Sân khấu đã khó còn gặp cái “éo le”

Thứ Bảy, 03/06/2017, 08:06
Đầu tháng 5, khi Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh nhắc nhở lên đăng ký lại giấy phép vở diễn, NSƯT Trịnh Kim Chi mới biết đến Điều 6, Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa một năm. Hết một năm, muốn tiếp tục trình diễn thì phải xin cấp phép lại. Lúc này, anh em nghệ sĩ mới "té ngửa" khi biết nghị định này đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2016, nghĩa là cách đây hơn một năm. Tất cả những vở diễn được phúc khảo từ thời điểm này về sau đều phải tuân thủ quy định trên. 


Giới sân khấu khá bất ngờ và bức xúc bởi từ trước đến nay các vở chỉ cần duyệt một lần và cấp phép vô thời hạn. Khi vở đã được hội đồng nghệ thuật duyệt về nội dung tư tưởng thì không ai đi đo đếm sự tồn tại của một vở diễn bằng quy định ngặt nghèo như vậy, trong khi khán giả mới là người quyết định. Nếu vở hay thì nó tồn tại lâu, còn dở thì nhanh chóng xếp kho. Trường hợp phải duyệt lại thường là do vở diễn được sân khấu khác dựng lại phiên bản mới hoặc do người quản lý sân khấu muốn khẳng định tác quyền vở đó.

Trước phản ứng gay gắt của giới sân khấu, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn trấn an rằng, chỉ những vở diễn có thay đổi mới phải duyệt lại và thu phí. Riêng các vở không có gì thay đổi thì chỉ cần gia hạn giấy phép. Theo lý giải của Cục, quy định này nhằm thống nhất, đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý. Bởi giấy phép vô thời hạn bộc lộ nhiều lỗ hổng. Một số đơn vị đã giải thể vẫn dựa vào giấy phép này để tiếp tục biểu diễn trục lợi.

Ngoài ra, quy định còn nhằm kiểm soát các vở thay đổi về diễn viên, đạo diễn, bối cảnh sân khấu…, ngăn chặn tình trạng các vở phúc khảo một đằng, trình diễn cho công chúng một nẻo. Đặc biệt là có những vở cố tình lồng ghép những cảnh phản cảm, dung tục nhằm câu khách.

Vở "Mùi da người" là kịch giáo dục giới tính gắn mác 12+ nhưng có quá nhiều cảnh nóng bỏng không phù hợp với các em thiếu niên.

Chẳng hạn như vở "Mùi da người" của sân khấu Sao Minh Béo, dù được dán mác là 12+ nhưng trong vở có đầy rẫy cảnh ân ái, hôn hít của người lớn… vốn vắng bóng trong bản phúc khảo. Cấp lại giấy phép sau một năm còn tránh được tình trạng giấy phép bị tẩy xóa, làm giả và cập nhật thay đổi của tên đơn vị cấp phép, người ký giấy cấp phép…

Tuy nhiên, lý giải này của Cục không làm dịu bớt bức xúc của người làm sân khấu. NSƯT Ái Như phân tích: "Nếu các sân khấu muốn thay đổi vở, thêm mắm dặm muối để câu khách thì ngay sau khi có được giấy phép, họ sẽ làm ngay. Đợi đến năm sau để cấp lại thì khán giả đã bị nếm đủ độc hại. Riêng về việc thực hiện các vở, sân khấu nào cũng có ekip dự bị để thay thế,  phòng trường hợp diễn viên, đạo diễn đi nước ngoài, bị bệnh…".

Do đó, theo bà, muốn biết vở có vấn đề về nội dung tư tưởng hay không thì đáng lẽ các nhà quản lý văn hóa phải đẩy mạnh khâu hậu kiểm và xử phạt, chứ không thể kêu khó, không đủ nhân lực rồi đưa ra quy định cản đường nghệ thuật trong khi không kiểm soát được gì. 

Hơn nữa, tại sao các vở được cấp phép từ ngày 1-5-2016 về sau phải thực hiện quy định, còn các vở được cấp phép trước đó (nhất là vở bị dư luận phản ánh có vấn đề nội dung tư tưởng) thì không? Đồng tình với quan điểm này, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, đây vẫn là khâu thủ tục hành chính mang nặng tính hình thức, gây rườm rà, rắc rối cho người làm sân khấu.

Còn bà bầu Hồng Vân thì bức xúc vì các cấp quản lý không những không tháo gỡ khó khăn cho sân khấu vốn đang như ngọn đèn trước gió, mà thêm dây trói họ. Tình trạng khó khăn thê thảm đến mức NSND Hồng Vân nhiều lần có ý định đóng cửa sân khấu kịch Phú Nhuận vì thu không đủ chi, giá mặt bằng tăng liên tục, trong khi lượng khán giả đã giảm đến 50%. Sân khấu có kinh phí duy trì vở cũ đã mệt muốn xỉu, huống hồ dựng vở mới.

Đây không chỉ là bế tắc riêng của sân khấu Phú Nhuận, mà là cuộc khủng hoảng chung của các sân khấu khác ở TP Hồ Chí Minh - nơi được coi là có đời sống văn hóa sôi động bậc nhất cả nước. Sân khấu Hoàng Thái Thanh nổi tiếng với nhiều kịch mục chất lượng cao, đậm chất nhân văn nhưng có vở vài tháng mới diễn một suất. Nghệ sĩ Ái Như thú thật, nhiều lúc đoàn phải xin trả vé cho khán giả vì số người xem quá ít ỏi. Lỗ kéo lỗ nhưng chị và mọi người trong đoàn vẫn buộc bụng vượt khó.

Sân khấu gặp nhiều khó khăn bắt nguồn từ đủ nguyên do. Chuyện diễn viên bỏ bê sân khấu để chạy show phim ảnh, gameshow đã là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, thực trạng thiếu diễn viên sân khấu rất bi đát.

Khi các dự án phim ảnh, truyền hình đưa ra mức cát sê ngất ngưởng, độ khắt khe cho vai diễn nhẹ nhàng hơn kịch nói, thì đội ngũ tài năng của kịch sẵn sàng đầu quân. Chăm chỉ chạy show phim ảnh đủ khiến nghệ sĩ mua xe, sắm nhà. Còn cày bừa cật lực ở sân khấu kịch nói cũng chỉ đủ nuôi miệng, bởi cát sê một suất chỉ từ vài trăm đến một triệu tùy dạng vai. Mà đâu phải ngày nào sân khấu cũng sáng đèn.

Thông cảm cho kế mưu sinh của anh em, các ông "bầu, bà "bầu" sân khấu không nỡ cấm cản. Cách đối phó bây giờ là cố gắng sắp xếp lịch sao cho không đụng lịch chạy show dày đặc của diễn viên. Bà "bầu" Hồng Vân được tiếng mát tay nhưng cũng đau đầu trong việc sắp lịch tập. Bởi đụng giờ nào diễn viên cũng kêu trời, cáo bận. Có vở, để không ai đụng lịch, chị cho tập nửa đêm. Nhưng dù đã được bài binh bố trận đàng hoàng, diễn viên cũng không mặn mà, toàn tâm toàn ý vào vai. Vắt kiệt sức ở phim ảnh nên họ đứng trên sân khấu như cái máy vô hồn.

Với đối thủ phim ảnh, sân khấu đã bị ép đến mức "thở" không ra hơi huống hồ là đối đầu với gameshow truyền hình đang nở rộ. Các gameshow truyền hình thực tế gồm ca hát, nhảy múa, tìm kiếm người mẫu dần bão hòa, nhường chỗ cho sự lên ngôi của gameshow kịch nói, hài, cải lương…  Dòng gameshow này cần một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu để đổi món cho khán giả. Do đó, nó vơ vét tận lực từ "mầm non" đến "tre già". Lão làng thì ngồi ghế giám khảo, mới nổi hoặc có chút năng khiếu thì đi làm thí sinh hay huấn luyện viên. Kiểu gì cũng có đất trưng trổ.

Vở "Đời bỗng dưng yêu" của sân khấu IDECAF được cấp phép từ ngày 20-1-2017 đến ngày 19-1-2018.

Đương nhiên, công cụ kiếm tiền và kiếm danh không gì ưu việt hơn gameshow mà khán giả ưu ái trên các đài. "Sân khấu mất dần diễn viên do thiếu cơ chế ràng buộc, thiếu những hợp đồng chặt chẽ. Diễn viên không có thì giờ dành cho tập sân khấu, buộc sân khấu phải làm nhanh, chạy nhanh theo giờ giấc của diễn viên" - đạo diễn Nguyễn Hồng Dung ngao ngán.

Tập nhanh, diễn ẩu buộc bà "bầu" Hồng Vân đành bỏ ngang hai vở vì không muốn khán giả thưởng thức món ăn tinh thần sống sượng. Dàn diễn viên của Thế giới trẻ hầu hết đều do sân khấu này tự đào tạo nhằm chủ động nguồn, vậy mà cũng không thoát khỏi thế bị phim ảnh, gameshow nẫng tay trên. Thêm nữa, lượng khán giả bị các lĩnh vực nghe nhìn khác cạnh tranh nên giảm sút dần qua mỗi năm.

Không chỉ khó khăn ở khâu diễn viên, khán giả, cơ sở vật chất của các rạp cũng chưa đảm bảo, nếu không muốn nói là bí bách. Sau thời gian dài bám trụ vất vưởng tại Rạp Thủ Đô dột nát, xuống cấp, cuối cùng các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phải tạm chấp nhận luyện tập và trình diễn giữa cảnh đục đẽo sửa chữa ngổn ngang của rạp Trần Hưng Đạo vốn xây không đúng chuẩn. Sân khấu Hoàng Thái Thanh thì "trôi dạt" sang tận Nhà Thiếu nhi quận 10 - nơi khá xa trung tâm thành phố.

"Nụ cười mới" từng đình đám một thời với rừng danh hài như Hoài Linh, Trường Giang, Cát Phượng, Chí Tài, Long "đẹp trai" thì nay thay đổi địa điểm liên tục vì giá mặt bằng quá cao. Từ lúc nhiều ngôi sao ăn khách như Hoài Linh, Trường Giang, Chí Tài… dứt áo ra đi, lượng khán giả của "Nụ cười mới" giảm đến mức kỷ lục: 70%. Dời về Nhà văn hóa Sinh viên - nơi không mấy phù hợp cho đời sống kịch nói - hoạt động của sân khấu này trở nên vô cùng lặng lẽ. Khán giả cứ ngỡ "Nụ cười mới" đã mất hút trong làng kịch.

Nguyễn Trang
.
.