Sắc màu phái đẹp

Thứ Hai, 06/11/2017, 13:58
Từ ngày 30-10 đến 7-11, 15 nữ họa sĩ ba miền sẽ hội tụ cùng nhau tổ chức triển lãm tranh "Sắc màu Bắc - Trung - Nam" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội).  


Triển lãm giới thiệu khoảng 50 tác phẩm hội họa của các nữ họa sĩ, vẽ trên nhiều chất liệu với các cá tính sáng tạo khác nhau. Trong đó, gửi gắm tâm tư tình cảm của những "người mẹ nghệ sĩ" với những trăn trở và cảm xúc về đời sống quanh mình. Đây thực sự là nơi hội tụ của "Sắc màu phái đẹp" trong khuôn khổ tháng 10 - tháng có ngày tôn vinh Người Phụ nữ Việt Nam.

Ở lần hội ngộ thứ 9 này, triển lãm "Sắc màu Bắc - Trung - Nam" có sự tham gia của 7 họa sĩ tại Hà Nội là Hà Khanh, Bùi Mai Hiên, Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Thanh Thục, Nguyễn Thị Mỵ, Ngô Hải Yến, Tào Hương; 4 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Tâm, Đặng Thị Dương, Cao Thị Được và Trần Thùy Linh, 2 họa sĩ ở Huế là Nguyễn Thị Huệ và Ngô Đình Bảo Vy và 1 họa sĩ ở Gia Lai là Hồ Thị Xuân Thu. Sự đa dạng vùng miền đã thực sự đem đến những mảng màu đặc trưng, đa dạng: Hồ Thị Xuân Thu góp vào triển lãm sắc màu từ các dân tộc ở Tây Nguyên, ở đó như đang vọng ra tiếng trống, tiếng chiêng và nhịp chày giã gạo...; họa sĩ Đặng Thị Dương (TP Hồ Chí Minh) mang đến triển lãm "Sông nước Hậu Giang". Họa sĩ Trần Thanh Thục, Hà Khanh (Hà Nội) sẽ một lần nữa khiến công chúng có cảm xúc thật dịu dàng với những tác phẩm với chủ đề Hà Nội là "Ký ức Hà Nội" và "Hà Nội phố"...

Một góc của triển lãm “Sắc màu Bắc - Trung - Nam”.

Ở triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm (TP Hồ Chí Minh) - một trong những người có công sáng lập nhóm, cũng là người cao tuổi nhất trong triển lãm lần này, năm nay bà đã 81 tuổi. Người trẻ nhất tham gia triển lãm là họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy (Huế). Bảo Vy thuộc thế hệ họa sĩ 7X, được biết đến là một họa sĩ dòng tranh ứng dụng, đầy đam mê với dòng tranh trúc chỉ và là người góp phần quan trọng trong việc khôi phục dòng tranh này ở Huế. Đến với triển lãm lần này, Bảo Vy cũng mong muốn công chúng Thủ đô hiểu thêm về dòng tranh trúc chỉ.

Từng nhiều lần tham gia triển lãm "Sắc màu", họa sĩ Trần Thùy Linh được coi là một cá tính sáng tạo đặc biệt. Thùy Linh thường xuyên mô tả cận cảnh vẻ đẹp của những cánh hoa, biến những cánh hoa nhỏ trở nên hết sức ấn tượng giống như được nhìn qua một lăng kính phóng đại, đồng thời đã làm nên một "cõi hoa" của riêng chị. Thùy Linh đã đem đến triển lãm với những bức tranh phong cảnh Tây Bắc kỳ vĩ, màu sắc liêu trai. Họa sĩ cũng chia sẻ rằng đó là những tác phẩm được thực hiện trong những ngày tháng "đắm mình" vào những chuyến đi thực tế làm phong phú vốn sống và cảm xúc sáng tạo của mình.

Chia sẻ về lần tham gia triển lãm này, họa sĩ Trần Thanh Thục - người từng để lại dấu ấn đặc biệt với người yêu hội họa ở tranh cắt vải cho hay: "Mọi cuộc triển lãm đã tổ chức đều do các họa sĩ "tự túc" hết. Vì thế, ngoài việc lựa chọn chất lượng tranh, còn là "cách chơi" nữa. Từ đó chúng tôi tiếp lửa, nâng đỡ nhau trong cuộc sống và sự sáng tạo".

Một thú vị khác, nhóm cũng không chốt danh sách cố định, mà hoạt động theo hướng mở. Với mỗi triển lãm, họ lại có thêm những cá tính hội họa mới. "Nhưng đó phải là những họa sĩ có nét riêng, chú trọng chất lượng nghệ thuật chứ không phải là những họa sĩ vẽ theo kiểu phong trào" - họa sĩ Bùi Mai Hiên - "thủ lĩnh" nhóm họa sĩ phía Bắc nói.

Mở ra hoạt động này, các nữ họa sĩ gửi gắm mong muốn có một sân chơi bổ ích dành riêng cho những nữ họa sĩ thể hiện "tình yêu nghề nghiệp". Bởi thực tế, chưa có một triển lãm toàn quốc dành riêng cho phụ nữ nhưng bằng việc "tự lực cánh sinh", nhóm nữ họa sĩ vẫn duy trì được sân chơi riêng cho mình và còn là nguồn "tiếp lửa" cho bạn bè, đồng nghiệp.

Phải nói rằng, để có được sân chơi lành mạnh, ý nghĩa và hoạt động có chiều sâu mà luôn đầy ắp ý tưởng như thế này phải kể đến một phần là chủ ý của những người khởi xướng và có vai trò kết nối các thành viên như họa sĩ Bùi Mai Hiên, Nguyễn Thị Lan Hương (Hà Nội), Nguyễn Thị Tâm (TP Hồ Chí Minh)… Một phần khác, cũng khá quan trọng, đó là nhiều thành viên trong nhóm đều là những họa sĩ đang sung sức, và bán tranh khá… đắt hàng.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên cho rằng, đó cũng chính là những phần thưởng xứng đáng dành cho người họa sĩ. Chị còn ví von: "Cũng có khi ta yêu một người đàn ông mà chẳng hề được đáp lại hoặc chỉ đáp lại vài phần. Nhưng nếu ta yêu nghệ thuật 10 phần, nó cũng đáp trả ta được đến 7-8 phần. Đó chính là những phần thưởng xứng đáng dành cho những người sáng tạo...".

Cùng chung quan điểm này, họa sĩ Mai Khanh chia sẻ: "Phải nói rằng, chỉ có một tình yêu mãnh liệt mới có thể cần mẫn, thậm chí lao lực vì nghệ thuật. Chỉ có dấn thân mới có thể có những giây phút sáng tạo ào ạt, cảm hứng tuôn trào như dòng thác, đến nỗi một ngày dành tới 18 giờ đồng hồ trước toan và cọ. Và như thế, với những họa sĩ chuyên nghiệp, dù chẳng đặt nặng chuyện kinh tế, nhưng một lúc nào đó họ vẫn bán được tranh khi "duyên" đến. Đó là phần thưởng mà nghệ thuật đền đáp. Và xét cho cùng, chúng tôi vẫn sống bằng tranh đấy thôi! Tất cả những người bạn của tôi đều sống được bằng tranh, bằng sự sáng tạo của mình và đó là điều đáng để tự hào lắm chứ!".

Những nữ họa sĩ nhắc tới trên là những người khá đặc biệt: họ dường như sống mạnh mẽ, luôn chất chứa đam mê và đặc biệt là sự dấn thân, hết mình vì niềm đam mê ấy là điều dễ nhận ra. "Sắc màu Bắc - Trung - Nam" với sự hội ngộ 15 nữ họa sĩ với 15 phong cách và cá tính sáng tạo khác nhau được dự cảm sẽ đem đến cho công chúng Thủ đô một cái nhìn tổng quan đầy trìu mến về đời sống nội tâm và những sáng tác họa sĩ nữ sống rải rác ở cả 3 miền. Nhưng tựu trung lại, họ đều là những họa sĩ chung một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, vẽ bằng  những rung động, sự nhạy cảm của trái tim trước thế giới quanh mình để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và hiện thực hóa những giấc mơ. Nói theo cách của học sĩ Mai Hiên: "Điểm chung của chúng tôi là đều "trút tình yêu vào tranh" mỗi ngày!"...

Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương:

Năm 2009, tôi có tham dự một triển lãm ở TP Hồ Chí Minh thì tình cờ được gặp họa sĩ Nguyễn Thị Tâm - một họa sĩ có tuổi đời tương đương với tuổi của mẹ tôi. Lúc đó tôi đã rất ngạc nhiên trước hình ảnh một nữ họa sĩ lớn tuổi vẫn phăm phăm bê những bức tranh sau triển lãm của mình. Tôi bèn nảy ra ý tưởng rằng tại sao lại không quy tụ một nhóm họa sĩ có "máu nghề" như thế này để thành lập một nhóm triển lãm nữ Bắc - Nam.

Vậy là từ đó đến nay, đã có 8 triển lãm "Sắc màu" thành công và đây là triển lãm lần thứ 9. Khi thì tổ chức ở miền Bắc, lúc ở miền Nam, khi thi ở miền Trung và bọn tôi còn lang thang lên cả Buôn Ma Thuột, Gia Lai...

Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng vẽ một bức tranh ra để bán. Bởi lẽ đối với tôi tác phẩm cũng giống như "người yêu" vậy, bạn sẽ chỉ quan tâm đến người nào ảnh hưởng tới những rung cảm của bạn. Vì thế chúng tôi không bao giờ quan tâm đến "sự bán" của mỗi nghệ sĩ. Cái đó thuộc về "duyên", "lộc" hay sự may mắn của mỗi người.

Để có được sức mạnh và duy trì được cảm xúc của cuộc chơi này đó là sức mạnh đến từ mỗi cá nhân và mỗi người sẽ có một con đường riêng. Tôi cảm thấy rất vui thích, và tự hào về điều này.

Họa sĩ Tôn Nữ Tâm Hảo:

Gần đây, sự cố môi trường biển Formosa đã tác động mạnh đến tâm cảm của tôi. Là người Việt, ai cũng đau lòng trước những biến cố như vậy và nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến việc xả thải vẫn liên tiếp xảy ra.

Là người cầm cọ, tôi mong muốn dùng hình tượng nghệ thuật để nói lên nỗi đau đó, mà ở bức "Khát sống" và "Cá" tôi gửi đến triển lãm "Sắc màu" tôi đã sử dụng màu sắc như một phương tiện để thay tôi nói lời tâm sự với cuộc đời. Và đó cũng là hoài bão của người làm nghệ thuật.

Quả thực, với bức "Khát sống", tôi gửi gắm rất nhiều điều qua những đôi mắt mở lớn đầy khao khát, những chiếc miệng như muốn nói điều gì... Đó chính là nỗi khao khát vô bờ của những sinh linh bé dại hay của chính con người trước những con sóng vô thường. Sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường biển đã làm chính con người và những sinh vật biển đau khổ, không còn đất sống.

Tôi ước gì mọi người sẽ chung tay bảo vệ vẻ đẹp của biển để biển mãi đẹp đầy sức sống và biển lại vỗ về, nâng niu tâm hồn con người...

Hà Anh
.
.