Sân khấu thực cảnh – Do đâu rắc rối bản quyền?

Thứ Năm, 23/08/2018, 08:09
Với ý tưởng ban đầu là "Ngày xưa", vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" khi ra mắt lần đầu tiên vào tháng 6-2017 tại Sài Sơn (Quốc Oai- Hà Nội) đã tạo được tiếng vang lớn trong giới thưởng ngoạn lẫn giới nghệ thuật. Đó là kết quả hợp tác giữa công ty DS của đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu. 


Thế nhưng, chỉ hai tháng sau, công ty Tuần Châu mang chính vở diễn ấy liên doanh với công ty Sen Vàng và đổi tên thành "Tinh hoa Bắc bộ".

Dĩ nhiên, người cầm trịch của "Tinh hoa Bắc bộ" không còn là đạo diễn Việt Tú mà được giao cho đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Sóng gió nổi lên từ đó, và kéo dài đến hôm nay. Văn nghệ Công an tiếp tục thông tin đến độc giả những diễn biến mới nhất, và cụ thể của vụ tranh chấp bản quyền rắc rối này.

Tranh chấp bản quyền gay gắt. Tháng 11-2017, công ty Tuần Châu gửi đơn kiện công ty DS xâm hại lợi ích và đòi bồi thường 6,2 tỷ đồng. Tháng 12-2017, công ty DS đáp trả bằng đơn kiện công ty Tuần Châu lẫn công ty Sen Vàng, yêu cầu chấm dứt vở diễn "Tinh hoa Bắc bộ" theo kiểu phóng tác của "Thuở ấy xứ Đoài".

Chưa hết, đạo diễn Hoàng Nhật Nam có đơn kiện đích danh đạo diễn Việt Tú vì xúc phạm danh dự, uy tín của mình. Đồng thời, đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẳng định ông mới là đồng tác giả và đồng sở hữu của "Tinh hoa Bắc bộ" khác biệt "Thuở ấy xứ Đoài".

Và mới đây, đạo diễn Việt Tú gặp mặt báo chí để cho biết, Toà án nhân dân Hà Nội đã thụ lý hồ sơ vụ kiện của công ty DS với phản tố bác bỏ toàn bộ yêu cầu của công ty Tuần Châu và công ty Sen Vàng, yêu cầu thừa nhận việc xây dựng "Tinh hoa Bắc bộ" dựa trên nền tảng "Thuở ấy xứ Đoài" và bồi thường thiệt hại 7,2 tỷ đồng.

Dù là "Thuở ấy xứ Đoài" hay "Tinh hoa Bắc bộ" thì đây cũng là một vở diễn đáng chú ý. 250 người trình diễn trên sân khấu mặt nước rộng 4.300m2 mang đậm phong vị của rối nước và quan họ. Toàn bộ dàn diễn viên là nông dân được huấn luyện trong 2 năm để có thể xuất hiện như những nghệ sĩ thực thụ.

Lần đầu tiên những người làm nghệ thuật tại Việt Nam đưa ra khái niệm "sân khấu thực cảnh" lấy bối cảnh thiên nhiên xung quanh làm một phần của sân khấu trình diễn. Sàn diễn là nơi tái hiện nguyên bản không gian cổ tích với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình. Với khán đài 2.000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở đến hơn một hecta.

Một cảnh trong vở "Tinh hoa Bắc bộ".

Với khởi điểm "Thuở ấy xứ Đoài" đã được đầu tư 500 tỷ đồng. Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: "Vở diễn sử dụng hoàn toàn chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại - một phong cách dàn dựng có tên Modern Traditional, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Để chuẩn bị đến ngày ra mắt ekip đã đối diện với quá nhiều thách thức.

Lớn nhất và cũng gây xúc động nhất là gần một năm trời đằng đẵng tập luyện để biến những người nông dân chân lấm tay bùn thành những nghệ sĩ dân gian đích thực mà vẫn giữ nguyên được sự run rẩy của những người dân thuần thành. Chứng kiến những người nông dân có thể biểu diễn thành thục, nhưng họ vẫn giữ được nét mộc mạc tôi tin rằng show diễn sẽ chạm tới xúc cảm thuần khiết của người xem".

Ngay buổi công diễn ra mắt "Thuở ấy xứ Đoài", dư luận đã tỏ ra rất phấn khích. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: "Đây là một chương trình thử nghiệm rất độc đáo và có lẽ điều đáng nói nhất là ngoài sự đầu tư hoành tráng còn là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống tại những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài này. Nó làm tôi gợi nhớ lại thời kì mà người ta hay làm những vở kịch do người dân đóng, gây ấn tượng rất lớn. Cảm hứng đó sẽ mang lại những triển vọng rất tốt cho tác phẩm này, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển du lịch, đưa văn hóa lịch sử của nước ta truyền đi khắp nơi".

Dù giá vé để xem "Thuở ấy xứ Đoài" lên đến 1,2 triệu đồng, nhưng nhiều công ty du lịch hào hứng lên kế hoạch đưa điểm hẹn văn hoá này vào tour cho khách nước ngoài. Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Neworld Travel khẳng định: "Đây là một chương trình hay, độc đáo, mang tính hấp dẫn cao. Trước đây, những sản phẩm du lịch thông thường tại Hà Nội chỉ là đi tham quan phố cổ, xem múa rối nước.

Với "Thuở ấy xứ Đoài", doanh nghiệp lữ hành có thêm một địa điểm nữa để xây dựng chương trình tour như tham quan Chùa Thầy, khu du lịch Sài Sơn kết hợp ăn tối và xem show…, để du khách nước ngoài hiểu hơn những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua các chương trình nghệ thuật dân tộc".

Thế nhưng, công chúng vừa mới biết đến có một chương trình "sân khấu thực cảnh" thì "Thuở ấy xứ Đoài" bị ngừng diễn. Phía công ty Tuần Châu cho rằng, show diễn "Thuở ấy xứ Đoài" chưa đáp ứng được tâm tư của người đứng đầu tập đoàn Tuần Châu nên dù đã bỏ rất nhiều chi phí, đơn vị này cũng phải buộc lòng ngưng hoàn toàn để mở ra show diễn mới với tên gọi "Tinh hoa Bắc Bộ".

Đây là show diễn đặt ra mục tiêu tiếp cận khách du lịch nước ngoài. Vì thế, trong thời gian vừa luyện tập vừa diễn thử, công ty Tuần Châu cũng song song tiến hành nghiên cứu thị trường để thẩm định độ hấp dẫn và sức sống của show diễn đối với khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, kết quả cho thấy khách du lịch mong đợi nhiều hơn, truyền thống phải đi cùng công nghệ và câu chuyện mới tạo ra sức hấp dẫn.

Cụ thể hơn, công ty Tuần Châu cũng tiên liệu được những rắc rối nảy sinh khi xảy ra tình trạng cơm không lành canh không ngọt của một dự án nghệ thuật: "Giữa chúng tôi và đạo diễn Việt Tú hay đúng hơn là với Công ty DS có mối quan hệ đối tác. Công ty DS nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh "Ngày xưa" cho Công ty Tuần Châu.

Như vậy, Công ty DS thực hiện dàn dựng chương trình trình diễn sân khấu theo hợp đồng "đặt hàng" từ Công ty Tuần Châu. Việc này, tựa như việc chủ nhà nhờ (thuê, mướn) công ty kiến trúc thiết kế cho một bản vẽ ngôi nhà, công ty kiến trúc được trả thù lao, còn bản vẽ thuộc về chủ nhà. Nói cho sòng phẳng, tác phẩm sân khấu "Thuở ấy xứ Đoài" do Công ty DS thực hiện dàn dựng chương trình trình diễn sân khấu theo hợp đồng từ Công ty Tuần Châu, nên đây là tài sản của Công ty Tuần Châu".

Mâu thuẫn bản quyền "Thuở ấy xứ Đoài" và "Tinh hoa Bắc bộ" liệu có thể giải quyết được không? Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nhận lời bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tuần Châu nêu cơ sở pháp lý: "Hiện nay bản quyền hai vở diễn này đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả. Theo đó kịch bản chương trình "Tinh hoa Bắc bộ" được đăng ký bản quyền cho tác giả là ông Hoàng Hữu Nhật Nam và chủ sở hữu là Công ty Tuần Châu.

Còn "Thuở ấy xứ Đoài" là tác phẩm được tạo thành trên cơ sở hợp đồng giữa Công ty Tuần Châu với Công ty DS nhưng đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bản quyền tác giả là "Nguyễn Việt Tú" và chủ sở hữu là Công ty DS. Về vấn đề này, phía Công ty DS đã từng thừa nhận "quyền sở hữu thuộc về duy nhất Công ty Tuần Châu" tại công văn số 0806-17/CV-DS ngày 8-6-2017 phúc đáp lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm việc với Công ty DS để yêu cầu chuyển giao quyền chủ sở hữu!

Dịch vụ mà Công ty DS cung cấp trong trường hợp này là hoạt động sáng tác một phần tác phẩm sân khấu dựa trên ý tưởng và theo yêu cầu của chủ đầu tư - Công ty Tuần Châu. Chiểu theo quy định tại khoản 2 điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu không tranh cãi của tác phẩm sân khấu này.

Ngoài ra, việc Công ty DS đơn phương tiến hành công bố tác phẩm mà không xin ý kiến của Công ty Tuần Châu là vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của Công ty Tuần Châu".

Một vở diễn mà phát sinh ba vụ kiện, khiến công chúng rơi vào mê hồn trận, không biết đâu là thật đâu là giả, không biết ai sai ai đúng, và cũng không biết người nào sáng tạo người nào bắt chước. Kỳ lạ hơn, dù đang giằng co liên tục, vở diễn "Tinh hoa Bắc bộ" vẫn được Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam trao hai kỷ lục "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Show diễn có lượng nông dân đông nhất Việt Nam". Xem ra, bản quyền rắc rối kiểu bản quyền mà kỷ lục lại rắc rối kiểu kỷ lục, thì "Thuở ấy xứ Đoài" vẫn còn sóng gió triền miên.

Tâm Huyền
.
.