Phong thủy – một “mã” văn hóa

Thứ Ba, 25/09/2018, 07:24
Ngày nay kiến thức về phong thủy như là một trào lưu xã hội ảnh hưởng đến nếp nghĩ, nếp sống của con người. Từ việc chọn đất, xem hướng nhà đến sắp xếp, bài trí vật dụng, sinh hoạt rồi chuyện tâm linh mồ mả… người ta đều "căn cứ" vào "phong thuỷ".


Hạt nhân khoa học của phong thuỷ là gì, can dự và chi phối của nó tới đời sống như thế nào không phải là mục đích của bài viết. Như tên gọi, bài báo chỉ nhìn nhận đó như là một mã văn hoá - tức đi xem xét biểu hiện và phân tích từ góc nhìn ký hiệu học văn hoá. Ngày nay khái niệm "phong thuỷ" được hiểu một cách khoa học chứ không mê tín như ngày trước, đó là hệ thống tri thức nghiên cứu sự ảnh hưởng của môi trường tới đời sống con người. Phong thủy là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, như hướng gió, hướng khí, mạch nước, địa hình, cây cối, nhà cửa, đường sá… đặc biệt là con người.

Cũng xin nhấn mạnh quan niệm của nhiều trường phái hiện đại về phong thuỷ trên thế giới đều khẳng định "vật phong thuỷ" tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là con người. Đất tốt, nhà đúng hướng, bài trí cây cối, các "vật phong thuỷ"… được đặt đúng chỗ, hợp lý mà con người tâm bất an, vẫn "tham, sân, si" hay đố kỵ, ghen ghét, lắm mưu nhiều kế để làm giàu hay sợ hãi, hoang mang… thì có nhiều tiền lắm của cũng chỉ là trước mắt.

Con người nhân hậu khoan hoà, điềm đạm, tử tế, thật thà, tâm trong như suối nguồn, tính sáng như sao… thì trước sau cũng vào bậc "đại phú quý"! Thế nên ngày xưa các cụ ta dựng vợ gả chồng cực kỳ khắt khe là rất đúng "phong thuỷ".

Một trong 8 cảnh đẹp ở làng Mộ Trạch, Hải Dương.

Câu tục ngữ "Lấy vợ đàn bà làm nhà hướng Nam" cũng rất "phong thuỷ". Vô phúc cho ai lấy vợ không phải đàn bà, tức không đủ "công, dung, ngôn, hạnh" nanh nọc, chua ngoa, lười biếng, cay nghiệt… Xứ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm thì nhà hướng Nam là tốt nhất, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông…

Phong thủy mang tư tưởng triết học phương Đông cổ ra đời căn cứ trên nguyên lý "Thiên địa nhân hợp nhất" (trời, đất, con người hợp nhất với nhau. Con người là tiểu vũ trụ, mang đầy đủ các yếu tố và quy luật vũ trụ). Người xưa quan niệm hình thế, hướng gió, dòng chảy, mồ mả… có thể đem lại họa phúc cho người đang sống hoặc con cháu sau này. Ý nghĩa của nó không có gì huyền bí.

"Phong" là gió, đưa khí vào làm ngôi nhà luôn mát mẻ, thông thoáng tạo cho con người cảm giác thoải mái, dễ chịu. "Thủy" là nước, có nước ngầm, nước nổi quy định hình thế và khí hậu của cả vùng. Ngày nay các khu đô thị lớn thường có hồ nước vì đó là cái "máy điều hoà" tự nhiên… Một ngôi nhà có phong thuỷ đẹp là lưng tựa vào núi, hướng ra sông biển bao la thoáng đãng.

Từ góc nhìn này thì Vua Lý Công Uẩn là người cực giỏi phong thuỷ khi chọn đất Thăng Long "khu vực giữa trời đất, có được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính vị Đông, Tây, Nam, Bắc, phía trước là sông phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi bằng phẳng, đất ở đấy cao ráo sáng sủa… là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ, là đất của kinh sư muôn đời" (Chiều dời đô).

Nhìn trên bản đồ cũng cho thấy Thủ đô là nơi "phong tàng thuỷ tụ", tựa lưng vào các dãy núi Tây Bắc, Đông Bắc, là nơi hội tụ của các dòng sông Đà, sông Hồng, sông Lô uốn lượn chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Hai bên phải trái là các dãy Tam Đảo, Ba Vì tạo thành vòng cung thế "tay ngai"… Trước mặt là đồng bằng Bắc Bộ, xa hơn là Biển Đông mênh mông (thuật ngữ phong thuỷ cổ gọi là minh đường)…

Như vậy phong thuỷ là cách để lý giải hình thế tự nhiên và nhận xét, đánh giá về con người và cuộc sống. Phong thuỷ còn là mã ký hiệu về ý chí tự cường, tự chủ, tự tôn dân tộc. Các truyền thuyết về Cao Biền - phù thuỷ kiêm thầy địa lý xứ phương Bắc có tài hô mưa gọi gió, tài trấn yểm nhưng đều thất bại thảm hại trước thần Long Đỗ - biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng của thành Thăng Long và bất lực trước "vượng khí" các "long mạch" Đại Việt.

Tương truyền Cao Biền thường cưỡi diều giấy bay khắp trời Nam, thấy chỗ đất tốt là "trấn yểm". Một lần bay đến vùng đất thiêng Ba Vì thì diều bị gẫy cánh, Cao Biền ngửa lên trời mà than rằng đất này "địa linh nhân kiệt" khí thiêng rất mạnh sẽ còn "phát đế phát vương" nhiều… Truyền thuyết "tứ trấn Thăng Long", về bản chất cũng là "phong thuỷ". Chữ "trấn" ở đây được hiểu là ngăn cản, giữ gìn, bảo vệ, mà cụ thể là ngăn cản sự "trấn yểm" của Cao Biền để bảo vệ Thăng Long "đệ nhất đại huyệt mạch đế vương quý địa" (huyệt mạch đế vương tốt nhất, quý nhất).

"Tứ trấn" thường được hiểu theo nghĩa chỉ bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông; Đền Voi Phục trấn phía Tây; Đền Kim Liên trấn phía Nam; Đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau nhưng có điểm chung đều là võ thần, tức các thần có sức mạnh để chống lại kẻ xấu.

Phong thuỷ còn là "mã" để cắt nghĩa vì sao dòng họ này phát vương, dòng họ kia lụn bại… Trong văn xuôi tự sự chữ Hán thời trung đại thì hầu như quyển nào cũng đều nói tới chuyện này. Ví như ở "Hoan Châu ký" thì giải thích nhà Nguyễn Cảnh phát công khanh là may mắn gặp được nhà phong thuỷ giỏi táng mộ tổ vào nơi "quý địa"…

Cắt nghĩa nhà Trần phát vương cũng là nhờ được thầy địa lý Đoàn Thông đặt ngôi mộ cụ tổ Trần Tự Mai vào "long mạch". Cái lõi sự thật của huyền thoại này có lẽ lại đi theo hướng khác: vì ủng hộ nhà Trần lên ngôi mà dân gian không muốn hiểu theo hướng tiêu cực là do những mưu mô của Trần Thủ Độ!?...

Chuyện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua được dân gian lý giải là nhờ tài bơi lặn nên ông đã táng bộ hài cốt cha mình vào "hàm rồng" ở tận dưới vực sâu… thì "hạt nhân hợp lý" là sự khẳng định tài năng và bản lĩnh của vị vua này…!?

Để những câu chuyện thêm phần mờ ảo, thi vị, hấp dẫn nên truyền thuyết (cả văn học viết) nâng "phong thuỷ" thành một nét thi pháp. Có thể gọi đó là thi pháp siêu thực. Ví dụ để giải thích thuyết "địa linh nhân kiệt" thì phải miêu tả vùng đất ấy mang tính kỳ lạ, khác biệt. Hẳn nhiên sự miêu tả phải có điểm tựa là sự thật thực tế. Mộ Trạch (Hải Dương), một ngôi làng nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ nhưng hội tụ bao điều kỳ diệu, là làng nhiều tiến sỹ nhất, có nhiều học giả, nhiều nhà văn, nhiều võ tướng…

Cắt nghĩa điều này, Hoàng giáp Vũ Cán viết "Mộ Trạch bát cảnh" (thế kỷ XVI) miêu tả sinh động tám cảnh đẹp thiên tạo và nhân tạo của làng, trong đó có "huyệt mạch" quý qua hình tượng Diên Phúc tỉnh tuyền (Giếng chùa Diên Phúc) mặc dù nằm trong vùng đất chua mặn mà nước giếng bao giờ cũng ngọt, không bao giờ cạn cũng không bao giờ đầy…

Làng Hành Thiện (Nam Định) nổi tiếng được miêu tả là vùng đất hình con cá chép, đầu làng là đuôi, cuối làng là đầu, phía Tây là bụng, phía Đông là lưng. Cá lại đang trong tư thế bơi và chuẩn bị vượt vũ môn… Nhờ vậy làng luôn là miền đất học sản sinh bao học trò nổi danh…

Hiện nay kiến thức phong thuỷ được nghiên cứu ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới, sự ứng dụng được quy vào ba lĩnh vực, quy hoạch kiến trúc; xây dựng nhà ở dân sinh; xây dựng các thiết chế văn hoá. Trước đây chủ yếu gắn với nông thôn thì thời hiện đại "phong thuỷ" lại rất phát triển ở thành phố, vì quan niệm đô thị như một cơ thể sống, cảnh quan là hình thể; các hoạt động, nhịp điệu sống như hệ thần kinh; giao thông như hệ tuần hoàn… Con người ta lại đang cố trở về với quan niệm xưa Thiên - Địa - Nhân hợp nhất!

Nguyễn Thanh Tú
.
.