Sống chậm

Thứ Năm, 27/02/2020, 16:27
Chiều Chủ Nhật bầu trời âm u càng làm cho những dãy hành lang thêm sâu. Người đàn ông có mái tóc bạch kim, cao lớn, đeo khẩu trang gần kín hết khuôn mặt lặng lẽ đẩy cây chổi lau nhà… Cơ quan mình mới có tạp vụ nam ư?, tôi thầm hỏi và mở cửa phòng để bắt đầu công việc trong ngày nghỉ.

1.Không gian vắng lặng đến mức, tiếng chổi loẹt quẹt, tiếng bước chân thi thoảng cứ dội vào trong phòng và hình ảnh người đàn ông cầm cây chổi lau nhà lại lấp lóe trong đầu tôi… Sau khi lướt một vòng qua các trang báo mạng, đọc xong một tập bản thảo, tôi đứng dậy ra hành lang hít gió. Và tại đây, tôi nhìn thấy hình ảnh họ. Hai người, ở hành lang của hai dãy nhà đối diện đang làm công việc lau dọn.

Tôi nhận ra chị - Người phụ nữ trung niên lam lũ mới làm lao công tại cơ quan ít hôm mà tôi đã có dịp trò chuyện. Nhìn họ, tôi chợt nghĩ, có thể người đàn ông kia là chồng… Rồi tôi nhớ lại hình ảnh đôi vợ chồng già cầm tay nhau đi dạo trong công viên Lênin trong ngày Valentine vừa rồi. Cái cảnh họ tay trong tay, bước thật chậm bên nhau thật đẹp.

Có thể, bước chân của họ đã run run, mắt họ nhìn những hình ảnh xung quanh đã bớt rõ nét nhưng cái cách họ nắm tay nhau dường như còn rất chặt… Họ không bước chân sáo và ríu rít trò chuyện như đôi bạn trẻ chuẩn style mùa dịch với khẩu trang y tế che mũi, miệng nhưng lại khiến tôi giơ điện thoại ghi lại.

Để khỏi thấp thỏm với phỏng đoán, để tin vào câu chuyện đẹp của tình yêu, tôi đi về phía người đàn ông. "Bác hôm nay làm cả Chủ Nhật ạ?", tôi lên tiếng. "Vâng! Chủ Nhật nên tôi mới lên làm giúp vợ được", người đàn ông vẫn không dừng tay trả lời. "Nhà hai bác ở khu nào, có gần đây không ạ?", "Vợ chồng tôi ở dưới Ngọc Hồi…".

Cuộc hội thoại ngắn giúp tôi hình dung một chút về con đường đi làm của họ, đến khu vực họ sinh sống và đến cái cách mà họ bên nhau trong cuộc đời… Trời tối. Đèn hành lang bật sáng. Tôi nhìn xuống sàn hành lang, những viên gạch bóng loáng. Tôi bước vào nhà vệ sinh, nền gạch khô roong và thoảng mùi tẩy trùng.

Tôi thầm nghĩ, chị tạp vụ thật may mắn. Chị có một người đàn ông bên cuộc đời để cùng làm sạch những thứ cần phải thanh tẩy mỗi ngày. Và ngay cả trong mùa dịch, anh vẫn ghé vai gánh bớt một phần công việc vốn rất đỗi nhọc nhằn.

2. Trong chương trình "Cất cánh tháng 2" với chủ đề "Món quà vô giá" tối 15-2, những y, bác sỹ đang làm công tác phòng chống dịch Codvid -19 đã chia sẻ về công việc, những vất vả, hy sinh của họ. Chị y tá trưởng bệnh viện Việt Pháp khi được hỏi về mong muốn trong lúc này đã nói rằng, chị muốn mọi người hãy yêu và say mê công việc mà mình gắn bó. Vị bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới thì cho rằng, mỗi người có một công việc, hãy làm để xứng đáng với nó. Còn nhà báo khách mời Quỳnh Hương thì nói, giữa mùa dịch bệnh này, nhìn ở góc độ nào đó có thể coi là dịp để chúng ta được sống chậm.

Sống chậm! Chẳng phải lâu nay chúng ta đã quá hối hả sao? Người lớn bộn bề lo toan, ước vọng. Trẻ con gồng mình học chính, học thêm. Covid -19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đẩy những âu lo của người lớn ngày một dày lên. Nhưng ở một góc độ nào đó lại có mặt tích cực, mà cái hiện hữu hàng ngày là giờ đến công sở của người lớn ngắn hơn dù cùng một quãng đường. Việc mua, bán ở chợ cũng bớt những mặc cả chanh chua… Trẻ được nghỉ học 1 tuần, 2 tuần, rồi 3 - 4 tuần… Chương trình học bị gián đoạn, thời điểm kết thúc năm học sẽ kéo dài, kỳ nghỉ hè ngắn đi… Nhưng những đứa trẻ được ngủ đẫy giấc, được "nhàn cư vi" để lục lọi trên tủ sách gia đình tìm chọn cho mình cuốn sách yêu thích…

Đọc đến đây, hẳn sẽ có người nghĩ, tôi đúng là fan của AQ. Nhưng trong hoàn cảnh này, sống với tinh thần của con đẻ nhà văn Lỗ Tấn chẳng phải là cách hay để thích nghi sao. Nếu không có buổi chiều vắng lặng và buồn tênh, tôi chẳng vào công viên đi dạo để rồi nhận về cho mình thứ năng lượng tích cực từ cái nắm nay của đôi vợ chồng già. Nếu không phải trong mùa dịch Covid -19, tôi sẽ ít đi cảm xúc khi thấy chồng chị lao công đỡ đần chị công việc dọn vệ sinh. Và cũng chẳng phải nhờ tinh thần AQ, mà tôi nhận ra, được nghỉ học dài ngày là dịp tốt để con trai tôi khám phá tủ sách của mình sao…
Cao Hồng
.
.