Sân khấu Hà Nội sáng đèn sau làn sóng COVID-19 lần 2: Những tín hiệu đáng mừng

Thứ Năm, 17/09/2020, 11:26
Năm 2020, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm cho nền kinh tế thế giới đình trệ và văn hóa nghệ thuật cũng là một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với những nỗ lực đặc biệt của Chính phủ và các ban, ngành, cho đến đầu tháng 5-2020, đời sống xã hội Việt Nam đã cơ bản trở lại với trạng thái "bình thường mới", các trường học mở cửa, các nhà hát đã rục rịch sáng đèn trở lại.


Nhưng sự tái bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ 2 vào cuối tháng 7, một lần nữa đẩy đời sống văn hóa nghệ thuật, trong đó có sân khấu đến bên bờ vực lao đao...

Tiếp tục kế hoạch phục hồi còn dang dở

Trung tuần tháng 5-2020, theo kế hoạch đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch triển khai, 12 nhà hát thuộc Bộ đã lần lượt có các vở diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả sau một thời gian dài đời sống nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ vì dịch COVID-19 bùng phát sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. 

Dự kiến ban đầu, các vở diễn, chương trình nghệ thuật của các nhà hát thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ kéo dài đến hết tháng 8 với các vở như "Bệnh sĩ" của Nhà hát Kịch Việt Nam; Liên đoàn Xiếc Việt Nam với vở "Cướp biển"; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ biểu diễn chương trình "Mặt trời phương Đông"; Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn vở "Vân dại”; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn chương trình hòa nhạc chọn lọc; Nhà hát múa rối Việt Nam tiếp tục biểu diễn vở "Thân phận nàng Kiều"; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn diễn "Tháng 6 trời mưa"; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn chương trình "Nhịp điệu ATK"; Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn vở "Chuyện tình Khau Vai"; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn vở "Hồ Thiên nga".

Nhiều suất diễn của vở "Huyền thoại Gò Rồng ấp" của Sân khấu Lệ Ngọc đã được bán hết vé từ đầu tháng 9.

Thế nhưng, kế hoạch biểu diễn này còn chưa kịp hoàn tất thì cuối tháng 7-2020, dịch COVID-19 lại quay trở lại khiến đời sống nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng một lần nữa rơi vào tình trạng "đóng băng". Bắt đầu từ cuối tháng 8, khi có nhiều ngày cả nước không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, từ đầu tháng 9, một số nhà hát trên địa bàn Thủ đô đã bắt đầu lên kế hoạch biểu diễn, quảng bá các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả. 

Theo quan sát của phóng viên, Sân khấu Lệ Ngọc chính là đơn vị bắt nhịp nhanh nhất với việc đưa hoạt động biểu diễn trở lại nhịp điệu bình thường. Sở dĩ có điều này là bởi, trong suốt tháng 5-6-7, Sân khấu Lệ Ngọc đã liên tục sáng đèn với kịch mục hết sức phong phú. Không chỉ có các suất diễn tại các địa điểm quen thuộc như Nhà hát Lớn, Rạp Hồng Hà, Rạp Đại Nam, đơn vị này còn có các chuyến lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác. 

Ngoài ra, đơn vị còn có 2 vở diễn tham gia "Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV-2020 với 2 vở diễn là "Hoa sen lửa" và "Tình bạn và công lý" với nhiều đêm diễn ngoài khuôn khổ của kỳ liên hoan. 

Vì thế, khi dịch bệnh bùng phát, fanpage Sân khấu Lệ Ngọc - nơi quảng bá hình ảnh, lịch diễn và bán vé vẫn liên tục cập nhật các hoạt động liên quan. Một số buổi biểu diễn tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch vẫn được Sân khấu Lệ Ngọc tổ chức, vì thế dường như các hoạt động biểu diễn của đơn vị này đã không bị... đứt đoạn. Đây chính là mấu chốt của việc vé xem 3 đêm diễn vở "Huyền thoại Gò Rồng ấp" vào các tối ngày 7, 8  và 9 tháng 9 tại Nhà hát Lớn đã được bán hết. Hiện nay, đơn vị này đang quảng bá, bán vé vở diễn này cho các đêm diễn 21, 22 và 23 tháng 9. 

Cuối tuần vừa qua, 3 đêm diễn liên tục vở "Tình bạn và công lý" của đơn vị này cũng đã thu hút đông đảo khán giả tới nhà hát và trở thành một tín hiệu vui cho sân khấu nước nhà. Việc có kế hoạch biểu diễn sớm, quảng bá và bán vé qua nhiều hình thức đã khiến Sân khấu Lệ Ngọc gần đây rất "ghi điểm" đối với công chúng. 

Hiện nay, vé xem biểu diễn vở "Tấm Cám" chào đón Tết Trung thu cùng các em nhỏ đã được đơn vị này quảng bá rầm rộ, hướng tới các "đơn hàng" tập thể đến từ các nhà trường, cơ quan, tổ chức...

Sẽ lần lượt sáng đèn?

Luôn được đánh giá là một đơn vị trẻ trung, năng động trong các khâu của hoạt động nghệ thuật, vào tối 12-9, Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn vở "Bộ cảnh phục" - một vở diễn tham gia "Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" hồi tháng 7-2020. 

Đây là một vở kịch chính luận về đề tài đấu tranh phòng chống buôn bán ma túy nhưng vở kịch đã không tập trung khai thác về nghiệp vụ đánh án của các chiến sĩ công an hay âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mà đi sâu vào những mối quan hệ trong một gia đình bị chi phối bởi đồng tiền mà bất chấp lương tâm, đạo đức. Và cuối cùng, họ đã phải trả giá cho những tội ác, nghiệp báo đã gây ra. 

Bên cạnh đó, hình tượng bộ cảnh phục biểu trưng cho ước vọng hạnh phúc và công lý đã khiến vở "Bộ cảnh phục" có được nhiều tình cảm cũng như đoạt giải thưởng cao tại vở diễn tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV-2020.

Một cảnh trong vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Liền sau đó, ngày 13-9, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức gặp gỡ báo chí và lần đầu công diễn vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" của đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết. Đây là tác phẩm được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhiều khán giả nhỏ tuổi yêu thích và được kỳ vọng sẽ lôi kéo được nhiều khán giả trẻ tuổi đến xem. Bởi vì, vở diễn này được đánh giá như một bức tranh khắc họa thời thanh xuân của những chàng trai cô gái mới lớn với tình bạn, tình yêu tuổi học trò trong sáng, mộng mơ. 

Vở diễn "Trại hoa vàng" đã quy tụ đông đảo các diễn viên ca - múa - kịch của Nhà hát Tuổi trẻ với thông điệp "Hãy khám phá chính mình, sống có ước mơ và trọn vẹn ước mơ ấy", vở kịch không chỉ chỉ hướng đến những khán giả trẻ mà còn là chiếc vé cho chuyến tàu trở về thanh xuân của những khán giả trưởng thành. 

Sắp tới, ngày 19-9, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục công diễn vở "Ai là thủ phạm" - một trong những tác phẩm sân khấu đặc sắc của cố tác giả Lưu Quang Vũ qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Chí Trung.

Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đã bắt đầu khởi động lại các "Chiếu  Chèo" được tổ chức vào mỗi thứ 6 hằng tuần với các trích đoạn tiêu biểu theo từng chủ đề. Tối thứ sáu ngày 11-9, Rạp Kim Mã đã sáng đèn với các trích đoạn "Thị Màu lên chùa", "Thầy đồ dạy học", "Hầu đồng"... Tối 18-9, sẽ có các trích đoạn "Màu - Nô - Phú ông", "Tuần Ty - Đào Huế", "Hề đố đá"... Tối 28-9, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ công diễn vở chèo "Trinh Nguyên" - một tác phẩm được dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020.

Có vẻ chậm chạp hơn, song Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã đưa vào kịch mục biểu diễn tối 14 và 15-9 với vở "Như thế là tội ác" của đạo diễn NSƯT Trịnh Mai Nguyên. Vở kịch là câu chuyện xoay quanh một vụ tai nạn thương tâm với một gia đình bất hạnh khi mẹ mất con, vợ mất chồng chỉ vì một tên say rượu không làm chủ được tốc độ. 

Trớ trêu ở chỗ, kẻ gây ra vụ tai nạn này lại chính là chàng công tử con trai một vị lãnh đạo cấp cao - người luôn ra sức ủng hộ thông điệp: "Đã uống rượu bia - không lái xe". Với đề tài rất có tính thời sự, vở diễn cũng kỳ vọng sẽ đem lại những nhận thức tích cực cho khán giả trong việc chấp hành các quy định của pháp luật vì một cuộc sống bình yên cho toàn xã hội.

Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực đáng khích lệ của các nhà hát, đơn vị làm sân khấu, hiện tại vẫn có những nhà hát vẫn đang loay hoay chưa tìm được lối ra cho mình sau khi bị đại dịch COVID-19 "nhấn chìm" suốt từ đầu năm đến nay và dường như đã rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" như Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

Trong mấy năm qua, Sân khấu LucTeam đã để lại những dấu ấn nghệ thuật đậm nét với cách làm mang màu sắc riêng biệt đậm đặc yếu tố ước lệ, tượng trưng. Nhưng những khó khăn về kinh phí đối với một sân khấu tư nhân cũng như việc khó khéo khán giả đến rạp sau đợt dịch bệnh đã khiến cho NSƯT Trần Lực phải xoay xở khá vất vả nên hiện chưa thấy LucTeam có hoạt động quảng bá về các kế hoạch biểu diễn sắp tới.

Nguyệt Hà
.
.