Quà Tết có còn là văn hóa truyền thống?

Thứ Bảy, 07/01/2017, 08:05
Tết Nguyên đán chưa cận kề nhưng thị trường đã sôi động quảng cáo các mặt hàng phục vụ tết. Càng về sau càng đa dạng, phong phú chủng loại, giá cả để người mua lựa chọn - trong đó có nhiều mặt hàng hấp dẫn làm quà biếu tặng nhân dịp tết đến, xuân về. Phong tục biếu quà tết cũng có nhiều thay đổi…


Xưa:

Hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, biếu tặng quà tết đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống lưu truyền cho các thế hệ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo đặc trưng vùng miền, tập quán, mỗi dân tộc có vật biếu và cách biếu khác nhau. 

Nhưng tựu trung lại, vật biếu ngày xưa là những sản phẩm của nền nông nghiệp quê mùa do họ làm ra. Cân gạo nếp thơm, cân gạo tẻ ngon, tấm bánh chưng, phong bánh khảo, chai rượu nếp cái nước đầu, miếng thịt ngon, cặp gà trống thiến béo ngậy, con vịt bầu béo tròn, gói mứt gừng, mứt lạc, hoa quả… 

Ở thị xã, thành phố thì sang trọng hơn, có hộp mứt thập cẩm, mứt sen, bánh cốm, bánh su sê, chai rượu mùi (rượu cam, rượu chanh, rượu ngũ gia bì…), chè ướp hương sen hương nhài, thuốc lá thơm…

Tranh Đông Hồ, một trong những quà tặng ngày tết xưa.

Người được tặng biếu trước tiên là ông bà, lão làng, người cao tuổi thường được biếu tấm lụa quý. Rồi đến bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, bậc trên dòng họ, cô dì, chú bác, anh chị ruột, những người đã giúp đỡ gia đình, con cái mình trong lúc khó khăn, túng bấn… 

Quà tết là sự biểu hiện lòng kính trọng, biết ơn, tri ân với tổ tiên, người sinh thành ra mình, giúp đỡ mình trong đường đời, cuộc sống. Tùy theo vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mối quan hệ mà biếu tặng những món quà khác nhau cho tương xứng, phù hợp. 

Nhiều người còn tặng nhau các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống thật đẹp - trong đó ẩn ý nghĩa, triết lý và ước mơ, mong muốn. Đàn lợn con béo tròn mũm mĩm vây quanh mẹ tượng trưng cho sự no đủ; gà mẹ giỏng tai, ngước mắt nhìn trời xòe cánh che chắn cho con cảnh giác lũ ó, diều tàn ác tượng trưng cho sự an toàn, bình yên. Hay bức Vinh hoa tặng cho các đôi mới cưới. Họ còn tặng chữ cho con trẻ với mong muốn con cái học hành giỏi giang, thành đạt…

Cùng với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, biếu quà tết còn là sự biểu hiện của đạo lý làm người, về lẽ sống, tình đời sâu đậm thấm đẫm chất nhân văn. Món quà biếu tặng thường không có giá trị lớn về tiền bạc và không ai phân biệt, so sánh thiệt hơn, nhiều ít. Cái lớn hơn trong những món quà đó là ý nghĩa, giá trị tinh thần ấm áp tình người. 

Quà tết cũng là sự sẻ chia, đồng cảm; nhắc nhở nghĩa vụ con cái với cha mẹ, ông bà; là sự gắn kết trong các mối quan hệ của các thành viên gia đình, họ hàng, cộng đồng sống có trách nhiệm với nhau. Quan trọng nhất là cái Tâm, thái độ và cách biếu tặng của người biếu và người nhận sao cho chân thành, ấm cúng, vui vẻ, và thực lòng tôn trọng và quý mến nhau…

Nay:

Sự chuyển động của nền kinh tế thị trường kéo theo một loạt thay đổi với con người và xã hội là tất yếu. Đồng tiền không có lỗi, mà lỗi là tự con người sử dụng nó. Về triết học, từ khi đồng tiền xuất hiện, đồng tiền có hai mặt. Khi đồng tiền được coi là phương tiện sống - càng có nhiều tiền ta càng mua sắm, ăn uống đầy đủ hơn, càng có điều kiện hưởng thụ sự chăm sóc y tế, thể thao, giải trí nâng cao chất lượng sống. 

Nhưng khi nó được coi là mục đích sống thì người ta sẵn sàng làm mọi cách để chiếm hữu nó: âm mưu, thủ đoạn, đút lót, chạy chọt mua quan bán tước… thậm chí cướp giật, giết người. Các cụ xưa đã tổng kết: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì?”. 

Các quy chuẩn mới bao giờ cũng có “độ trễ” và không theo kịp tốc độ chuyển biến của xã hội nên chưa thể ra ngay được hệ thống tiêu chuẩn để mọi người soi vào đó điều chỉnh nhận thức, hành động, hành vi đạo đức cá nhân. Thảng hoặc nhà nước tập trung vào lo kinh tế, nâng cao đời sống cho dân chưa quan tâm thỏa đáng, hoặc coi đó là chuyện nhỏ - nhưng thực chất đó là chuyện rất lớn của quốc gia, xã hội mà trong các văn kiện đại hội Đảng và Nhà nước luôn khẳng định lấy con người là trung tâm chiến lược, văn hóa là nền tảng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển.

"Gánh nặng" quà tết biến tướng.

Do bị thả lỏng, chưa định hình được những tiêu chí, tiêu chuẩn mới để áp dụng, nên trong lĩnh vực văn hóa đã biến tướng theo hướng không mong muốn – trong đó có việc biếu tặng quà tết. Việc biếu tặng quà tết diễn ra sôi động ở mọi thành phần xã hội, mọi cung bậc, đa dạng, phong phú cách thức. 

Với những kẻ động cơ không trong sáng thì đây là “cơ hội ngàn vàng” để đút lót các sếp đã tạo cơ hội cho mình “làm ăn” trúng quả kiếm lợi không chân chính, cho mình thăng quan, tiến chức để có điều kiện kiếm nhiều lợi lộc hơn nữa. 

Từ một phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống mang nặng tình người, quà tết giờ đây thành cuộc mặc cả, mua danh bán tước vô liêm sỉ, không còn nhân cách làm người tử tế. Tệ hơn, từ sự cạnh tranh, giành giật quyền chức sinh ra đấu đá, chèn ép, nói xấu nhau, lôi kéo sếp vào cuộc nhằm hạ bệ người khác một cách tàn nhẫn. Nội bộ lục đục mất đoàn kết, việc cơ quan bê trễ không hoàn thành nhiệm vụ…

Quà tết ngày nay không còn là món tiền nhỏ mà được “nâng cấp” tới mức độ chóng mặt. Sơn hào hải vị: Nào đặc sản yến sào, vi cá mập, sâm nhung, rượu, thuốc quý hiếm lùng tìm khắp năm châu bốn biển để biếu sếp - mà ngày xưa vua chúa chưa chắc đã được hưởng thụ. 

Thậm chí, biếu quà khủng là chiếc ôtô đời mới, giá nhiều tỷ đồng. Kín đáo và thuận tiện hơn là phong bì dày cộp đôla hay chuyển khoản một món tiền đủ mua một biệt thự sang trọng? Đến các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính thành tỷ phú đôla cũng không dám phóng tay đến thế. Đích thực đó là tiền tham nhũng, làm ăn phi pháp mà có.

Quà tết giờ đây đã mất đi nhiều ý nghĩa, người tặng, kẻ nhận chẳng cần suy nghĩ, đều vui vẻ và coi như một lẽ sống. Nó diễn ra công khai, phô trương, bô bô khoe với thiên hạ. Ai không theo phong trào thì bị coi là lạc hậu, cổ hủ, là “hâm”, là ngu, là mù, là điếc, không hiểu biết thời cuộc.

Trong khi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đi vận động từng đồng lẻ mua quần áo, chăn màn, giấy bút, chai nước mắm, gói mỳ tôm… vượt hàng trăm cây số giao thông trắc trở đến cứu trợ vùng lũ lụt; giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh đặc biệt khó khăn đói kém đứt bữa, thiếu thốn đủ thứ… Quả là nghịch cảnh đáng buồn!

Tôi không là người bảo thủ khư khư giữ tuyệt đối những tập tục truyền thống. “Nước dâng thì bèo nổi”, sự thay đổi là chuyện đương nhiên. Không ai có thể ngăn cản được xu thế thời đại và cấm đoán những cái đã thành truyền thống tốt đẹp của một dân tộc. 

Tôi hiểu trước đây nhiều lần Chính phủ đã có ý kiến, và gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương không về Hà Nội chúc tết, tặng quà lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ và không tặng quà lãnh đạo các cấp trong hệ thống hành chính - có ý là để phòng ngừa những tiêu cực trong giới quan trường. Nhưng thật khó thay. Chỉ khi con người thực sự thấy đó là cái xấu, cả xã hội lên án, bắt tận tay day tận mặt, kỷ luật thật nặng may ra mới dần xóa bỏ. 

Bằng cách này cách khác ai mà kiểm tra, kiểm soát được. Tuy nhiên, có điều chỉnh, thay đổi nào chăng nữa thì giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống không thể mất đi, mà sẽ tồn tại dưới dáng vẻ mới đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Điều quan trọng nhất là làm sao giữ được cái tâm vẫn sáng, cái tình vẫn trong. Sao cho người biếu tặng và người được biếu tặng đều chân thành, thực lòng, tôn trọng nhau, đều thấy hài lòng như những ngày xưa tốt đẹp - để quà tết không trở thành “gánh nặng” tài chính và mang nợ cho nhau…

Lưu Chí Thiện
.
.