Sách Việt ra thế giới: Không thể “tự bơi”

Thứ Sáu, 06/04/2018, 08:23
Thị trường xuất bản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Thế nhưng, dấu ấn sách Việt trên thị trường thế giới vẫn là một vệt mờ nhạt. Đưa sách Việt ra biển lớn trở thành nỗi trăn trở thường trực của những người tâm huyết.


Cơ hội đầu tiên để sách Việt tiếp cận bạn bè thế giới chính là các hội sách quốc tế. Đây là nơi để các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên thế giới gặp gỡ, giao lưu và giao dịch bản quyền. Bắt đầu từ năm 2007, ngành xuất bản nước ta chính thức tham gia một số hội chợ sách quốc tế ở Ðức, Nga, Trung Quốc, Mỹ... Trong số đó, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) là một trong những hội chợ lâu đời và lớn nhất thế giới mà Việt Nam vinh dự tham gia.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với các đơn vị xuất bản tại TP Hồ Chí Minh, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách Frankfurt không ngần ngại chỉ rõ số lượng sách, nhà sách Việt Nam ở hội chợ uy tín này còn quá ít ỏi và nhỏ bé so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia.

Các đơn vị xuất bản Việt Nam cũng chỉ chăm chăm săn lùng những cuốn sách bán chạy trên thị trường thế giới để mua bản quyền trong khi ở chiều ngược lại, việc bán bản quyền sách Việt Nam cho đối tác nước ngoài rơi vào lặng lẽ.

Một gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2016. (Ảnh: Thi Nguyên).

Hai lần tham dự Hội chợ sách Frankfurt, bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks cho hay gian hàng xuất bản Việt Nam chỉ dừng lại ở mức trưng bày sách chứ các hoạt động giao dịch bản quyền, triển lãm quảng bá văn hóa, con người... kém hấp dẫn, thua xa các gian hàng khác.

Thời gian qua, việc một số tổ chức, cá nhân nỗ lực bắt tay tìm đường xuất khẩu sách Việt, nhất là mảng sách về văn học rất đáng được ghi nhận. Năm 2002, 2010 và 2015,  Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam với số lượng đại biểu tăng lên theo từng mùa tổ chức (năm 2015 là 150 đại biểu đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ). Nhờ vậy, các tác phẩm như "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi có cơ hội đến với độc giả tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển... 

Trước đó, vài đầu sách Việt được biết đến ở nước ngoài chủ yếu là tác phẩm văn học khai thác về đề tài chiến tranh, tiêu biểu như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm"... Trong khi nhu cầu tìm hiểu các tác phẩm viết về cuộc sống xã hội Việt Nam đương đại của độc giả nước ngoài rất cao nhưng các đầu sách này lại xuất khẩu vô cùng khiêm tốn. Điều đó khiến các nhà xuất bản, tác giả... không thể ung dung ngồi yên một chỗ.

Năm 2011, nhờ Nhà xuất bản Trẻ liều mình dịch cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần sang tiếng Anh và giới thiệu ra thị trường quốc tế qua các trang mạng mà tác phẩm này mới được các nhà xuất bản ở Thụy Điển mua bản quyền. Năm 2012, Chibooks trở thành đại diện chính thức của 20 nhà văn Việt Nam đương đại để chào bán bản quyền 100 tác phẩm của họ ra quốc tế. Năm 2016, Công ty RBook hợp tác với Quỹ đầu tư tài chính Phonein Global Wealth Management để dịch sách của các tác giả Việt sang tiếng Anh, sau đó xuất bản ra nước ngoài. Một nhóm tác giả viết về cách làm mỹ phẩm handmade cũng nhận được đơn đặt hàng từ nước ngoài nhờ nỗ lực quảng bá sách trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, hiệu quả của kiểu "tự bơi" này vô cùng khiêm tốn vì chi phí đầu tư cao trong khi cơ hội bán được bản quyền lại may rủi. Nếu bán được thì khả năng thu hồi vốn không cao vì tên tuổi các tác giả trong nước vốn không được độc giả nước ngoài biết đến. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nhiều đầu sách được dịch và quảng bá ở Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Anh.... nhưng đa phần đều nhờ dịch giả bản xứ yêu thích và tìm cách xuất bản ở nước mình chứ không qua một kênh đại diện chính thức nào. Vậy nên chẳng mấy ngạc nhiên khi theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 400 nghìn bản sách trong khi nhập khẩu tới hơn 41 triệu bản.

Lẽ ra, sách phải được giới thiệu thông qua mạng lưới các đơn vị, những nhà đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp. Kinh nghiệm lâu năm, uy tín và có kênh giới thiệu quy mô toàn cầu là điều kiện thuận lợi để đội ngũ này chia sẻ các đầu sách hiệu quả đến các nhà xuất bản. Nhà đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp cũng có thể định hướng từng tác phẩm để nó phù hợp với từng thị trường, thị hiếu bạn đọc cũng như văn hóa sở tại. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để chào bán.

Sở dĩ sách Việt vẫn loay hoay trong "ao làng" bởi chúng ta đang thiếu đội ngũ các nhà giao dịch bản quyền chuyên nghiệp này. Ngoài ra, hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm vẫn còn nghèo nàn. Các nhà xuất bản nước ngoài thường chú ý tới những cuốn sách phát hành từ hàng chục ngàn cho tới cả triệu bản, mà hầu hết đầu sách trong nước chỉ đạt số lượng vài ba ngàn bản. Đội ngũ dịch thuật, biên tập viên cũng còn yếu.

Sách Việt vẫn mờ nhạt ở thị trường xuất bản thế giới.

Theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, sở dĩ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam không gây tiếng vang trên bản đồ văn chương thế giới dù chúng ta không thiếu kiệt tác là bởi chất lượng bản dịch. Dịch giả không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi tiếng Việt, am hiểu văn hóa các nước. Bởi có giỏi tiếng Việt họ mới nắm được tinh thần tác phẩm, ý đồ tác giả gửi gắm trong từng câu chữ để truyền tải nội dung chính xác, trung thành với bản gốc khi chuyển ngữ. Việc am hiểu văn hóa các nước giúp dịch giả chọn được tác phẩm phù hợp với văn hóa nước đó, tránh cú sốc văn hóa cho độc giả.

Theo bà Claudia, việc đầu tiên mà ngành xuất bản Việt Nam nên làm lúc này là chú trọng đầu tư vào các hội sách quốc tế, nhất là khi các hội sách này đang mở rộng cửa với  nền xuất bản Đông Nam Á. Hội sách là cơ hội để quảng bá và bán bản quyền hiệu quả nhất.

Bà đưa ra lời khuyên: "Trước khi tham gia Frankfurt, các nhà xuất bản nên suy nghĩ  mình tham gia để làm gì, mua bản quyền hay bán nội dung cho đối tác. Khi đã xác định được mục tiêu thì các bạn phải nhanh chóng tìm hiểu người hỗ trợ đầu tư cũng như đối tác để tham gia. Ngoài việc cần có khu gian hàng lớn hơn, sẽ tốt hơn cho xuất bản Việt nếu các bạn mang một số nhà văn sang diễn thuyết tại Frankfurt, hoặc tổ chức một số sự kiện về văn chương và xuất bản".

Hiện nay, ngành xuất bản Việt Nam đang bắt kịp một trong những xu hướng quan trọng của thế giới. Đó là dòng sách của tác giả trẻ dành cho độc giả trẻ phát triển ồ ạt. Do đó, theo các chuyên gia giao dịch bản quyền, thay vì cố gắng đưa những tác phẩm văn học, nghiên cứu có nội dung phức tạp ra nước ngoài, các đơn vị trong nước có thể bắt đầu bằng các loại sách dành cho trẻ em, thanh thiếu niên; dòng sách kỹ năng; sách y tế giáo dục; sách về ý tưởng kinh doanh, nghệ thuật ... Đây là những dòng sách mà độc giả trẻ nào trên thế giới cũng đọc được và ưa thích.

Mỗi năm, Hội chợ sách Frankfurt sẽ mời một quốc gia làm khách mời danh dự. Quốc gia này sẽ được Hội chợ sách giới thiệu hình ảnh văn hóa, xã hội, con người, du lịch, xuất bản của họ và hỗ trợ tập trung bán bản quyền ra thế giới. Vậy làm thế nào để trở thành khách mời danh dự của Frankfurt?

Bà Claudia cho rằng Việt Nam cũng có cơ hội tương tự nếu Việt Nam vạch ra một chiến lược lâu dài và có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, bởi khó có đơn vị riêng lẻ nào đủ khả năng và kinh phí để tự lực cánh sinh.

Một ví dụ điển hình là Indonesia. Năm 2015, chính phủ Indonesia đã chi 15 triệu USD để nước này trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên làm khách mời danh dự của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Từ cú hích này, ngành du lịch, văn hóa... của Indonesia tăng trưởng gấp đôi những năm trước đó. Rõ ràng, xuất khẩu sách không đơn thuần chỉ thu lợi về kinh tế mà còn là bước đi hữu hiệu khi xuất khẩu văn hóa, quảng bá thương hiệu và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Mai Quỳnh Nga
.
.