Sài Gòn mùa hoa Tết

Thứ Sáu, 20/02/2015, 08:00
Khi nhà nhà tiễn ông Công ông Táo về trời, những chiếc thuyền, chuyến xe chở nặng hoa, cây kiểng lại từ các miệt vườn nô nức tập kết về TP HCM. Sắc hoa rực rỡ như nàng xuân tinh nghịch chạm khẽ, khiến những người con bận rộn nơi phố thị thoáng giật mình, đánh động tâm thức người già, gợi nhớ người xa quê về một cái Tết sum vầy, đầm ấm đang chờ đợi. 

Áp Tết, bến Bình Đông, quận 8, TP HCM tấp nập rộn ràng hơn. Những ghe thuyền ăm ắp hoa, cây kiểng từ các tỉnh miền Tây cập bến. Lần đầu tiên theo chúng bạn đến Bình Đông với hành trang mang theo là chiếc máy ảnh và câu chuyện đã lào khào của những người già về một dòng sông hoa rực rỡ, chúng tôi không khỏi thất vọng.

Nhìn từ xa, khó thấy được sắc hoa nào thấp thoáng trong đoàn thuyền trên dòng kênh đang tập trung về bến. Chủ thuyền cho biết, để hàng cập bến an toàn, họ phải trải qua một quãng đường dài, thường là từ nửa đêm về sáng, vừa tránh nắng, vừa kịp giờ chợ. Các chậu hoa, cây kiểng được che chắn kín mít, nếu không, hoa kiểng đến nơi sẽ dập nát. Không cẩn thận, coi như cả nhà "mất Tết"...

Thuyền cập bến. Nhiều chậu kiểng lớn đến nỗi 3, 4 người đàn ông lực lưỡng phải tập trung vần từng bước lên bờ. Cây, hoa lên bến cũng là lúc họ bóng loáng những mồ hôi. Thường chỉ sau 1 ngày, những gian hàng trải dài vài kilômét ven sông ken kín những hoa cùng cây kiểng. Từ đó, chúng sẽ theo xe vận chuyển tỏa về các chợ hoa.

Đường hoa Nguyễn Huệ đẹp rực rỡ nhưng khá vắng vẻ trong buổi sớm tinh khôi.

Trong ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn xưa, thành phố này còn có một địa điểm rất sầm uất khác không kém Bình Đông mỗi mùa hoa Tết là bến thuyền nằm ven sông Sài Gòn (nay là bến Bạch Đằng). Gần bến là  một con phố chuyên bày bán các loại hoa. Những ngày giáp Tết, các bà các chị thường rủ nhau đến sớm. Họ không có điều kiện chụp hình như người trẻ bây giờ, mà chủ yếu là ngắm hoa và để đắm mình trong không khí mua bán nhộn nhịp của mùa hoa Tết.

Hơn 15 năm trở lại đây là con đường trung tâm thành phố với các tòa nhà sang trọng. Tết đến xuân về, cả con phố được thay áo mới. Triệu triệu đóa hoa tươi, ngàn vạn cây cỏ được thiết kế thành hẳn những công trình nghệ thuật  phục vụ người dân và du khách mọi miền đến tham quan, thưởng lãm đầu xuân. Công trình hoa  đã trở thành thương hiệu đặc biệt của TP HCM - đường hoa Nguyễn Huệ. Ở đó, những đêm vui Tết nghẹt cứng người. Năm nào cũng thế, chỉ diễn ra vỏn vẹn trong mấy ngày Tết Nguyên đán nhưng đường hoa này đều đón hàng triệu lượt khách du xuân.

Hội Hoa xuân cũng được tổ chức thường niên tại Công viên văn hóa Tao Đàn. Không chỉ thiết kế, trưng bày hoa tươi, cây cỏ thành những tiểu cảnh độc đáo, Hội hoa xuân còn tập trung nhiều các hiện vật gỗ, đá, chim muông, kỳ hoa dị thảo của các nghệ nhân, nhà sưu tầm trên cả nước. Những ngày đầu xuân, đó là nơi những người nuôi, trồng, kinh doanh và chơi chim, cá, cây cảnh đến thi thố tài năng. Thành quả lao động và niềm đam mê được trưng ra trước bàn dân thiên hạ.

Hạnh phúc nhất không phải là những tấm bằng khen hay giải thưởng, mà đôi khi đơn giản chỉ là ánh mắt ngưỡng mộ của khách du xuân. Vui hơn nữa là gặp người tri âm, tri kỷ, hiểu và yêu mến mỗi "công trình" độc đáo họ mang đến góp vui với hội hoa.

Nghề chơi cũng lắm công phu, không chỉ là tiền của, tâm sức đổ ra chăm chút thành hiện vật ròng rã nhiều năm liền. Với nhiều hiện vật, để đưa được từ nhà vườn đến hội hoa đã là cả một kỳ công. Một chủ vườn lâu năm ở Thủ Đức, TP HCM, muốn đưa được gốc mai tứ quý được đánh giá khoảng trăm tuổi, cao hơn 2,5m lên đến hội hoa, Ban tổ chức phải bố trí riêng 1 xe tải.

Thành phố cấm xe tải lớn ban ngày, muốn đưa hoa vào tập kết tại trung tâm thành phố, hàng chục con người phải túc trực ban đêm. Cây cao, những khúc đường lòe xòe dây điện, người lái nhích bánh từng chút, đủ thời gian cho những người ngồi sau thùng xe lấy sào "đẩy đuổi" đám vật cản. Cây đến nơi, cả chủ và lái như trút được gánh nặng ngàn cân. Những ngày sau đó, chuyện chủ vườn ăn ngủ cùng cây ngay tại hội hoa không còn là chuyện lạ... Tất nhiên, đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nghề chơi....

Vài năm trở lại đây, dấu ấn mùa hoa Tết còn hiện diện ở ngoại ô thành phố bằng một hội hoa kết hợp chợ hoa xuân hoành tráng trên khu đô thị kiểu mẫu và hiện đại bậc nhất cả nước - Phú Mỹ Hưng. Những cung đường hoa gồm rất nhiều tiểu cảnh được thiết kế độc đáo và rực rỡ. Gợi nhớ những hoài niệm về chốn vùng thôn dã yên bình và thơ mộng của các vùng miền trên cả nước, từ trước Tết nhiều tháng, một đội ngũ từ kỹ sư đến nhân viên chăm bón được tập trung về làm công việc của... nhà nông.

Bóng dáng và nụ cười thiếu nữ cho mùa hoa thành phố thêm tươi sắc.

Đúng ngày khai hội, những ngôi nhà vườn vùng nông thôn Bắc Bộ, những chú trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ dưới gốc cây, bên đống rơm vàng ươm như thơm mùa lúa mới, cánh đồng lúa điểm xuyết cánh cò trắng, vườn bầu bí sai trĩu quả, hay ruộng ngô xanh mướt đang trổ bắp bên guồng nước kẽo kẹt, cảnh tấp nập bán buôn trên bến dưới thuyền của chợ nổi miền Tây... như một bản hòa ca đồng loạt ra mắt. Khu đô thị vốn sang trọng và dành cho... nhà giàu trở thành chốn vui chơi được yêu thích của tất cả mọi người, mọi tầng lớp, cả trong và ngoài nước...

Với khối lượng hoa, kiểng trải khắp vài chục điểm chợ lớn nhỏ khắp thành phố Hồ Chí Minh đã đang trở thành thị trường tiêu thụ hoa kiểng dịp Tết lớn nhất cả nước. Quen thuộc và có quy mô lớn nhất phải đến các chợ hoa được tổ chức tại các công viên khu trung tâm: công viên 23-9, Lê Văn Tám, Gia Định… Hoa từ Đà Lạt đến Sa Đéc, Đồng Tháp, Bến Tre... nườm nượp đổ về, lặng lẽ trong đêm tập kết ở các chợ. Chỉ  sau một đêm, hoa kiểng muôn sắc, rực rỡ phủ khắp các công viên còn vắng khách. Lúp xúp bên các gian hàng, người làm vườn tranh thủ ăn nhanh chiếc bánh mì, rồi ngả lưng tìm kiếm giấc ngủ muộn sau mấy ngày mệt mỏi thức.

Cách thức người Sài thành đi chợ, thưởng hoa ngày Tết cũng tương đối khác lạ. Người đi mua hoa về trưng ngày Tết hay thưởng hoa không chọn buổi sáng. Khi những bông hoa tươi còn long lanh sương sớm - thời điểm được cho là đẹp nhất của hoa trong ngày, cả chợ hoa, đường hoa, hội hoa, vườn xuân đều thưa vắng khách.

Dấu ấn của thành phố - trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước với nếp sống, giải trí về đêm in hằn trong những đêm chợ hoa, đường hoa, hội hoa rực rỡ dưới ánh điện và tấp nập bước chân người. Thế nhưng, cũng chỉ vỏn vẹn trong chục ngày. Ngay trước ngày cuối cùng của năm mới, tất cả các chợ hoa nhộn nhịp nhất cũng đều "biến mất". Các công viên - chợ hoa cũng phong quang. Dấu vết còn lại, có chăng là những đám cỏ bị giẫm nát. Số hoa còn lại chưa kịp tiêu thụ sau các phiên chợ chính có khi trở nên rẻ như cho. Một phần được gom về rải khắp nhiều khu chợ tạm mới mọc hay sát các khu nhà vườn kiêm nơi bán hàng Tết ven đường vùng ngoại ô thành phố. Nơi đây lại là một thế giới hoàn toàn khác. Những chợ hoa muộn ấy thường kéo dài đến gần sát giờ giao thừa và phần lớn dành cho người lao động thu nhập thấp. Họ đợi chờ đêm muộn, khi giá cả đã xuống "tận đáy" mới chọn mua. Bên cạnh hoa là đôi ba chuyến xe chở trái cây bán muộn. Khi các chợ tạm này sạch bóng người cũng là thời điểm giao thừa đã cận kề.

Như thiếu nữ ngủ vùi sau chuyến du xuân khuya mệt nhoài, sáng mùng 1 Tết, các con đường từ ngoại ô đến trung tâm thành phố đều vắng ngơ vắng ngắt. Phố Sài thành quen mà như thật lạ. Nhiều cung đường chật chội bởi dòng xe ken nghẹt ngày thường bỗng thành thênh, thưa vắng. Trước hiên phố, những chậu hoa được chủ nhà mua về trưng Tết trước khi lên đường về quê, đi du lịch xa vẫn lặng lẽ khoe sắc.

Qua chiều, phố phường mới uể oải thức giấc cùng âm thanh xe cộ lưu thông, dù chưa nhiều... Khách lạ đến thành phố cứ thỏa sức chơi xuân. Nếu lỡ mải vui quên cả thời gian cũng không cần ai nhắc nhở, chỉ cần thấy sớm mai một ngày chợt bị đánh thức bởi những còi xe inh ỏi, chắc chắn những ngày vui xuân đã hết. Cũng đừng ngạc nhiên khi phố phường tấp nập, những chậu hoa tươi trước các hiên nhà lần lượt theo chân người công nhân thu gom rác. Thành phố trở lại nhịp sống tất bật thường ngày. Khách du xuân dù luyến tiếc sắc hoa Tết cũng đành ngậm ngùi tạm biệt, đợi mùa hoa mới năm sau.

Hoa Nguyễn
.
.