Sản xuất âm nhạc theo nhóm: Dây chuyền chuyên nghiệp hóa âm nhạc

Thứ Sáu, 23/10/2020, 16:08
Làm việc theo nhóm đang trở thành mô hình được các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ ưa chuộng. Dẫu còn khá mới mẻ ở thị trường âm nhạc Việt Nam nhưng mô hình này đang từng bước chứng tỏ sự lợi hại trong hành trình chinh phục công chúng và định hình phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ.


So với cách đây 10 năm, nền âm nhạc đại chúng của nước ta đã có những bước tiến dài. Trong thời kì công nghệ 4.0, thị trường âm nhạc Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để bùng nổ. 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nếu trước kia chuyện bản quyền là nỗi đau nhức nhối của anh em sáng tác thì bây giờ vấn đề này được siết chặt khá tốt. Ca sĩ cũng dần thoát khỏi tình trạng hát lại bài hát của nhau mà mỗi người gắn với bản hit riêng của mình. Phong cách nghệ sĩ từ đó được hình thành rất rõ. 

Tuy vậy, ca - nhạc sĩ Vũ Cát Tường vẫn thừa nhận rằng các nghệ sĩ nước ta làm việc còn rất tự phát, manh mún. Cách làm quen thuộc vẫn theo kiểu ca sĩ đi đặt bài, nhạc sĩ viết, ca sĩ lấy bài đưa cho một nhạc sĩ khác phối khí. Nhạc sĩ sáng tác theo cảm hứng nghĩ gì viết nấy, ca sĩ thì lúc hợp tác với nhạc sĩ này, lúc lại hợp tác với nhạc sĩ kia.

Ca sĩ Bích Phương và ekip của mình.

Thời hội nhập, để cạnh tranh với dòng nhạc quốc tế đang bổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, bắt buộc nghệ sĩ nước ta phải có những sản phẩm âm nhạc xứng tầm và định hình phong cách riêng biệt. Theo nhà sản xuất âm nhạc Dương K, để tiến tới một nền công nghiệp âm nhạc thực thụ thì ca sĩ, nhạc sĩ cần có một nhóm làm việc cố định để hỗ trợ nhau trên con đường nghệ thuật, chuyên nghiệp hóa khâu sản xuất thành một quy trình bài bản. Làm việc nhóm giúp mỗi người phát huy lợi thế riêng, sản phẩm sẽ nương theo đúng chất giọng, khả năng của ca sĩ.

Những nghệ sĩ tiên phong tạo nên mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm có thể kể đến ekip ca sĩ Bích Phương, Hoàng Thùy Linh, Chi Pu... Mô hình này thường bao gồm các thành viên là ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, nhà sản xuất, đội ngũ truyền thông… được phân theo một quy trình sản xuất khép kín gồm: sáng tác lời và giai điệu; hoà âm, phối khí; thu âm; hoàn thiện bản phối… Nếu quay MV, ekip này cũng tham gia để đóng góp ý tưởng cho ca sĩ.

Ekip của Bích Phương gồm có nhạc sĩ Tiên Cookie, Dương K, Phạm Thanh Hà, gọi tắt là nhóm 1989s. Chia sẻ về cách làm việc, Dương K cho biết: "Khi thực hiện một bài hát, chúng tôi cùng suy nghĩ cả tháng trời, rồi khi bắt đầu làm việc sẽ ở chung với nhau khoảng vài ngày hoặc một tuần để thảo luận về ca khúc: chủ đề gì, ca khúc đem lại cảm giác vui hay buồn… Chúng tôi sẽ viết lại những từ khóa chính của ca khúc. Nhạc sĩ Thanh Hà phụ trách âm nhạc, tôi phối khí để hiểu tinh thần bài và đưa ra bản demo, Tiên viết lời, bám sát nội dung từ đầu mình đưa ra, rồi cả nhóm bàn luận để ra được một sản phẩm. Làm như vậy thì sản phẩm đúng mục đích, có tính ổn định, chứ không tùy hứng".

Tuy vậy, các khâu cũng không hoàn toàn rạch ròi như thế. Dù Tiên Cookie là người sáng tác chính nhưng cả nhóm vẫn cùng bàn luận để tìm ra lời ca, giai điệu phù hợp nhất với tính cách, chất giọng của Bích Phương. Ngược lại ca sĩ, nhạc sĩ có thể tham gia vào phần hòa âm phối khí, đóng góp ý tưởng khi xây dựng MV. 

Ngay từ khi bắt tay làm việc nhóm, nhạc sĩ Tiên Cookie tâm niệm: "Chúng tôi đều là những người trẻ mơ mộng và muốn thử thách bản thân, vì vậy chúng tôi không muốn lặp lại mình. Theo dõi thị trường âm nhạc, tôi nhận thấy âm nhạc Việt Nam thực ra không có nhiều màu sắc. Tôi nghĩ mình phải sản xuất theo một hướng khác để khi ca khúc đó vang lên, khán giả sẽ nhận ra ngay đây là âm nhạc của Bích Phương".

Từ khi bắt tay với nhóm sản xuất DTAP, Hoàng Thùy Linh gây chú ý với loạt ca khúc độc đáo, đậm màu sắc dân gian.

Nhờ cách làm việc này, họ đã làm nên những sản phẩm âm nhạc gây bão suốt thời gian qua. "Bùa yêu" là ca khúc đầu tiên họ thử nghiệm mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm. Bộ ba Tiên Cookie - Phạm Thanh Hà - Dương K cùng sáng tác bài hát. Mới lên sóng, ca khúc ngay lập tức gây chú ý bởi chất nhạc bắt tai, lối hát vừa ma mị, vừa lả lơi độc đáo của Bích Phương kết hợp với hình ảnh MV lung linh, đậm bản sắc Việt.

Thực hiện "Bùa yêu", nhóm 1989s cũng lo sợ nó lặp lại vết xe đổ của MV "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau". Ca khúc tuy được đánh giá cao về chuyên môn nhưng lại không mấy thu hút công chúng trẻ. Ekip phải ngồi lại để xem xét "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau" được và chưa được chỗ nào để rút kinh nghiệm khi viết "Bùa yêu". 

Nhờ tính kỹ lưỡng, sự kết hợp nhuần nhuyễn, chỉn chu của ekip trong dự án "Bùa yêu" đã giúp nhóm đại thắng cả về mặt chuyên môn lẫn mặt thương mại. Liên tiếp, hàng loạt ca khúc của nhóm như "Chị ngã em nâng", "Đi đu đưa đi" "Em bỏ hút thuốc chưa", "Một cú lừa", "Từ chối nhẹ nhàng thôi"… trở thành hit. 

Lần đầu hợp tác với nhóm 1989s trong MV "Một cú lừa", nhà sản xuất Slim V không khỏi ấn tượng về sự chuyên nghiệp của nhóm. Anh nhận xét: "Ca khúc này chúng tôi làm trong một thời gian khá dài, hình như mất hơn ba tháng. Trong suốt thời gian đó tôi luôn cảm giác, nếu băn khoăn của mình mang hỏi bất kỳ ai trong nhóm 1989s họ cũng hiểu rõ như nhau. Họ làm việc nhóm gắn kết và hiệu quả, tôi nghĩ đây điều mà Việt Nam vẫn còn thiếu".

DTAP là nhóm của ba nghệ sĩ rất trẻ. Tuy mới đôi mươi, nhưng sắc màu âm nhạc của DTAP đã thuyết phục được ca sĩ Hoàng Thùy Linh khi họ mạnh dạn gửi ca khúc đầu tay "Để Mị nói cho mà nghe" cho cô. Trong nhóm, Thịnh Kainz là người lên ý tưởng câu chuyện, chủ đề ca khúc. Khi có ý tưởng rồi, nhạc sĩ Kata Trần sẽ bám theo đó để viết thành lời ca và giai điệu. Khâu hòa âm phối khí và hoàn thiện cuối cùng sẽ do Tùng Cedrus đảm nhận. 

Tùng Cedrus bật mí cách làm việc của nhóm: "Chúng tôi thường xây dựng bài hát bắt đầu từ những câu "viral", những "hot trend" trên mạng xã hội, đồng thời còn xem xét kỹ lưỡng về đối tượng khán giả hay thời điểm ra mắt. Chúng tôi và chị Linh phải đặt ra mục tiêu cho ca khúc từ chất liệu âm nhạc, cách đặt vấn đề… Chị Linh nói chúng tôi hãy "làm nhạc như làm toán". Đó không khác gì slogan làm việc của nhóm".

Không hổ danh là "đệ tử" của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, DTAP đã giúp Hoàng Thùy Linh liên tục gây bão với loạt ca khúc đặc sắc như "Để Mị nói cho mà nghe", "Duyên âm", "Kẻ cắp gặp bà già"… Trên nền nhạc EDM, pop, điều cuốn hút của các ca khúc này chính là sắc màu văn hóa và giai điệu dân gian Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong có hai hoài bão lớn: một là đào tạo âm nhạc, hai là xây dựng mô hình nhóm sản xuất. Thấy các học trò làm nên chuyện, anh rất mừng vì mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm đã thành công.

Nhạc sĩ Phạm Thanh Hà cho hay có rất nhiều khó khăn mà nghệ sĩ gặp phải khi kết hợp làm việc nhóm bởi  năng lực, tính cách, cá tính của từng người khác nhau. Quan trọng là các thành viên phải hợp nhau ít nhiều từ tính cách đến tư duy âm nhạc, tìm được sự đồng điệu, rất biết lắng nghe đồng nghiệp. Có vậy sở trường của mỗi người sẽ được phát huy một cách tốt nhất.

Tuy mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng đa số các nghệ sĩ đều ý thức được tầm quan trọng của một êkip sản xuất nhạc chuyên nghiệp đứng sau hỗ trợ, để họ có thể chuyên tâm cho việc ca hát. Với khán giả, giờ đây nghe một bài hát, xem một MV, họ không chỉ chú ý đến ca sĩ thể hiện mà còn dần hiểu hơn về  vai trò của những người đứng sau, từ đó trân trọng hơn giá trị của sản phẩm âm nhạc. Mô hình này đang được nhiều nghệ sĩ bắt đầu học hỏi và hứa hẹn sẽ là xu hướng chính trong tương lai.

Mai Quỳnh Nga
.
.