tuổi đã được "xướng" lên như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Di Li, Đào Trung Hiếu, Chu Thanh Hương, Phùng Nguyên, Nông Huyền Sơn...

Đặc biệt, trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký lần thứ 3, có 2 tác giả đoạt giải nhất là Chu Thanh Hương với tiểu thuyết "Hoa bay" và Nguyễn Xuân Thủy với "Sát thủ online" thì đều là tác giả trẻ.

Phải nói thêm rằng, có được những thành tựu đáng mừng kể trên, ngoài truyền thống và những thành tích đáng nể của lực lượng Công an qua các thời kỳ đã trở thành chất liệu tuyệt vời cho các nhà văn khai thác, thì phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của những người đặt nền móng, đặt những viên gạch đầu tiên cho dòng văn học viết về đề tài an ninh trật tự. Trong số đó, có những tác giả hiện đã "khuất núi" như Lê Tri Kỷ, Hữu Mai, Triệu Huấn, Đặng Thanh...

Các tác giả đương đại như Hồ Phương, Lương Sĩ Cầm, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Văn Phan, Xuân Đức, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Thiên Tân... là những tên tuổi đã và đang tiếp tục có những đóng góp cho dòng văn học về đề tài an ninh trật tự tiêu biểu của lực lượng Công an nói riêng và trong dòng chảy văn học chung của nước nhà.

Trải qua 20 năm kể từ lần đầu tiên phát động cuộc thi sáng tác về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", có thể thấy, đề tài này đã và vẫn hấp dẫn được độc giả nhiều lứa tuổi cũng như được nhiều nhà văn, người cầm bút hưởng ứng.

Sự hưởng ứng của các nhà văn Việt Nam đối với các cuộc thi kể trên và đối với dòng văn học về đề tài an ninh trật tự cũng là cách thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó, trân trọng của các nhà văn đối với lực lượng Công an, với những đóng góp, hi sinh thầm lặng của cán bộ chiến sĩ để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Qua các hoạt động phục vụ công việc sáng tác, nhiều hồ sơ lưu trữ đã được mở ra, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều vụ án đã được cán bộ chiến sĩ với tư cách là người trong cuộc kể lại, nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế đến các đơn vị, các trại giam... đã được Bộ Công an tổ chức, tạo điều kiện và hậu thuẫn cho quá trình sáng tác của các nhà văn.

Các vụ án, các chuyên án thành công của lực lượng Công an trong hơn 70 năm qua đã được các nhà văn khai thác và sáng tạo thành nhiều tác phẩm có giá trị như: chuyên án chống phỉ và phản động ở Hà Giang năm 1959 đi vào tác phẩm "Bên kia cổng trời" của nhà văn Ngôn Vĩnh; chiến công của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi và tổ điệp báo của chị đã đi vào tác phẩm "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville" của nhà văn Văn Phan, hay "Chiếc va ly" của cố nhà văn Nguyễn Đình Lạp; chuyên án chống gián điệp, biệt kích PI27 được tái hiện đầy hấp dẫn trong tác phẩm "Yêu tinh" của nhà văn Hồ Phương; chuyên án CM12 trở thành chất liệu cho tác phẩm "Đêm yên tĩnh" của nhà văn Hữu Mai; chuyên án BK63 chống gián điệp biệt kích ở Quảng Ninh được tái hiện trong tác phẩm "Mật danh AZ" của nhà văn Phạm Thanh Khương...

Tuy nhiên, các nhà văn lão thành có kinh nghiệm về đề tài này đều có chung nhận định rằng, sáng tác về đề tài này không hề đơn giản, mà có những đòi hỏi đặc thù: đòi hỏi người cầm bút phải có những hiểu biết, tìm tòi, nghiên cứu có tính chất nghiệp vụ, chuyên sâu thì mới có thể đi sâu và đi đường trường với thể loại đề tài này.

Thế nhưng, tựu trung lại có thể đưa ra nhận định chắc chắn rằng, sau 20 năm kể từ khi có cuộc thi viết về đề tài an ninh trật tự đầu tiên, đến nay sự hiểu biết, cảm thông, trân trọng và biết ơn của độc giả, của nhân dân đối với những người "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi" đã được nâng lên nhiều qua hàng triệu trang văn đã được xuất bản. Và kết quả ấy cần tiếp tục được "chắp cánh", gieo trồng, chăm bón...

Nguyệt Hà
.
.