Quyền năng của nghệ thuật

Thứ Hai, 31/08/2009, 10:15
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nhiều người một lần nữa khẳng định Hoài Thanh là "người đi tìm cái đẹp". Chính Hoài Thanh cũng đã tâm sự điều này, khi ông bỏ qua việc phê phán những câu thơ, những bài thơ dở.

1. Phía sau nàng Kiều

Thực ra thì không phải chỉ trong việc phê bình, mà ngay cả trong sáng tác, xu hướng chính vẫn là ca ngợi cái hay, khẳng định cái đẹp. Dẫu có là hiện thực phê phán thì mục đích của nó vẫn là để ca ngợi con người và cuộc sống.

Miêu tả nàng Kiều đẹp về cả hình thức và tâm hồn, với một tài năng đặc biệt, Nguyễn Du đã tạo cho nàng sức sống đến ngày nay. Thì không có nghĩa là trong cuộc đời ông không gặp người phụ nữ nào xấu cả. Chính Nguyễn Du đã phải sống cuộc đời mười năm gió bụi, bao nhiêu nhiễu nhương trong buổi loạn ly, biết bao sự nhốn nháo của buổi đầu thị trường tư bản, nàng Kiều phải hai lần vào lầu xanh, thì còn điều gì mà Nguyễn Du không thấy?

Nhưng để thể hiện cái đẹp thì phải làm mờ những cái xấu đi. Nói cách khác, trong khi tập trung mọi ánh sáng, màu sắc để làm rực rỡ nàng Kiều, trong tâm trí thi hào vẫn thoáng thấy sự đối lập, sự tương phản với hình bóng những người phụ nữ xấu. Không có những hình bóng tương phản thì Nguyễn Du không thể miêu tả được nàng Kiều đẹp đến thế.

Tương tự, trong tác phẩm hiện thực phê phán tiêu biểu giai đoạn 1930-1945 của văn chương nước nhà, nhà văn Ngô Tất Tố đã miêu tả chị Dậu đặc trưng cho lòng chung thủy, đã ném nắm giấy bạc hơn chục đồng trả tên quan phủ để giữ phẩm tiết, trong khi chị bán cái Tý và ổ chó cho vợ chồng Nghị Quế để lấy tiền nộp sưu cho chồng chỉ được hai đồng bạc. Thì không có nghĩa, nhà văn Ngô Tất Tố không biết gì về những cô gái làm tiền dễ dãi thời ấy. Căm tức cái xấu, phê phán xã hội thối nát là một thái độ rất đáng trân trọng.

Nhưng vượt lên trên sự căm giận, tố cáo để khẳng định cái tốt đẹp phải đứng ở mức cao hơn. ở điểm này, trước đây tôi đã không đồng tình với Trần Đăng Khoa khi anh phê phán chị Dậu bán con trong tác phẩm "Chân dung và đối thoại" của anh, lúc sách mới xuất bản lần đầu. Ngô Tất Tố còn có cách nào khác là để cho chị Dậu bán con? Mà đây là một thực tế diễn ra ở không ít gia đình trong những năm tháng ấy. Dẫu phải bán con nhưng con vẫn sống, còn hơn là để cả nhà cùng chết. Đấy là tầm tư tưởng cao của Ngô Tất Tố, ông phải vượt lên rất nhiều điều để khẳng định cái đẹp. Và tư tưởng ấy đã vượt qua được thời gian sóng gió đến nay.

Thế thì khi miêu tả thể hiện cái xấu, nhà văn có thấy những điều tốt đẹp không? Có chứ. Phía sau của nhân vật bao giờ cũng có bóng dáng của hàng loạt những con người khác, cả những người xấu và người đẹp. Nếu nhà văn miêu tả những nhân vật và sự việc tốt đẹp, thì bóng dáng những người tốt đẹp ở phía sau sẽ tô đậm thêm cho vẻ đẹp ấy, còn những người xấu sự việc xấu sẽ làm những bóng tối tương phản để nhân vật và sự việc tốt đẹp nổi bật hẳn lên.

Trong tâm hồn nhà văn không bao giờ đơn thuần một loại cảm xúc. Tuy nhiên không phải các loại cảm xúc đều dạt dào mức độ đồng đều, nó đậm nhạt, gần xa, ẩn hiện một cách rất phù hợp và nghệ thuật. Khi nhà thơ nhà văn nào có được độ sâu cảm xúc này thì câu thơ, trang văn mới có được sức nặng mà mưa gió thời gian không thể cuốn đi trong tâm trí người đọc.

Phía sau nàng Kiều có hàng trăm hàng nghìn bóng dáng những người phụ nữ đủ các loại. Nàng Kiều trở về cùng chúng ta ngày nay là mang theo cả những bóng dáng ấy, cả xã hội và thời đại của nàng, chứ đâu phải chỉ có một mình nàng. Vì thế thi sĩ Chế Lan Viên mới viết:

Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho ta yêu người con gái đẹp thời nay

.......

Câu thơ ư, là một cách truyền lửa qua muôn đời
Ai hơi đâu truyền đuốc tắt mà chơi.

Càng nghĩ, tôi lại càng thấy sự cao siêu của nghệ thuật mà mình không thể nào chạm tới được. Và thấy quyền năng của nghệ thuật thật vô cùng, nó lớn gấp vạn lần quyền lực. Quyền lực chỉ có thể chinh phục được một bộ phận nào đó trước mắt. Còn quyền năng thì mới chinh phục được tất cả mọi người từ đời này qua đời khác.--PageBreak--

2. Thơ mộng hay trần trụi?

Những bài tiểu luận của tôi về nghiệp văn đăng trên báo Văn nghệ Công an sau khi phát hành vẫn thường nhận được sự phản hồi của các nhà văn và bạn đọc. Bài "Đứng bằng đôi chân của chính mình" (gồm 2 phần: "Đứng gần vĩ nhân" và "Viết văn để làm gì") đăng VNCA số 108 ra ngày 20/7/2009, ngay ngày đầu tiên phát hành, tôi đã nhận được điện thoại của các nhà thơ Võ Bá Cường (ở Thái Bình), nhà văn Vũ Huy Anh (ở Hà Nội), nhà thơ Lê Khánh Mai (ở Khánh Hòa) cổ vũ. Đặc biệt, tôi nhận được điện của nhà văn Nguyễn Phúc Lai, thủ trưởng cũ của tôi, đang nghỉ hưu ở Hải Dương vừa cổ vũ vừa có ý tranh luận.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lai, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên nhiều năm sau ngày tái lập tỉnh. Gặp nhau, tôi vẫn đùa rằng: "Bác được ghi công là người tô tượng đúc chuông với tỉnh Hưng Yên nhiều lắm đấy". Anh là người vừa có tâm, vừa hiểu về văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lai có nhiều thành tựu về ký, truyện ngắn và kịch. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng về thể loại ký của các cơ quan văn học nghệ thuật và báo, đài Trung ương... Phải nói tôi mừng như thế nào. Sau khi động viên tôi, anh có ý không hoàn toàn đồng tình với một câu tôi viết: "Tình yêu của người Việt Nam, người Á Đông thơ mộng chứ không trần trụi". Anh bảo nhận xét ấy không hoàn toàn đúng với mối tình "Chử Đồng Tử - Tiên Dung".

Tôi hiểu anh đã nghiên cứu rất kỹ truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung và yêu các nhân vật này đến mức đã lấy tên Tiên Dung đặt cho doanh nghiệp bánh đậu xanh của gia đình mình. Nguyên liệu làm bánh đậu xanh Tiên Dung lại được anh chỉ đạo gom từ đậu trồng ở bãi sông Hồng, nơi xưa Tiên Dung tắm.

Cuộc gặp gỡ của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đúng là trong một hoàn cảnh đặc biệt: Nàng Tiên Dung thì quây màn tắm, dội nước lộ ra chàng Chử Đồng Tử, khi chàng mình trần (vì chiếc khố duy nhất đã niệm cho cha lúc lâm chung). Thế thì thơ mộng hay trần trụi?

Tôi thì cho rằng ông cha ta đã dựng lên một hoàn cảnh thơ mộng, đặc biệt thơ mộng, tương xứng với mối tình cao đẹp của một công chúa với một phó thường dân. Ảnh nuy nghệ thuật, tranh khỏa thân thời Phục hưng cũng là thơ mộng, chứ không phải trần trụi. Danh họa Nguyễn Phan Chánh có vẽ bức tranh lụa nàng Tiên Dung tắm huyền ảo và thơ mộng, là một trong những kiệt tác của ông. Nhà thơ Vũ Đức Dật đã có một câu thơ hay ca ngợi cảnh thơ mộng cho biểu tượng tình yêu này: "Lá lau tơ che khuất cả ngai vàng".

Tại nơi đây, nhà thơ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) đã có công đứng ra quyên góp tổ chức xây dựng đền thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, mà nhiều nhà thơ sau này gọi một cách thơ mộng là Đền thờ Tình yêu. Nhà thơ Hoàng Thế Dân viết về ngày hội đền thơ mộng này cũng có được những câu thơ thơ mộng: "Hội đền sao lắm người xinh/ Em cầm tay sợ chúng mình lạc nhau". Tôi thấy tất cả đều thơ mộng.

Tôi muốn nói thêm một mối tình đặc biệt nữa là mối tình Kim Trọng - Thúy Kiều. Vâng, vô cùng thơ mộng. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên "Người quốc sắc kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e", đến khi "Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi".

Sau mười lăm năm lưu lạc: "Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"... Và khi Nguyễn Du tả Thúy Kiều tắm thì mới thơ mộng làm sao: "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên". Tả khỏa thân mà không trần trụi thì đó là nghệ thuật, là cái đẹp.

Thực ra thì tình yêu thơ mộng hay trần trụi cũng chỉ cách nhau một tấc. Có thể cùng một sự việc như trai gái âu yếm nhau, nếu miêu tả nhã thì đấy là thơ mộng, mà miêu tả tục thì thành trần trụi. Trần trụi thì là thể xác, còn thơ mộng thuộc về hồn. Vũ balê là một điệu múa kỳ diệu mà thông qua thể xác để đạt tới tâm hồn. Quan hệ thể xác của tình yêu trai gái trở nên thơ mộng, cao đẹp khi nó là sự dâng hiến chân chính của tình yêu. Nên khỏa thân vẫn có thể thơ mộng, mà mang quần áo vẫn có thể dung tục, trần trụi.

Cuộc gặp gỡ của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đã dừng lại ở cuộc gặp gỡ ban đầu. Đó là một tình huống thơ mộng dẫu Chử Đồng Tử đang nằm trần mà Tiên Dung đang tắm trần. Đó là sự thâm sâu và cao diệu của tâm hồn Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam. Đây là điều chúng ta có thể tự hào là đặc điểm riêng để "đem chuông đi đấm nước người". Hãy học ngay từ tổ tiên mình, trước khi học ông ốp, ông ép...

Vũ khí nghệ thuật của ông cha ta cũng sắc bén công dụng như nỏ thần trong chiến đấu giữ nước. Đừng mang máy bay B52 nhái, tên lửa Scut nhái ra đọ với B52 và Scut thật của họ. Phải mang "tên lửa thần" có hồn từ nỏ thần Kim Quy thì mới mong chiến thắng. Bỏ mất vũ khí linh thiêng truyền thống của cha ông thì sẽ thất bại thảm hại trước trận địa toàn cầu hóa, hỡi các nhà văn, các nhà quản lý và hoạt động văn học nghệ thuật.

23/7/2009

.
.