Sân khấu kịch Hà Nội: Kịch kinh điển có trở thành “cứu cánh”?

Thứ Năm, 05/10/2017, 11:09
Vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã một lần nữa khiến dư luận phải chú ý bằng lễ khởi công vở kịch "Hồng lâu mộng" (Kịch bản và Đạo diễn: Tiến sĩ Chua Soo Pong). Với sự trở lại của nhiều tác phẩm kinh điển trên sàn diễn của sân khấu Thủ đô trong thời gian gần đây, một số chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu cho rằng, dường như sân khấu kịch nói Thủ đô đang có những nỗ lực trong việc tìm lại một thời hoàng kim của mình. Câu hỏi đặt ra là, liệu những vở kịch kinh điển này có thực sự trở thành "cứu cánh"?


Vở kịch "Hồng lâu mộng" mà Nhà hát Kịch Việt Nam vừa khởi công được Tiến sĩ Chua Soo Pong chuyển thể từ tác phẩm "Hồng lâu mộng" của Tào Tuyết Cần - là một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển danh tiếng nhất Trung Quốc. Tác phẩm được đưa lên sân khấu xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời mạt Thanh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng 8 năm. Gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành. Ninh Quốc công và Vinh Quốc công là hai anh em ruột.

Giả Bảo Ngọc là quý tử ở phủ Vinh Quốc, khi sinh ra đã ngậm một viên "Thông linh Bảo Ngọc", là niềm hi vọng của gia đình họ Giả. Còn Lâm Đại Ngọc, vì bố mẹ mất sớm, nên Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc. Vì con gái của họ Giả được vua phong là Nguyên phi nên để đón Nguyên phi mỗi lần về thăm nhà, phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan viên cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan viên này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi.

Diễn viên Tô Tuấn Dũng (vai Giả Bảo Ngọc) và Diễm Hương (vai Lâm Đại Ngọc) trên sàn tập khởi công vở "Hồng lâu mộng" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm, mong manh, tính tình hay sầu bi, cô độc. Vì thế, gia tộc họ Giả thì muốn Bảo Ngọc lấy Bảo Thoa - người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến. Nhưng Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Đại Ngọc...

Tiến sĩ - đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong là nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng của châu Á và thế giới. Ông cũng là người có nhiều "duyên nợ" với sân khấu Việt Nam. "Hồng lâu mộng" không phải là dự án kết hợp đầu tiên của Nhà hát kịch Việt Nam với Tiến sĩ - Đạo diễn Chua Soo Pong. Trong những năm qua, Tiến sĩ - Đạo diễn Chua Soo Pong đã nhiều lần trở lại Việt Nam và hồi tháng 4 vừa qua, vở "Dưới bóng đa huyền thoại" của Nhà hát Tuồng Việt Nam do ông làm đạo diễn đã ra mắt khán giả Thủ đô. Với sự "tái kết hợp" này, Ban Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn với bàn tay tài ba của đạo diễn Chua Soo Pong, "Hồng lâu mộng" sẽ trở thành một vở diễn hút khán giả trong dịp cuối năm và sẽ có cơ hội đi giao lưu với sân khấu thế giới.

Trong hơn một thập kỷ qua, sân khấu kịch Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung trở nên "bão hòa" với những vở kịch đương đại. Phải nói rằng, những năm 2.000, những vở kịch đương đại trở thành một món ăn tinh thần thú vị, mới mẻ đầy hấp dẫn trong  thực đơn thưởng thức nghệ thuật sân khấu của nhiều người.

Bởi lẽ, những vấn đề nhức nhối của cuộc sống, những tệ nạn, những thói hư tật xấu và cả những nỗi đau tinh thần của con người... đã được các nhà biên kịch tái hiện khá đầy đủ, nhân văn trên sân khấu kịch. Nhưng có vẻ như ăn mãi một món trong nhiều năm, khán giả lại bắt đầu thấy "ngán". Họ lại mong muốn tìm đến với những tác phẩm đặc biệt hơn, trong khi kịch bản hay, đặc sắc không phải dễ mà luôn trong tình trạng... "đốt đuốc trong đêm" hay "đãi cát tìm vàng". Vì thế, việc nhắm đến dàn dựng các tác phẩm sân khấu kinh điển đã từng gây tiếng vang không chỉ là "cứu cánh" mà còn là mục tiêu để các nhà hát chinh phục, "lôi kéo" khán giả đến với sân khấu trên địa bàn Thủ đô.

Đi đầu trong "phong trào" dàn dựng kịch kinh điển phải kể đến đầu tiên là Nhà hát kịch Việt Nam. Đầu quý II-2017, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã cho ra mắt vở "Lão hà tiện" của Molière - vốn là niềm tự hào của sân khấu thế giới qua bàn tay của đạo diễn - NSND Tuấn Hải. NSND Tuấn Hải cho biết, anh từng ấp ủ việc dàn dựng "Lão hà tiện" từ 20 năm trước, nhưng có thể vì duyên chưa tới cho nên đến đầu năm 2017 này anh mới có cơ hội biến ước mơ trở thành hiện thực.

Với những tiếng cười giàu chất trí tuệ, sâu sắc, NSND Tuấn Hải cùng êkip đã ít nhiều tạo thêm được một tác phẩm để lại dấu ấn đối với khán giả Thủ đô. Trước đó, với sự thành công của vở kịch kinh điển "Ham let" và "Kiều" của đạo diễn, NSND Anh Tú đã thực sự trở thành một "niềm hi vọng có căn cứ" của những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Trong đó, "Ham let" thực sự là một vở diễn có được tiếng vang, có nhiều đêm “cháy” vé (dù giá vé được đẩy lên tới hàng triệu đồng) có những suất lưu diễn ở nước ngoài.

Tiếp theo, phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc chinh phục khán giả từ các em thiếu nhi cho đến người lớn tuổi. Trong lịch sử, đã có nhiều vở diễn từ "kho" kịch bản kinh điển của thế giới được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Năm 2014, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt vở "Vòng phấn Kavkaz" của tác giả Bertol Brecht dưới bàn tay đạo diễn Đức Dominik Gunther.

"Vòng phấn Kavkaz" cũng là vở kịch gắn với tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam từ vài chục năm trước, nhưng khi được dàn dựng bởi đội ngũ diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, dường như cũng có một sự trẻ trung, tươi mới đáng kể và cũng là vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao. Cũng với  ý tưởng sẽ  mang lại cho khán giả yêu sân khấu thủ đô một vở kịch đặc sắc nằm trong bộ  sách tuyển chọn "100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới" của NXB Sân Khấu, đầu năm 2016, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã dựng và ra mắt thành công tác phẩm "Quan thanh tra" - một vở kịch kinh điển của văn hào Gogol.

Vở kịch "Quanh thanh tra" dựa theo một số gợi ý của bậc văn tài đàn anh Pushkin - người tiền bối của Gogol. Câu chuyện về một tay công chức quèn lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Vốn là những kẻ thường sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ "quan lớn thanh tra". Tiếng cười dí dỏm mà sâu cay trong "Quan thanh tra" khiến nhiều khán giả thích thú và là một trong những vở diễn rất đáng xem của Nhà hát Tuổi trẻ.

Một cảnh trong vở "Vòng phấn Kavkaz" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Là một đơn vị nghệ thuật có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các nhà hát "đàn anh - đàn chị" thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, song Đoàn kịch nói CAND là một đơn vị hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc, chỉn chu và đầy nỗ lực. Năm 2016, Đoàn kịch nói CAND dàn dựng vở kịch kinh điển "Bão" của tác giả Wiliam Shakepeare (Đạo diễn: NSND Lê Hùng) và vở diễn đã tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2016 tại Hà Nội.

Vở "Bão" vốn được coi là một vở kịch hấp dẫn nhưng đồng thời cũng là một vở kịch khó dựng bậc nhất của đại văn hào Wiliam Shakepeare, đã được Đoàn Kịch nói CAND lựa chọn để dàn dựng như một cách thử thách chính mình. Những diễn viên được chọn tham gia êkip của vở diễn này như Hồng Tuấn, Hồng Quân, Mạnh Cường, Việt Tùng, Minh Trang, Hồng Lê... đều cảm thấy bản thân có những bước trưởng thành đáng kể khi được tham gia một vở diễn tầm cỡ như thế.

Trong tháng 8 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch lựa chọn 11 vở kịch với tiêu chí "Còn mãi với thời gian" để đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong đó, có 2 vở diễn được dàn dựng từ kịch bản kinh điển đó "Vòng phấn Kavkaz" của tác giả Bertol Brecht (Nhà hát Tuổi trẻ) đạo diễn Đức Dominik Gunther và "Lão hà tiện" của Molière do đạo diễn NSND Tuấn Hải (Nhà hát kịch Việt Nam) cũng đã trở thành điểm nhấn cho chương trình này.

Chỉ có điều băn khoăn là, sân khấu vẫn đang trong cơn khủng hoảng và với các vở kịch kinh điển, việc dàn dựng một vở mới là vô cùng tốn kém, trong khi đó chưa biết sức hút đối với khán giả đến đâu. Vì thế, dàn dựng kịch kinh điển vẫn được xem là những "cuộc chơi sang chảnh" của các nhà hát công lập chứ gần như không một nhà hát tư nhân nào dám bỏ tiền túi ra làm.

Nguyệt Hà
.
.