"Quang Huy - Tuyển tập thơ" - Đôi điều suy ngẫm

Thứ Tư, 26/02/2014, 08:00

Thơ Quang Huy có thể ví như tính cách con người anh: Thẳng thắn, thông tuệ, hóm hỉnh, sắc sảo, thâm trầm, từ tốn và cũng rất đằm thắm.

Trên tay tôi là tập sách "Quang Huy - tuyển tập thơ" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quí IV năm 2013. Tập sách có hình thức rất bắt mắt. Bìa sách do họa sĩ Văn Sáng trình bày, trang trọng và duyên dáng. Trong bìa lót chỉ duy nhất có bức ảnh chân dung nhà thơ khá  sinh động. Đáng nói, bức hình chân dung nghệ thuật này không phải do một nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đó chụp mà lại của một nhạc sĩ nổi tiếng - nhạc sĩ An Thuyên, người đã phổ nhạc cho bài thơ "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà" của Quang Huy. Chưa nói tới nội dung mà chỉ qua hình thức trình bày đã có thể thấy ngay sự nghiêm túc của những người thực hiện.

Tuyển tập thơ của Quang Huy chỉ có đúng 108 bài. Hình như có vẻ quá ít với một tuyển tập của một nhà thơ từng có tới hơn nửa thế kỉ theo nghiệp văn chương? Ban đầu tôi cảm giác như thấy thiếu. Những tuyển tập thơ của nhiều nhà thơ khác tôi dày lắm, tuy gọi là tuyển tập nhưng họ gần như cho vào tuyển toàn bộ thơ mình. Thật khổ tâm khi phải đọc lẫn cả những bài còn non lép của họ. Quang Huy thì khác. Anh quan niệm" quí hồ tinh bất quí hồ đa". Chắc chắn anh đã phải rất thận trọng và thật nghiêm khắc khi tự chọn cho mình những bài thơ để lựa vào tuyển mà rất có thể đây là tập thơ cuối của anh vì chỉ không lâu nữa anh sẽ bước sang tuổi tám mươi và việc đi lại của anh cũng nhiều khó khăn.

Tuy chỉ với 108 bài thơ nhưng có lẽ đó là những bài không chỉ được anh yêu thích mà  còn là những bài thơ đã làm nên tên tuổi  anh.

Thơ Quang Huy có thể ví như tính cách con người anh: Thẳng thắn, thông tuệ, hóm hỉnh, sắc sảo, thâm trầm, từ tốn và cũng rất đằm thắm. 

Hầu hết những bài thơ, những câu thơ được chọn để công bố trong tuyển tập đều theo một quan niệm nhất quán của tác giả: Thơ là cái đẹp và câu thơ phải đẹp. Đặc biệt thơ anh rất hay trong thể thơ 7 chữ:

Em đi chầm chậm qua chiều mỏng
Tre lá bờ sông đã rụng nhiều
Gió về chạm khẽ bờ đê cóng
Bím tóc em về gió thổi xiêu.

                          (Một lời ước hẹn)

Quê mẹ lâu rồi không về được
Chút nắng chiều nay phố thị nhòa
Bóng người tất tả đang về chợ
Có phải nghìn năm dáng mẹ ta?

                           (Quê mẹ bây giờ)

Thời gian như ngựa không ngưng nghỉ
Phi hết đầu xuân đến cuối đông
Ai chót đi về qua nắng hạ
Chợt gió thu sang thổi cháy lòng.

                                   (Vó thời gian)

Và các bài thuộc thể thơ lục bát:

Sông dài tiều tụy phù sa
Tiếng chim thảng thốt vụt qua gió gầy
Chuông chùa ai thỉnh sau cây
Bóng nghiêng lá đổ tím đầy bến thưa
Trời hoang đè gẫy vai chùa
Tóc em thả xuống một mùa heo may.

                                         (Heo may)

Gùi hàng lưng ngựa đóng im
Nặng như tiền kiếp gửi nghìn đời sau
Trông vời lắm nỗi nông sâu
Cát như chỉ cát trắng mầu hồng hoang.

                                          (Ngựa thồ)

Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi nào dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình

                             (Nỗi niềm Thị Nở)

Bìa cuốn "Quang Huy - tuyển tập thơ".

Thật thú vị khi ta gặp lại trong tuyển tập những bài thơ đã từng được bạn đọc cả nước  luôn nhớ, luôn thuộc của Quang Huy như "Trung du", "Một năm", "Chiếc cầu đám cưới mới đi qua", "Mười hai cô gái Truông Bồn", "Cây bồ kết ở ngã ba Đồng Lộc"… Nhiều bài thơ của anh đã từng dành những giải thưởng văn học cao quí như: "Trưa vàng suối biếc", "Vó thời gian", "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà"… Và cả những câu thơ, những bài thơ mà người đọc dẫu đã quen, đã thuộc nhưng bây giờ mới rõ tên tác giả.

Không thể không nói thêm về những bài thơ lục bát của Quang Huy, mà như nhận xét của nhà thơ Phạm Khải: "Trong thi đàn anh được xem là người viết lục bát vững tay nghề. Bình thường anh viết ậm ạch nhưng riêng với thể thơ lục bát, anh như được thoát xác, thăng hoa". Và Phạm Khải cho rằng, hai bài "Nỗi niềm Thị Nở" và "Hư vô" không chỉ là những bài lục bát đặc sắc của Quang Huy mà còn là những bài đặc sắc của thi ca đương đại Việt Nam. Theo Phạm Khải, trong bài "Nỗi niềm Thị Nở", trên cơ sở đoạn tả vườn chuối đêm trăng trong truyện ngắn của Nam Cao, Quang Huy đã tạo nên một không gian rất thần diệu, vừa gợi không khí lãng mạn vừa nói lên cái ngất ngây của cặp tình nhân lần đầu đến với nhau:

Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đẫm quá, trăng sao lại nhòa
Người ta… mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh…

Phạm Khải không chỉ khen bài "Nỗi niềm Thị Nở" mà anh còn rất yêu thích bài "Hư vô". Và cũng không riêng Phạm Khải, còn có nhiều người tâm đắc với bài thơ giàu tính triết lí này:

Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban 

Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ 

Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi 

Cái gì rồi cũng rụng rơi
Quả trên vườn cấm, hoa nơi địa đàng…

(Toàn bài là hay, ngắn gọn, xúc tích,  riêng hai câu "Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ"… thì theo tôi có vẻ như thật chưa ổn. Một khi mà "xương trắng" còn "nằm oan dưới mồ" thì có lẽ và chắc chắn không thể dễ dàng "rồi cũng tiêu tan" được, mà nó vẫn sẽ mãi mãi nhắc nhở đòi nợ).

Theo nhà thơ Vũ Bình Lục, với "Hư vô" thì "những triết lí vốn có từ xửa xưa nhưng được tác giả sắp xếp tài tình nên đã trở thành những câu thơ mang dáng vẻ một châm ngôn, một tục ngữ hay một định đề gì đấy".

Trong tuyển tập của mình Quang Huy cũng đã dành đăng một số bài viết của đồng nghiệp cảm nhận, tâm đắc về thơ anh, như bài của Vũ Quần Phương (Mấy cảm nhận về thơ Quang Huy), của Phạm Khải (Nhà thơ Quang Huy: Từ "Hư vô" đến "Nỗi niềm Thị Nở"), của Vũ Bình Lục (Quang Huy với "Hư vô"), Vương Trọng (Nhà thơ Quang Huy -Một người Bắc rất Nghệ), Nguyễn Đức Tâm (Sim của Quang Huy), Ngọc Minh (Nhà thơ và ông giám đốc), Hoàng Phủ Ngọc Phan (Những bài thơ vượt thời gian), Lê Quốc Hán (Thơ tình cho đôi lứa), Xuân Ba (Hương khói truông Bồn )… v .v …

Vũ Quần Phương nhận xét: "Quang Huy là người thận trọng trong lao động thơ. Ông coi trọng vần và nhạc. Câu thơ mực thước, đều đặn trong vẻ đẹp cổ điển". Hoàng Phủ Ngọc Phan không ngần ngại gọi "những bài thơ của Quang Huy là những bài thơ vượt thời gian". Còn Nguyễn Đức Tâm lại cho rằng "thơ Quang Huy có những bài thơ ngắn chỉ vài dòng nhưng nội dung, ý nghĩa của nó đã vượt ra khỏi sự hạn hẹp của câu chữ"…

Theo tôi, cuốn sách "Quang Huy - Tuyển tập thơ" sẽ hoàn chỉnh hơn nếu tránh được những hạt sạn. Không biết sơ xuất do đâu mà cuốn sách ngoài bìa đề rất trang trọng là "Tuyển tập thơ" nhưng bên trong phần mục lục lại thấy chia tách bạch ra làm ba phần: "Phần thơ", phần "Tấm lòng bè bạn" và… "Phần văn". Đáng nói gọi là "Tuyển tập thơ" nhưng phần văn cũng chiếm tới gần một trăm trang (93 trang), được tác giả dành để in toàn bộ tập truyện vừa thiếu nhi có tên "Hoa Xuân Tứ".

Một hạt sạn khác theo tôi cũng đáng nói. Ở trang 307 phần tiểu sử của tác giả đã được ghi rõ ràng đầy đủ: Tên khai sinh tác giả là Nguyễn Đình Huy, sinh ngày 5/6/1936. Năm 1956 dạy học ở Khu học xá Trung ương. Năm 1958 về dạy học ở Yên Thành và Vinh. Năm 1963 công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1965 công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An. Từ 1976 đến 1981: Trưởng phòng nghiệp vụ Nhà văn hóa trung ương, sau đó sang làm Trưởng ban Văn học hiện đại Nhà xuất bản Văn học, rồi sau đó giữ cương vị Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Vậy nhưng trên trang 179, ngay phần mở đầu bài viết của mình về Quang Huy, nhà thơ Vũ Quần Phương lại ghi: "Bút danh là tên thật. Sinh năm 5/9/936 xuất thân dạy học, sống nhiều năm ở Nghệ An, sau chuyển ngành làm biên tập văn học và giám đốc nhà xuất bản".

Những lỗi nêu trên dễ dàng có thể tránh được nếu người biên tập và cả tác giả kỹ lưỡng hơn, cẩn thận hơn

Huy Thắng
.
.