Số phận nghiệt ngã của những ngôi sao nhạc Rock

Thứ Tư, 16/07/2008, 14:15
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là giới âm nhạc sẽ kỷ niệm 37 năm ngày mất của huyền thoại nhạc rock Jim Morrison. Còn sau đó - ngày 18 tháng 9 và 4 tháng 10 - là 38 năm ngày mất của Jimmi Hendrix và Janis Joplin. Tất cả các ca sĩ này đều qua đời ở tuổi 37, trong đó Hendrix và Joplin gần như cùng một thời điểm - chênh nhau chỉ hai tuần.

Năm 1959, ba ngôi sao nhạc rock & roll Mỹ Richie Valens, Big Bopper và Buddy Holly cùng bị thiệt mạng trong một tai nạn máy bay. Những tin tức âm nhạc của Mỹ trong suốt lịch sử nhạc rock của mình rất giống với những thông báo từ vùng chiến sự. Cho đến thời điểm hiện nay hầu như tất cả những ngôi sao nhạc rock nổi tiếng của Mỹ và một số lớn của Anh đều đã đi về thế giới bên kia.

Năm 1961, ca sĩ Endi Cochran bị thiệt mạng trong một tai nạn ôtô. Trong hai năm 1970 và 1977, giới nhạc rock chịu nhiều tổn thất nhất: ông hoàng nhạc rock & roll Evis Presley qua đời, trưởng ban nhạc T-Rex Marc Bolan thiệt mạng trong một vụ tai nạn ôtô, ba thành viên chủ chốt của ban nhạc nổi tiếng Lynyrd Skynyrd, trong đó có ca sĩ kiêm nhạc sĩ chính Ronnie Van Zant, bị thiệt mạng trong một tai nạn máy bay.

Hầu như ban nhạc nào của Anh gặt hái được thành công ở Mỹ cũng ít nhiều gặp… bất hạnh. Ban nhạc rock lừng danh The Beatles chịu ba tổn thất - ông bầu Brian Épstein và John Lennon qua đời. Còn George Harrison, người vừa mới mất cách đây không lâu vì bệnh ung thư, một năm trước đó suýt bị sát hại một cách dã man. Sự nghiệp của ban nhạc Rolling Stone cũng không tránh khỏi thảm kịch bởi đã mất đi Bill Wyman,  còn Led Zeppelin - mất  tay trống John Bonham. 

Hiện tượng tử vong quá cao của các ngôi sao nhạc rock trên thế giới từ lâu đã khiến các nhà khoa học hết sức quan tâm. Vì lý do đó, mới đây tờ tạp chí có uy tín Journal of Epidemiology and Community Health đã công bố một kết quả nghiên cứu, theo đó ca sĩ tham gia nhạc rock là chọn một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Kết luận này được rút ra trên cơ sở tìm hiểu tuổi thọ của các ca sĩ Mỹ và châu Âu.

Theo công trình nghiên cứu nói trên, xác suất tử vong của các ngôi sao nhạc rock ở vào độ tuổi còn trẻ ước chừng cao gấp hai lần so với các thành phần dân cư khác ở phương Tây. Đồng thời, quãng đời nguy hiểm và mạo hiểm nhất của các ca sĩ kéo dài 5 năm sau khi họ giành được vinh quang. Nếu như họ không qua đời trong 5 năm đó, thì tiếp theo xác suất sống đến già của họ sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, điều này lại không liên quan tới các ca sĩ Mỹ. Nguy cơ đột tử đối với họ vẫn còn sau cả thời hạn đó. Đồng thời tuổi thọ trung bình của một ngôi sao nhạc rock Mỹ là 42, trong khi đó tuổi thọ trung bình của các đồng nghiệp của họ ở châu Âu lại thấp hơn, thậm chí khi chưa đầy 35.

Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, trong thời kỳ từ năm 1956 đến 2005, có 100 ngôi sao nhạc rock qua đời, trong đó chỉ có 25% do ngộ độc và nghiện ma túy. Số còn lại bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông, do bị sát hại, đột qụy và các trường hợp rủi ro khác.

Việc tìm hiểu hoàn cảnh dẫn tới cái chết của các ca sĩ vì ma túy thường cho thấy nguyên nhân tử vong là do sử dụng quá liều, chứ hoàn toàn không phải là cái gì khác. Ví dụ, ca sĩ Jimmy Hendrix chết vì "ngạt do nôn mửa khi bị ngộ độc barbituric". Đó là một loại thuốc an thần mà hiện nay người ta chỉ sử dụng trong ngành thú y. Giả thuyết về việc Jimmy Hendrix thích dùng  thuốc an thần hoặc tự sát đã khiến cho những người thân của anh hoài nghi đến mức 30 năm sau khi ca sĩ qua đời, người ta vẫn tiến hành một cuộc điều tra lại cái chết của anh.

Điều đáng chú ý là chính barbituric cũng trở thành  nguyên nhân  cái chết của Brian Épstein, ông bầu của ban nhạc The Beatle nổi tiếng. Mặc dù Épstein không phải một nghệ sĩ mà là một nhà doanh nghiệp đứng đắn, không bao giờ sử dụng các chất kích thích. Cho đến tận bây giờ không ai hiểu lý do vì sao ông ta từ giã cuộc đời, bởi chính ông là người lãnh đạo một trong những ban nhạc thành đạt nhất trên thế giới.

Mariam Akhundova, nhà sử học Nga chuyên nghiên cứu về vấn đề nghiện ma túy trong giới nghệ sĩ, nhấn mạnh rằng ca sĩ nhạc rock tất nhiên dễ bị cám dỗ bởi ma túy hay các chất kích thích. Nhưng nếu như anh ta có một lịch trình biểu diễn dày đặc hoặc liên tục ra các album, và điều chủ yếu  là vẫn giữ được phong độ trong nhiều năm, thì  điều đó chứng minh rằng anh ta không phải là một con nghiện.

Một con nghiện thực sự không có khả năng  làm việc căng thẳng và hiệu quả. Điều này đã được chứng minh qua ví dụ về các ca sĩ ban nhạc Black Sabbath; trong thời gian từ 1974 đến 1976 họ sử dụng ma túy, kết quả là đã phải hủy bỏ một số chuyến lưu diễn.

Việc các ca sĩ nhạc rock nghiện ma túy nặng không cho phép họ nhảy múa nhiều trên sân khấu (điều này vốn rất phổ biến đối với các tiết mục biểu diễn hiện đại, và cuối cùng, nó giúp ca sĩ giữ dáng, đặc biệt là phụ nữ). Lấy ví dụ như nữ ca sĩ Janis Joplin. Nếu quả thật chị là người vừa nghiện ma túy vừa nghiện rượu như báo chí lá cải từng viết, thì chị sẽ không thể lãnh đạo tập thể, sáng tác bài hát, và thậm chí ngoại hình chị cũng sẽ khác.

Ca sĩ Jim Morrison qua đời năm 27 tuổi do một cơn đột quỵ, ca sĩ David Byron thuộc ban nhạc Uriah Heep mất năm 38 tuổi cũng vì căn bệnh đó. Có thể gán cho họ là những kẻ nghiện ma túy, như nhiều người đã làm, nhưng nếu chúng ta tiếp cận vấn đề một cách khoa học, thì trước hết cần phải căn cứ vào giả thuyết chính thức, chứ không phải tin đồn.

Hơn nữa, tất cả các trường hợp tử vong, không quan trọng vì ngộ độc hay tai nạn giao thông, về cơ bản đều liên quan tới không chỉ các thành viên mà cả những người lãnh đạo hoặc các nhân vật chủ chốt của các ban nhạc. Trong số họ có các nhà quản lý, ca sĩ kiêm nhà thơ hay nhạc sĩ, nhạc công. Thiếu những người này ban nhạc mãi mãi mất đi trình độ đã đạt được một thời.

Thêm một sự kiện đáng chú ý nữa khiến những người yêu âm nhạc phải suy nghĩ. Trong số các ca sĩ Anh, thường chỉ những người đã giành được sự nổi tiếng ở Mỹ là bị chết yểu.

Điều gì lý giải hiện tượng tử vong kỳ quặc của các ngôi sao nhạc rock Anh ở Mỹ - ngoài yếu tố dân tộc và quốc tịch? Những vụ tự sát lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao chăng? Nhưng nguyên nhân do đâu?

Một thời gian Paul McCartney là đạo diễn của ban nhạc Anh Badfinger, sau đấy là Lennon và Harrison. Họ rất nổi tiếng ở Anh và Mỹ không chỉ bởi bài hát "Without you". Cứ ngỡ tương lai của họ thật sáng sủa. Không ngờ, năm 1972, các ca sĩ của Badfinger bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Warner Brothers của Mỹ (hiện nay bộ phận âm nhạc của hãng này được gọi là Warner Music). Một thời gian sau tập đoàn này đã lôi kéo họ vào một vụ kiện thoạt tiên tưởng rất vớ vẩn, nhưng cuối cùng đã làm ban nhạc phá sản.

Trưởng ban nhạc Pete Ham treo cổ tự vẫn trong gara ôtô của mình. Trong lá thư tuyệt mệnh ông ta gọi ông bầu của mình là "kẻ đê tiện đáng nguyền rủa" và thề sẽ "bắt ông ta đi theo mình". Mấy năm sau một thành viên khác của ban nhạc cũng về thế giới bên kia như vậy.

Đây không phải là trường hợp hy hữu. Chúng ta biết rằng, ban nhạc Creedence ClearWater Revival cũng dính vào một hợp đồng bẩn thỉu. Nghệ sĩ guitar Tommy Forgerty vì không hài lòng với điều kiện làm việc, đã quyết định rời bỏ ban nhạc - và chẳng bao lâu đã bị chết một cách bí ẩn.

Những câu chuyện như vậy cũng diễn ra trong lịch sử của ban nhạc nổi tiếng Queen. Một thời gian dài ban nhạc này cũng dính vào một vụ khiếu kiện rắc rối với Hãng Trident. Điều đó cho phép chúng ta kết luận rằng không phải tất cả các ca sĩ bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông, bị bắn chết, đánh chết, đột tử do bệnh tật, ngộ độc thuốc ngủ hay tự sát vì những nguyên nhân hoàn toàn cá nhân là một hiện tượng có tính chất ngẫu nhiên.

Vì  ngành kinh doanh biểu diễn Mỹ, như chúng ta biết, chủ yếu là một lĩnh vực hám lợi, nên  có  thể  dự đoán rằng một số ca sĩ (thậm chí nhiều người) bị lôi kéo vào "những xung đột sản xuất". Tất cả chúng ta đều biết về vai trò khét tiếng của RIAA - Liên hiệp các hãng thu âm của Mỹ vốn có một quyền lực và ảnh hưởng lớn đến mức có thể sửa lại bộ luật Mỹ về bản quyền...

Cùng với hiện tượng tử vong của  nhiều ca sĩ nổi tiếng của Mỹ và Anh, hiện nay ở những nước này các truyền thống nhạc rock gần như đã bị mai một…

Trần Hậu
.
.