Tản văn

Quê ngoại

Thứ Năm, 09/06/2011, 09:26

Nhà bà ngoại cách sông Hồng một con đê. Mái nhà gianh lụp xụp, khóm tre già kẽo kẹt gió đưa. Phía đằng kia, trước mặt là một cái đầm lầy trồng hoa sen. Kề đó là con đường quốc lộ nối quê với Hà Nội.

Bà ở một mình trong ngôi nhà nhỏ. Ban đêm, gió hú gọi cửa. Những buổi chiều mùa đông, tôi xách cái túi có hai cái quai được mẹ khâu lại bằng mảnh vải cũ, lững thững trên đường như một cô gái già có bộ mặt trẻ con, thỉnh thoảng lơ đãng nhảy qua những luống đất người ta đắp tạm để dẫn nước vào từng ô ruộng. Người cúi cấy, người rải phân, người "vắt, vắt" con trâu bừa ruộng, người nhịp nhàng tát nước gầu sòng… Mùi phân ải, mùi lá mạ, mùi đất nâu, mùi bùi nhùi rơm đốt lửa đầu bờ quện vào nhau tạo thành một mùi là lạ, ngai ngái. Đầm lầy lạnh lẽo những thân sen khô đét. Bức tranh chiều quê bâng khuâng gió đông còn đọng trong tôi tận mãi bây giờ…

Bà tôi xuýt xoa hơ tay bên bếp lửa. Tôi rón rén đến gần. "òa!" - Tôi ôm chặt cổ bà. Bà với tay ra sau, vỗ vỗ vào lưng tôi:

- Cháu lên với bà đấy à. Ăn mặc phong phanh quá. Ngồi gần vào đây cho ấm.

Buổi tối, hai bà cháu nằm trên chiếc giường có đệm bằng rơm nếp khô rũ rối. Đệm rơm bồng bềnh, ram ráp, thơm thơm. Tôi ôm bà ngủ ấm đến sáng ngày.

Ngày mùa, tôi theo đám bạn đi mót lúa ngoài đồng. Trưa hè tháng sáu, cả làng kéo nhau ra đồng bắt cua ngoi lên bờ, tôi cũng cầm cái nồi đồng của bà chạy theo sau. Mùa đông giá rét, chúng tôi đi tìm cào cào, châu chấu trong nõn cây dứa dại. Những con châu chấu khoác áo gi-lê với bộ cánh mỏng dính. Cào cào cũng vậy, cái đùi mẫm. Chúng nó đi tránh rét ở chốn yên tĩnh này. Khôn thật! Nhưng có khôn cũng không trốn thoát bọn trẻ nhất quỷ nhì ma. Cào cào, châu chấu được thả vào một cái lọ. Búp dứa trắng ngần, mỏng như lụa, ăn thấy ngòn ngọt. Lá dứa xanh róc gai, chúng tôi làm những chiếc caravát, thắt lưng, đồng hồ đeo tay. Trông đứa nào cũng… oách! Trẻ con làng bà ngoại có những trò, những món ăn quái quỷ làm tôi sợ, nhất là món thịt chuột đồng. Chúng nó bảo, chuột đồng ăn thóc ngoài đồng, không sợ bệnh. Nhưng tôi thì tôi sợ. Biết điểm "yếu" ấy ở tôi, chúng càng dọa mạnh. Tôi van lạy mãi chúng nó mới tha. Có đêm, tôi nằm mơ nói mớ. Bà ngoại phải lật đật trở dậy khêu đèn, lay gọi. Tôi mắt nhắm mắt mở chẳng hiểu gì. Bà xuống bếp đun ấm nước nóng cho tôi lau người, thay quần áo. Bà lẩm bẩm: "Tiên sư chị! Ban ngày nghịch như quỷ sứ, đêm mơ sảng. Mai lấy quần đâu mà mặc đi học". Bà tỉnh dậy không ngủ được nữa. Bà mang quần áo của tôi đi giặt, đốt lửa hong khô. Sáng, bà gọi tôi dậy mặc ấm đi học.

Bọn trẻ cho tôi nhập hội. Tôi trở thành người của quê ngoại. Lâu không thấy tôi lên, bọn trẻ sang nhắc bà…

Khi tôi học xong phổ thông, bà tôi đã chín mươi, không còn nhận ra tôi. Tôi cố gắng chắt lọc kể lại những kỷ niệm xưa, mong bà sẽ nhận ra tôi:

- Bà ơi, bà còn nhớ không? Đã có lần cháu trèo lên cây làm bà sợ...    

Tôi ôm chặt bà, nghẹn ngào:

- Bà không còn nhớ cháu của bà nữa rồi.

Bà thủng thẳng đáp:

- Nhớ chứ sao lại không nhớ. Chị là con gái nhà Quỳ chứ gì? Đi làm gì rồi? Có tươm không?

Chị Quỳ là con gái bác hàng xóm. Mọi người xúm lại, nói to cho bà nghe về tôi. Bà cũng chẳng hiểu. Bà với tay ra khỏi vòng tay của tôi, sửa lại cái gối, lấy chăn chèn hai bên cho con búp bê. Bà bảo: "Nói khẽ chứ, cho con bé nó ngủ". Bà xòe bàn tay xua muỗi cho búp bê, trìu mến ngắm nhìn như nó là đứa cháu gái của bà bằng xương bằng thịt. Mọi người bảo: "Cụ lẫn rồi!".

Ban đêm, bà trò chuyện với quá khứ nghe rành mạch, tỉnh táo. Nhìn thấy cột mắc áo phía cuối giường, bà ngồi dậy hốt hoảng la:

- Kìa, khổ quá! Đỡ con bé hộ tôi với, nó ngã bây giờ. Giúp tôi với…

Tôi đỡ bà nằm xuống:

- Bà ngủ đi. Bà làm sao thế?

- Hãi hãi là. Con bé trèo cây ổi. Nó bị đánh đu trên đó. Trông hãi quá. Rơi xuống thì gãy chân -  Bà run run kể lại, mồ hôi thẫm trên trán. Bà vẫn đang sợ. Bà tôi lẫn mà vẫn nhớ thương hình ảnh tôi ngày bé. Thế mà, bao nhiêu năm tôi mê mải xứ người…

Tôi chạy ra sân: Con đường quốc lộ vắng ngắt. Cây ổi, cây na vẫn đứng lặng im. Trăng suông trắng toát. Chợt trong tôi bật lên mấy câu thơ của ông Nguyễn Duy:

Tôi đi lính… lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi 

Tôi vươn vai, ngửa cổ lên trời: "Tôi vẫn còn may mắn hơn ông, ông Nguyễn Duy ạ!"

Thu Thảo
.
.