Robot ồ ạt đổ bổ vào Hollywood

Thứ Năm, 23/04/2015, 08:44
"Chappie", bộ phim hành động về chú robot đáng yêu ra rạp tại Việt Nam ngày 6/3 vừa qua đã mang đến cho khán giả câu chuyện thú vị về "tình người và máy". Sau hơn 2 tuần ra rạp, chú người máy thông minh đã "đem về" cho nhà sản xuất hơn 30 triệu USD doanh thu phòng vé.

Thực tế cho thấy, các robot đang ngày càng trở thành một phần của cuộc sống khi trình độ công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển không ngừng. Từ cuộc sống, robot cũng đang đi vào thế giới điện ảnh Hollywood mỗi lúc một "đông đảo" hơn.

Trước "Chappie", Hollywood cũng từng có một số phim đã khai thác thành công đề tài thế giới người máy cũng muôn màu muôn vẻ như sự phức tạp trong thế giới loài người.

Mượn chuyện máy nói chuyện người

Ngay từ năm 1987, bộ phim "Robocop" (Cảnh sát người máy) đã trở thành tác phẩm điện ảnh số một trong năm khi mượn robot để chạm tới những khía cạnh rất nhân văn trong thế giới loài người.

Tiếp đó, sau hơn một thập kỷ, "Bicentennial Man" (Người hai trăm tuổi) tiếp tục trở lại với lối khai thác "mượn chuyện máy nói chuyện người" và lấy của người xem không biết bao nhiêu nước mắt vì xúc động.

Với câu chuyện về một con robot có vòng đời dài tới 200 năm, một con robot hoàn hảo chỉ mong được làm người một ngày để…  được chết như một con người còn hơn bất tử như một cỗ máy, có thể nói bộ phim "Bicentennial Man" như một bài ca có sức lay động tuyệt vời về tình yêu sự sống trong mỗi con người.

Cũng ra đời cùng với "Bicentennial Man" năm 1999 là bộ phim "The Matrix" (Ma trận). Bộ phim hướng người xem nghĩ tới cơn ác mộng trong hình dung về hệ lụy từ những hỏng hóc do công nghệ chế tạo robot - trí tuệ nhân tạo gây ra. Có viễn tưởng không nếu một ngày nào đó máy móc sẽ lộng hành và trở lại đàn áp con người?

Năm 2001, lần đầu tiên một robot được tạo hình nhân vật là đứa trẻ có khả năng thuyết phục và giành được cảm tình của bất cứ ai trong phim "A.I. Artificial Intelligence" (Trí thông minh nhân tạo).

Tại bang New Jersey (Mỹ) người ta đã quyết định sẽ tạo ra một thế hệ robot mới biết tư duy, hoạt động như con người và thậm chí cũng có tình cảm, cảm xúc như con người. David là một cậu bé người máy đã chinh phục được cảm tình của một người mẹ bằng xương bằng thịt.

Từ phải sang: Các diễn viên Hugh Jackman, Sigourney Weaver, đạo diễn Neill Blomkamp và diễn viên Dev Patel - (Ảnh: Reuters)­.

Tiếp đó không thể không kể tới loạt phim "Transformers", một siêu phẩm điện ảnh của Hollywood năm 2007. Đây cũng là loạt phim mà lần đầu tiên bên cạnh những cảnh chiến đấu hoành tráng của robot còn có sự tham gia của diễn viên người thật.

Điều đó trở thành tiền lệ mở đường cho nhiều dự án phim khác của Hollywood cũng đưa vào phim cả người và máy cùng diễn xuất trước camera. Loạt phim Transformer đã gây được hiệu ứng vang dội, đem lại doanh thu khổng lồ cho nhà sản xuất.

Ngoài ra phải kể tới các phim như "Wall E" (2008) (Robot biết yêu), phim "Big Hero 6" (Người hùng 6), "Star wars" (Chiến tranh giữa các vì sao), "Terminator 2: Judgment Day" (Kẻ hủy diệt 2 - Ngày phán xét), "Real Steel" (Tay đấm thép), "Her" (Hạnh phúc ảo)….

"Chappie" - chú robot mở đầu 2015

Về bộ phim "Chappie", tờ Wall Street Journal nhận định, bộ phim này có chút gì pha trộn một ít của "RoboCop", một ít của "Short Circuit" và thậm chí một ít của "Pinocchio". Đó là chưa kể, mô típ tạo hình nhân vật robot là em bé cũng đã được sáng tạo trong phim "A.I. Artificial Intelligence" như đã nói ở trên.

Cũng nhiều người cho rằng, sau thành công của phim "District 9" trước đó, bộ phim đầu tay được đánh giá cao và nhận đề cử Oscar "Phim xuất sắc" và "Kịch bản xuất sắc", đạo diễn người Canada gốc Nam Phi Neil Blomkamp vẫn chưa vượt được chính mình trong "Chappie".

Chappie là tên con robot do kỹ sư công nghệ Deon phát minh và lập trình để cho Chappie có cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác và có thể hoạt động giống hệt con người.

Chappie giống một đứa trẻ vừa ra đời, như một trang giấy trắng, nó hấp thụ mọi điều tốt xấu xung quanh. Tuy nhiên nhờ thông minh, hài hước và đáng yêu, Chappie khiến khán giả yêu mến và dành nhiều thiện cảm.

Đạo diễn Blomkamp cho biết: "Đối với tôi không có định kiến trước là công nghệ siêu thông minh (trí tuệ nhân tạo) sẽ trở thành tội lỗi và ngay lập tức chúng có thể được dùng vào các vụ đánh bom. Tại sao lại không thể có những con robot còn "người" hơn cả con người chứ?".

"Chappie" lấy bối cảnh phim tại Johannesberg trong tương lai gần, ở đó các người máy cũng được sung vào đội ngũ lực lượng hành pháp, sát cánh bên các cảnh sát con người tuần tra trên những con phố thường xảy ra bạo lực.

Một lập trình viên (do ngôi sao người Ấn Độ Dev Patel, người từng đóng trong "Triệu phú khu ổ chuột" thủ vai) đã biến những con robot như vậy thành những vật có ý thức, chúng có khả năng nhận biết về sự việc và có thể học hỏi.

Tuy nhiên giám đốc điều hành công ty (do Sigourney Weaver đóng) cho rằng việc "nâng cấp" cho người máy như vậy hoàn toàn không có lợi cho họ. Chuyên gia lập trình đã xoay xở tìm cách mượn được một con robot, và với một vài thủ thuật, anh đã biến nó thành vật có ý thức với trí não hồn nhiên, thơ ngây như đứa trẻ.

Đứa trẻ robot ấy khao khát tìm hiểu thế giới xung quanh. Và rồi nó cũng phải đương đầu với tất cả những ảnh hưởng xấu tốt của loài người, rốt cuộc, cũng giống như chú bé người gỗ Pinocchio, người máy Chappie buộc phải có một số lựa chọn nhất định thuộc về phương diện đạo đức, tinh thần.

Câu chuyện trưởng thành của chú robot Chappie cũng là thông điệp gửi gắm của nhà sản xuất: con người ta trở nên xấu tốt phần nhiều do được giáo dục theo cách nào.

Có vẻ thật khó đoán định các nhà làm phim sẽ còn tiếp tục khai thác đề tài này theo những hướng nào nữa khi mà rất nhiều chuyên gia công nghệ lớn như đại gia ngành kinh doanh vũ trụ Elon Musk và giáo sư vật lý Stephen King đều lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc về sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo với văn minh loài người.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Ex Machina" sẽ ra rạp ngày 10-4 tới đây do Alex Garland viết kịch bản và đạo diễn, lần đầu tiên robot được tạo hình là một cô gái xinh đẹp. Khán giả mộ điệu sẽ lại tiếp tục được thưởng ngoạn những thử nghiệm đầy sáng tạo của giới làm phim Hollywood với người máy.

Hành trình "lên đời" của diễn viên robot

Những con robot đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh từ những phim như "Lost in Space" (Lạc ngoài không gian) năm 1998 của đạo diễn Stephen Hopkins cho tới "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) của đạo diễn George Lucas năm 2005, các robot đều do diễn viên đóng giả.

Ngay cả robot  R2-D2 trong Star Wars cũng do diễn viên Kenny Baker có chiều cao vô cùng khiêm tốn 1,1m bên trong. Những chiếc máy bay không người lái trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Silent Running" năm 1972 cũng phải có các diễn viên "cài cắm". Còn trong bộ phim hài viễn tưởng "Short Circuit" của đạo diễn John Badham, chú robot quân sự được vận hành giống hệt con rối có gắn động cơ.

Gần đây, các robot trong điện ảnh đã được can thiệp và nâng cấp tới mức hoàn hảo trong các cử động, di chuyển với những kỹ xảo công nghệ máy tính, đôi khi có cả diễn viên người thật tham gia cùng.

Trong "Chappie", tài tử Sharlto Copley đã thể hiện vai diễn của anh như bình thường trong phim bên cạnh việc lồng tiếng cho nhân vật chính. Các hiệu ứng từ công nghệ số sau đó sẽ giúp "nhuận sắc" tới mức hoàn hảo các nhân vật người máy trong phim.

Đạo diễn Blomkamp gọi khâu can thiệp của công nghệ vi tính "cũng như một dạng thức trang điểm cực đoan. Thay vì phải mất hai tiếng đồng hồ buổi sáng để diễn viên ăn vận, điểm trang thì chúng tôi mất cả năm trời sau khi phim đã quay cho công tác hậu kỳ. Có gì khác đâu?".

Tuy nhiên còn rất nhiều những công nghệ tiên tiến được đề cập tới trong các phim khai thác đề tài trí tuệ nhân tạo vẫn còn quá xa tầm với của tri thức công nghệ hiện tại.

Ông Stuart Russell, Giám đốc Trung tâm Center for Intelligent Systems tại Đại học California, Berkeley cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa có bất cứ ý tưởng thực tế nào về việc ý thức là gì, làm thế nào để tạo ra nó và liệu một cỗ máy có thể có ý thức không".

Trần Đắc Luân
.
.