Rượu quê, lửa làng

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:00
Mảnh đất người ta sinh ra thường được gọi bằng cái tên thiêng liêng là chốn hương hỏa. Hương và hỏa. Trong tâm thức Việt, luôn có cái để thưởng thức và cái để ngưỡng vọng đi liền nhau. Một chén rượu quê cũng là hương, một ánh lửa đêm hội chính là hỏa. Những đứa trai làng Phúc Lộc (Quảng Trị) chúng tôi hiểu hương hỏa thêm một ý nghĩa khác: rượu quê và lửa làng.

Một ngày đẹp trời, mấy đứa bạn ngồi chơi liền nghĩ đến việc chuẩn bị cho Tết. Và Tết, đối với thanh niên phải có chút rượu, chút men Xuân. Rượu như đánh dấu nút trưởng thành để những đứa trẻ quê trở thành chàng trai. Thôi nôi thôi nít. Cái nghi thức "thôi nôi" ông bà cúng cho hồi nhỏ, còn nghi thức "thôi nít" không ai cúng mà chỉ dùng rượu để uống với nhau.

Một đứa chạy đi kiếm cái lu đất nung. Đứa khác kiếm vài lít rượu của một nhà trong làng nấu. Thứ rượu gạo được ủ lên men tự nhiên và chưng cất theo phương pháp truyền thống. Rót rượu vào lu, chêm nùi thật chặt, xong đào một chỗ đất giữa vườn và chôn. Cái chỗ đất cha chôn nhau rốn ngày trước, giờ con chôn hũ rượu để khai sinh thêm một lần nữa.

Chụp cái ảnh chôn rượu đưa lên mạng xã hội, mấy đứa trai làng ở xa thèm thuồng, thèm quê, hối hả bảo nhau đi đặt vé tàu vé xe chuẩn bị về quê ăn Tết. Thế là cái hương rượu chỉ nhìn qua ảnh đã kéo người ta về với mảnh đất hương hỏa.

Những ngày áp Tết, chờ cho đứa trai làng cuối cùng trở về, tất cả họp lại để đào rượu lên. Hồi hộp không thể tả. Cứ như điều ấp ủ cả năm nay đến kỳ bật mở. Một ít mồi mặn gói trong lá chuối xanh. Một cây đàn guitar gỗ. Củi chất thành đống để đốt lên và ngồi quanh. Thế là thành hội xuân.

Bật nắp nùi, chén rượu đầu tiên không uống mà được hắt vào lửa như để thử rượu. Ngọn lửa phực lên. Mùi thơm của men gạo quyện với mùi khói thành một thứ mùi đồng quê. Chén rượu ấy cũng là để mời những đứa ở xa vì điều kiện không về được. Rưng rưng, bùi ngùi, thương bạn như một người ruột thịt. Lại tút tít điện thoại rung lên, một đứa phương xa bảo thèm nghe mùi lửa cháy. Thì đây, chuốc thêm chén nữa vào lửa.

Chén rượu tiếp theo dành cho đứa chưa có người yêu, chưa lấy vợ, hoặc lấy vợ nhưng chưa có con. Rượu giúp người ta chia sẻ và san sẻ. Uống đi để hy vọng xuân mới có tình duyên mới. Uống đi để năm mới có tay bế tay bồng. Thế mà qua năm có đứa dắt người yêu về giới thiệu, có đứa báo hỷ, có đứa mời cơm tháng con. Cứ như rượu hiểu được những mong mỏi của người ta. Sau đó rượu được rót và uống vòng tròn. Chén đến lượt, người được uống thường nâng rượu lên kể vài niềm vui, những điều chưa làm được trong năm. Tròn hay méo thì cũng rồi, kể ra để bạn bè hiểu nhau thêm.

Câu chuyện bên đống lửa bao giờ cũng bồi hồi. Thằng bạn từ Sài Gòn về, xuýt xoa đôi bàn tay bảo sướng quá. Ở trong đó, nói như người miền Nam là mình không có nổi cục đất chọi chim, lấy đâu ra chỗ để chôn rượu, lấy đâu ra chỗ để đốt lửa. Về quê mình tha hồ, đất làng là đất ta, rượu quê ủ từ hạt gạo mẹ ta trồng. Nói xong bạn cởi đôi giày rồi giẫm chân xuống đất như để xác thực đất ta đây rồi.

Tôi đồng cảm với bạn điều này, tôi đã từng ba năm xa quê, ba cái Tết không được về nhà. Lúc bên ta đang đón xuân thì Belarus lạnh cực độ, tuyết phủ trắng thành phố, sông đóng băng. Chiều tất niên nhóm sinh viên Việt phải đi ba chục cây số ra ngoại ô, thuê khu nhà nghỉ mát của người bản xứ lúc này đang bỏ hoang để tổ chức đón giao thừa. Không thể nhóm củi, vì đó không phải nhà mình. Càng không thể đưa ra sân đốt lửa vì tuyết phủ hết cả rồi. Thế mới biết không gì bằng quê ta.

Rượu ngà ngà, chuyện trò đã vơi thì đến phần ca hát. Cái guitar chuyền tay. Chơi với nhau hoài nên nhóm bạn đứa nào cũng biết đàn. Những đứa không đàn thì gõ nhịp. Phần kết bao giờ cũng hát tập thể và đi vòng quanh đống lửa. Cho đến lúc lửa tàn thì rượu đã ngấm, nồng nàn men xuân, ấm áp tình cảm bạn bè. Cái đứa đi xa trở về lưu luyến nhất, nghĩ khi rời quê bôn ba xa xứ được mấy ngày ấm áp như giờ đây.

Chúng tôi giữ thói quen hội ngộ này mỗi dịp Tết, và thường tổ chức đốt lửa vào đêm giao thừa. Trong chút se lạnh đêm trừ tịch, giữa cái màn đen tối như đêm ba mươi, rượu làm ấm thêm tình người và lửa hắt sáng lên những khuôn mặt. Những điều giản dị như thế mà nên tập tục và văn hóa sống.

Hoàng Công Danh
.
.