Sân khấu thử nghiệm và sự thắp lửa cho những sáng tạo nghệ thuật

Thứ Hai, 09/01/2017, 08:04
Bánh xe thời gian đã đưa đất trời, con người cùng sân khấu hòa trong không gian mới của mùa xuân hiện hữu. Thời gian cứ đến rồi đi, nhưng năm 2016 sẽ là dấu ấn đáng nhớ đối với các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, khán giả Việt Nam và các đồng nghiệp sân khấu quốc tế đã đồng hành cùng nhau trong Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III tại Hà Nội.


Bài học về sự sáng tạo

Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III tại Hà Nội - năm 2016 là sự kiện văn hóa quan trọng. Trong 10 ngày diễn ra (từ 11-11 - 20-11), các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã mang tới Liên hoan những vở diễn có sự sáng tạo mới lạ, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn và các yếu tố nghệ thuật khác như: Âm nhạc, phục trang, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng... ở các loại hình nghệ thuật: Múa rối, Xiếc, Kịch nói, Kịch hình thể, Kịch không lời, Kinh kịch...

Với 8 đoàn nghệ thuật quốc tế: Trung Quốc (2 đoàn), Pháp, Đức, Nhật Bản, Panama, Hy Lạp, Philippines, và 8 đơn vị nghệ thuật trong nước: Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát Star Galaxy, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (Nhà hát Thế giới trẻ)... với 16 vở diễn là bức tranh sinh động thể hiện rõ nét truyền thống bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, vùng miền.

Ðiều đáng mừng nhất trong Liên hoan lần này là hầu hết các vở tham dự đã có sự khám phá sáng tạo mới lạ của tất cả các thành phần tham gia làm nên tác phẩm: Tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nghệ sỹ, diễn viên, âm nhạc... thể hiện tìm tòi những cái mới, cái khác, cái lạ nhằm mở ra cấu trúc hình thức mới làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng thị hiếu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.

Cảnh trong vở "Ramayana" của Trung tâm Nghệ thuật Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Cùng với các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam đã có nhiều cố gắng, thì sự hiện diện của các đoàn quốc tế đã mang đến 8 vở đều có tính thử nghiệm, đều có sáng tạo và mục đích của mình theo cái chuẩn của mỗi đơn vị đưa ra. Các vở diễn của đoàn quốc tế phần lớn là khai thác vở diễn kinh điển, rất ít vở mang đề tài hiện đại, điều này đã mở ra gợi ý cho hướng đi của sân khấu hôm nay. 

Về nghệ thuật biểu diễn đã chú ý đi vào chiều sâu, khám phá những uẩn khúc sâu thẳm trong tâm hồn và tính cách con người. Vở diễn của đoàn Panama sẽ là những bài học cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu hình thể có thêm nhiều kinh nghiệm. Vở diễn "Khách sạn thiên đường" của đoàn Đức mỗi khi diễn viên xuất hiện đã tạo hiệu ứng tốt và hứng thú với người xem, cho dù kịch của họ không có ngôn ngữ mà chỉ biểu cảm bằng hành động và âm nhạc. 

Vở diễn "Mối tình trong sáng" của đoàn Philippines mang ngôn ngữ giàu cảm xúc và trình diễn đậm màu sắc bản địa Philippines kết hợp yếu tố hiện đại. Vở diễn "Ramayana" của Trung tâm nghệ thuật Kinh kịch tỉnh Hà Nam - Trung Quốc đã kết hợp nghệ thuật trình diễn mới của Ấn Độ với nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc. Vở diễn "Tôi nhớ" của đoàn Hy Lạp là sự tương tác giữa người nghệ sĩ và khán giả cùng đồng hành ngược về quá khứ với những câu chuyện của riêng mình và tạo ra cảm giác mối liên hệ giữa tất cả mọi người, bất kể quốc gia hay dân tộc nào.

Có thể thấy, các vở diễn đã tìm tòi nhiều cách thể hiện, hướng đến sự phát triển của nghệ thuật. Các đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ được thưởng thức các vở diễn của các nước sẽ giúp cho những người làm sân khấu trong nước học hỏi được nhiều điều và tiếp cận nhiều hơn về sự sáng tạo đầy ý tưởng để phục vụ công chúng, bởi sự sống còn của Sân khấu chính là ngày càng thu hút được đông đảo khán giả.

Thử nghiệm để có tác phẩm chạm được tới trái tim khán giả

Liên hoan đã khẳng định những giá trị của nghệ thuật sân khấu, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Liên hoan - đó là những ngày hội lớn - nơi gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các nghệ sĩ sân khấu trong nước và quốc tế. Đồng thời qua đó, khán giả được dịp chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật, hiểu thêm về con người, khát vọng cuộc sống của từng dân tộc.

Trong thời gian diễn ra Liên hoan, khán giả Việt Nam đã có dịp được tiếp cận những kiệt tác của sân khấu thế giới, quen với nhiều tác phẩm kinh điển, hiện thực mẫu mực của tác giả trong và ngoài nước. Liên hoan đã tạo cơ hội cho khán giả tới rạp (Nhà hát) và tổ chức tốt cho khán giả tới rạp, mở ra mối quan hệ sân khấu - khán phòng - sân khấu. Từ đây, tác động ngược từ khán phòng lên sàn diễn góp phần gây hưng phấn cho diễn viên, làm thăng hoa nghệ thuật biểu diễn gây hứng thú ngược lại cho khán giả - người hưởng thụ cái hay, cái đẹp của sân khấu.

Cầu nối cho những sáng tạo nghệ thuật

Liên hoan này cho biết sân khấu Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế và các nước trong khu vực, đồng thời những cuộc thử nghiệm cũng cho thấy cái gì còn thiếu trong đời sống của sân khấu Việt. Đây là cơ hội cho những người hoạt động sân khấu nhìn lại sự chuyển mình để vươn tới những tầm cao mới, hội nhập với những xu thế mới của sân khấu thế giới đương đại. 

Những giao lưu, trao đổi của các nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau giúp cho các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiếp thu được những tinh hoa văn hóa từ các nước để làm giàu thêm cho văn hóa truyền thống và hiện đại của đất nước. Sự đa dạng văn hóa của mỗi nước giúp các nghệ sĩ chọn lọc, tích lũy để có những thử nghiệm tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Cảnh trong vở "Khách sạn thiên đường" của Đoàn CHLB Đức.

Không chỉ sân khấu Việt Nam học hỏi sân khấu thế giới, mà ngược lại, từ Liên hoan này, sân khấu thế giới cũng có nhiều bài học ở sân khấu Việt Nam. Đại diện của đoàn Philippines - GS. Pedro R Abraham Jr chia sẻ: "Liên hoan là cuộc hội ngộ của sáng tạo và đổi mới, là cơ hội cho nghệ sĩ Philippines trình diễn sáng tạo nghệ thuật. Các vở diễn tại Liên hoan này đã thể hiện sự đa dạng của các nền văn hóa ở mỗi nước. 

Liên hoan là cơ hội, sáng kiến của Việt Nam để nghệ sĩ có thể cảm nhận sự hồi hộp, ngạc nhiên và vui thích". Còn với nghệ sĩ Olga Pozeli - đại diện Đoàn Hi Lạp thì "Chuyến đi tới Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này như một giấc mơ đối với chúng tôi và hi vọng vở diễn của chúng tôi sẽ mang lại những ấn tượng tốt đối với khán giả".

Dù mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau, nhưng các nghệ sĩ tham gia Liên hoan đều có chung tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu, đều nhiệt huyết và dốc hết tâm sức cho sáng tạo trong mỗi tác phẩm của riêng mình. Thông qua nghệ thuật sân khấu, vượt qua rào cản về mặt ngôn ngữ, khác biệt về quan niệm, nghệ sĩ các quốc gia đã đem đến cho nhau một không gian nghệ thuật mới lạ, độc đáo. Từ đây, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ có sự soi rọi cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu trong nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sân khấu thử nghiệm kích thích sự sáng tạo

Sân khấu thử nghiệm kích thích sự sáng tạo của diễn viên và họ được tự do sáng tạo. Các diễn viên tự diễn và các ý tưởng xuất hiện ngay trong lúc diễn, tái hiện được cả không gian và thời gian, mục đích cuối cùng là hướng tới khán giả.

Với khát vọng thay đổi sân khấu, các nghệ sĩ đều có cố gắng nỗ lực sáng tạo, mong muốn tạo một cú hích cho khát vọng thay đổi tình trạng sân khấu và hướng đến đích cuối cùng là kéo được người xem đến với nghệ thuật. Cú hích đó chính là sân khấu Việt Nam cần tập trung xây dựng tác phẩm, đội ngũ tác giả với những sáng tạo mới, bởi muốn có khán giả đến với sân khấu trong sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì nhất định phải có tác phẩm hay, đạo diễn giỏi, tác giả giỏi, diễn viên giỏi... 

Đặc biệt là làm sao để có nhiều tác giả trẻ có thể sáng tác ra nhiều tác phẩm hướng đến khán giả trẻ. Tất nhiên, làm được điều này phải có sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, có những chế độ chính sách, có đãi ngộ, có những đầu tư cho cơ sở vật chất đúng lúc kịp thời thì mới có thể phát triển sâu, rộng, và chất lượng của nền sân khấu Việt Nam, hướng đến xây dựng nền sân khấu Việt Nam đa sắc màu, dân tộc và thời đại.

Ngọc Anh
.
.