Rộn ràng với "Trung thu chia sẻ"

Thứ Bảy, 17/09/2016, 08:22
Những ngày lễ, tết dành cho các cháu thiếu nhi như 1-6, Rằm Trung thu dường như đã trở nên là những ngày đặc biệt ý nghĩa. Là dịp để người lớn trao cho trẻ em mối quan tâm, tình yêu thương và dành làm nhiều việc thiết thực ý nghĩa  cho con, em của mình. Đặc biệt Tết Trung thu năm 2016, được tổ chức khắp nơi trên cả nước với một tinh thần: "Trung thu yêu thương, Trung thu chia sẻ".


Trò chơi dân gian lên ngôi

Tết thiếu nhi 1-6 hay Tết Trung thu cho các bạn nhỏ trên khắp mọi miền của Tổ quốc giờ đây không còn đơn thuần là tết của những trẻ em có điều kiện, của gia đình có điều kiện hay tổ chức đoàn thể có điều kiện nữa. Lâu nay, trẻ em trên khắp nước Việt không phân biệt giàu nghèo, miền núi sâu hay vùng xa hải đảo đều được hưởng những cái Tết Trung thu trọn vẹn vì có cộng đồng chung tay tổ chức.

Lễ hội Rằm Trung thu năm nay đặc biệt hơn ở chỗ các đơn vị tổ chức đều mong muốn cho các bạn thiếu nhi được sống lại một không gian thấm đẫm văn hóa xưa, được chơi những trò chơi dân gian xưa, hiểu và thấm nhuần hơn những nét tinh túy của cội nguồn văn hóa Việt.

Một trong những hoạt động đặc sắc trong Tết Trung thu dành cho các bạn thiếu nhi năm nay, đó là ngày hội “Vui Tết Trung thu 2016” tại Hoàng Thành Thăng Long do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân dân gian tổ chức.

Chương trình diễn ra từ ngày 9-9-2016 đến 11-9-2016 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Trong không gian rộng rãi, thoáng mát của Hoàng thành Thăng Long, các em thiếu nhi được xem múa rối cạn, múa sư tử do các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu và đội múa sư tử làng Triều Khúc biểu diễn.

Nhiều trò chơi dân gian cũng được tái hiện để các em tham gia thật vui nhộn như: Đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống …

Trung thu của những bạn nhỏ ở nông thôn.

Ngoài vui chơi thỏa thích, các em còn được tham gia làm các loại đồ chơi truyền thống và làm bánh Trung thu cùng với các nghệ nhân. Các em được hướng dẫn và trực tiếp tạo ra những sản phẩm của mình. Cùng học, cùng chơi, cùng làm nhiều loại đồ chơi như: Bồi và tô vẽ mặt nạ; làm đèn Ông sao, đèn con Thỏ, đèn Kéo quân; nặn Tò he; làm ông Tiến sỹ giấy và ông Đánh gậy trông trăng, làm gốm Bát Tràng (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống) …

Nhóm họa sĩ G39 - một trong những nhóm tác giả yêu nghệ thuật và hướng nghệ thuật về với cuộc sống đã hướng tới lễ hội trăng rằm trong Tết Trung thu năm nay bằng một hoạt động chào đón các em thiếu nhi với triển lãm "Mặt nạ, mặt". Đây là một triển lãm bày tranh chân dung kèm mặt nạ vẽ với sự tham gia của các họa sĩ và các em thiếu nhi yêu thích hội họa.

Ngoài những tác phẩm được chuẩn bị trước, nhóm G39 sẽ đồng hành hướng dẫn các em nhỏ sáng tạo trực tiếp trên những chiếc mặt nạ thông qua màu và bút vẽ. Họa sĩ Lê Thiết Cương - người đứng đầu nhóm G39 chia sẻ rằng: Đây được xem như một món quà nhỏ nhóm họa sĩ dành cho các em, đồng thời cũng để hoàn thiện ý tưởng triển lãm “Mặt” năm 2015 mà nhóm đã theo đuổi.

“Mặt nạ, mặt” 2016 với hai hình thức thể hiện (mặt nạ và tranh tự họa) đem đến một cái nhìn đa diện hơn về chính “gương mặt tinh thần” người họa sĩ: nhiều màu sắc, giàu tâm trạng và biến ảo. Sử dụng vải gai làm tóc hay băng bịt mắt, họa sĩ Tào Linh đã tạo hình những chiếc mặt nạ giống gương mặt thật trong khi những bức tranh chân dung (theo bốn mùa) của anh lại khiến người xem liên tưởng đến những mặt nạ sân khấu hay gương mặt tượng nhà mồ.

Chọn vẽ chân dung với hoa sen, nhưng tranh của họa sĩ Bình Nhi không mang nét nhẹ nhàng đơn thuần mà ẩn chứa tâm trạng phức tạp; tranh của họa sĩ Hồng Phương lại có vẻ ma mị, huyền bí, mê hoặc. Họa sĩ Phạm Trần Quân gây ấn tượng thị giác bằng cách chia và trộn các mảng màu tạo nên “mảnh ghép chân dung” chứa đầy con người, ngôi nhà và những ô cửa…gắn bó với bao kỷ niệm ngây thơ của tuổi thơ bé.

Đặc biệt đến với triển lãm có nhiều những bạn nhỏ yêu và đam mê hội họa đã hòa cùng nhóm G39 để sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo của các em. Là một dịp, một nơi chốn, khoảnh khắc để các em vẽ về những giấc mơ của mình thông qua những gương mặt các em trong trí tưởng tượng.

Triển lãm mang một ý nghĩa hội họa chung: vẽ “mặt nạ” cũng là “vẽ” mặt thật, vẽ chân dung cũng là “tự họa” mình. Triển lãm cũng tạo một sân chơi, nơi trẻ em được chọn một món đồ chơi truyền thống (mặt nạ giấy bồi) cho ngày Tết của mình; được gắn kết bằng những kỷ niệm với người thân trong gia đình, với bạn bè xung quanh mình.

Ở phố cổ Hà Nội, một lễ hội Rằm Trung thu cũng được tổ chức trên khắp các tuyến phố với những trò chơi dân gian lên ngôi, những hoạt động bổ ích như cùng với nghệ nhân vẽ lân, sư tử, làm mặt nạ, làm bánh, nặn tò he...

Câu chuyện sự tích đêm Trung thu ở Hoàng Thành Thăng Long.

Với mong muốn hướng cho các bạn thiếu nhi Thủ đô đến với các trò chơi dân gian cổ truyền, để hiểu hơn phong tục tập quán và tâm hồn của người Việt, giúp các em tìm hiểu và hướng về những nét văn hóa cổ truyền, các nhà tổ chức đã chú trọng tạo ra một không gian sinh động đậm đặc những hoạt động văn hóa truyền thống, nhằm bồi dưỡng tâm hồn  các em tình yêu quê hương, đất nước, yêu nguồn cội.

Rộn ràng các hoạt động thiện nguyện

Mang một trung thu chia sẻ, một Trung thu đầy ắp tình yêu thương đến với các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các tổ chức thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc đã có những hoạt động vô cùng ý nghĩa về một “Tết Trung thu, Tết của sẻ chia”.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, Trung ương Đoàn phố hợp với các câu lạc bộ Tuổi Trẻ đã tổ chức ngày hội Trung thu tại giường bệnh của các em. Với mong muốn mang lại một Tết Trung thu tràn ngập tình yêu thương và nụ cười trẻ thơ, thắp sáng niềm hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp phía trước cho các bạn nhỏ đang bị bệnh ở bệnh viện. Tết Trung thu ở các bệnh viện thật sự mang lại một ý nghĩa đặc biệt.

Ở Bệnh viện K3 Tân Triều, nơi các em nhỏ bị ung thư đang được điều trị tại đây cũng thường xuyên được đón các đoàn thiện nguyện tới tổ chức Tết Trung thu và tặng quà động viên các em nhỏ và gia đình vượt qua nỗi đau bệnh tật sớm trở về với cộng đồng. Tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cũng đã có hoạt động phối hợp với Trung tâm tình nguyện quốc gia và Hội Thanh niên tổ chức Tết Trung thu với hoạt động chính là hiến máu tình nguyện “Trung thu cho em”.

Chương trình thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến tình nguyện hiến máu và có khoảng 2.500 đơn vị máu dã được hiến để dành tặng các bệnh nhi đang ngày đêm gánh chịu nỗi đau do bệnh tật gây ra, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong dịp hè 2016. Chương trình mang thông điệp hãy chung tay giúp đỡ các bệnh nhi nhanh chóng bình phục, ổn định sức khỏe, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, vui Tết Trung thu.

Ngoài sự tham gia của các đoàn viên thanh niên hiến máu, ngày hội còn có những hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa như giao lưu với các em bệnh nhi, vẽ tranh vân tay khổng lồ, các hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng…

Bên cạnh đó, dịp Tết Trung thu cũng là lúc các tổ chức đơn vị thiện nguyện phát huy vai trò, lòng nhiệt thành cùng với trái tim yêu thương của mình để kết nối với cộng đồng chung tay quyên góp, tổ chức những cái tết ấm áp tình người cho trẻ em ở vùng cao biên giới.

Mang đến cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn những cái tết trọn vẹn yêu thương. Những tổ chức thiện nguyện tự phát nổi tiếng với các hoạt động từ thiện trên các trang mạng xã hội trong đó phải kể đến những gương mặt sáng giá như nhà báo Nguyễn Thu Trang - Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Vũ Ngọc Bích Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện Tâm An, thầy giáo Lê Quốc Châu giáo viên ở Trường PTTH Nghệ An, họa sĩ Lê Tiến Vượng, nhóm nhà báo Nguyễn Trung Thành - PTBT Báo Bóng đá, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung Câu lạc bộ Nhà báo nữ.... và hàng trăm tổ chức thiện nguyện tự phát khác trên trên các trang mạng xã hội trong những dịp này cũng đã chung tay đóng góp sức mình kêu gọi cộng đồng xây các điểm trường học, tài trợ sách vở, bàn ghế, giấy bút cho các bạn nhỏ thiếu nhi ở vùng cao trong ngày khai giảng năm học mới và tổ chức ngày hội đêm rằm cho các em nhỏ. 

Với một thông điệp: "Trung thu yêu thương - Trung thu chia sẻ" các bạn nhỏ thiếu nhi Việt Nam đang được lớn lên và bồi đắp trong tâm hồn mình một tình yêu lớn, niềm tự hào với quê hương, đất nước, và được tự hào là người con của dân tộc Việt Nam giàu tình yêu thương.

Ưu Đàm
.
.