Sự nguy hiểm của… nghề văn
Một ví dụ điển hình nhất là nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie, sau khi ông công bố tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” năm 1988 thì đến năm 1989, án tử đã dành ngay cho ông. Giáo chủ tối cao của Iran là Ayatollah Khomeini sau khi đọc cuốn tiểu thuyết đã coi tác phẩm này là báng bổ đạo Hồi, ra án “fawa”, lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy tìm và xử tử Salman Rushdie kèm theo một số tiền thưởng rất lớn.
Từ đó Salman Rushdie luôn phải sống trong bí mật, thường xuyên phải thay đổi chỗ ở của mình và thậm chí phải nhờ một lực lượng an ninh lớn của chính phủ Anh để bảo vệ tính mạng. Đến tận năm 1998, sau gần mười năm bị tuyên án cùng rất nhiều nỗ lực quốc tế và những tiếng nói bênh vực, nhà nước Iran mới xoá lệnh tử hình dành cho ông.
Qua ví dụ của Salman Rushdie để thấy rằng nghề văn không phải hoàn toàn yên bình và êm đềm như ta tưởng. Những án tử dành cho những nhà văn như Salman Rushie không phải là hiếm trong lịch sử nhân loại, nhất là trong thời kì trung cổ. Ở ngay nước láng giềng Trung Hoa trong thời kì phong kiến đã có nhiều người từng bị xử tử vì tác phẩm của mình, khi những bài thơ, áng văn của họ bị quy kết là “phạm thượng” hoặc kêu gọi chống đối.
Từ trái qua: Các nhà văn Dương Hướng, Thomas Bernhard và Salman Rushdie. |
Ngay cả ở nước Pháp, một đất nước rất xem trọng văn học và các nhà văn có quyền năng lớn thì cũng không ít người viết đã phải chịu khổ nạn. Voltaine, một trong những vĩ nhân lớn nhất của nước Pháp, đại biểu tiêu biểu của thời kì khai sáng đã ba lần bị trục xuất khỏi Paris, một lần vào ngục Bastille vì những bài thơ châm biếm của mình.
Ngay cả nước Mỹ, nơi được coi là “thiên đường của tự do” mà nhà thơ lừng danh Whitman đã mất việc chỉ vì tập thơ duy nhất và nổi tiếng của mình, tập “Lá cỏ”. Chuyện là thế này, sau rất nhiều vất vả, Whitman nhận được một công việc trong Bộ Nội vụ của chính phủ Mỹ. Nhưng chẳng mấy chốc ông đã bị sa thải.
Nguyên do là một hôm vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy tập thơ “Lá cỏ” trên bàn người nhân viên của mình. Tò mò, ông mang tập thơ về nhà đọc và sau khi đọc xong, vì không thể chịu đựng nổi nội dung quá mới mẻ và cách viết của nó, để bõ ghét, ông đã ra lệnh sa thải tác giả tập thơ!
Nhà văn Dương Hướng kể với tôi rằng, ông cũng từng chịu những tai nạn với tiểu thuyết “Bến không chồng” của mình. Số là khi “Bến không chồng” còn ở dạng bản thảo, để dễ có cảm hứng, ông đã lấy tên nhân vật là toàn bộ những người có thật ở quê ông, họ hàng hoặc làng xóm. Đến khi mang bản thảo đi in, ông mới sửa các tên nhân vật để tránh mọi sự rắc rối.
Nhưng vẫn còn sót một nhân vật nhà văn quên không đổi tên. Khi tác phẩm in ra, tạo được tiếng vang lớn, người dân làng ông say mê đọc sách và nhân vật kia phát hiện ra mình trùng tên với người trong sách và có những đặc điểm tương tự.
Đó là một người bà con của Dương Hướng và ông ta nổi giận thực sự. Ông ta đe dọa rằng, nếu Dương Hướng dám “vác mặt” về quê, ông sẽ đánh đòn và ném nhà văn xuống ao! Dương Hướng nghe tin ấy không khỏi sợ hãi vì quê hương thì không thể không về được, và lời đe dọa kia rõ ràng không phải nói suông.
Dương Hướng bèn cầu cứu ông thân sinh của mình đi làm “thuyết khách” hoà giải trước, tìm cách nói giảm nói tránh và hứa rằng khi về quê, ông sẽ đến tạ lỗi. Cuối cùng thì Dương Hướng cũng hoá giải được tai nạn ấy và từ đó nhà văn rất cẩn trọng với những tên nhân vật của mình.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh khi viết truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” cũng bị cả làng, cả xã kiện. Có người còn đe dọa rằng nếu Sương Nguyệt Minh về quê thì họ không thèm ném xuống ao như vụ của nhà văn Dương Hướng mà họ sẽ xin ông “tí tiết”. Lời đe dọa mới kinh khủng làm sao và phải tốn khá nhiều nước bọt, giấy mực, giải trình cùng với sự tham gia của không ít người liên quan, nhà văn mới “tai qua nạn khỏi”.
Ngay cả tôi, khi đưa cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình - “Tưởng tượng và dấu vết” - về cho bố tôi đọc, tôi cũng chịu hậu quả. Ông bố tôi đọc xong bỗng nổi khùng với tôi: “Sao mày lại viết thế này hả con, sao mày lại viết cái kiểu bệnh hoạn và những người ghê gớm như thế này. Phải viết về cái đẹp, cái tốt chứ. Mày là nhà văn mà viết thế à!”. Tôi cũng đã phải tốn không ít lời để giải thích với bố về nghề nghiệp, về hư cấu, vân vân và vân vân, và từ đó rút được kinh nghiệm xương máu là quyết không mang tác phẩm của mình cho ông thân sinh đọc nữa!
Qua những ví dụ ở trên, ta thấy rằng nghề văn không phải lúc nào cũng êm đềm như người ta vẫn nghĩ. Dễ nhận thấy nhất là người viết đã chạm vào những vùng cấm, ví dụ như tôn giáo, chính trị. Salman Rushdie viết về Hồi giáo với những quan điểm khá phóng túng cùng cách lí giải của riêng ông. Ông nghĩ mình là nhà văn và có quyền làm như thế.
Tác phẩm văn học là sự hư cấu và ông viết nó với những cảm nhận của riêng mình. Nhưng đấy là cách nghĩ của nhà văn, còn với Giáo chủ Ayatollah Khomeini và những người theo đạo Hồi thì điều ấy là báng bổ tôn giáo của họ và không thể chấp nhận. Hai suy nghĩ ấy đã không thể dung hoà và hậu quả thì mọi người đã thấy.
Trường hợp của Salman Rushdie thì dẫu sao còn dễ giải thích, còn vụ Whitman bị mất việc vì những bài thơ viết theo kiểu mới của mình thì có vẻ khó tưởng tượng nổi! Nên nhớ rằng “Lá cỏ” khi mới ra đời đã bị chế giễu nặng nề ngay trên nước Mỹ, phải khá lâu sau người ta mới nhận ra được giá trị của nó và tôn vinh. Có độc giả sau khi mua tập thơ, đọc xong đã xé nó ra làm đôi và gửi trả lại nhà thơ! Ghét cái mới, ghét sự khác biệt thì có thể giải thích phần nào vì tâm lí người đọc, nhưng sa thải một công chức chỉ vì tập thơ “dở” của anh ta ở ngay trong “nước Mỹ tự do” thì quả là khó hình dung nổi!
Thế còn Voltaine, ông có xứng với “tội” của mình không? “Tội” của Voltaine là ông đã dám viết những bài thơ chế giễu chính quyền thối nát đương thời. Những người cầm quyền đã “nóng mặt” nhưng Voltaine vẫn không chịu dừng lại, và thế là ông ba lần bị trục xuất khỏi Paris và một lần được vào xà lim để có chỗ yên tĩnh mà… yên tâm làm thơ! Điều đáng quý là sau tất cả những việc đó, nhà thơ vẫn không chịu bẻ cong ngòi bút của mình.
Còn trường hợp “Bến không chồng” và “Nỗi đau dòng họ” của Dương Hướng, Sương Nguyệt Minh khi bị nhân vật kiện và đe dọa, điều này từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử văn học thế giới. Nhà văn nổi tiếng người Áo Thomas Bernhard sau khi cho phát hành tác phẩm “Đốn hạ” được bốn ngày thì một hoạ sĩ đã lập tức kiện ông ra toà vì cho rằng Thomas Bernhard đã nói xấu và xúc phạm ông ta bằng nhân vật và những chi tiết trong tác phẩm. Toà ra phán xét và nhà văn bị thua kiện, tác phẩm bị thu hồi ngay sau đó nhưng nhà văn vẫn tỏ ra “cứng đầu” khi tuyên bố rằng: chỉ những kẻ có tật mới phải giật mình!
Và đó không phải lần đầu tiên Thomas Bernhard bị mắc vào chuyện dích dắc với những tác phẩm của mình, ông đã phải ra toà nhiều lần vì các khiếu kiện với các lí do tương tự. Trường hợp của Thomas Berhard có lẽ rất đặc biệt và điển hình, ông không những bị kiện cáo vì tác phẩm của mình mà dường như đất nước Áo cũng không ưa ông vì ông dám nói những thói xấu của Tổ quốc mình. Rất may là về sau, người ta đã hiểu được ông và Thomas Bernhard được coi là một trong những nhà văn viết tiếng Đức quan trọng nhất của thế kỉ XX, tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới nước Áo từ lâu.
Tiếp tục với câu chuyện nhân vật trong tác phẩm giống hoặc trùng với nhân vật ngoài đời như Dương Hướng, Sương Nguyệt Minh và nhiều người khác, ta có thể hiểu thế này: Khi nhà văn viết, anh ta thường dựa vào những nguyên mẫu có thật để câu chuyện sinh động và hấp dẫn, tất nhiên có những trường hợp là hư cấu hoàn toàn và “trùng lặp” là ngẫu nhiên.
Sự giống nhau ngẫu nhiên này nhiều khi là không tránh khỏi. Nếu ai đó thấy mình có một vài đặc điểm giống một nhân vật trong tiểu thuyết và ngay lập tức đi kiện nhà văn thì rất… nực cười. Cho nên, để cho an toàn, trong quá trình viết, người viết thường thay đổi hẳn tên nhân vật, thay đổi bối cảnh hoặc nguyên mẫu là tổng hợp của rất nhiều người. Tất nhiên, cẩn thận như thế mà vẫn bị kiện thì có lẽ cũng chỉ biết cầu trời cầu phật phù hộ mà thôi!
Một câu hỏi đặt ra là sau những vụ việc như thế nhà văn có sợ và thay đổi hướng đi của mình không? Câu trả lời là không. Voltaine vẫn tiếp tục viết những tác phẩm đả kích chế độ nhà thờ hà khắc, sự thối nát của giai cấp thống trị. Thomas Bernhard vẫn viết những cuốn tiểu thuyết đầy ngạo ngược, chế giễu những thói xấu của người Áo.
Nếu các nhà văn gặp một chút hiểm nguy mà vội uốn cong ngòi bút của mình hoặc viết theo ý muốn của người khác thì có lẽ không nên đọc tác phẩm của anh ta. Sự sáng giá của nghề văn là anh ta dám viết theo con tim và lí trí của mình, dù điều đó có thể dẫn họ đối mặt với sự hiểm nguy!