Siêu phẩm điện ảnh kích hoạt môi trường kinh doanh phim trường

Thứ Sáu, 17/03/2017, 08:00
Siêu phẩm Hollywood “Kong: Skull Island” với tên Việt là “Đảo đầu lâu”, với nhiều cảnh quay tại Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình thực sự làm nức lòng nức dạ khán giả nước ta. Ngoài sự cố hỏa hoạn ngoài ý muốn tại buổi ra mắt “Đảo đầu lâu” tại TP Hồ Chí Minh, bộ phim bom tấn này hứa hẹn kích hoạt du lịch và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh phim trường.


Bộ phim “Đảo đầu lâu” được biết đến như phần hai của bộ phim “King Kong” từng đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD cách đây khoảng một thập niên. Với kinh phí đầu tư 195 triệu USD, bộ phim “Đảo đầu lâu” do đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thực hiện, và có sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng như: Tom Hiddleston, Brie Larson, Toby Kebbell, John Ortiz, Corey Hawkins, John C. Reilly, Tom Wilkinson, Thomas Mann, John Goodman và Samuel L. Jackson.

Sự chờ đợi của khán giả trên thế giới dành cho “Đảo đầu lâu” không chỉ bảo đảm doanh thu của siêu phẩm này, mà còn hứa hẹn đem lại nguồn lợi to lớn về du lịch cho những địa danh được xuất hiện trong bối cảnh bộ phim.

Việt Nam có ba địa danh liên quan trực tiếp đến “Đảo đầu lâu” là Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình. Hình ảnh của Quảng Ninh đã được định vị bởi vịnh Hạ Long, nên vài cảnh quay trong “Đảo đầu lâu” cũng không mấy tác động đến du lịch. Ninh Bình được chọn làm đại cảnh cho “Đảo đầu lâu” liệu thu hoạch được gì?

Cảnh trong phim “Đảo đầu lâu”.

Quá trình bấm máy “Đảo đầu lâu”, phim trường chính ở Trường An có khoảng 40 cái lều có hình chóp nhọn như nhà của thổ dân châu Phi, có các con thuyền gỗ dài giống như thuyền mà thổ dân hay sử dụng. Đoàn làm phim cũng thiết kế các giá treo bằng tre như người dân vùng biển dùng để treo cá, phơi cá. Tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống như tre, nứa, gỗ… Thế nhưng, khi bộ phim đóng máy thì họ cũng thu dọn hết.

Rõ nét nhất trong phim “Đảo đầu lâu” là những cảnh đẹp của Quảng Bình. Khi xem “Đảo đầu lâu”, khán giả sẽ nhận ra thung lũng Chà Nòi thuộc khu vực đèo Đá Đẽo, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, cùng với hồ nước Yên Phú thuộc xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa và khu vực sông suối, hang Chuột thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

May mắn thay, phim trường khai thác cảnh thiên nhiên nên vẫn còn nguyên, và đó chính là sản phẩm du lịch sau cơn sốt “Đảo đầu lâu” từ phía người hâm mộ quốc tế. Chính nhà sản xuất của “Đảo đầu lâu” là Alex Garcia đã bày tỏ: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi. Những khung cảnh ngoạn mục ở nơi đây đã góp phần làm nên một bức phông nền vô cùng đặc biệt cho câu chuyện của chúng tôi”. Cho nên, câu chuyện bây giờ là tận dụng cơ hội phát triển du lịch từ hiệu ứng “Đảo đầu lâu” như thế nào?

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, Quảng Bình đã đàm phán thành công với đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột. Trước mắt, Quảng Bình xây dựng tour liên quan đến bộ phim “Đảo đầu lâu” bằng việc đưa khách đến tham quan phim trường, nơi đặt các bức tượng cánh tay khỉ Kong. Để trợ lực cho hoạt động du lịch, Quảng Bình cũng đã ký hợp đồng quảng bá với trang web TripAdvisor nhằm tăng lượt khách nước ngoài đến Quảng Bình trong thời gian tới.

Trước đây, Việt Nam từng làm phim trường cho nhiều tác phẩm điện ảnh tầm cỡ quốc tế như “Người tình”, “Đông Dương” hoặc “Người Mỹ trầm lặng”. Kết quả thế nào? Bộ phim “Đông Dương” góp phần đưa Vịnh Hạ Long xuất hiện ấn tượng trên bản đồ du lịch thế giới.

Bộ phim “Người tình” giúp nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Đồng Tháp trở thành điểm tham quan của khách thập phương. Còn bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” không để lại di sản có giá trị vật chất nào. Qua các thí dụ trên, có thể dự đoán “Đảo đầu lâu” sẽ có tác dụng với Quảng Bình, như “Đông Dương” từng có tác dụng với Vịnh Hạ Long.

Trong quá trình thực hiện những cảnh quay, đoàn phim “Người Mỹ trầm lặng” đã trả tiền cho nhiều cửa hàng dọc đường Đồng Khởi - TP Hồ Chí Minh để ngừng kinh doanh, nhằm tạo điều kiện tái dựng hiện trường. Tương tự, đoàn phim “Đảo đầu lâu” trả tiền cho cả những người dân sống xung quanh khu vực làm phim để thiết kế bối cảnh, thậm chí mỗi con trâu hoặc con bò được nhốt lại cũng được trả phí 70.000 đồng/ngày.

Câu hỏi đặt ra, tại sao với các bộ phim quốc tế được quay tại Việt Nam, chúng ta chỉ mới có khả năng cung cấp vai diễn quần chúng, mà chưa thể làm các dịch vụ phim trường khác? Nếu chúng ta có công nghệ kinh doanh phim trường thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đoàn làm phim quốc tế và có nhiều sản phẩm du lịch sáng giá.

Phim trường đạt chuẩn quốc tế, liệu có phải giấc mơ quá xa vời với Việt Nam không? Hiện nay nước ta chỉ có một phim trường qui mô là phim trường Cổ Loa do Nhà nước đầu tư nằm ở Đông Anh - Hà Nội. Phim trường Cổ Loa do nước ngoài hỗ trợ xây dựng, với công nghệ cách đây đã…. 30 năm, và nhiều năm nay luôn ở trong tình trạng bị bỏ hoang.

Từ nhu cầu làm phim, nhiều tư nhân cũng đã bỏ tiền xây dựng phim nhường như phim trường Vifa của Công ty Gia Đình Việt, phim trường ở quận 9 – TP Hồ Chí Minh của Công ty BHD, hoặc phim trường Chánh Phương ở Hóc Môn, phim trường Vision 21… Nói chung, đó chỉ là những phim trường nhỏ, chủ yếu làm bối cảnh cho phim truyền hình hoặc quay game show mà thôi.

Với diện tích chật hẹp, các phim trường hiện nay ở nước ta đều chưa thể dàn dựng những bộ phim hoành tránh. Giới điện ảnh có chung nhận định rằng Việt Nam chưa có trường quay với những bối cảnh cố định được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn phim cùng sử dụng.

Trừ cái… bức tường của phim trường, còn bối cảnh bên trong đều xây bằng gạch mỏng, che gỗ ván ép hay xốp mút, quay xong phim nào thì phá bỏ hay cải tạo lại dùng cho phim khác. Việc đầu tư cho các dàn đèn, cách âm, điều hòa nhiệt độ trong nhiều phim trường chưa được đồng bộ, thậm chí chắp vá… Do đó, khi muốn quay bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” thì cả đoàn làm phim phải lục tục kéo nhau sang thuê phim trường Hoành Điếm của Trung Quốc với kinh phí cực kỳ đắt đỏ.

Nhìn một cách tổng thể, Việt Nam hiện nay chỉ có một phim trường xứng đáng đồng tiền bát gạo, đó chính là phố cổ Hội An. Từng mái nhà, từng góc phố, từng con đường của Hội An đều cực kỳ ăn ảnh trong những thước phim cổ trang.

Liệu có thể làm được phim trường tương tự như nét đẹp phố cổ Hội An không? Cũng đã có nhiều đại gia đầu tư xây dựng phim trường để cho thuê làm phim và kết hợp du lịch, như phim trường “Cánh đồng ước mơ” khoảng 10 ha ở Bình Dương, với vốn đầu tư 20 triệu USD hoặc phim trường Vina Universal ở Sa Huỳnh – Quảng Ngãi thì rộng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, cả hai phim trường trên đều khởi công chậm chạp và chưa có dấu hiệu tích cực nào để trở thành điểm nhấn du lịch. Ngoài ra, muốn có công nghệ kinh doanh phim trường còn phải giải quyết bài toán nhân sự. Đội ngũ phục vụ trường quay, kỹ thuật viên phim trường phải được đào tạo chính qui và biết cách phối hợp với hướng dẫn viên du lịch.

Hiện nay, ở Sài Gòn chỉ thịnh vượng lĩnh vực kinh doanh phim trường để… chụp ảnh cưới. Nổi bật nhất là phim trường Deja Vu với thiết kế mang phong cách cổ điển châu Âu nhưng lại pha trộn với kiểu Hàn Quốc.

Ông chủ Lâm Trần của Deja Vu tiết lộ: “Xuất phát từ nhu cầu của những cặp đôi cô dâu chú rể không phải lúc nào họ cũng có được thời gian và tài chính để thực hiện những bộ ảnh cưới ngoại cảnh. Chưa kể những yếu tố môi trường bên ngoài như nắng mưa, người đi đường… sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ cũng như chất lượng của bộ ảnh. Vậy nên phim trường trong nhà của mình được ra đời với những góc chụp độc đáo được dàn dựng công phu, hệ thống ánh sáng đèn và ánh sáng tự nhiên được thiết kế chuẩn mực với hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của các cặp đôi cô dâu chú rể, các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật và nhiếp ảnh gia cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tác nghiệp!”.

Tuy Hòa
.
.