Sắc màu dân gian trong đời sống đương đại: Sự “tái sinh” rực rỡ

Thứ Năm, 01/11/2018, 07:51
Trong những năm qua, có một tín hiệu rất đáng mừng, đó là những nỗ lực phục hồi các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh kính Sóc Trăng, tranh gói vải Đồng Tháp đã mang lại những hiệu quả tích cực.


Nhiều triển lãm các dòng tranh dân gian đã được tổ chức nhiều lần để người xem có cơ hội được tiếp cận với những sắc màu rực rỡ đã có từ ngàn năm của cha ông. Đáng mừng hơn, ngày càng nhiều những sắc màu từ tranh dân gian có được sự tái sinh rực rỡ, có tính ứng dụng cao trong đời sống hôm nay.

Sức sống của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại

Từ ngày 24-10 đến ngày 10-11-2018, tại nhà Thái Học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra một triển lãm đáng chú ý, đó là triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng" do Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức.

Tại triển lãm này, du khách không chỉ có cơ hội ngắm nhìn các sản phẩm ứng dụng từ tranh Kim Hoàng gồm: Tranh vẽ, thời trang có họa tiết tranh Kim Hoàng và các sản phẩm gia dụng, trang trí khác có sử dụng tranh Kim Hoàng mà còn có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa thú vị với những tư liệu được sưu tầm, trưng bày về 6 dòng tranh dân gian Việt Nam nổi tiếng. Đó là: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh kính Sóc Trăng, tranh gói vải Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho biết: "Cùng với 5 mẫu lợn được một nghệ nhân kiêm nhà điêu khắc giỏi đưa lên gốm Biên Hòa; những chú lợn ngộ nghĩnh đáng yêu trong tranh dân gian Kim Hoàng còn được đưa lên những viên đá cuội có thể dùng chặn giấy. Hình ảnh con lợn trong tranh dân gian Kim Hoàng cũng được đưa lên đĩa gốm Bát Tràng, lên pha lê, lên thớt gỗ...

Đặc biệt, chuẩn bị đón xuân Kỷ Hợi 2019 - năm con lợn của vòng xoay 12 con giáp - bộ lịch đón xuân Kỷ Hợi 2019 có in hình những chú lợn của dòng tranh Kim Hoàng cũng sẽ được ra mắt trong tuần tới. Hy vọng những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang đậm màu sắc văn hóa dân gian này sẽ chiếm được cảm tình tốt đẹp của công chúng...".

"Người mẫu nhí" trình diễn các bộ trang phục lấy cảm hứng từ tranh Kim Hoàng.

Bên cạnh sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được trưng bày trong triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng", có một phần trưng bày hết sức thú vị không thể không nhắc tới, đó là tranh vẽ và các sản phẩm thời trang do các em thiếu nhi vẽ, sáng tạo. Đây là kết quả được chọn lọc từ các tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng" do CLB Cùng Bé Sáng Tạo phối hợp tổ chức từ trung tuần tháng 6-2018.

Chỉ sau 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm của các bạn nhỏ tại Hà Nội. Trong số đó có khoảng hơn 200 tác phẩm là tranh vẽ, gần 30 các thiết kế thời trang, 45 thiết kế các sản phẩm khác như bưu thiếp, thiết kế túi, khăn, làm mô hình sáng tạo, đồ chơi, đồ dùng học tập...

Điều này cho thấy, tranh dân gian Kim Hoàng sau một thời gian ngắn được phục dựng, đã được biết đến và dần có được chỗ đứng trong đời sống đương đại, được các em thiếu nhi rất yêu thích, hứng thú. Trong khuôn khổ của triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng", tối 24-10, 27 bộ trang phục đặc sắc lấy ý tưởng từ tranh dân gian Kim Hoàng đã được các bạn nhỏ của Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường Tiểu học Thực nghiệm và Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trình diễn.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, các hoạt động giới thiệu và quảng bá tranh dân gian Kim Hoàng thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cũng với chủ đề ứng dụng những họa tiết truyền thống vào đời sống - ứng dụng, từ ngày 1 đến 7-11-2018, tại Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc (17 Yết Kiêu - Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm "Ứng dụng họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm và thiết kế bao bì". Đây là một trong chuỗi các hoạt động tiếp nối dự án sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống" và triển lãm là bước tiếp theo trên hành trình của một nhóm các bạn trẻ với dự án lan tỏa và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt cùng nhau tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống" của tác giả Trịnh Thu Trang gồm 188 trang là tư liệu hữu ích cho ngành thiết kế, mỹ thuật và những người yêu mến văn hóa dân gian Việt Nam với 192 gợi ý phối hợp màu sắc từ 6 bộ màu chính của tranh Hàng Trống; 16 cách phát triển họa tiết sáng tạo từ 4 nhóm họa tiết cổ; 95 họa tiết sáng tạo được trình bày trong sách trên tổng số gần 500 họa tiết do nhóm thiết kế S-River phát triển; 6 mô hình sản phẩm ứng dụng các họa tiết sáng tạo do S-River thực hiện cùng hướng dẫn cụ thể.

Tác giả Trịnh Thu Trang - người có kinh nghiệm hơn 9 năm trong ngành thiết kế, từng làm thiết kế đồ họa và giảng dạy tại Rio Creative và Đại học Kiến trúc Hà Nội - và cũng là một nhà thiết kế trẻ say mê với những sắc màu, họa tiết từ các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Đã vơi nỗi lo thất truyền

Trong kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Về cơ bản, với thứ ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi.

Nhưng trong dòng biến thiên của lịch sử, trải qua những năm tháng đất nước chiến tranh, nền kinh tế chuyển đổi, có dòng tranh tưởng chừng như đã hoàn toàn biến mất như tranh Kim Hoàng, nhưng nhờ tâm huyết của một số người yêu tranh, những "manh mối" về tranh Kim Hoàng đã được tìm ra,, rồi kỳ công phục dựng, trong đó người có công lao rất lớn phải kể đến đó chính là nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.

Bìa cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống".

Với nhiều khó khăn, vất vả, bao mồ hôi công sức và tâm huyết đã đổ ra, đến nay dòng tranh Kim Hoàng đã được khôi phục lại không những gần như đầy đủ mà còn là dòng tranh có sức sống, sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bởi vì làng Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) - cái nôi của dòng tranh Kim Hoàng chỉ cách trung tâm Hà Nội tầm hơn 20km.

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ thêm: "Đối với các em thiếu nhi, cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng" là khá khó, bởi các ý tưởng sáng tạo những ứng dụng từ tranh dân gian không hề dễ dàng. Các ngữ nghĩa của tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Kim Hoàng nói riêng là sự vận dụng vào ngữ cảnh của đời sống đương đại phải hết sức linh hoạt, sáng tạo.

Thông qua các tác phẩm của các bạn nhỏ với rất nhiều các ý tưởng khác nhau, có những ý tưởng rất ngộ nghĩnh về hình tượng gà thần, hình tượng lợn hay hình tượng các vị thần tài, môn thần đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta, mang đến những niềm vui cho cuộc sống. Các tác phẩm thời trang cũng hết sức sinh động khi những chi tiết đắt nhất của tranh dân gian Kim Hoàng đã được thể hiện trên các trang phục chứ không chỉ là sự sao chép các hình ảnh của tranh dân gian.

Chúng tôi hy vọng, với sự tìm tòi, khám phá, niềm yêu thích của các em thiếu nhi thông qua các cuộc thi ý tưởng sáng tạo vừa qua sẽ "chắp cánh" cho tình yêu nghệ thuật đối với các bạn nhỏ nói chung và đối với dòng tranh dân gian nói riêng. C

ó được  đội ngũ măng non yêu thích những nét văn hóa truyền thống và đưa được chúng vào trong hơi thở của cuộc sống đương đại thì nguy cơ mai một, thất truyền của các dòng tranh dân gian nói chung và tranh Kim Hoàng nói riêng cũng được giảm thiểu...".

Cũng tương tự, với dòng tranh Hàng Trống, 6 tháng kể từ khi cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống" ra mắt sách và tạo được ấn tượng, người đại diện của S-River cho biết, đơn vị này đã có duyên may được hợp tác với nhiều doanh nghiệp làm sản phẩm tâm huyết và mong muốn kể những câu chuyện tự hào về sản phẩm bằng những hình ảnh, thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc.

Thông qua triển lãm với các sản phẩm được trưng bày lần này là thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, sản phẩm thủ công - mỹ nghệ như khăn lụa Nha Xá, vỏ hộp xà bông thơm Cỏ Mềm, Sổ tay chỉ khâu châu Á và túi tote của Monosketch, Bao bì trà xanh của Dreamfarm, Áo thời trang của nhà thiết kế Trần Thảo Miên..., S-River muốn một lần nữa nhân lên niềm tự hào đó.

Bằng cách kết hợp trưng bày giữa tranh dân gian Hàng Trống và những sản phẩm ứng dụng thực tế, triển lãm "Ứng dụng họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm và thiết kế bao bì" hy vọng mang đến công chúng một không gian lưu giữ những giá trị thuyền thống theo một phương thức hoàn toàn tươi mới, hiện đại và đầy cảm hứng.

Nguyệt Hà
.
.