Trả tiền bản quyền sách theo cách của Amazon

Sản phẩm của thời đại công nghệ

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:07
Ngày 22/6, tập đoàn Amazon công bố sẽ triển khai phương thức mới trong thanh toán tiền bản quyền cho tác giả. Theo đó, thay vì trả tiền theo số lượt sách được tải về (mua hoặc thuê), Amazon trả tiền người viết căn cứ theo số trang sách của họ đã được độc giả đọc. Chính sách này áp dụng từ 1/7 và chỉ dành cho những tác giả tự xuất bản sách cho các thiết bị Kindle của Amazon. Thay đổi đột phá trong phương thức chi trả nhuận bút sách của Amazon chỉ có thể là sản phẩm của thời đại công nghệ.

Chỉ có ở thời công nghệ số

Theo AFP, trong thông báo đăng tải trên trang web của hãng, Amazon cho biết, họ thay đổi phương thức tính tiền như vậy sau khi tiếp thu rất nhiều phản hồi từ đội ngũ tác giả, nhà văn cộng tác với họ. Những người này cho rằng Amazon cần có chính sách thanh toán phù hợp hơn căn cứ vào độ dày của sách, chất lượng sách và số lượng bạn đọc thực sự.

Để thanh toán nhuận bút cho các tác giả có sách xuất bản trực tiếp trên Amazon, mỗi tháng tập đoàn này dành riêng một khoản ngân sách 3 triệu USD. Số tiền này được chia cho các tác giả căn cứ theo số lần mượn, số lượt tải sách… và nay là theo số trang sách của họ được đọc.

Theo quy định trước đây, các tác giả chỉ được trả tiền cho một cuốn sách khi độc giả đọc xong 10% số trang cuốn đó. Điều này trở thành bức xúc của nhiều người khi cho rằng, sẽ rất bất công nếu so sánh việc những danh tác đồ sộ của Tolstoys, Alexander Dumas hay Charles Dickens, người đọc phải đọc hết gần 100 trang sách thì tác giả mới được trả tiền, trong khi đó, với những cuốn mỏng manh độ 200 - 250 trang, người đọc chỉ cần xem xong 20 - 25 trang là tác giả đã có tiền. Đó là chưa kể có những cuốn sách tính số lượt tải về có thể nhiều nhưng số người đọc nó thực sự thì chẳng đáng là bao.

Từ những thực tiễn bất hợp lý đó, kể từ ngày 1/7, chủ nhân của những cuốn sách được bạn đọc sử dụng trong các gói dịch vụ là Kindle Unlimited (dịch vụ đọc sách trọn gói của Amazon với mức phí 10 USD/tháng cho phép tiếp cận hơn 800.000 sách điện tử và hàng ngàn sách nói) và Kindle Owner's Lending Library của Amazon (Thư viện cho người dùng Kindle mượn sách với phí thuê sách 99 USD/năm) sẽ được trả tiền căn cứ theo số trang sách độc giả đọc.

Đọc sách trên máy tính bảng - thói quen của độc giả thời kỹ thuật số.

Amazon cho biết họ đã xây dựng cách thức đếm trang phù hợp với từng loại thiết bị và thể loại nội dung sách, đồng thời cũng tính tới cả những khác biệt về font chữ, khoảng cách dòng cùng nhiều yếu tố khác. Số trang sách được đếm khi bạn đọc lần đầu tiên xem sách và tính từ chương đầu tiên chứ không phải những trang mục lục hay các thông tin khác mở đầu. Tuy nhiên các yếu tố nội dung khác không phải văn bản như hình ảnh, sơ đồ, đồ họa vẫn được tính vào số trang đọc.

Tiền lệ đáng ngại?

Chúng ta ai cũng hiểu số lượng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng. Điều này càng đúng trong thế giới sách. Từng có những giá tiền rất khác nhau (chênh lệch đáng kể) giữa các cuốn sách có cùng độ dày. Và tất nhiên rồi, không phải cứ sách dày là đắt tiền hơn sách mỏng. Tuy nhiên có vẻ như điều này lại đúng nếu chiểu theo cách tính tiền nhuận bút sách mới của Amazon.

Một số tác giả thời công nghệ xem thể thức tính thù lao của Amazon như một công cụ giúp họ đo lường thị hiếu khách hàng. Giả định như họ được tiếp cận cơ sở dữ liệu theo dõi trạng thái đọc sách của độc giả, họ sẽ biết về cơ bản độc giả thường dừng lại ở đâu trong cuốn sách của mình, từ đó hiểu được nguyên nhân những gì người đọc không thích và cải thiện chất lượng trang viết.

Với nhiều người, đó cũng có thể còn là cách giúp họ nghiên cứu thói quen và thị hiếu đọc sách. Từ đó áp dụng những hiểu biết này trong các cuốn sách tiếp theo. Nói ngắn gọn thì đó là "uốn ngòi bút" để "nuông chiều" tốt hơn tâm tư độc giả trong "các cuốn sách hay hơn".

Tuy nhiên lại cũng có một thực tế là chẳng cuốn sách nào có thể chiều được mọi thị hiếu độc giả. Lấy ví dụ như cuốn tiểu thuyết "The Goldfinch" (Con chim sẻ cánh vàng) của nữ tác giả Donna Tartt thai nghén suốt 11 năm. Sách dày 800 trang và các thống kê của Amazon cho thấy trước nay có tới 55% độc giả không thể đọc hết nó.

Nhưng đây lại là cuốn sách đoạt giải Pulitzer ở hạng mục tiểu thuyết năm 2014, được Amazon bình chọn là Cuốn sách của năm 2013, lọt vào danh sách best-seller của tờ The New York Times suốt 39 tuần. Vậy thì nữ văn sĩ 52 tuổi Tartt có cần "rút kinh nghiệm" từ các dữ liệu thống kê về thị hiếu độc giả với sách của bà để "viết tốt hơn" ở lần sau không? Hay là bà cứ viết cuốn sách như bà muốn mà không cần quan tâm tới việc doanh thu của nó có thể giảm với chính sách tính tiền mới của Amazon? Câu hỏi này hẳn cũng sẽ đặt ra với nhiều người cầm bút khi phải đứng trước lựa chọn kiểu "hoa hồng hay bánh mì" như vậy!

Điều mà không ít tác giả lo ngại chính là Amazon đã thiết lập một tiền lệ có thể phủ bóng lên tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp xuất bản. Chuyện gì sẽ đến nữa khi Amazon không chỉ áp dụng cách thức trả tiền này với các ấn phẩm số? Hay thậm chí có những khả năng khác mà không thể không nghĩ tới là họ sẽ chỉ trả tiền cho các tác giả theo số trang, và dần dà người đọc sẽ không phải trả tiền cho toàn bộ cuốn sách họ tải về, thậm chí còn có thể nhận lại số tiền cho những trang sách họ không đọc đến?...

Đó là lý do nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Kerry Wilkinson "lý sự" trên tờ Telegragh: "Nếu độc giả muốn quẳng cuốn sách đi ngay sau khi lướt vài trang sách thì có lý gì mà nhà văn được trả tiền đầy đủ đây?".

Nhưng lại có những luồng dư luận phản ứng gay gắt về điều này. Trên thực tế, dù đứng ở quan điểm nào đi nữa, một cuốn sách luôn có giá trị lao động của nó. Người ta thường dễ quên điều này trong thời đại công nghệ số, khi chỉ nhìn về cuốn sách như một file Word giản đơn, có thể "copy" - "paste" rất đỗi nhanh chóng.

Nhưng họ quên mất rằng, ngay cả việc để có một cuốn sách điện tử, ngoài việc nhà văn dành thời gian, tâm huyết, còn có một đội ngũ những nhân công khác tham gia, có thể mất hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm để có thể hoàn thành. Do đó việc bạn đọc phải thanh toán một khoản tiền khi tải sách cũng là vì những lao động đó nữa, chứ không phải chỉ là nội dung sách.

Trong thời đại kỹ thuật số, những người lao động nghệ thuật luôn phải làm việc vất vả hơn để bảo vệ thành quả và buộc xã hội phải đãi ngộ họ xứng đáng hơn khi mọi giá trị đều dễ dàng bị sao chép, phát tán trên mạng. Dễ thấy, âm nhạc, phim ảnh và sách là những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dễ bị tổn thương nhất trong thời đại kỹ thuật số.

Người viết nghi ngại hiệu quả thực tiễn

Trên thực tế, với mô thức cho phép người viết tự đứng ra xuất bản sách, từ lâu Amazon đã trở thành "bà đỡ" cho rất nhiều tác giả lần đầu cầm bút, bên cạnh việc hẳn nhiên vẫn là bệ phóng cho nhiều tác giả đã thành danh. Phản ứng trước thay đổi này của Amazon, cộng đồng người viết bày tỏ khá nhiều băn khoăn, thậm chí cả bức xúc.

Tờ Atlantic dẫn ý kiến của nhà báo kỳ cựu kiêm tác giả công nghệ Peter Wayner cho rằng, cách làm mới của Amazon có thể có một ưu điểm là khiến các biên tập viên quên đi việc cứ phải yêu cầu tác giả viết sách cho dày để người đọc được thỏa mãn cả về kiến thức lẫn dung lượng đồ sộ khi bỏ tiền ra mua.

Ông Peter kể lại lần đề nghị một biên tập viên xem xét một trong những bản thảo sách định in của ông, người biên tập bảo "Có vẻ như anh chỉ mới viết được 20.000 chữ cho cuốn này. Anh cần ít nhất là 80.000 chữ để làm một cuốn sách. Anh có thể viết thêm không?".

Cũng theo tác giả này, có lẽ cách tính tiền mới của Amazon sẽ khiến nhiều tác giả "bẻ cong ngòi bút" để có thể "uốn" theo cơ chế mới nhằm đạt nhiều lợi nhuận hơn. Lý do, cách tính tiền theo trang sẽ khuyến khích những câu chuyện giật gân, bí hiểm, khó đoán kết cục ở mọi thể loại. Người viết sẽ tìm mọi cách để thuyết phục hay hối thúc người đọc phải lật giở trang tiếp theo và rồi cứ thế cắm cúi đọc cho hết, đôi khi không cần để tâm nhiều tới việc chăm chút cho sự tinh tế và phức tạp cần thiết của tác phẩm.

Trong thư gửi tới các tác giả lý giải về sự thay đổi, Amazon có nói họ lo ngại việc trả tiền bản quyền như nhau với mọi cuốn sách mà không tính tới độ dày của nó có thể sẽ không đạt được sự thỏa đáng giữa lợi ích của bạn đọc và tác giả.

Tuy nhiên ông Peter bày tỏ nghi ngại của người trong cuộc khi cho rằng, chắc không có nhiều người viết chờ đợi việc chính sách mới của Amazon sẽ giúp họ rủng rỉnh tiền bạc hơn. Có lẽ viễn cảnh thực tiễn nhất mà một người viết như ông có thể thấy là Amazon thay vì trả tiền cho cả cuốn sách thì giờ sẽ chỉ trả theo số trang được đọc mà thôi.

Trong khi đó, nhà báo, nhà văn người Anh gốc Ấn Độ Hari Kunzru, tác giả cuốn The Impressionist (tạm dịch: Người theo chủ nghĩa ấn tượng) cho rằng cách tính tiền mới của Amazon khiến ông có "cảm tưởng như là sự khởi đầu của một điều tồi tệ". Ông chia sẻ trên tài khoản Twitter rằng hẳn là với cách tính tiền theo trang này, ông là một trong những người cần phải đào tạo lại trước tiên để có thể theo kịp thời đại mới.

Trần Đắc Luân
.
.