Rắc rối xung quanh chuyện mua bán tượng vàng Oscar

Thứ Tư, 23/07/2014, 08:00
Ý tưởng làm bức tượng xuất phát từ Cedric Gibbons - Giám đốc nghệ thuật của Hãng phim MGM, và nghệ sĩ George Stanley chính là người đã tạo ra các đường nét đầu tiên của bức tượng: Một hiệp sĩ tay nắm chặt lấy thanh kiếm thập tự chinh, đứng trên một tấm phim có khắc hình 5 cánh hoa, tượng trưng cho 5 nhánh ban đầu của AMPAS gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và chuyên viên kỹ thuật. Bức tượng có chiều cao cố định là 34 cm và nặng 3,85kg.

Cách đây ít ngày, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) đã chính thức khởi kiện gia đình đạo diễn quá cố Joseph Wright cùng Hãng đấu giá Briarbrook Auctions và những người mua lại bức tượng vàng Oscar (được trao cho Joseph Wright năm 1942 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim "My Gal Sal"). Qua vụ kiện, AMPAS muốn các bị đơn nói trên phải bồi thường số tiền 79.200 USD mà gia đình cố đạo diễn Joseph Wright thu được (nhờ việc bán tượng), đồng thời buộc họ phải nộp một khoản tiền phạt không nhỏ. Trong khi liên quan tới vụ việc còn nhiều quan điểm trái chiều, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số thông tin xoay quanh việc sản xuất và mua bán những bức tượng nói trên...

Tượng vàng Oscar xuất hiện lần đầu tại lễ trao giải của AMPAS diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) năm 1929. Không có thông tin chính thức về việc ai là người đặt tên cho bức tượng, song theo một giai thoại thì cô thủ thư Margaret Herrick - người sau này trở thành Giám đốc AMPAS - lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng đã thốt lên rằng, trông nó thật giống ông bác Oscar của cô. Một nhà báo có mặt tại đó đã chộp câu nhận xét ấy để đặt nhan đề cho bài viết của mình "Một nhân viên thích đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar". Tuy nhiên, cũng phải mấy năm sau, khi nữ diễn Katharine Hepburn giành danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất, cái tên "Giải Oscar", "Tượng vàng Oscar" mới trở nên thông dụng trên báo chí.

Ý tưởng làm bức tượng xuất phát từ Cedric Gibbons - Giám đốc nghệ thuật của Hãng phim MGM, và nghệ sĩ George Stanley chính là người đã tạo ra các đường nét đầu tiên của bức tượng: Một hiệp sĩ tay nắm chặt lấy thanh kiếm thập tự chinh, đứng trên một tấm phim có khắc hình 5 cánh hoa, tượng trưng cho 5 nhánh ban đầu của AMPAS gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và chuyên viên kỹ thuật. Bức tượng có chiều cao cố định là 34 cm và nặng 3,85kg.

Được nhận tượng vàng Oscar là mơ ước của bao nghệ sĩ.

Thời kỳ đầu, những bức tượng Oscar được làm từ đồng đặc mạ vàng. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, chất liệu này đã được thay thế bằng britannia, là một loại hợp kim thiếc, được phủ ngoài bằng đồng, niken và bạc trước khi tới một lớp vàng 24 kara. Hãn hữu, có tới 3 năm liền trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ II, do khan hiếm kim loại, tượng Oscar được làm bằng thạch cao, quét sơn vàng. Khi chiến tranh kết thúc, những người nhận tượng đã được AMPAS đồng ý cho đổi tượng thạch cao lấy tượng bằng kim loại.

Sau hơn năm 50 năm tồn tại, đến năm 1982, việc sản xuất tượng Oscar được thống nhất trao cho Công ty R.S Owens ở Chicago. Đây cũng là nơi sửa chữa (hoặc tái chế) những bức tượng bị xước xát, sứt mẻ, thậm chí có bức bị… mất đầu. "Từng có lần chúng tôi nhận lại một bức tượng Oscar gần như bị nung chảy" - một nhà thiết kế của R.S Owens tiết lộ.

Để có thể cho ra lò một bức tượng vàng Oscar hoàn hảo, theo tính toán, có tới 17 công đoạn tỉ mỉ, với sự tham gia của 12 người và thời gian làm việc của mỗi người là 20 tiếng đồng hồ. Trong quá trình kim loại được đổ vào khuôn, nếu việc không được như ý, người ta có thể đổ ra, nấu lại. Nếu không nói ra, hẳn bạn đọc sẽ khó tin được rằng, việc sản xuất tượng chỉ diễn ra với một chiếc khuôn duy nhất.

Trung bình mỗi năm, tại lễ trao giải Oscar chỉ có hơn hai chục bức tượng được trao, tuy nhiên, do thể lệ đặt ra, Ban tổ chức không bao giờ có được con số chính xác tuyệt đối cho mỗi năm, thành thử số tượng mà Công ty R.S Owens được giao sản xuất bao giờ cũng nhỉnh hơn (thậm chí có năm, số lượng sản xuất lên tới 50 tượng). Số tượng thừa được lưu trữ tại AMPAS, dành cho lễ trao giải năm sau. Tính đến nay, đã có 2.809 bức tượng Oscar được trao.

Để quản lý nghiêm ngặt số tượng đã sản xuất, tránh bị bán ra ngoài, dưới đáy mỗi bức tượng Oscar, đơn vị sản xuất cho khắc một số serie riêng ở mặt trước và mặt sau của tấm phim dưới chân bức tượng, kèm đó là dòng chữ nhắc nhở chủ nhân các bức tượng không được bán, trao tặng hay chuyển nhượng nó cho bất kỳ ai, ngoại trừ AMPAS.

Quy định này ra đời đến nay đã được hơn 60 năm. Trước đó, việc bán đấu giá tượng Oscar liên tục diễn ra (nhất là sau khi chủ nhân của nó qua đời) đã khiến AMPAS thực sự phiền lòng. Để ngăn chặn tình trạng này, kể từ năm 1950, AMPAS đã ra quy định yêu cầu người đoạt giải Oscar nếu muốn bán tượng chỉ được phép bán lại cho một địa chỉ duy nhất: Đó chính là AMPAS, và với giá tượng trưng: 1 USD (quy định này cũng áp dụng cho những người thừa kế hoặc được ủy quyền). Các nghệ sĩ khi đoạt giải phải ký cam kết và nếu họ từ chối thực hiện điều khoản nói trên, họ sẽ bị AMPAS giữ lại các bức tượng.

Bộ sưu tập gồm 15 bức tượng Oscar được đem bán đấu giá vào năm 2012 với giá tổng thể là 3 triệu USD.

Dù quy định nghiêm ngặt vậy, song trên thực tế, vẫn có những bức tượng Oscar được mua bán trót lọt. Ví như, vào năm 1993, một bức tượng Oscar dành cho nữ diễn viên gạo cội Joan Crawford hồi năm 1945 (khi bà tham gia một vai diễn trong phim "Mildred Pierce") đã được bán đấu giá với số tiền 68.500 USD. Năm 2012, tại một cuộc bán đấu giá ở Los Angeles, một bộ sưu tập lên đến 15 tượng vàng Oscar đã được bán với giá 3 triệu USD, trong đó, riêng tượng vàng Oscar được trao cho Orson Welles hồi năm 1941 (ở hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất với bộ phim kinh điển "Citizen Kane") có giá bán lên tới 861.000 USD.

Sở dĩ AMPAS không thể ngăn chặn được chuyện mua bán này bởi theo quy định của họ, chỉ những bức tượng Oscar được trao từ sau năm 1950 mới bị ràng buộc và chịu sự chi phối của họ mà thôi. Ấy là chưa kể, từ khi ra đời đến nay, quy định của AMPAS cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Người được trao tượng vàng Oscar luôn có cảm giác mình không được hoàn toàn sở hữu giải thưởng của mình. Chính bởi vậy đã xảy ra trường hợp: Một người cháu trai của nhà sản xuất phim Michael Todd (được trao giải Oscar năm 1989) đã cố tìm cách bán bức tượng Oscar của ông mình cho một nhà sưu tập, và AMPAS chỉ ngăn cản được việc này bằng một lệnh của tòa án.

Ngoài việc để xảy ra các vụ mua bán tượng vàng Oscar từng được trao cho các tác giả, các nghệ sĩ, trong thực tế còn xảy ra hiện tượng tượng bị mất khi còn đang nằm… trong hộp. Như vào năm 2000, Ban tổ chức giải Oscar đã bị một phen hú hồn khi không biết bằng cách nào, 52 bức tượng vàng chưa được trao cho ai đã "không cánh mà bay". Rất may là cuối cùng, họ đã tìm đủ 52 bức tượng này trong một… thùng rác ở Los Angeles. Bên cạnh đó là hiện tượng công khai rao bán tượng Oscar trên mạng, và khi AMPAS vào cuộc thì phát hiện ra đó chỉ la â tượng Oscar… giả.

Trở lại với câu chuyện xảy đến với bức tượng từng được trao cho đạo diễn Joseph Wright được đề cập tới ở đầu bài viết: Theo quan điểm của mình, AMPAS cho rằng quy định mà họ đặt ra từ năm 1950 chỉ nới tầm kiểm soát đối với những bức tượng Oscar được bán trước đó, còn từ sau 1950, tất cả việc mua bán tượng Oscar phải tuân thủ yêu cầu họ đặt ra. Trong khi, những người thân của cố đạo diễn Joseph Wright lại cho rằng: Tượng vàng Oscar mà Joseph Wright giành được năm 1942, có nghĩa là trước thời điểm quy định đưa ra vào năm 1950. Như vậy, việc AMPAS đòi khởi kiện và buộc họ phải trả lại số tiền 79.200 USD (là tiền họ thu được từ việc bán bức tượng cho một người giấu tên qua Công ty Đấu giá Briarbrook Auctions) cũng như chịu tiền nộp phạt là một sự phi lý.

Đến nay, việc vẫn bùng nhùng chưa ngã ngũ. Được biết, Joseph Wright là một tên tuổi xuất sắc trong làng điện ảnh Mỹ. Sinh thời, ông đã làm cả thảy 86 bộ phim, từng hơn 10 lần được đề cử giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất và đã đoạt 2 giải Oscar cho hạng mục này (với các phim "My Gal Sal" và "This Above All") năm 1942

Lã Khắc Hoan
.
.