Sân khấu kịch mùa Trung thu: Thiếu vắng những tác phẩm mới

Thứ Bảy, 30/09/2017, 08:01
Cùng với dịp Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu luôn là những thời điểm các nhà hát sân khấu, các đơn vị nghệ thuật rục rịch tung ra những chương trình đặc biệt dành riêng cho những khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thay vì không khí sôi động như những năm trước, sân khấu kịch thiếu nhi năm nay chưa thoát khỏi tình trạng thiếu vắng những tác phẩm mới.


Nếu như cách đây vài năm, cứ tới dịp Trung thu, sân khấu kịch lại rộn ràng giới thiệu những tác phẩm mới dành cho thiếu nhi thì thời gian gần đây, xu hướng dựng kịch cho mùa Trung thu lại đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Điểm sáng ít ỏi trong bức tranh kịch Trung thu năm nay lại thuộc về Nhà hát kịch Hà Nội. Mặc dù không phải là Nhà hát kịch dành cho thiếu nhi nhưng mùa trung thu năm nay, Nhà hát kịch Hà Nội lại ghi điểm trên hành trình làm nghệ thuật của mình bằng việc công diễn tác phẩm "Hai viên ngọc thần" dành cho khán giả nhí Thủ đô.

Được biết, "Hai viên ngọc thần" được tác giả Nhật Linh viết dựa theo câu chuyện về sự tích con Dã Tràng và được Nhà hát Kịch Hà Nội diễn ra mắt vào tối 17 và 18/ 9. Câu chuyện của vợ chồng anh nông dân Dã Tràng thật thà, tốt bụng ở vùng thôn quê yên bình. Nhờ đức tính ăn ở hiền lành, nhân nghĩa mà Dã Tràng được Rắn hổ mang và Ngỗng tặng cho hai viên ngọc thần. Nhờ có hai viên ngọc quý này, Dã Tràng biết được nhiều bí mật, tự giải thoát cho mình khỏi chốn lao tù, cứu được đất nước thoát khỏi chiến tranh, binh lửa và được Đức Vua trọng thưởng. Đồng thời, Dã Tràng còn cứu giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Tấm lòng nhân ái của anh được bà con chòm xóm yêu thương, nể trọng. Tuy nhiên, vợ Dã Tràng vì mong muốn có cuộc sống giàu sang phú quý đã rắp tâm bày mưu lấy trộm ngọc thần từ người chồng thật thà, chung thủy để dâng lên Long Vương. Quá tức giận vì người vợ phản bội, Dã Tràng trở nên điên loạn, chàng quyết tâm san lấp biển Đông để xuống Long cung đòi ngọc quý. Ngày ngày Dã Tràng ra bờ biển nhưng lấp mãi, lấp mãi mà biển chẳng khi nào cạn được. Lâu dần, Dã Tràng biến thành con cua nhỏ hàng ngày se cát biển Đông.

Những chương trình nghệ thuật vui nhộn luôn hấp dẫn các em thiếu nhi.

"Hai viên ngọc thần" được NSND Tuấn Hải dàn dựng với sự tham gia diễn xuất của những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát kịch Hà Nội như: NSƯT Công Lý, nghệ sĩ Ngọc Quỳnh, Thanh Hương Thiện Tùng... Chia sẻ với báo chí, đạo diễn, NSND Tuấn Hải cho biết,vở diễn được đầu tư công phu từ trang phục phong phú, bắt mắt cho các nhân vật đến trang trí sân khấu, bối cảnh. Những màn đu dây trên không đầy thú vị của các diễn viên thực sự là điểm nhấn, thu hút các khán giả nhí.

Thông qua câu chuyện về các con vật, các nghệ sĩ muốn gửi gắm tới các em nhỏ những bài học ý nghĩa. Câu chuyện dạy các em những cách ứng xử trong cuộc sống, là lòng thủy chung, nhân hậu, sống có trước có sau, không vì lòng tham lam là lừa dối, tráo trở... Theo kế hoạch, vở kịch sẽ được công diễn vào 29 và 30/9 như một món quà tinh thần mà các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội muốn dành cho các em nhỏ trong dịp tết Trung thu.

Vốn là "anh cả" ở mảng sân khấu kịch dành cho thiếu nhi, mùa Trung thu năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ mang tới cho khán giả vở kịch "Dạ tiệc đêm rằm". Chương trình của đạo diễn Thanh Bình cũng đã quy tụ dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát tuổi trẻ.

Lấy cảm hứng từ đêm hội trăng rằm, "Dạ tiệc đêm rằm" nói về xứ sở DOHA - là một xứ sở bình yên và tươi đẹp với các bạn nhỏ ngoan ngoãn và dễ thương. Câu chuyện xảy ra vào một ngày trước rằm Trung thu, chiếc chìa khóa mở cửa cung trăng đột nhiên biến mất. Tất cả mọi người đều vô cùng lo lắng và hoảng hốt vì không có chiếc chìa khóa thì "Dạ tiệc đêm rằm" sẽ không còn nữa.

Cuộc hành trình tìm chiếc chìa khóa của 3 bạn nhỏ: Cuội, Thỏ láo và Phù thủy sẽ diễn ra vô cùng kịch tính, ly kỳ với rất nhiều gian nan ở phía trước. Thông qua hành trình của các con vật ấy bài học về sự giúp đỡ người khác, đền ơn đáp nghĩa, về tinh thần đoàn kết và cả bảo vệ môi trường trong thời đại hiện nay cũng được các nghệ sĩ gửi gắm tới các bạn nhỏ. Một thế mạnh mà Nhà hát Tuổi trẻ thường phát huy trong thời gian gần đây là những vở kịch về những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu với sự đầu tư kỹ lưỡng, hoành tráng cả phần nhìn và phần nghe.

Ngoài ra, Trung thu năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục trình diễn những vở kịch đã ra mắt công chúng từ dịp hè. Được  biết, với mong muốn các em nhỏ có được mùa Trung thu nhiều ý nghĩa với những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, với sự hỗ trợ của Ngân hàng SHB, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ có một món quà đặc biệt dành tặng các khán giả nhí là 4.000 vé xem kịch thiếu nhi miễn phí.

Hai vở kịch thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ là "Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình" và "Dế mèn phiêu lưu ký" sẽ mang đến cho các em thiếu nhi những tiếng cười sảng khoái và sự gửi gắm những thông điệp đầy tính nhân văn về tình đoàn kết, lòng dũng cảm cho trẻ thơ.

Tại các đêm kịch, các em không chỉ được thưởng thức những tác phẩm sân khấu vui nhộn, hài hước mà còn giao lưu, gặp gỡ các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, quen thuộc như Nữ hoàng băng giá, Baymax, Tiên hắc ám, Mèo Oggy, Sói và Thỏ, Báo hồng... cùng những nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài là Dế Mèn, Dế Trũi...

Sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh sôi động là thế nhưng Trung thu năm nay khá im ắng. Ngay từ mùa hè, cũng chỉ có một vở mới dành cho thiếu nhi là "Ngày xửa ngày xưa" số 30 với tên gọi "Hoàng tử công chúa và 9 vị thần... bị bắt" của sân khấu kịch Idecaf. Vở kịch có sự tham gia diễn xuất của những tên  tuổi gạo cội được thiếu nhi nhiều thế hệ mến mộ, say mê như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Đức Thịnh, Đình Toàn, Lê Khánh...

Một trong những lý do khiến sân khấu kịch thiếu nhi của cả hai miền không sôi động như nhiều năm trước vì tình trạng chung của đời sống sân khấu. Hiện nay, trên cả nước, số lượng đơn vị chú trọng tới mảng kịch thiếu nhi vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ngay cả với những đơn vị ấy ít ỏi ấy thì mỗi năm cũng chỉ dựng một vở. Họa hoằn lắm mới có đơn vị dựng 2 vở mà và hầu hết đều là những vở kịch ngắn.

Tại sân khấu phía Nam, nhiều đơn vị sân khấu cho biết, mặc dù chỉ đầu tư "mùa vụ" nhưng làm kịch cho thiếu nhi vẫn bị thua lỗ. Phía nhà sản xuất thì "đổ lỗi" cho khán giả không chịu đến xem nhưng chính thực tế, chúng ta mới chỉ có nhà hát dựng kịch cho người lớn, cho thanh thiếu niên mà chưa có chiến lược dài hơi đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật cho thiếu nhi là nguyên nhân khiến đời sống sân khấu có phần ảm đạm. Tính thời vụ ở sân khấu thiếu nhi đã khiến cho lĩnh vực này trở nên nhạt nhòa, dễ khuất lấp trong dòng chảy nghệ thuật.

Ngoài ra, một lý do khách quan khiến sân khấu kịch trung thu không còn nhộn nhịp như trước vì hiện nay có khá nhiều hoạt động dành cho ngày hội này được tổ chức ở nhiều đơn vị. Những chương trình này ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình và thu hút được đông đảo trẻ em tới xem.

Giờ đây, những địa chỉ văn hóa ở Hà Nội như Bảo tàng dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc tử giám luôn có những hoạt động vui trung thu hấp dẫn cho trẻ em. Năm nào cũng vậy, Bảo tàng dân tộc học cũng đều tái dựng nhiều trò chơi dân gian như nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với nghệ nhân như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, tò he...

Đặc biệt, năm nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra sự kiện văn hóa mang đậm màu sắc của Tết Trung thu "Thu vọng nguyệt" từ ngày 29/9 đến 1/10. Đây là chương trình văn hóa, nghệ thuật kết hợp với ẩm thực được cho là đáng chú ý khi quy tụ hơn 500 nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân dân gian, nhà thiết kế, các nhà nghiên cứu văn hóa tham gia...

Có thể thấy sân khấu kịch luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp các em tìm hiểu, thưởng thức bộ môn nghệ thuật truyền thống. Thông qua đó góp phần vun đắp tình yêu nghệ thuật, giáo dục nhân cách, hướng thiện với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, sân khấu kịch vẫn đang đứng trước vô vàn những khó khăn, trong đó có sự cạnh tranh rất lớn của những loại hình giải trí hiện đại. Chính vì thế, để sân khấu kịch thiếu nhi thu hút khán giả rất cần đến sự đầu tư, chăm chút của những người làm nghề.

Khánh Thảo
.
.