Sàn diễn kịch nghệ, làm sao xã hội hóa bền vững?

Thứ Sáu, 09/03/2018, 09:08
Sau suất diễn mùng 10 Tết Mậu Tuất (25-2) vừa qua, sân khấu SuperBowl của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hồng Vân đã chính thức đóng cửa. Nguyên nhân không khó lý giải: tiền thuê mặt bằng quá cao, doanh thu không kham nổi. 


NSND Hồng Vân trần tình: "Thật ra chuyện đóng cửa sân khấu SuperBowl là chuyện sớm muộn, cũng chỉ còn khoảng một năm nữa là hết hợp đồng với phía nhà hát. Mà giá thuê ở đây thực sự quá cao, trong khi tình hình sân khấu cũng không khả quan đến mức khiến tôi bù lỗ thêm một năm nữa. Tôi nghĩ nếu giá thuê giảm 50% thì là hợp lý, tôi có thương lượng rồi nhưng không đạt được thỏa thuận nên buộc phải chấm dứt hợp đồng sớm. Sân khấu kịch Hồng Vân bên quận Phú Nhuận thì trả mặt bằng sân khấu theo suất diễn nên chúng tôi dễ trang trải hơn, còn ở đây họ khoán cho mình theo tháng với giá rất cao, diễn bao nhiêu cũng phải trả ngần đó".

Như vậy, NSND Hồng Vân bây giờ chỉ còn là bà bầu của sân khấu Phú Nhuận. Và đây cũng là dấu hiệu để tư duy lại con đường xã hội hoá sân khấu!

Vở nhạc kịch "Tiên Nga" của sân khấu tư nhân IDECAF!

Suốt 20 năm qua, giới nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hoá sân khấu. Đã từng có nhiều điểm sáng như Kịch 5B, Kịch IDECAF, Kịch Sài Gòn… với những bầu show tháo vát và năng động như Phước Sang, Huỳnh Anh Tuấn… Thế nhưng, khi game show trên truyền hình bùng nổ thì các tụ điểm kịch nói co cụm lại và rơi dần vào hoàn cảnh khó khăn. Ngồi nhà thảnh thơi xem game show miễn phí trên tivi, còn hơn chen lấn đến rạp tốn tiền xem kịch. Cái lý do nghe đơn giản và buồn cười ấy, thực sự đã ám ảnh những ai tiếp tục mong muốn đầu tư cho sân khấu.

Để đánh giá nội lực một nền sân khấu trước khi hội nhập, không thể không xét hai yếu tố: tác phẩm đỉnh cao và đội ngũ kế thừa. Xét về tác phẩm đỉnh cao thì tùy từng lúc, tùy từng thời, chúng ta có những vở diễn được đón nhận và được tôn vinh. Trên sân khấu truyền thống, chúng ta có thể tự hào về "Quan Âm Thị Kính", "Nghêu Sò Ốc Hến", "Tô Ánh Nguyệt" hay "Đời cô Lựu"…

Trên sân khấu hiện đại, chúng ta có thể kể tên "Vũ Như Tô", "Rừng trúc", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Tôi và chúng ta" hay "Hồn Trương Ba da hàng thịt"…Xét về đội ngũ kế thừa, những cuộc Liên hoan tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc giống như một cuộc điểm danh ít ỏi, thực sự chúng ta đang thiếu vắng những gương mặt mới cho sàn diễn vốn ngày càng nhộn nhịp hơn.

Đứng ở vị trí năm 2018, khi mà Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nước trên thế giới về sự năng động, thì sân khấu về khả năng hội nhập hoàn toàn thua kém các bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh…

Một trong những lý do có vẻ chính đáng nhất nêu ra để phân bua với nhau là chúng ta chưa có những cơ sở vật chất cần thiết. Đúng, so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, Việt Nam không có nhà hát tiện nghi cũng như không có kinh phí đầu tư dồi dào như họ. Thế nhưng, đây chỉ là sự tụt hậu về bề nổi, còn điều cốt lõi là sân khấu nước ta đã tự "đóng cửa" với bản thân. Những giáo trình cũ kỹ hàng chục năm trước vẫn còn được đem ra để nhồi nhét kiến thức cho sinh viên hai trung tâm đào tạo lớn nhất là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Chúng ta không hề có thông tin gì về sân khấu quốc tế. 

Chúng ta không hề biết sàn diễn ở các nước đã thay đổi như thế nào và đang thịnh thành những trào lưu gì. Chúng ta cũng không biết mình đang ở đâu trên bản đồ kịch nghệ thế giới những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Chính trong tư thế tiến thoái lưỡng nan ấy, sân khấu Việt Nam trở nên tù đọng với hai phương thức hoạt động: sân khấu bao cấp hoạt động cầm chừng và sân khấu tư nhân chạy theo thị hiếu.

Bản chất của sàn diễn xã hội hóa là để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, vì vậy không có quyền đòi hỏi họ bỏ tiền thực hiện những vở lớn tạo nên diện mạo nghệ thuật một quốc gia. Tất cả gánh nặng vươn lên của sân khấu Việt Nam đè lên vai những sân khấu mỗi năm được rót cho một ít kinh phí ít ỏi. Số tiền của Nhà nước chắt chiu dành cho các nhà hát đã nhỏ mà còn chia đều ra, nên không đủ để làm ra tấm ra món bất kỳ tác phẩm nào.

Vở kịch "Châu về hợp phố" về đề tài Tết Mậu Thân 1968 trên sân khấu kịch Hồng Vân!

Ví dụ, một đơn vị uy tín như Nhà hát Tuổi Trẻ, mỗi năm được khoán trọn gói dăm bảy tỷ đồng. Tính toán chi li như sau: lương nghệ sĩ, chỉnh trang rạp diễn đã mấy khoảng ¾, số tiền còn lại 1 tỷ đồng cho các đoàn kịch với kế hoạch phải ra mắt khán giả 10 chương trình. Rõ ràng, đã đến lúc cần có một tư duy khác cho sự phát triển của các nhà hát được bao cấp. Rõ ràng sự đầu tư phải cần chiến lược và mục đích cụ thể. Không thể tiếp tục nuôi nhiều đơn vị sân khấu sống ngoi ngóp, mà không dồn tài lực để có những vở hoành tráng mang dấu ấn Việt Nam thi thố với thiên hạ.

Muốn sân khấu Việt Nam không đứng ngoài sự hội nhập, không thể không quan tâm đến tài nguyên con người. Trước hết, khoan trách những diễn viên trẻ vẫn còn khoảng cách quá xa với những tài danh như Phùng Há, Song Kim, Trần Tiến, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Lê Khanh, Lan Hương, Hoàng Dũng…bởi lẽ thế hệ sau không phải ai cũng có phẩm chất "quái kiệt" như Thành Lộc để thành danh mà không cần một nhân vật sân khấu.

Cũng khoan trách những đạo diễn trẻ vẫn còn phận phù năng lực như Vũ Minh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Lý Khắc Linh…vì họ biết tìm đâu ra kịch bản có chất lượng để thỏa chí dàn dựng. Nỗi lo đáng báo động nhất của sân khấu hiện nay là khủng hoảng thiếu những nhà viết kịch. Quy luật "có tích mới dịch nên tuồng" thực sự thách thức sàn diễn. Bây giờ bản bi ca "kịch bản ở đâu" vẫn cứ hát đi hát lại, và sẽ tiếp tục tâm trạng tuyệt vọng ấy nếu không có giải pháp khuyến khích tác giả trẻ gắn bó với sân khấu!

Hiện tại sân khấu kịch tư nhân đang đối diện với nhiều vấn đề nan giải về địa điểm biểu diễn. Những nghệ sĩ như Thành Lộc, Quốc Thảo, Minh Nhí, Ái Như, Trịnh Kim Chi… đều rất tâm huyết, nhưng thực sự họ đang mệt mỏi trên hành trình duy trì sàn diễn cho công chúng đô thị. Nói cách khác, muốn xã hội hoá sân khấu một cách bền vững, phải có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những nghệ sĩ dấn thân. Có nhiều trung tâm văn hoá hoặc rạp hát không sử dụng đúng công năng, thì tại sao không cho sân khấu tư nhân được thuê lại với giá ưu đãi.

Trước đây, xung đột giữa nghệ sĩ Ngọc Trinh với Nhà hát TP Hồ Chí Minh về việc thuê địa điểm, đến mức phải lôi nhau ra toà, chính là ví dụ đáng tham khảo! NSND Hồng Vân chia sẻ về việc phải khép màn một tụ điểm kịch nghệ với tư cách một bầu show: "Thật sự mọi người nghĩ SuperBowl đóng cửa tôi sẽ buồn nhưng không, tôi còn thoải mái hơn nữa là khác vì từ giờ mình có thể dồn lực để lo cho một sân khấu kịch còn lại thôi. Cái khiến chúng tôi vương vấn, tiếc nuối đến giờ này là vì lâu nay nơi đây đã đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ kịch trẻ nổi trội từ khóa đầu tiên như Xuân Nghị, Hoàng Long… mà đến nay đã là khóa thứ 8 rồi. Do đó khi đóng cửa nơi đây chúng tôi có một cảm xúc chung là luyến tiếc một nơi đã gắn bó, đi đi về về với mình như một thói quen chứ không phải lo ảnh hưởng thu nhập. Tôi cũng lên kế hoạch cho mọi người đi phục vụ diễn bà con ở các tỉnh thành. Vì nói một cách khách quan, đi diễn tỉnh thì các nghệ sĩ được tiếp xúc với nhiều đối tượng khán giả hơn. Chạy show tỉnh mà đi lẻ thì mức cát sê còn cao hơn gấp 10 hoặc nhiều lần so với diễn sân khấu".

Nghệ thuật không thể bao cấp mãi. Xã hội hoá sân khấu là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, phải có chính sách hỗ trợ hợp lý cho thể loại xung kích này. Nếu bầu show mải mê chạy theo thị hiếu để nuôi sân khấu, thì chỉ có những tác phẩm dễ dãi xoay quanh các trào lưu tấu hài hoặc kinh dị. Một tụ điểm tư nhân mà có những vở diễn công phu như "Tiên Nga" của sân khấu IDECAF thì những đơn vị đang được nuôi bằng ngân sách cũng phải ngã mũ bái phục!

Tuy Hòa
.
.